Ngày 13-3, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng; các Phó Thủ tướng: Trương Vĩnh Trọng, Nguyễn Thiện Nhân, Hoàng Trung Hải đã làm việc với lãnh đạo Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam (VNPT), Tổng Công ty viễn thông Quân đội (Viettel) và Tập đoàn Công nghiệp cao-su Việt Nam.

Phát biểu ý kiến tại buổi làm việc với VNPT và Viettel, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, hai đơn vị chủ lực trong ngành công nghệ thông tin (CNTT) cần khẩn trương xây dựng chiến lược phát triển, đưa nước ta trở thành cường quốc về công nghệ thông tin. Thủ tướng đánh giá cao những thành tựu mà VNPT và Viettel đạt được trong lĩnh vực công nghệ thông tin , nhất là trên lĩnh vực viễn thông, hai đơn vị này đã "đi tắt đón đầu" hội nhập thành công, góp phần quan trọng phục vụ đắc lực sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Nổi bật là việc hai đơn vị chủ lực đã đầu tư hệ thống hạ tầng đồng bộ từ trạm phát sóng, cáp quang... phát triển nhanh điện thoại cố định, di động và in-tơ-nét, từ đó phát triển ngành công nghiệp phụ trợ như cáp quang và tổng đài, tạo lập được thương hiệu trong và ngoài nước.
 
Thủ tướng biểu dương VNPT và Viettel trong năm 2008, mặc dù có lúc lạm phát tăng cao, nhưng hai đơn vị đã tích cực giảm giá các dịch vụ, góp phần nâng cao năng suất và hiệu quả sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp (DN), đáp ứng yêu cầu phục vụ quốc phòng an ninh, phòng, chống thiên tai và các chính sách xã hội... thông qua đó, doanh thu, lợi nhuận và đời sống cán bộ, công nhân ngày càng tăng. Hai đơn vị đã hình thành DN phù hợp cạnh tranh trong cơ chế thị trường, mở ra triển vọng đẩy mạnh công nghệ thông tin. Thủ tướng nhấn mạnh, VNPT và Viettel cần xem công nghệ thông tin là lĩnh vực mũi nhọn để bứt phá, mở ra triển vọng phát triển kinh tế tri thức và xây dựng đơn vị trở thành tập đoàn công nghệ thông tin lớn trong khu vực và thế giới. Thủ tướng cũng chỉ ra những hạn chế về đầu tư hạ tầng, triển khai công nghệ 3G và chính phủ điện tử chậm, bộ máy và cơ chế chính sách còn nhiều vướng mắc, chất lượng dịch vụ hạn chế...

Về kế hoạch phát triển của VNPT và Viettel, trong thời gian tới để đáp ứng yêu cầu hội nhập, Thủ tướng nêu rõ mục tiêu là phải đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về công nghệ thông tin. Do vậy, hai đơn vị cần cập nhật liên tục về công tác quản lý cũng như công nghệ, đáp ứng yêu cầu CNH, HÐH đất nước. Trên tinh thần này, Thủ tướng đề nghị, hai đơn vị xây dựng chiến lược phát triển cụ thể, từ đó có kế hoạch phát triển ngắn và dài hạn về cán bộ, tài chính... Riêng VNPT, phải xây dựng kế hoạch phát triển cụ thể đối với bưu chính và viễn thông, đồng thời tính toán lại mô hình công ty mẹ, công ty con hạch toán độc lập phù hợp điều kiện phát triển. Thủ tướng cho phép Viettel thành lập tập đoàn theo mô hình công ty mẹ, công ty con và lưu ý hai đơn vị này trong công tác bảo mật và an ninh mạng.

Nhân dịp này, Thủ tướng đã đồng ý một số cơ chế chính sách liên quan đến đầu tư, đấu thầu, tiền lương... của VNPT và Viettel.

Tại buổi làm việc với Tập đoàn Công nghiệp cao-su Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Cây cao-su là một lợi thế của Việt Nam, góp phần xóa đói, giảm nghèo và phục vụ tích cực trong tiến trình công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn, nhất là ở các khu vực vùng sâu, vùng xa và vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Do đó, việc phát triển ngành công nghiệp cao-su là một chủ trương đúng của Ðảng và Nhà nước, trong đó Tập đoàn Công nghiệp cao-su Việt Nam là lực lượng nòng cốt áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất từ khâu lựa chọn giống, chăm sóc cây trồng đến công nghiệp chế biến, thu mua, tiêu thụ, giá cả... Thủ tướng biểu dương Tập đoàn Công nghiệp cao-su đã triển khai chương trình phát triển cao-su ở Tây Nguyên, Tây Bắc, tạo việc làm và thu nhập cho đồng bào các dân tộc nơi đây cũng như việc triển khai đầu tư chế biến sâu các sản phẩm cao-su. Bên cạnh việc tái canh - trồng mới, mở rộng diện tích trồng cao-su, cần quan tâm hơn nữa tới năng suất, chất lượng, đặc biệt là công nghiệp chế biến, đồng thời tính toán tới kinh doanh quốc tế để tăng hiệu quả mang lại từ cao-su.

Ðể phát huy hiệu quả sản xuất kinh doanh, Thủ tướng chỉ đạo Tập đoàn cần chuyển đổi các công ty cao-su sang hoạt động theo mô hình công ty TNHH một thành viên, khi điều kiện thuận lợi sẽ tiếp tục cổ phần hóa. Khẩn trương lập dự án cụ thể đối với việc sử dụng quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp để đầu tư vào các dự án phát triển trồng mới diện tích cao-su đã quy hoạch ở Tây Nguyên, Tây Bắc; thực hiện cam kết với Lào và Cam-pu-chia. Chính phủ sẽ có kế hoạch cấp nguồn vốn ngân sách để đầu tư cho các hạng mục như điện, đường, trường học, trạm y tế để trợ giúp việc phát triển ngành cao-su và bảo đảm đời sống đồng bào vùng Tây Nguyên, Tây Bắc. Ðối với kế hoạch phát triển dự án cao-su sang Lào, Cam-pu-chia, Thủ tướng đề nghị Tập đoàn phối hợp thực hiện tốt thỏa thuận giữa các Chính phủ về chương trình hợp tác đầu tư trồng 100.000 ha cao-su./.