TCCSĐT - Ngày 23-8, tại Hà Nội, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) tổ chức Hội thảo “Cơ sở khoa học xây dựng kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng cho Việt Nam - phiên bản 2015”.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS. TS, Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Môi trường Trần Thục cho biết, những năm qua, Việt Nam là một trong những nước chịu tác động nặng nề của biến đối khí hậu, đặc biệt là nước biển dâng. Nhận thức rõ tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu đến sự phát triển bền vững của đất nước, cũng như những cơ hội do biến đổi khí hậu có thể mang lại, đồng thời xác định việc ứng phó với biến đổi khí hậu có ý nghĩa sống còn đối với Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu (năm 2008), Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu (năm 2011), Kế hoạch hành động quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn 2012 - 2020 (năm 2012). Ban Chấp hành Trung ương Đảng cũng ban hành Nghị quyết số 24 NQ/TW, ngày 3-6-2013 về “Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường”. Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao nhiệm vụ “Cập nhật kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng cho Việt Nam để công bố vào các năm 2014 - 2015 và 2019 - 2020”. 

Trên thực tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã công bố Kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng cho Việt Nam vào năm 2009, cập nhật vào năm 2011. Có thể nói, kịch bản biến đổi khí hậu là một cấu thành quan trọng của quá trình đánh giá tác động biến đổi khí hậu, phục vụ việc xây dựng và triển khai kế hoạch hành động của các bộ, ngành, địa phương nhằm thích ứng và giảm thiểu tác động tiềm tàng của biến đổi khí hậu. 

TS. Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Khí tượng, Khí hậu, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Môi trường trình bày những nét cơ bản về Kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng trong báo cáo lần thứ năm của Ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC), bao gồm: nội dung và lộ trình cập nhật AR5; biểu hiện của biến đổi khí hậu, nước biển dâng; các kịch bản khí nhà kính; phương pháp xây dựng kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng; kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng trong tương lai gần và xa; tính chưa chắc chắn của các kịch bản; Át - lát kịch bản biến đổi khí hậu toàn cầu và khu vực.

Theo TS. Hoàng Đức Cường, kịch bản của IPCC tập trung đánh giá nguyên nhân gây biến đổi khí hậu, tác động của biến đổi khí hậu và dự báo biến đổi khí hậu trong tương lai và cho rằng, biến đổi khí hậu vẫn là vấn đề nóng, là thách thức của nhân loại trong thế kỷ này. Trong đó, đặc biệt chú ý đến xu hướng tăng lên của nhiệt độ ở quy mô toàn cầu. Ở giai đoạn 1850 - 1930, xu thế biến đổi của nhiệt độ trung bình toàn cầu không hề thay đổi, nhưng từ năm 1931 đến nay, nhiệt độ toàn cầu tăng mạnh. Giai đoạn 1998 - 2012 nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng gấp trên 2 lần so với giai đoạn trước. Xu thế biến đổi của nhiệt độ mặt nước biển tăng mạnh trong giai đoạn 1950 - 2011, điều đó gây giãn nở nhiệt ở khu vực đại dương, là nguyên nhân dẫn đến tình trạng nước biển dâng. Diện tích băng phủ trên Trái đất giảm tương đối rõ. Dự đoán rằng đến năm 2100, có thể sẽ không còn băng ở Bắc cực. 

Báo cáo “Dự tính khí hậu tương lai với độ phân giải cao cho Việt Nam” của TS. Giắc Cát - phây (Jack Katzfey), Trưởng nhóm nghiên cứu Dự án Việt - Ô-xtrây-li-a chỉ ra rằng, cần phải hiểu rõ hơn về những tác động của biến đổi khí hậu ở cấp địa phương, từ đó giúp xác định các lĩnh vực và dân cư có nguy cơ bị ảnh hưởng thông qua kịch bản biến đổi khí hậu chi tiết hơn cho địa phương.

Xây dựng một kịch bản phù hợp và kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu thể hiện nỗ lực, quyết tâm của Việt Nam trong ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm sự phát triển bền vững của đất nước./.