TCCS - Năm 2019, kinh tế thế giới chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố bất ổn, đó là sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ thương mại, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) liên tục giảm lãi suất cơ bản, giá dầu biến động... So với dự báo đầu năm 2019, hầu hết các số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đều cho thấy tăng trưởng của nền kinh tế thế giới trong năm 2019 giảm, chỉ ở mức 2,9%. Tăng trưởng thương mại quốc tế cũng chỉ đạt 2,5%, mức thấp nhất trong vòng 3 năm trở lại đây (1).
Tăng trưởng của một số nền kinh tế còn nhiều thách thức
Ở khu vực châu Mỹ, sau một năm phục hồi, nền kinh tế Mỹ phải đối mặt với nhiều thách thức trong năm 2019 với nhiều khó khăn, phức tạp, nợ công và nợ doanh nghiệp gia tăng, chính sách tiền tệ siết chặt, hiệu ứng từ chương trình giảm thuế đối với hoạt động đầu tư bắt đầu suy yếu, thị trường nhà ở không còn tích cực. Do vậy, tăng trưởng kinh tế của Mỹ chỉ đạt 2,4%, lạm phát là 2,2%, thâm hụt ngân sách vào khoảng 960 tỷ USD, nợ công của Mỹ là 22 nghìn tỷ USD. Thị trường lao động Mỹ tiếp tục vững ổn. Tỷ lệ thất nghiệp ở mức 3,8%, thu nhập của người lao động tăng trên 3%.
Về kinh tế đối ngoại, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc không phải là xung đột duy nhất của Mỹ với các đối tác. Đối với Liên minh châu Âu (EU), việc đàm phán Hiệp định thương mại tự do xuyên Đại Tây Dương (TTIP) giữa hai bên vẫn còn khác biệt lớn trong lĩnh vực nông nghiệp. Trong khi đó, căng thẳng thương mại Mỹ - Ấn Độ chưa được giải quyết. Hiệp định Mỹ - Mexico - Canada (USCMA) vẫn chưa được Quốc hội Mỹ phê chuẩn. Hiệp định thương mại tự do (FTA) Mỹ - Nhật Bản trong tháng 1-2020 mới có hiệu lực. Ngày 2-12-2019, Tổng thống Mỹ D. Trump thông báo áp thuế quan đối với các mặt hàng thép và nhôm nhập khẩu từ Brazil và Argentina vì hai nước này đã phá giá mạnh đồng tiền và gây thiệt hại cho các doanh nghiệp Mỹ (2). Đồng thời, Mỹ tiếp tục trừng phạt các nước Nga, Venezuela, CHDCND Triều Tiên, Iran, Cuba và Nicaragoa.
Các nền kinh tế Mỹ Latin cũng gặp khó khăn. Argentina đang đứng trước khủng hoảng với giá tiêu dùng tăng vọt. Đồng Peso mất giá buộc ngân hàng nước này phải nới lỏng những hạn chế đối với sự can thiệp thị trường ngoại hối. Tình hình đói nghèo ở Mexico vẫn còn rất nặng nề khi tỷ lệ người nghèo vẫn chiếm 43,6% tổng số dân, tương đương 53,4 triệu người. Thậm chí có tới 9,4 triệu người thuộc diện nghèo cùng cực. Honduras và Colombia cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự (3).
Đối với khu vực châu Âu, năm 2019, EU bị ảnh hưởng từ tình hình địa - chính trị bất ổn ở một số nền kinh tế, như tình trạng biểu tình kéo dài tại Pháp, tiến trình Anh rời khỏi EU (Brexit) vẫn chưa được giải quyết... Trong bối cảnh đó, EU đã đưa ra các định hướng chiến lược trong giai đoạn 2019 - 2024. Về kinh tế, EU củng cố vai trò của đồng euro, kêu gọi “cải thiện, hiện đại hóa và thực hiện đầy đủ một thị trường chung”. Cụ thể, ngày 12-9-2019, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã cắt giảm lãi suất từ -0,4% xuống mức thấp kỷ lục -0,5% nhằm kích thích tiêu dùng. Đồng thời, ECB khởi động lại chương trình mua 20 tỷ euro trái phiếu/tháng từ tháng 11-2019 nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế (4). Các Bộ trưởng Tài chính Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã họp bàn về cách thức sử dụng Quỹ chung của khối. Bên cạnh đó, mỗi nước lại có những biện pháp riêng. Pháp thông qua thuế dịch vụ kỹ thuật số (GAFA); dự kiến, GAFA sẽ thu về 25 triệu euro tại Pháp và hơn 750 triệu euro trên toàn thế giới. Áo cũng đồng ý với loại thuế này (5). Trước tình hình trên, tăng trưởng kinh tế của EU trong năm 2019 vẫn chậm chạp, thấp hơn nhiều so với các dự báo đầu năm, chỉ đạt 3,2%. Eurozone tăng trưởng 1,1% năm 2019 (6).
Về tăng trưởng của các nền kinh tế lớn tại EU, tại Anh, bất ổn từ Brexit làm đầu tư suy giảm, song lại khuyến khích doanh nghiệp tăng cường dự trữ hàng hóa. Chi tiêu hộ gia đình tại Anh tăng khá mạnh, bất chấp thị trường nhà ở vẫn ảm đạm. Năm 2019, nền kinh tế Anh đạt mức tăng trưởng 1,3%, tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 3,8%, mức thấp nhất kể từ năm 1970 (7).
Tại Đức, các yếu tố tác động đến kinh tế nước này do những thách thức từ sự già hóa dân số, tình trạng thiếu vốn đầu tư và đổi mới công nghệ cao, những quy định khắt khe trong ngành sản xuất công nghiệp ô tô,… làm cho kinh tế nước này chỉ đạt mức tăng trưởng 0,5%. Ở Pháp, ngoài những rủi ro từ bên ngoài, các cuộc biểu tình đã ảnh hưởng khá nhiều đến nền kinh tế nước này, tăng trưởng chỉ đạt 1,3%. Italia đã thoát khỏi “suy thoái kỹ thuật” nhưng tăng trưởng chỉ đạt 0,1%, mức thấp nhất trong EU do sản xuất trong nước đang chậm lại, nợ công là 133,7% (8). Trong khi đó, sau đợt cứu trợ thứ ba kết thúc, Hy Lạp hiện vẫn đang được giám sát. Hy Lạp tuyên bố sẽ giảm thuế doanh nghiệp từ mức 28% hiện nay xuống 24% vào năm 2020, thuế cổ tức cũng được giảm một nửa (9).
Về kinh tế đối ngoại, căng thẳng thương mại Mỹ - EU là vấn đề nóng đối với cả hai bên. Hai bên đang đề nghị đàm phán FTA, nhưng vẫn còn nhiều bất đồng. Cũng về thương mại, EU đã công bố danh sách hàng hóa nhập khẩu trị giá 20 tỷ USD từ Mỹ bị áp thuế quan để đáp trả việc Mỹ trợ cấp cho Tập đoàn Boeing. Trước đó, Mỹ cho rằng EU trợ cấp cho Tập đoàn Airbus đến 11 tỷ USD. Ngày 13-9-2019, WTO đã ra phán quyết có lợi cho Mỹ trong cuộc tranh cãi trên. Sau phán quyết này, EU phải đối mặt các khoản thuế quan mà Mỹ áp đặt với các mặt hàng thép, nhôm, ô tô. Ngoài những vấn đề trên, EU khẳng định, dù là đồng minh nhưng Mỹ không thể cản trở “quan hệ thương mại hợp pháp” giữa EU và Iran.
Đối với Nhật Bản, FTA song phương được ký với EU từ tháng 7-2018 đã chính thức có hiệu lực từ ngày 1-2-2019. Hiệp định giúp xuất khẩu của EU sang Nhật Bản tăng 25%, còn EU mở cửa cho các sản phẩm điện tử và ô tô của Nhật Bản.
Đối với Trung Quốc, EU đang tìm cách cân bằng lợi ích đối với Sáng kiến “Vành đai, Con đường” (BRI) của Trung Quốc thông qua Chiến lược kết nối Á - Âu. Đức thành lập quỹ bảo vệ các doanh nghiệp trước việc mua “không mong đợi” của Trung Quốc. Tuy nhiên, Italia đã ký Biên bản ghi nhớ (MOU) tham gia BRI của Trung Quốc. EU và Khối thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR) cũng đã ký thỏa thuận về FTA. Theo đó, 92% các dòng thuế quan sẽ được cắt giảm trong vòng 10 năm tới.
Đối với Nga, năm 2019, tăng trưởng kinh tế cao được coi là biện pháp duy nhất để chiến thắng đói nghèo. Nga đã chi nhiều khoản để phát triển kinh tế, như 391 tỷ USD cho các dự án chiến lược trong giai đoạn 2019 - 2024, 540 triệu USD cho Dự án “Thành phố thông minh” (10). Về kinh tế đối ngoại, Nga phải chịu thêm nhiều lệnh trừng phạt mới, cụ thể: EU và Mỹ trừng phạt Nga liên quan việc bắt giữ tàu chiến của Ucraina vào cuối năm 2018. Mỹ trừng phạt các ngân hàng, tập đoàn dầu mỏ của Nga vì hợp tác với Venezuela. Ucraina đã mở rộng các biện pháp trừng phạt nhằm vào các công ty và công dân Nga... Tuy nhiên, Nga và Nhật Bản đang đẩy mạnh thương mại, để đạt ít nhất 30 tỷ USD trong thời gian tới. Nga đang cùng Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) hình thành một thỏa thuận nhằm quản lý thị trường dầu toàn cầu. Năm 2019, GDP Nga tăng 1,2% (11).
Ghi nhận những giải pháp giúp cải thiện tăng trưởng kinh tế
Châu Á vẫn là khu vực tăng trưởng nhanh nhất thế giới (5%), chiếm hơn 2/3 tăng trưởng toàn cầu trong năm 2019. Tại Trung Quốc, kế hoạch đưa nước này trở thành nền kinh tế phát triển nhất vào năm 2050 gặp nhiều khó khăn. Trong năm 2019, Chính phủ Trung Quốc đã phải áp dụng nhiều biện pháp để duy trì tăng trưởng và ổn định kinh tế. Ở trong nước, Trung Quốc điều chỉnh kế hoạch, giảm mục tiêu tăng trưởng xuống còn 6% - 6,5% (mức thấp nhất kể từ 3 thập niên trở lại đây). Biện pháp để thực hiện mục tiêu trên là giảm thuế và các loại phí để doanh nghiệp giảm bớt khó khăn trong cuộc chiến thương mại với Mỹ, nới rộng giám sát và quản lý. Tổng số tiền giảm thuế và phí vào khoảng 45 tỷ USD, tăng hơn 50% so với năm 2018 (12). Bên cạnh đó, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã giảm 1% tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng thương mại; đồng thời bơm 80 tỷ USD vào hệ thống tài chính. Ngoài ra, Trung Quốc tăng chi tiêu ngân sách để hỗ trợ kinh tế, như sử dụng 14,9 tỷ USD từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp để hỗ trợ đào tạo nghề, ổn định việc làm; đầu tư 850 tỷ NDT để mở rộng mạng lưới đường sắt; đưa 6.800km đường ray mới vào hoạt động; mở rộng sân bay; hỗ trợ sản xuất, thăm dò và khai thác dầu khí (13)... Các biện pháp thúc đẩy tiêu dùng trong nước cũng được chú trọng, nhằm tăng cường chi tiêu, nhất là với các sản phẩm và dịch vụ mới.
Về kinh tế đối ngoại, Trung Quốc công bố 11 biện pháp mới về mở cửa, tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài. Điển hình là việc thông qua Luật Đầu tư nước ngoài với nhiều điều khoản bình đẳng hơn, quyền sở hữu trí tuệ được tôn trọng, chống độc quyền... Trung Quốc cũng mở rộng thêm 6 khu vực tự do thương mại thí điểm (FTZ) nhằm tăng cường thương mại với các nước láng giềng và mở rộng ảnh hưởng của BRI. Bên cạnh đó, Trung Quốc tiếp tục mở rộng quan hệ kinh tế với nhiều đối tác như EU, Trung Âu, Brazil. Nhờ những biện pháp trên, Trung Quốc tiếp tục đứng trong danh sách 10 nền kinh tế toàn cầu có sự cải thiện rõ rệt về môi trường kinh doanh. Tuy nhiên, mặc dù có nhiều cố gắng nhưng tăng trưởng của Trung Quốc năm 2019 chỉ đạt 6,1% (14).
Đầu năm 2019, kinh tế Nhật Bản tiếp tục giai đoạn tăng trưởng lâu nhất, kéo dài 74 tháng liên tiếp kể từ tháng 12-2012 (15). Giai đoạn tiếp theo, những nỗ lực nhằm đơn giản hóa việc cấp thị thực đã mở đường cho làn sóng du lịch đến Nhật Bản, thúc đẩy ngành “công nghiệp không khói” phát triển mạnh mẽ. Ngoài ra, chính sách cởi mở đối với lao động nước ngoài đã đưa số người nhập cư lên 2,22 triệu người, là mức cao kỷ lục (16). Trong những tháng cuối năm 2019, kinh tế Nhật Bản lại xấu đi, do cầu nước ngoài giảm, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc, sự tăng giá của đồng Yên và những lo ngại về ảnh hưởng từ tăng thuế tiêu dùng.
Về kinh tế đối ngoại, điểm nổi bật trong năm 2019 là xung đột thương mại Nhật Bản - Hàn Quốc. Ngày 4-7-2019, Nhật Bản đã thắt chặt việc xuất khẩu một số mặt hàng hóa chất sang Hàn Quốc do hai nước tranh cãi về lao động cưỡng bức trước đây. Ngoài ra, hai nước còn cắt bỏ ưu tiên thương mại dành cho nhau.
Kinh tế Hàn Quốc trong năm 2019 bị tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc, sự chững lại của kinh tế Trung Quốc và châu Âu, cũng như thương mại toàn cầu suy yếu. Bởi vậy, thị trường lao động Hàn Quốc khó khăn, nợ gia đình ở mức cao, tiêu dùng nội địa không lạc quan, xuất khẩu tiếp tục bị thu hẹp. Thêm vào đó, xung đột thương mại Hàn Quốc - Nhật Bản khiến Hàn Quốc gặp khó khăn nhiều hơn. Những nhân tố trên làm cho GDP của Hàn Quốc đang tăng trưởng chậm lại, chỉ ở mức 2% năm 2019 (mức thấp nhất kể từ năm 2009), mức lạm phát là 1,1% (17).
Năm 2019, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tiếp tục là khu vực có nhiều lạc quan về kinh tế, quan hệ nội khối có nhiều chuyển biến tích cực, nhất là về kết cấu hạ tầng. Hội nghị Ủy ban điều phối chung lần thứ 12 Tam giác Phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia (CLMV) đã đồng ý xây dựng các kế hoạch, dự án cụ thể, nhằm kết nối ba nền kinh tế đến năm 2030. Ngày 11-9-2019, các nước CLMV đã đồng ý về khung phát triển kinh tế, tập trung vào đầu tư, thương mại, thu hút nhân công có kỹ năng, đầu tư vào các lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh.
Về quan hệ kinh tế trong khối, Campuchia đã đàm phán với các nước láng giềng để thúc đẩy thương mại. Lào và Campuchia đã có nhiều hợp tác về cung cấp điện. Hai nước cũng đang định hướng mở đường bay thẳng nhằm gia tăng thương mại. Ngày 12-9-2019, hai nước đã nâng quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện. Campuchia và Việt Nam sẽ mở thêm đường bay thẳng Phnom Penh - Đà Nẵng để tăng cường hợp tác du lịch. Việt Nam và Lào sẽ xây dựng tuyến đường sắt 400km từ tỉnh Khăm Muội đến cảng Vũng Áng. Thái Lan đã lên kế hoạch mở tuyến đường sắt mới nối với Campuchia để phát triển thương mại, thúc đẩy du lịch. Tuy nhiên, nhiều nước trong ASEAN, nhất là nhóm CLMV, vẫn phải đối mặt với rủi ro, như thâm hụt tài khoản kéo dài, tăng trưởng tín dụng cao.
Về kinh tế đối ngoại, cả ASEAN cũng như từng nước đều chủ động mở rộng quan hệ kinh tế với bên ngoài. Để chuẩn bị cho việc đàm phán các FTA mới với các nước ngoài khối, ASEAN đã nhất trí thành lập nhóm nghiên cứu về sở hữu trí tuệ, lao động, môi trường và thương mại điện tử. Quá trình đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đã kết thúc. Đối với từng nước, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Indonesia - Chile (IC-CEPA) chính thức có hiệu lực từ tháng 8-2019. Indonesia và Hàn Quốc đã nối lại đàm phán CEPA sau 5 năm gián đoạn. Từ tháng 6-2019, Philippines và Hàn Quốc tiến hành đàm phán FTA. Singapore và Việt Nam đã ký kết FTA với EU. Campuchia được Nhật Bản hỗ trợ khoản tín dụng ưu đãi hơn 43 triệu USD để thực hiện các dự án về kết cấu hạ tầng.
Trong năm qua, quan hệ kinh tế ASEAN - Trung Quốc tiếp tục phát triển. Trong ba quý đầu năm 2019, ASEAN đã vượt Mỹ, trở thành đối tác thương mại thứ hai của Trung Quốc (tổng kim ngạch thương mại giữa hai bên đạt khoảng 444 tỷ USD, tăng trưởng 11,5% so cùng kỳ năm 2018, chiếm 13,7% tổng giá trị thương mại với nước ngoài của Trung Quốc) (18).
Tại Ấn Độ, đầu năm 2019, Thủ tướng Ấn Độ N. Modi đã công bố tầm nhìn “Ấn Độ mới” với mục tiêu đưa nước này trở thành nền kinh tế 10 nghìn tỷ USD, lớn thứ ba thế giới. Năm 2019, nền kinh tế Ấn Độ tăng trưởng nhanh do xuất khẩu, đầu tư đều tăng, bất ổn chính trị và căng thẳng địa - chính trị giảm, nhu cầu nội địa lớn hơn, tài chính được cải thiện, các biện pháp khuyến khích thuế quan được áp dụng, cải cách cơ cấu có chuyển biến tích cực. Ngoài ra, giá dầu giảm, đồng Rupi lên giá đã làm giảm áp lực lên lạm phát và tài khoản vãng lai. Tuy nhiên, giai đoạn cuối năm 2019, kinh tế Ấn Độ gặp nhiều khó khăn hơn do tiêu dùng, đầu tư, sản xuất và dịch vụ đều bị đình trệ. Tăng trưởng GDP của Ấn Độ trong năm tài khóa 2019 là 5,1%(19).
Tại châu Phi, năm 2019 được chọn là năm của hội nhập khu vực vì sự thịnh vượng kinh tế. Các nước châu Phi đã thông qua một FTA khu vực có hiệu lực từ ngày 30-5-2019. Hiệp định này được kỳ vọng sẽ tạo ra một châu lục không thuế quan (bãi bỏ thuế quan cho hơn 90% hàng hóa), có khả năng phát triển doanh nghiệp địa phương, kích thích thương mại bên trong khu vực, thúc đẩy công nghiệp hóa và tạo nhiều việc làm mới. FTA này cũng sẽ mở đường cho việc thành lập Liên minh hải quan vào năm 2022 và Cộng đồng kinh tế châu Phi vào năm 2028 (20). Năm 2019, châu Phi đạt tăng trưởng kinh tế ở mức 4% (21), trong đó khu vực cận Sahara vẫn tăng chậm hơn cả với mức 2,6% (22).
***
Bước sang năm 2020, kinh tế thế giới sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều nhân tố bất ổn, cả về kinh tế lẫn địa chính trị. Diễn biến của các vấn đề thế giới như tình hình hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, tình hình Biển Ðông, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc, tiến trình Brexit... vẫn còn là ẩn số. Đồng thời, sự phát triển không ổn định ở các nước phát triển, tình trạng suy thoái ở các nước đang phát triển và mức nợ gia tăng ở khắp mọi nơi đang đè nặng lên kinh tế toàn cầu. Những điều này kết hợp với sự bất ổn ngày càng tăng của thị trường, một hệ thống đa phương bị rạn nứt, đang đặt ra nhiều thách thức về chính sách. Một số quốc gia mới nổi đã suy thoái và một số nền kinh tế phát triển, bao gồm cả Đức và Anh, cũng rất gần với suy thoái. Thương mại toàn cầu ổn định vào cuối năm 2019, nhưng chưa có dấu hiệu hồi phục vào năm 2020. Nhu cầu về nhiên liệu, năng lượng sẽ tiếp tục tăng. Như vậy, có thể dự báo kinh tế thế giới năm 2020 sẽ tăng trưởng chậm lại, có nhiều bất định và hiệu quả của các chính sách kinh tế là không cao.
Về vấn đề tăng trưởng chậm lại, trên thực tế, tăng trưởng thương mại thường cao hơn tăng trưởng GDP, nhưng hai năm trở lại đây, tăng trưởng thương mại đã thấp hơn GDP. Để đối phó với tình hình đó, nhiều quốc gia đã phải thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ, kể cả Mỹ. Mặt trái của chính sách này cũng đã tác động tiêu cực không nhỏ đến kinh tế nhiều nước.
Bên cạnh đó, tính bất định của nền kinh tế thế giới được thể hiện rõ qua biến động giá cả của các mặt hàng quan trọng, như giá dầu thế giới trong hai năm gần đây. Có thể thấy ngay cả khi Iran bị cấm vận, nhưng cung về dầu trên thị trường thế giới vẫn cao. Một trong những nguyên nhân là do Mỹ đã trở thành nước xuất khẩu dầu mỏ lớn trên thế giới.
Đối với các chính sách kinh tế, đến nay, các chính sách được triển khai ở một số nền kinh tế lớn đã hạn chế được sự suy giảm sâu. Tuy nhiên, hiệu quả của kích thích kinh tế vĩ mô trong dài hạn là không chắc chắn. Sự gia tăng căng thẳng thương mại kéo dài và tính không chắc chắn trong các chính sách thương mại có thể sẽ gây thiệt hại cho kinh tế thế giới.
Như vậy, tổng quan lại, một số dự báo cho rằng, kinh tế thế giới có thể suy thoái từ cuối năm 2020 hoặc đầu năm 2021. Về thương mại, tăng trưởng nhập khẩu của thế giới (không kể EU) có nhiều biến động: 4,1% trong năm 2018 xuống còn 0,4% trong năm 2019; sau đó đạt 2,1% vào năm 2020 và 2,5% vào năm 2021 (23). Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, có năm yếu tố để nền kinh tế thế giới chưa thể rơi vào ảm đạm, đó là: Nền kinh tế Mỹ vẫn ổn định (thất nghiệp của Mỹ đang ở mức thấp nhất trong 50 năm qua); ngân hàng trung ương của các nước đều đang tìm cách triển khai các biện pháp kích thích kinh tế; Trung Quốc còn nhiều gói kích thích kinh tế chưa thực hiện; chính phủ các nước đều có ý thức trong thắt chặt quản lý các hoạt động kinh tế (24).
Năm 2020, dự báo kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 3,5%, thương mại hàng hóa tăng 3% (25). Kinh tế Mỹ sẽ tăng 2,0%, kinh tế EU sẽ tăng 1,5%, lạm phát dưới 2%, trong đó Đức tăng trưởng 1,4%, Anh là 1,0%, nợ quốc gia của Italia là 135,2% GDP…; Eurozone sẽ tăng trưởng 1,1% (26).
Châu Á sẽ tăng trưởng 5,1% vào năm 2020. Sự phục hồi nhẹ về đầu tư và tiêu dùng tư nhân có thể giúp sự tăng trưởng của Nam Á lên tới 6,3% vào năm 2020. Trung Quốc sẽ tiếp tục mất đà và chỉ tăng trưởng 5,7%. Hàn Quốc sẽ tăng 2,3%. Ấn Độ có thể tăng 6,5%. Trong ASEAN, Campuchia vẫn tăng trưởng mạnh mẽ ở mức 6,8%, tiếp theo là Việt Nam (6,5%), Lào (6,4%), Myanmar (6,3%), Philippines (6,2%), Indonesia (5,1%), Brunei (4,7%), Malaysia (4,4%), Thái Lan (2,9%) và Singapore (1%) (27). Năm 2020, tăng trưởng kinh tế ở khu vực châu Phi được dự báo là 4,1% (28)./.
---------------------------------
(1) OECD dự báo tăng trưởng toàn cầu, https://ngkt.mofa.gov.vn/oecd-du-bao-tang-truong-toan-cau/, ngày 29-11-2019
(2) Mỹ áp thuế đối với thép và nhôm, Bản tin Ngoại giao kinh tế, ngày 3-12-2019
(3) Chống đói nghèo, https://www.nhandan.com.vn/thegioi/chuyen-thoi-su/item/39050002-chong-doi-ngheo.html, ngày 28-1-2019
(4) European Central Bank cuts its deposit rate, launches new bond-buying program, https://www.cnbc.com/2019/09/12/european-central-bank-launches-new-bond-buying-program.html, ngày 12-9-2019
(5) U.S. tech industry leaders: French digital service tax harms global tax reform, https://www.reuters.com/article/us-france-tax-usa/u-s-tech-industry-leaders-french-digital-service-tax-harms-global-tax-reform-idUSKCN1V91UC, ngày 20-8-2019
(6) EC dự báo kinh tế toàn cầu tăng trưởng vừa phải trong hai năm tới https://baotintuc.vn/the-gioi/ec-du-bao-kinh-te-toan-cau-tang-truong-vua-phai-trong-hai-nam-toi-20191128130858298.htm, ngày 28-11-2019
(7) UK jobs creation slows as pay growth reaches 11-year high, https://www.theguardian.com/ business/2019/ sep/10/uk-jobs-creation-pay-growth-economy-brexit, ngày 10-9-2019
(8) Italy's public debt to hit record high in 2019: EU, https://www.thelocal.it/20190508/italys-public-debt-to-hit-record-high-in-2019-says-eu, ngày 8-12-2019
(9) Hy Lạp công bố các kế hoạch cắt giảm thuế và cải cách kinh tế, https://www.vietnamplus.vn/hy-lap-cong-bo-cac-ke-hoach-cat-giam-thue-va-cai-cach-kinh-te/594160.vnp, ngày 8-9-2019
(10) Nga chi khoảng 540 triệu USD cho Dự án “Thành phố thông minh”, https://baoxaydung.com.vn/nga-chi-khoang-540-trieu-usd-cho-du-an-thanh-pho-thong-minh-251492.html, ngày 3-4-2019
(11) Russia Economic Report, https://www.worldbank.org/en/country/russia/publication/rer, ngày 4-12-2019
(12) China to Cut US$45 Billion in Fees and Tariffs, https://www.china-briefing.com/news/china-to-cut-business-fees-and-tariffs/, ngày 16-4-2019
(13) China's high-speed railway length to top 30,000 km in 2019, http://www.xinhuanet.com/english/2019-01/03/c_137715444.htm, ngày 3-1-2019
(14) Slowing Chinese growth delivers blow to global economy, https://www.ft.com/content/396e67be-f0b5-11e9-ad1e-4367d8281195, ngày 18-10-2019
(15) Japan's economy likely in longest postwar expansion phase, government says, as risks loom, https://www.japantimes.co.jp/news/2019/01/29/business/economy-business/japans-economy-likely-longest-postwar-expansion-phase-government-says/#.XfuVLGQzb5U, ngày 29-01-2019
(16) Japan immigration hits record high as foreign talent fills gaps, https://asia.nikkei.com/Spotlight/Japan-immigration/Japan-immigration-hits-record-high-as-foreign-talent-fills-gaps, ngày 13-4-2019
(17) Related Indicators for South Korea Real GDP Growth, https://www.ceicdata.com/en/indicator/korea/real-gdp-growth, ngày 19-12-2019
(18) ASEAN giữ vững vị trí đối tác thương mại lớn thứ hai của Trung Quốc, https://www.nhandan.com.vn/ thegioi/item/41894602-asean-giu-vung-vi-tri-doi-tac-thuong-mai-lon-thu-hai-cua-trung-quoc.html, ngày 14-10-2019
(19) ADB tăng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam lên 6,9% năm 2019, https://baoquocte.vn/adb-tang-du-bao-tang-truong-gdp-cua-viet-nam-len-69-nam-2019-105983.html, ngày 11-12-2019
(20) FTA khu vực châu Phi sẽ có hiệu lực vào ngày 30-5-2019, https://moit.gov.vn/tin-chi-tiet/-/chi-tiet/fta-khu-vuc-chau-phi-se-co-hieu-luc-vao-ngay-30-5-2019-15213-401.html, ngày 6-5-2019
(21) AfDB cảnh báo những nguy cơ đe dọa tăng trưởng kinh tế châu Phi, http://thoibaotaichinhvietnam.vn/ pages/quoc-te/2019-08-19/afdb-canh-bao-nhung-nguy-co-de-doa-tang-truong-kinh-te-chau-phi-75290.aspx, ngày 19-8-2019
(22) African Economic Outlook 2019, https://www.afdb.org/en/knowledge/publications/african-economic-outlook
(23) Dự báo triển vọng kinh tế thế giới năm 2019-2020, https://haiquanonline.com.vn/du-bao-trien-vong-kinh-te-the-gioi-nam-2019-2020-116159.html, ngày 29-11-2019
(24) OECD dự báo tăng trưởng toàn cầu, https://ngkt.mofa.gov.vn/oecd-du-bao-tang-truong-toan-cau/, ngày 29-11-2019
(25) Dự báo triển vọng kinh tế thế giới năm 2019 - 2020, https://haiquanonline.com.vn/du-bao-trien-vong-kinh-te-the-gioi-nam-2019-2020-116159.html, ngày 29-11-2019
(26) ADB tăng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam lên 6,9% năm 2019, https://baoquocte.vn/adb-tang-du-bao-tang-truong-gdp-cua-viet-nam-len-69-nam-2019-105983.html, ngày 11-12-2019
(27) IMF: Tăng trưởng kinh tế Campuchia cao nhất ASEAN, https://vietstock.vn/2019/10/imf-tang-truong-kinh-te-campuchia-cao-nhat-asean-1326-712146.htm, ngày 8-10-2019
(28) AfDB cảnh báo những nguy cơ đe dọa tăng trưởng kinh tế châu Phi, http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/quoc-te/2019-08-19/afdb-canh-bao-nhung-nguy-co-de-doa-tang-truong-kinh-te-chau-phi-75290.aspx, ngày 19-8-2019
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
- Bảo đảm an ninh con người của chính quyền đô thị: Kinh nghiệm của một số quốc gia và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển