Thị trường bán lẻ Việt Nam khi các nhà phân phối nước ngoài nhập cuộc
1. Về sức mua. Theo Tổng cục Thống kê, 7 tháng đầu năm 2008, mức chi dùng hàng hoá - dịch vụ đạt bình quân 886 nghìn đồng/người/ tháng, tăng 29,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, vì so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 27% nên lượng hàng hóa tiêu thụ có thể coi như không thay đổi. Song, từ tháng 8-2008, chỉ số CPI bắt đầu chững lại và giảm liên tục cho đến các tháng cuối năm. Trong 3 tháng đầu năm 2009 CPI tăng 14,47% so với 3 tháng đầu năm 2008. Tuy nhiên, sức mua vẫn còn dè dặt. Đây là điều dễ hiểu vì trên 70% dân số nước ta sống phụ thuộc vào nông nghiệp - một nền nông nghiệp còn kém bền vững, phổ biến vẫn là sản xuất nhỏ, phân tán, chưa kể còn nhiều hộ nghèo thuộc 61 huyện nghèo nhất nước của 22 tỉnh, thậm chí, còn chưa “tiếp cận” được với cơm nên càng không có khái niệm về sức mua hàng hóa.
Tuy vậy, con số bình quân 886 nghìn đồng/đầu người nói trên lại là rất nhỏ đối với tầng lớp có thu nhập cao, hoặc rất cao. Đối với họ, khoản chi dùng hằng ngày chỉ là “chuyện nhỏ”, khoản chi tiêu mà họ quan tâm là tiền ra sân gôn, mua biệt thự, lên sàn chứng khoán... Vì vậy, nếu nói thị trường bán lẻ Việt Nam hấp dẫn thì nên hiểu rõ chỉ đúng với một bộ phận người giàu, có thu nhập cao. Nhưng vấn đề đặt ra tiếp theo là hàng gì hấp dẫn và mua ở đâu?
2. Về nhu cầu đa dạng đốivới hàng hóa. Ngày nay, bất luận hàng hoá gì, được mua bao nhiêu, ở đâu, lúc nào, cho ai... đều vừa sẵn có, vừa đủ dịch vụ kèm theo đáp ứng người tiêu dùng. Hằng năm, Nhà nước tổ chức nhiều cuộc trao giải thưởng cho những doanh nhân thành đạt, các sản phẩm đạt chất lượng cao. Trên mặt trận xuất khẩu, một số loại hàng của Việt Nam xếp thứ hạng cao và dòng chữ “Sản xuất tại Việt Nam“ đã trở nên quen thuộc trên nhiều thị trường quốc tế. Các cơ quan chức năng, báo chí cũng rất tích cực tham gia phát hiện, dùng công luận góp phần ngăn chặn những hành vi gian lận thương mại. Song, tất cả những việc làm đó vẫn chưa đủ mạnh và chưa đạt hiệu quả cao. Người tiêu dùng vẫn còn trăn trở nhiều về hàng nội.
Nhiều nguời giàu có bắt đầu lãnh đạm với hàng nội. Tiêu dùng của họ phải là gạo Thái, Pizza Ý, kem Mỹ, thịt bò Úc, cá hồi Bắc Âu, đùi gà Mỹ... Và cứ đà chăn nuôi còn trì trệ thì một nước nông nghiệp như nước ta sẽ phải nhập khẩu thịt, hoa quả, không phải vì người Việt Nam không sản xuất được, mà là vì người tiêu dùng không tin tưởng vào mức độ an toàn của sản phẩm khi tiêu dùng, nhất là mặt hàng ăn uống. Điều đáng buồn là không chỉ thực phẩm, mà cả hàng hóa khác người tiêu dùng cũng lựa chọn của ngoại như đồ gỗ và nội thất Nhà xinh của Xin-ga-po, sứ Giang Tây (Trung Quốc)... và, đến như muối, một mặt hàng mà Việt Nam với chiều dài đường biển trên 3000 km nay cũng phải nhập khẩu. Đối với hàng dệt may, trên thị trường nội địa, loại bình dân đã bị hàng may mặc Trung Quốc lấn sân, còn loại cao cấp thì bị hàng Thái-lan, Hàn Quốc, Xin-ga-po tranh giành. Có đơn vị kinh doanh đã cố gắng kiên định không cho hàng ngoại tràn vào hệ thống siêu thị của ngành mình, song sau đó doanh thu đã bị giảm sút vì người mua không hào hứng bởi chất lượng, giá cả.... Vì thế, xin đừng trách dân ta sính dùng hàng ngoại, mà phải “tiên trách kỷ”, song, biết trách ai?
Vậy hàng ngoại sẽ ngày càng hấp dẫn - đồng nghĩa với việc thị trường bán lẻ Việt Nam phụ thuộc vào hệ thống phân phối bên ngoài. Sự phụ thuộc đó còn được “củng cố“ từ chính hàng sản xuất tại Việt Nam vẫn chủ yếu bằng nguyên phụ liệu, giống má, thiết bị, thức ăn, phân bón, chất kích thích, thuốc phòng, chữa bệnh… phải nhập khẩu với tỷ trọng lớn đến khó tin.
Người bình dân không đủ lực để vào các siêu thị văn minh nên chỉ thuỷ chung với mạng lưới bán lẻ lộn xộn, mua tất tả trước lúc đi làm, chọn vội vàng sau giờ làm việc. Khi màn đêm buông xuống, sự chộn rộn đó nhường chỗ cho quán xá la liệt choán cả vỉa hè, tràn xuống lòng đường. Loại hình này, đáng tiếc là không thể một sớm một chiều bị thu hẹp, mà thậm chí, theo sự gia tăng dân số, cùng làn sóng di dân vào thị thành, khu công nghiệp, sẽ càng bùng nổ, đi vào từng xóm nhỏ, ngõ ngách, làm cho bộ mặt đô thị thêm nhếch nhác.
Mạng lưới bán lẻ Việt Nam từng được cung ứng bằng hệ thống phân phối bài bản, khép kín. Sản phẩm từ nhà máy, đồng ruộng, đến nhập khẩu… đều được giao cho mậu dịch quốc doanh cung cấp tới tỉnh, huyện và về tận thôn, bản với trợ thủ là các hợp tác xã mua bán. Vì là chủ lực, nên mậu dịch quốc doanh trước đây được dành các vị trí “đắc địa” để lập kho tàng, mở cửa hàng, biên chế đội ngũ làm giao nhận, vận tải. Song khi chuyển sang thời kỳ kinh tế thị trường, chuyển đổi cơ chế, hệ thống trên bị sa sút, nhiều vị trí đã được chuyển nhượng cho các hội, sở, các ngành, ngân hàng, bảo hiểm, bưu chính - viễn thông, dịch vụ du lịch, hoặc cho thuê, đưa vào liên doanh... Trước thực trạng đó, đã ra đời các dạng thức phân phối mới, tạm phác họa như sau:
- Dạng chính quy của các “đại gia” gồm một số là “hậu duệ” của mậu dịch quốc doanh chuyển sang cơ chế mới. Dạng thức này có cơ sở vật chất khá tốt, có thương hiệu, song chỉ đếm trên đầu ngón tay, chứ không bao quát được toàn bộ thị trường bán lẻ bao la trên toàn quốc.
- Dạng tự biên tự diễn của các xí nghiệp sản xuất, mở cửa hàng giới thiệu sản phẩm hoặc đặt đại lý bán hàng. Nhà nhập khẩu cũng sử dụng mẫu hình này cho đầu ra hàng của mình, vì họ không phải đầu tư nhiều mà vẫn có lợi nhuận tốt do bớt được phí trung gian, mua “tận gốc”, bán “tận ngọn”, lại trực diện với khách hàng, nắm bắt nhanh nhu cầu để cải tiến sản xuất hoặc lập đơn hàng nhập khẩu mới.
- Cơ động, đông đảo nhất là dạng “du kích” phục vụ cho mạng lưới bán lẻ cận kề với hàng chục triệu người bình dân. Từ sáng tinh mơ, từ chợ đầu mối, lò mổ, công xưởng, miệt vườn… lũ lượt các phương tiện dân dã vun vút lao về các điểm để bỏ mối tận hang cùng ngõ hẻm, bươn chải mưu sinh.
Ba dạng thức trên tồn tại độc lập, khó liên kết. Hệ lụy là bức tranh tổng thể của hệ thống phân phối bán lẻ khập khiễng, cơ sở vật chất nói chung sơ sài; bán hàng và thanh toán chủ yếu theo phương thức truyền thống; hàm lượng thông tin mỏng; quan hệ giữa nhà bán lẻ với người tiêu dùng còn sơ khai; hệ thống luật pháp điều chỉnh các quan hệ thị trường, chế tài kiểm tra chưa đầy đủ; cơ hội để các nhà bán lẻ tiếp cận nguồn vốn, nguồn đất đai rất hạn chế…
Động thái này cũng đã tác động thúc đẩy một số doanh nhân trong nước vươn lên, chủ động tạo ra mặt hàng mới, chất lượng cao, đổi mới phương thức phục vụ, giữ vững thị phần. Chẳng hạn, Công ty Cà phê Trung Nguyên đã mở gần 100 cửa hàng G7 Mart thành chuỗi các cửa hàng trong hệ thống phân phối của mình. Tập đoàn Phú Thái – Hà Nội tập hợp được 6 thành viên, với 13 trung tâm phân phối và 8 trung tâm kho vận và đang phân phối 3.000 sản phẩm trên phạm vi cả nước. Công ty Sữa Việt Nam (VINAMILK) mở 2.000 đại lý tiêu thụ trong cả nước, doanh thu bán lẻ tăng từ 15% đến 30%, với 200 mặt hàng từ sữa và còn vươn ra xuất khẩu. Nhờ sự phát triển này, người tiêu dùng Việt Nam có nhiều cơ hội lựa chọn, nâng cao trình độ tiêu dùng để tiếp cận với mặt bằng tiêu dùng của khu vực và quốc tế.
Tiếc rằng, đó chỉ là số ít, còn hầu hết các đơn vị phân phối nội địa đều lấn bấn, cố gắng duy trì chứ chưa nói đến phát triển. Vì thế, việc các hãng phân phối nước ngoài “qua mặt” hệ thống phân phối bán lẻ thuần Việt để chiếm khách hàng, thế chân vào các vị trí hiện hữu chỉ còn là thời gian, nếu chúng ta vẫn “bình chân như vại”. Tình huống này càng rõ nét bởi xu hướng hội nhập ngày càng sâu, phải thực hiện các cam kết đã thỏa thuận của phía Việt Nam. Đáng chú ý là, nếu chúng ta không chủ động thích nghi với hình thái mới để hướng dẫn người tiêu dùng mới, thì sẽ còn nảy ra những điều khác với thế giới, như món ăn nhanh (Fastfood) - vốn phục vụ cho nhu cầu cần ăn nhanh, với giá rẻ, nhưng khi “nhập cư” vào Việt Nam lại trở thành món ăn chậm, xa xỉ cho người nhiều tiền.
Tựu trung lại, hiện đại đa số người Việt Nam vẫn phải chung thuỷ với hàng hoá cổ truyền, mạng lưới truyền thống và phương thức cũng truyền thống theo kiểu “tiền trao cháo múc”. Vì vậy, để chúng ta có thể khai thác chính thị trường bán lẻ của mình trong khi những điều kiện xuất khẩu còn gặp nhiều khó khăn, đồng thời để thị trường bán lẻ Việt Nam - một thị trường rộng lớn đầy sức hấp dẫn với nhiều phân tầng tiêu thụ khác nhau, đã được phía nước ngoài chú ý tới nhằm tiếp cận, mở rộng, thích ứng được trong bối cảnh mới, chắc chắn cần có các giải pháp tổng thể, đồng bộ, song trước mắt, các việc cần làm ngay là:
Thứ nhất, sớm có hệ thống luật liên quan tới bán lẻ như Luật Bán lẻ, Luật Chất lượng sản phẩm, Luật Vệ sinh, an toàn thực phẩm, Luật Bảo vệ người tiêu dùng… Bổ sung các quy chuẩn hiện có để hướng dẫn kinh doanh bán lẻ phát triển lành mạnh và làm cơ sở cho các cơ quan chức năng thực hiện việc kiểm soát thị trường.
Thứ hai, quy hoạch tổng thể ngành bán lẻ trong cả nước và từng địa phương. Từ đó, đầu tư nâng cấp kết cấu hạ tầng thương mại theo hướng văn minh, hiện đại, trước mắt, tập trung cho các chuỗi siêu thị bán lẻ, hệ thống các chợ.
Thứ ba, tổng kết mô hình liên kết giữa 4 doanh nghiệp phân phối, bán lẻ hàng đầu nội địa là Hapro - Satra - Saigon Co.op - Tập đoàn Phú Thái, từ đó mở rộng việc liên kết giữa các nhà bán lẻ; giữa nhà bán lẻ với nhà sản xuất và với nhà nhập khẩu để cùng nhau có hành động chung từ khai thác nguồn hàng, chế biến, phân phối cho mạng lưới bán lẻ.
Thứ tư, có định chế tài chính, tín dụng, chính sách đầu tư, đất đai thích hợp để hỗ trợ thực hiện quy hoạch xây dựng hạ tầng thương mại. Trong giải pháp cả gói hàng tỉ USD kích cầu đầu tư cũng nên có dự án đầu tư trực tiếp mang lại hiệu quả cho hoạt động thương mại, sản xuất hàng xuất khẩu và xuất khẩu, tổ chức lại thị trường nội địa để tác động trực tiếp đến kích cầu tiêu dùng cá nhân.
Thứ năm, đẩy mạnh cuộc vận động “Toàn dân dùng hàng Việt Nam”. Hiệp hội Bán lẻ và Siêu thị phải làm đầu mối vận động các đơn vị hội viên tăng cao tỷ trọng hàng Việt Nam tại các trung tâm bán lẻ và siêu thị, kết hợp với các biện pháp quảng cáo, khuyến mại chân thực.
Bao trùm lên hàng loạt những công việc đó, cần có “nhạc trưởng” để điều hành “Dàn đại hợp xướng bán lẻ Việt Nam” cất tiếng ca hùng tráng trong lộ trình hội nhập./.
Công bố nghiên cứu thích ứng biến đổi khí hậu  (29/04/2009)
Ngày Thế giới về an toàn và sức khoẻ tại nơi làm việc  (29/04/2009)
Ngày Thế giới về an toàn và sức khoẻ tại nơi làm việc  (29/04/2009)
Những người sống vì mọi người  (29/04/2009)
Những người sống vì mọi người  (29/04/2009)
Thế giới tập trung đối phó với dịch cúm lợn  (28/04/2009)
- Kinh nghiệm quản lý thị trường vàng của một số quốc gia và hàm ý chính sách cho Việt Nam
- Thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cho phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ
- Chiến lược triển khai quyền chỉ huy, kiểm soát biển của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và một số tác động
- Một số chính sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm