Vấn đề quyền con người trong bối cảnh chuyển đổi số ở Séc
TCCS - Hiện nay, chuyển đổi số đang trở thành một xu thế phát triển mạnh mẽ trên thế giới. Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm ứng dụng công nghệ số trong phát triển kinh tế - xã hội, chuyển đổi số cũng tạo ra những thách thức đối với vấn đề bảo vệ quyền con người. Đây là mối quan tâm của Chính phủ Séc - một quốc gia có trình độ phát triển cao ở châu Âu - trong quá trình đẩy mạnh chuyển đổi số đồng thời với bảo vệ quyền con người.
Quan điểm về quyền con người
Chính phủ Séc cho rằng, “dân chủ, luật pháp và quyền con người là những vấn đề tác động qua lại với nhau để củng cố các trụ cột của phẩm giá con người”. Chính sách về nhân quyền của Séc phản ánh các nguyên tắc nhân văn của tư duy chính trị đã có truyền thống từ những ngày đầu lập quốc vào đầu thế kỷ XX (1). Đáng chú ý, vấn đề nhân quyền hay quyền con người không chỉ thể hiện trong chính sách đối nội mà còn được đề cập trong chính sách đối ngoại của Séc. Theo quan điểm của Chính phủ Séc, “khía cạnh nhân quyền trong chính sách đối ngoại của Séc nhằm mục đích thúc đẩy cuộc sống có nhân phẩm cho tất cả mọi người, duy trì pháp quyền, khuyến khích tham gia đầy đủ các vấn đề quốc tế và duy trì đối thoại toàn cầu dẫn đến việc thụ hưởng tốt hơn các quyền con người. Phẩm giá con người là một yếu tố góp phần vào an ninh quốc tế, ngăn ngừa hoặc giảm bớt sự xuất hiện của các mối đe dọa quốc tế (xung đột khu vực, khủng bố, di cư bất thường). Phẩm giá con người cũng là một yếu tố thiết yếu để thúc đẩy sự thịnh vượng và tăng trưởng” (2). Như vậy, quan điểm của Séc về vấn đề quyền con người đề cao phẩm giá con người và giá trị của nó đối với không chỉ đời sống con người, mà còn đối với các vấn đề an ninh quốc gia và an ninh quốc tế.
Trong chính sách bảo đảm quyền con người ở Séc, có bảy ưu tiên được đề ra, bao gồm: 1- Hỗ trợ các tổ chức xã hội, bao gồm cả những người bảo vệ nhân quyền; 2- Thúc đẩy quyền tự do ngôn luận và thông tin, bao gồm cả quyền tự do báo chí; 3- Thúc đẩy sự tham gia bình đẳng và đầy đủ về chính trị của công chúng; 4- Hỗ trợ xây dựng thể chế trong lĩnh vực pháp quyền; 5- Thúc đẩy bình đẳng và không phân biệt đối xử; 6- Thúc đẩy quyền con người trong các điều kiện công việc khác nhau và trong một môi trường bảo đảm các điều kiện sống và làm việc an toàn, lành mạnh và bền vững; 7- Hỗ trợ các cơ chế nhân quyền quốc tế và xu hướng nhân quyền(3). Có thể thấy, các ưu tiên trong chính sách nhân quyền của Séc được thực hiện ở cả cấp độ quốc gia và quốc tế. Ở cấp độ quốc gia, Séc chủ trương xem xét một cách nghiêm túc tình hình nhân quyền trong nước, kể cả những tác động từ các chính sách đối nội có liên quan đến quyền con người. Trong việc xây dựng chính sách nhân quyền, Séc đề ra các nguyên tắc cởi mở và đáng tin cậy để bảo đảm việc thực hiện tốt chính sách này, nhất là những cam kết đã đề ra. Ngoài ra, Séc xây dựng Chương trình xúc tiến chuyển đổi số quốc gia để nâng cao nhận thức của công chúng về quyền con người và làm rõ các ưu tiên trong lĩnh vực này.
Trong hợp tác quốc tế về vấn đề quyền con người, Séc khẳng định chịu sự giám sát định kỳ của các cơ quan chuyên trách của Liên hợp quốc, đặc biệt là Hội đồng Nhân quyền. Quốc gia này cũng xem xét khả năng phê chuẩn Nghị định thư không bắt buộc đối với Công ước Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật và trở thành một bên tham gia Công ước quốc tế về bảo vệ tất cả mọi người thoát khỏi tình trạng bị mất tích do bị cưỡng bức. Ngoài ra, Séc xem xét mọi cơ hội để trở thành một bên tham gia các công ước hiện có và công ước mới của Liên hợp quốc, các văn kiện khu vực, các cam kết và giao thức của các hiệp ước. Trên thực tế, Séc đã ký Nghị định thư không bắt buộc đối với Công ước về quyền trẻ em, cho phép trẻ em trực tiếp khiếu nại lên Ủy ban về quyền trẻ em của Liên hợp quốc. Với những nỗ lực hoạt động trong lĩnh vực nhân quyền, tháng 10-2018, Séc đã giành được sự tín nhiệm quốc tế, được bầu làm Ủy viên Hội đồng Nhân quyền của Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2019 - 2021.
Ngoài Liên hợp quốc, sự hợp tác của Séc với các cơ quan chuyên trách về quyền con người của Liên minh châu Âu (EU) là một khía cạnh quan trọng. Với tư cách là thành viên của EU, Séc tham gia quá trình phê chuẩn và thực hiện nhiều công ước quan trọng của EU về quyền con người, như Công ước về bảo vệ trẻ em khỏi bóc lột tình dục và lạm dụng tình dục, Công ước về buôn bán nội tạng người, Công ước về hành động chống buôn bán người, Công ước phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và bạo lực gia đình. Bên cạnh đó, Séc tích cực tham gia các hoạt động của các cơ quan và cơ chế của EU về bảo đảm quyền con người, như: Hỗ trợ hoạt động của các đại diện về quan hệ đối ngoại của EU tham gia các đàm phán quốc tế về các vấn đề nhân quyền và dân chủ; đóng góp tích cực cho các cuộc họp của Ban Công tác về nhân quyền của Hội đồng châu Âu; đưa các vấn đề nhân quyền quan trọng vào chương trình nghị sự của Hội đồng Đối ngoại EU; tăng cường sự hiện diện của công dân Séc trong ban thư ký của các tổ chức quốc tế và trong Cơ quan hành động đối ngoại châu Âu, đặc biệt là ở các vị trí liên quan đến nhân quyền và dân chủ.
Ngoài ra, Séc đẩy mạnh hợp tác song phương với các nước trên thế giới trong các vấn đề liên quan đến quyền con người. Như vậy, vấn đề quyền con người luôn được Chính phủ Séc đề cao, gắn liền với các vấn đề luật pháp và dân chủ, cùng với những vấn đề cơ bản trong quyền con người, bao gồm tự do ngôn luận, bình đẳng, không phân biệt đối xử, quyền được bảo vệ đối với người khuyết tật,... Để bảo đảm những quyền cơ bản này được thực hiện, bên cạnh các chính sách trong nước, Séc chủ trương hợp tác quốc tế rộng rãi ở các cấp độ khác nhau để đạt được những ưu tiên đã đề ra trong chính sách bảo đảm quyền con người ở Séc, cũng như trong quan hệ quốc tế trước bối cảnh vấn đề chuyển đổi số đang được đẩy mạnh ở nhiều nước trên thế giới.
Bảo đảm quyền con người trong bối cảnh chuyển đổi số
Séc là một quốc gia có trình độ phát triển cao, có sự hội nhập sâu vào chuỗi cung ứng ở khu vực và trên phạm vi toàn cầu. Vì thế, chuyển đổi số là một lĩnh vực quan trọng đối với các hoạt động kinh tế và những vấn đề an sinh xã hội của quốc gia này. Trước khi đại dịch COVID-19 xảy ra, nền kinh tế số của Séc được thúc đẩy bởi nhu cầu lớn trong nước. Trong giai đoạn này, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người của Séc tính theo tiêu chuẩn sức mua tăng từ 84% lên 93% so với mức trung bình của EU (4). Từ năm 2020 đến nay, vấn đề chuyển đổi số của các quốc gia châu Âu diễn ra trong bối cảnh tác động của đại dịch COVID-19 và cuộc xung đột Nga - Ukraine đối với những vấn đề chính trị, an ninh, kinh tế, xã hội vốn đã phức tạp ở châu Âu. Là một quốc gia có trình độ phát triển cao ở châu Âu nhưng Séc cũng chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực. Đại dịch COVID-19 khiến GDP của Séc năm 2020 sụt giảm 5,8% do các biện pháp giãn cách xã hội để phòng, chống dịch bệnh, gây gián đoạn hoạt động kinh tế. Cuộc suy thoái kinh tế năm 2020 cùng với những tác động chưa có tiền lệ từ cuộc xung đột Nga - Ukraine làm gián đoạn chuỗi cung ứng ở châu Âu và trên thế giới, đồng thời gây nhiều khó khăn cho nền kinh tế Séc. Mặc dù hoạt động kinh tế đã phần nào lấy lại động lực vào năm 2022 nhưng mức tăng trưởng GDP chỉ đạt 1,9% (5).
Trong khi đó, vấn đề chuyển đổi số là một trong những vấn đề quan trọng buộc Chính phủ Séc phải tiếp tục triển khai để giúp phục hồi nền kinh tế số, đồng thời bảo đảm quyền con người theo những ưu tiên đã đề ra, do vậy tạo ra những thách thức không nhỏ. Mặc dù vậy, Chính phủ Séc dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Petr Fiala, vẫn coi vấn đề chuyển đổi số là một trong những ưu tiên trong chương trình hành động của Chính phủ. Điều này thể hiện rõ qua việc bổ nhiệm Phó Thủ tướng Ivan Bartoš, phụ trách lĩnh vực số hóa, đặc biệt là các dịch vụ công. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2007, Chính phủ Séc bổ nhiệm quan chức chuyên trách về lĩnh vực chuyển đổi số. Ngoài ra, trong Chiến lược phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2025, Chính phủ Séc khẳng định, “Chương trình số hóa Séc là một tập hợp các chiến lược nhằm tạo điều kiện cho sự thịnh vượng lâu dài của đất nước trong cuộc cách mạng kỹ thuật số”. Đồng thời với quá trình chuyển đổi số, Chính phủ Séc đề cao việc bảo đảm các quyền dân sự của công dân, như quyền tự do ngôn luận, tự do bầu cử và ứng cử, tự do hội họp, tự do tham gia các phong trào xã hội, tự do tiếp cận dịch vụ y tế an toàn…, không phân biệt đối xử về giới tính, chủng tộc, tuổi tác, tín ngưỡng…, nhất là đối với những người dễ bị tổn thương như trẻ em, phụ nữ, người khuyết tật (6).
Đáng chú ý là từ sau đại dịch COVID-19 đến nay, các chương trình và kế hoạch mà Séc đề ra trong lĩnh vực chuyển đổi số liên quan đến quyền con người tập trung vào mục tiêu đến năm 2025 hoàn thành việc chuyển đổi số cho các dịch vụ công. Việc kết hợp triển khai quá trình chuyển đổi số được gắn với bảo đảm quyền của công dân trong tiếp cận các dịch vụ hành chính công một cách đầy đủ, thuận tiện và nhanh chóng. Trên thực tế, vấn đề bảo đảm quyền con người trong quá trình chuyển đổi số ở Séc được thể hiện rõ trong việc thực hiện các dự án. Trước hết là việc triển khai Kế hoạch phục hồi nhanh (RRP) từ tháng 9-2021 với sự hỗ trợ kinh phí 7,035 tỷ euro của EU. Kế hoạch RRP nhằm ứng phó với những lĩnh vực dễ bị tổn thương của nền kinh tế, đồng thời tạo điều kiện cho việc chuyển đổi số thông qua một loạt biện pháp toàn diện. Các biện pháp chính để số hóa bao gồm cải cách và số hóa giấy phép xây dựng, biên soạn chương trình giảng dạy mới cho giáo dục kỹ thuật số, trang bị thiết bị công nghệ thông tin tiên tiến cho các trường học, giảm thiểu khoảng cách kỹ thuật số giữa các vùng, miền, xây dựng trung tâm đổi mới kỹ thuật số, kỹ năng số và số hóa doanh nghiệp, đầu tư cho kết cấu hạ tầng kỹ thuật số với dung lượng cao, công nghệ 5G và thúc đẩy tiến trình số hóa của các dịch vụ hành chính công (7). Đối với khía cạnh quyền con người, việc thực hiện chuyển đổi số trong kế hoạch RRP đề cao sự bình đẳng, công bằng đối với việc tiếp cận internet nhằm giúp nâng cao khả năng tiếp cận kỹ thuật số với chất lượng cao cho đông đảo công chúng Séc. Đó là học sinh, sinh viên và giáo viên trong ngành giáo dục, là các nhà kinh doanh và sản xuất trong các doanh nghiệp và đặc biệt là người dân khi tham gia các dịch vụ trong lĩnh vực hành chính công của chính phủ điện tử.
Cùng với kế hoạch RRP, Séc tiếp tục thực hiện Chiến lược số hóa Séc (DCS) được thông qua vào năm 2018 và cập nhật vào năm 2020 và năm 2022. Chiến lược này đã trở thành một nguồn dự án chính cho các thành phần kỹ thuật số của RRP. Ngoài ra, Cơ quan An ninh mạng quốc gia Séc đã đưa ra Kế hoạch hành động cho giai đoạn 2021 - 2025 bổ sung cho Chiến lược an ninh mạng quốc gia để bảo đảm sự an toàn cho việc lưu giữ số liệu, kể cả dữ liệu của cá nhân trên nền tảng số. Với lộ trình đó, vào năm 2023, công dân Séc được phép thay thế chứng minh cá nhân và bằng lái xe nhựa bằng một thẻ trên ứng dụng số di động, góp phần thúc đẩy sự quan tâm tới dịch vụ công trên nền tảng số của công chúng. Giải pháp này cho phép mọi công dân Séc hưởng lợi từ các dịch vụ công của chính phủ điện tử. Đối với quyền tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, hệ thống y tế của Séc cũng đang trải qua quá trình chuyển đổi kỹ thuật số. Số lượng cơ sở y tế có hồ sơ y tế điện tử đang tăng dần khi Bộ Y tế Séc tham gia dự án X-eHealth do EU tài trợ nhằm phát triển một hệ thống y tế điện tử tạo ra một tiêu chuẩn chung cho việc lưu trữ dữ liệu sức khỏe cho phép khả năng tương tác xuyên biên giới trong khuôn khổ khu vực EU (8). Nhìn chung, việc số hóa các dịch vụ công là một ưu tiên quan trọng đối với Chính phủ Séc hiện nay, hướng đến người dùng là đông đảo công chúng và đẩy mạnh việc thu hút công chúng sử dụng các dịch vụ công qua các phiên bản ứng dụng trên điện thoại hoặc máy tính. Những dịch vụ công thông qua việc sử dụng thẻ nhận dạng của ngân hàng hoặc đơn thuốc điện tử đã nhận được sự hưởng ứng của đông đảo người sử dụng. Ngoài ra, quá trình chuyển đổi số giúp thay đổi các quy trình nội bộ trong bộ máy công quyền của nhà nước, cho phép chia sẻ dữ liệu một cách thuận tiện và an toàn, cũng như giúp tiếp cận công nghệ thông tin hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, vẫn còn những vướng mắc trong các vấn đề liên quan đến số hóa các dịch vụ công trong lĩnh vực chính phủ điện tử, y tế điện tử, nâng cao kỹ năng số và hỗ trợ quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp. Trên thực tế, Séc có chỉ số cao về kỹ năng kỹ thuật số cơ bản nhưng nền kinh tế lại rất thiếu các chuyên gia về công nghệ thông tin (ICT), điều này làm hạn chế quá trình chuyển đổi số. Theo số liệu của Eurostat, 76% doanh nghiệp của Séc gặp khó khăn trong việc tìm kiếm các chuyên gia ICT, đây là tỷ lệ cao nhất ở EU (tỷ lệ trung bình của EU là 55%). Tỷ lệ sử dụng băng thông rộng cố định tổng thể 84% hộ gia đình của Séc cao hơn mức trung bình 78% của EU và tỷ lệ sử dụng băng thông rộng di động 85% cá nhân của Séc thấp hơn so với mức trung bình 87% của EU. Các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông của Séc đang bắt đầu triển khai internet 5G, nhưng mạng này cho đến nay mới chỉ khả dụng ở vài chục thành phố. Trong khi đó, các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Séc chỉ đạt mức trung bình của EU trong quá trình chuyển đổi kỹ thuật số, mặc dù Séc là một trong những quốc gia dẫn đầu EU về thương mại điện tử. Để giải quyết tình trạng này, Séc đang triển khai các dịch vụ công kỹ thuật số mới và các chỉ số được giám sát đang tiệm cận mức trung bình của EU. Việc sử dụng thẻ nhận dạng ngân hàng gần đây và việc áp dụng luật “quyền đối với dịch vụ kỹ thuật số” sẽ thúc đẩy sự quan tâm nhiều hơn đối với các dịch vụ của chính phủ điện tử (9). Như vậy, với các biện pháp đang được triển khai, Séc đang thực sự đẩy mạnh tiến trình chuyển đổi số, trong đó nâng cao quyền sử dụng kỹ thuật số của công dân thông qua các dịch vụ công của chính phủ điện tử.
Một khó khăn khác là vấn đề bình đẳng trong việc sử dụng phương tiện truyền thông cùng với quyền tự do thông tin và ngôn luận trên các phương tiện truyền thông do tư nhân sở hữu. Trên thực tế, hầu hết phương tiện truyền thông ở Séc đều nằm trong tay các nhà tài phiệt và họ thường sử dụng các phương tiện truyền thông do mình sở hữu để đưa những thông tin và bài viết phục vụ mục đích cá nhân trong việc kinh doanh, quảng cáo hoặc tuyên truyền gây ảnh hưởng cá nhân trong các cuộc vận động bầu cử. Tuy nhiên, những thông tin và bài viết như vậy của các hãng truyền thông tư nhân không bị coi là vi phạm vì Luật Báo chí của Séc không yêu cầu các tờ báo và tạp chí phải có sự cân bằng về quan điểm, tức là không cấm sự thiên lệch trong quan điểm cá nhân thể hiện trong các thông tin hoặc các bài viết đó. Mặc dù vậy, công luận ở Séc cho rằng thực tế này được coi là có vấn đề nghiêm trọng về mặt đạo đức báo chí và người chủ sở hữu phương tiện truyền thông đã lợi dụng để làm lợi cho cá nhân, vì thế gây ra tình trạng không công bằng trong việc sử dụng phương tiện truyền thông (10). Trước thực tế đó, năm 2017, Quốc hội Séc đã thông qua sửa đổi Đạo luật số 159/2006 về xung đột lợi ích, đưa ra sự thay đổi liên quan đến hạn chế quyền sở hữu phương tiện truyền thông của cá nhân hoặc tập thể. Theo đó, các công chức đang đương nhiệm bao gồm các viên chức, quan chức nhà nước, kể cả các thành viên của chính phủ và các nghị sĩ, bị cấm làm nhà cung cấp truyền hình hoặc phát thanh, bị cấm sở hữu nhà xuất bản tạp chí định kỳ (tức là bị cấm sở hữu công ty truyền thông) hoặc bị cấm là thành viên hoặc là người kiểm soát của một pháp nhân cung cấp truyền hình, phát thanh hoặc nhà xuất bản tạp chí định kỳ (tức là cấm việc có cổ phần trong một công ty truyền thông) (11). Theo quan điểm của những người đề xuất việc sửa đổi Đạo luật 159/2006 về xung đột lợi ích, mục đích của việc sửa đổi nhằm ngăn chặn việc lách luật quản lý báo chí và truyền thông, gây xung đột lợi ích của cá nhân/tập thể với lợi ích của nhà nước, đồng thời ngăn chặn nỗ lực của các chính trị gia nhằm gây ảnh hưởng đến các cơ quan truyền thông thông qua quyền sở hữu của họ hoặc lợi dụng kiếm tiền từ các hợp đồng công, trợ cấp, chính sách khuyến khích đầu tư (12). Như vậy, đây là một vấn đề liên quan đến quyền sở hữu và quyền sử dụng phương tiện truyền thông, cũng như quyền tự do ngôn luận của cá nhân/tập thể. Đây là sự thay đổi hợp lý để bảo vệ quyền tiếp cận truyền thông bình đẳng của đại đa số công chúng ở Séc và hạn chế những thông tin thiên lệch chỉ có lợi cho cá nhân hoặc một nhóm lợi ích nào đó trong xã hội.
Đối với quyền tự do ngôn luận trên các trang mạng, việc tiếp cận và sử dụng các trang mạng ở Séc được cho là rất thông thoáng, hầu như không bị kiểm duyệt hoặc ngăn chặn (13). Tuy nhiên, khi các cơ quan truyền thông của nước ngoài lợi dụng để đưa ra những thông tin được cho là không có lợi đối với tình hình chính trị, an ninh, kinh tế và xã hội trong nước, Chính phủ Séc đã thực hiện việc giám sát chặt chẽ để có những phản ứng kịp thời nhằm ngăn chặn hoặc hạn chế tác động tiêu cực của những thông tin sai lệch có dụng ý xấu đối với Séc. Đây là kinh nghiệm đáng lưu ý khi thực hiện chính sách tự do sử dụng internet, tự do ngôn luận trên nền tảng số, phải đi kèm theo những cơ sở luật pháp chặt chẽ để kịp thời ngăn chặn những hành vi lợi dụng “lỗ hổng” của luật pháp để gây ra những tác hại đối với lợi ích và an ninh quốc gia.
Như vậy, vấn đề quyền con người có mối quan hệ mật thiết với quá trình chuyển đổi số ở Séc, theo đó, quyền con người chịu tác động cả tích cực và tiêu cực từ quá trình chuyển đổi số. Đồng thời, hai vấn đề này luôn song hành với nhau. Trong những năm qua, quyền con người và chuyển đổi số là hai lĩnh vực được Chính phủ Séc đề cao vì đều có tầm quan trọng trong đời sống chính trị, an ninh, kinh tế và xã hội của đất nước. Điều này thể hiện rõ qua các văn bản chính thức của chính phủ. Ngoài ra, tầm quan trọng của hai lĩnh vực này cũng được thể hiện thông qua các kế hoạch và dự án kinh tế - xã hội mà Chính phủ Séc đã triển khai. Bên cạnh những kết quả đạt được, những bất cập còn tồn tại cho thấy hành lang pháp lý của Séc cần được bổ sung hoặc sửa đổi để lấp đầy những “lỗ hổng” trong luật pháp nhằm tạo điều kiện cho sự song hành thuận lợi hơn và hiệu quả hơn trong bảo vệ quyền con người và chuyển đổi số. Chỉ khi xây dựng được một hành lang pháp lý hoàn thiện và chặt chẽ mới bảo đảm tốt các quyền của con người, từ quyền dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội đến văn hóa, giáo dục, trong quá trình chuyển đổi số. Đây có thể coi là bài học kinh nghiệm tốt cho các nước đang đầu tư mạnh mẽ cho quá trình chuyển đổi số để tạo ra những cơ hội lớn cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Việt Nam là nước đang phát triển nên việc bắt kịp trình độ phát triển của các nước tiên tiến trên thế giới là nhu cầu cấp bách, trong đó có lĩnh vực chuyển đổi số. Nhận thức đó được thể hiện trong các chiến lược chuyển đổi số đã được ban hành. Ngày 3-6-2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg, phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Quyết định nêu rõ Chương trình chuyển đổi số quốc gia nhằm mục tiêu kép là vừa phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu. Đến năm 2025, Chương trình chuyển đổi số quốc gia tập trung ba nội dung: Phát triển chính phủ số, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động; phát triển kinh tế số, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; phát triển hạ tầng số, thu hẹp khoảng cách số.
Trong quá trình đó, Việt Nam đã xây dựng được một hành lang pháp lý quan trọng để bảo đảm tốt hơn các quyền của con người, từ quyền dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội đến văn hóa, giáo dục... Thời gian qua, Việt Nam đạt được nhiều kết quả tích cực về bảo đảm quyền con người, được nhiều nước và tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ đánh giá cao; trong đó, ghi nhận những nỗ lực, sáng tạo nhằm nâng cao đời sống cho người dân, bảo đảm an sinh xã hội và quyền con người trong quá trình chuyển đổi số. Những thành tựu này chính là khẳng định sự cam kết của Việt Nam với bạn bè quốc tế nhằm thực hiện tốt hơn nữa công tác bảo đảm và thúc đẩy nhân quyền.
Như vậy, với việc ban hành các văn bản liên quan đến vấn đề chuyển đổi số đã thể hiện quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong việc bắt kịp với xu hướng phát triển khoa học - công nghệ của thế giới, nhằm mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam nói chung và lĩnh vực chuyển đổi số nói riêng, phục vụ hiệu quả chính sách hội nhập quốc tế của Việt Nam./.
-------------------
(1), (2), (3) “Ministry of Foreign Affairs of the Czech Republic. Human rights and transition promotion policy concept of the Czech Republic” (Tạm dịch: Nhân quyền và khái niệm chính sách thúc đẩy quá trình chuyển đổi của Séc), tháng 12-2015, https://www.mzv.cz/file/583273/Human_rights_and_transition_ promotion _policy_concept_of_the_Czech_Republic_.pdf
(4), (5), (7), (9) “2022 Country Report - Czechia” (Tạm dịch: Báo cáo quốc gia năm 2022 - Séc), European Commission, ngày 23-5-2022, https://www.vlada.cz/assets /evropske-zalezitosti/aktualne/2022-european-semester-country-report-czechia_en_1.pdf
(6) “Czech Republic Country Strategy, 2021 - 2026” (Tạm dịch: Chiến lược quốc gia của Séc, 2021 - 2026), European Bank for Reconstruction and Development, ngày 15-12-2021, https://www.ebrd.com/strategy-and-policy-coordination/strategy-for-czech-republic.pdf
(8) “Digital Economy and Society Index 2022 - Czechia” (Tạm dịch: Chỉ số xã hội và kinh tế kỹ thuật số năm 2022 - Séc), European Commission, ngày 28-7-2022, https://digital-strategy.ec.europa.eu/en/library/digital-economy-and-society-index-desi-2022
(10), (12) Vojtěch Berger: “Czech Republic: What Andrej Babiš’s potential sale of Mafra could mean for the media landscape” (Tạm dịch: Séc: Việc bán công ty Mafra tiềm năng của Andrej Babiš có thể có ý nghĩa gì đối với bối cảnh truyền thông), ngày 28-2-2023, http://ipi.media/czech-republic-what-andrej-babiss-potential-sale-of-mafra-could-mean-for-the-media-landscape. International Press Institute
(11) Weinhold Legal - Martin Lukáš and Vladimír Petráče: “In brief: media law and regulation in Czech Republic” (Tạm dịch: Tóm tắt: Luật và quy định về truyền thông ở Séc), ngày 14-6-2019, https://www.lexology.com/library/ detail.aspx?g=6c9d54d7-03b5-4bd2-82d9-c6b0f34db6c1
(13) “Czech Republic 2022 Human Rights Report” (Tạm dịch: Báo cáo nhân quyền năm 2022 của Séc), Bureau of Democracy, Human Rights, and Labor. U.S. Department of State, https://www.state.gov/wp-content/uploads/2023/02/ 415610_CZECH-REPUBLIC-2022-HUMAN-RIGHTS-REPORT.pdf
Thực hiện chuyển đổi số nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của chính quyền tỉnh Bình Định hiện nay  (28/08/2023)
Xu thế cải cách hành chính trên thế giới trong bối cảnh chuyển đổi số và phát triển bền vững  (26/08/2023)
Đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục - đào tạo ở thành phố Hà Nội  (22/07/2023)
Thúc đẩy chuyển đổi số doanh nghiệp nhỏ và vừa ở một số địa phương đồng bằng sông Cửu Long hiện nay  (14/07/2023)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên