Xu nịnh

Nhất Ý
23:47, ngày 06-08-2021

Thời sinh viên, anh và tôi là đôi bạn thân chí cốt. Sau khi tốt nghiệp, mỗi người làm ở một thành phố khác nhau, nên mãi tới hôm nay nhân buổi họp lớp mới có dịp ngồi với nhau. Tôi trút bầu tâm sự những bức xúc về công việc và đặc biệt là vị sếp của mình. Nào là ông ta thiên vị, nhớ dai, thù vặt. Kẻ nào tuân thủ và phục tùng thì ông ấy nâng đỡ, méo cũng thành tròn, công danh thăng tiến vù vù. Anh cười: “Ông biết thế sao không điều chỉnh để thăng tiến?”

- Thú thực, tôi khó điều chỉnh được tính cách thẳng như ruột ngựa đã ăn vào tim gan. Tôi an phận vì trót trung thành với sự thật và ghét sự lươn lẹo nên chỉ giậm chân tại chỗ.

Anh cười và bảo, ngày nay, nịnh là xu thế, là nghệ thuật. Người nào khéo nịnh, khéo chiều ý thích người khác, khéo chiều lãnh đạo, thủ trưởng thì kiểu gì cũng trong ấm ngoài êm, công danh thành đạt, nhiều lợi ích, quan hệ mở rộng, thăng quan tiến chức. Anh truyền đạt cho tôi kinh nghiệm nhờ biết cách nịnh sếp mà từ nhân viên bình thường phát triển lên đến phó giám đốc.

Mặt tôi nghệt như ngỗng... Trong đầu ngổn ngang đủ thứ suy nghĩ về sự thay đổi của anh. Hiểu băn khoăn ấy, anh hạ tông: “Bây giờ ở đâu mọi người cũng thích nịnh cả. Nịnh để giữ hòa khí gia đình, hàng xóm. Ở cơ quan cũng vậy. Đố cậu tìm được buổi họp trong các cơ quan, đơn vị, địa phương có tranh luận, phê bình thủ trưởng, lãnh đạo gay gắt đấy. Tất cả đều “dĩ hòa vi quý”, “chạy theo chiều gió” hoặc “đi với bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy”. Chẳng ai dại mà đi nói thật cả”.

Những tâm sự, đúng hơn là những suy nghĩ của anh, người bạn chí cốt mà tôi thuộc tâm tính từ thời sinh viên như một dấu hỏi treo lơ lửng trong đầu. Bởi từ lâu, xu nịnh được xem là tàn dư của xã hội cũ. Những thế hệ đi trước quyết liệt đấu tranh loại bỏ xu nịnh ra khỏi đời sống. Tuy nhiên, điều kỳ lạ là trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, khi nền tảng xã hội mới đã hình thành và phát triển thì xu nịnh vẫn phát triển, khó kiểm soát, trở thành vấn nạn trầm kha ở nhiều nơi. Có chuyên gia khẳng định, xu nịnh là “bệnh”, là biểu hiện của tiêu cực và có liên hệ chặt chẽ với tham nhũng trong đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Thực tế cho thấy, xu nịnh len lỏi vào nhiều ngõ ngách đời sống xã hội, với nhiều kiểu, nhiều cách, nhiều cấp độ, hoàn cảnh, tình huống khác nhau. Không chỉ nịnh lãnh đạo mà họ còn nịnh cả bố mẹ, vợ con, người thân của lãnh đạo bằng lời nói, phương tiện, quà, tiền bạc giá trị.

Xu nịnh khiến cấp trên không phân biệt được đúng - sai, phải - trái rồi dẫn đến nhiều hệ lụy mà nổi bật là lờ đi hoặc bật đèn xanh cho cấp dưới làm những việc trái pháp luật; tin tưởng, nghe theo sự tham mưu, sắp đặt của cấp dưới để đưa ra các quyết sách “tư duy nhiệm kỳ”; cất nhắc, sắp đặt, bổ nhiệm “đệ tử” vào những vị trí chủ chốt, khiến cho người có năng lực, có tâm huyết phấn đấu cũng nản chí, nản lòng, khiến mâu thuẫn trong nội bộ cơ quan, đơn vị, địa phương tích tụ thành “ung nhọt” sẽ phát tác bất kể lúc nào khi có “ngòi nổ”. Như vậy, xu nịnh đã “triệt tiêu” ý chí phấn đấu những cán bộ, đảng viên có năng lực, khiến cho cái tốt, cái đẹp bị lấn át bởi những mưu mô, thủ đoạn thông qua “luật ngầm”.

Mấy tháng gần đây, khi gặp anh, câu chuyện giữa tôi và anh dần nhạt nhẽo chứ không bốp chát, thoải mái như xưa. Giờ anh đã là giám đốc một trung tâm nhiều bổng lộc. Chỉ khổ cho những cấp dưới của anh cũng phải luôn luôn “trau dồi” kiến thức nịnh để “đẳng cấp” hơn. Khổ cho những cấp trên của anh không cưỡng được những sự nịnh ngày càng tinh vi, nên dễ bịt mắt, bịt tai và bị điều khiển mà không biết.

Ngẫm ra, khi xu nịnh thành xu thế thì nguy hại vô cùng, cái tốt, cái đẹp sẽ bị lấn át. Nó giống như kẻ thù vô hình bào mòn tính cách tốt đẹp của con người. Nó tước đi cơ hội của những người trung thực, tài năng, luôn muốn khẳng định mình bằng năng lực và chất lượng công việc./.