TCCSĐT - Ngày 26-5-2017, tại thành phố Quảng Ngãi, Tỉnh ủy Quảng Ngãi và Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học “Xây dựng Đảng về đạo đức trong giai đoạn hiện nay”.

Tham dự Hội thảo có trên 170 đại biểu là cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhà nghiên cứu, nhà khoa học… ở các cơ quan, vụ, viện, của trung ương và nhiều địa phương tỉnh, thành trong cả nước. Đã có gần 60 bản báo cáo tham luận gửi về Hội thảo. Với hơn 20 ý kiến tham luận phát biểu tại Hội thảo, trước hết các đại biểu khẳng định, từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta luôn coi trọng công tác xây dựng Đảng, trong đó có vấn đề rèn luyện đạo đức của cán bộ, đảng viên.

Theo báo cáo đề dẫn của GS, TS. Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, từ khi thực hiện đường lối đổi mới, bắt đầu từ Đại hội lần thứ VI đến nay, Ban Chấp hành Trung ương Đảng các khóa đều ban hành nghị quyết về xây dựng chỉnh đốn Đảng, trong đó vấn đề nâng cao đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên luôn được xác định là một nội dung quan trọng, riêng Nghị quyết Đại hội lần thứ XII, nội dung xây dựng Đảng về đạo đức là một nội dung độc lập, đặt ngang hàng với xây dựng Đảng về chính trị tư tưởng và tổ chức.

Phát biểu tham luận tại Hội thảo các đại biểu đều nhất trí, trong giai đoạn cách mạng mới của đất nước, vừa hội nhập vừa phát triển, xây dựng Đảng về đạo đức là xây dựng Đảng từ “gốc” hay khác hơn đó là xây dựng sức mạnh nội sinh là nhân tố nền tảng để xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức.

Nhiều đại biểu nhấn mạnh, trong giai đoạn hiện nay, xây dựng Đảng về đạo đức là nhu cầu cấp thiết, cấp bách có ý nghĩa sống còn đối với Đảng, đối với chế độ. Sự cấp thiết và cấp bách thể hiện rõ khi xây dựng Đảng về đạo đức là một biểu hiện sinh động, đổi mới tư duy của Đảng trong công tác xây dựng Đảng cũng như nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng trong giai đoạn cách mạng mới.

Xây dựng Đảng về đạo đức còn nhằm ngăn chặn đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên, và cũng nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.

Trong bối cảnh, sự thay đổi nhanh chóng của tình hình thế giới cũng như đất nước, yêu cầu đặt ra đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên là phải có năng lực tư duy, đủ khả năng giải quyết những vấn đề thực tiễn phức tạp luôn nảy sinh, ngoài bản lĩnh chính trị vững vàng cần phải rèn luyện đạo đức để không bị sa ngã trước các cám dỗ.

Qua một ngày làm việc các đại biểu đã thống nhất nhận thức về quan niệm, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác xây dựng Đảng về đạo đức, phân tích làm rõ, cụ thể hóa các nội dung xây dựng Đảng về đạo đức trong các tổ chức, cơ quan, đơn vị, đặc biệt là làm rõ hệ thống chuẩn mực các mối quan hệ của đảng viên với các tổ chức Đảng và với nhân dân, làm rõ thực trạng và những vấn đề đặt ra cần quan tâm giải quyết cũng như mối quan hệ hữu cơ và phương thức thực hiện công tác xây dựng Đảng về đạo đức gắn liền với thực hiện cuộc vận động học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Các đại biểu cũng đề ra các giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả xây dựng Đảng về đạo đức, trước hết là nghiêm túc thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ IV, khóa XII về tăng cường xây dựng chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn đẩy lùi suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện tự chuyển biến, tự chuyển hóa trong nội bộ. Trước các nguy cơ mà nghị quyết của Đảng đã chỉ rõ, xây dựng Đảng về đạo đức không chỉ là lý tưởng mà còn là hành vi thực chất, có hiệu quả, có lợi cho nhân dân, cho Đảng, cho chế độ./.