Nâng cao hiệu quả quản lý đất đai phục vụ quá trình phát triển của Thủ đô Hà Nội
TCCS - Trong quá trình phát triển đô thị ở Hà Nội, việc đổi mới chính sách quản lý, sử dụng nguồn lực đất đai sẽ góp phần thu hút đầu tư, khai thác hiệu quả nguồn lực này vào xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế, hạ tầng công nghiệp, giao thông và các khu vực phụ cận, chỉnh trang đô thị và xây dựng các khu đô thị mới. Để làm được điều đó, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.
Yêu cầu thiết yếu trong quá trình phát triển
Quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai là một yêu cầu thiết yếu đặt ra trong quá trình phát triển đô thị. Tại tất cả các quốc gia trên thế giới, đô thị có vai trò đặc biệt quan trọng, là nơi tập trung sự sáng tạo, của cải xã hội mà con người tạo ra. Đô thị còn có ảnh hưởng quan trọng đối với sự vận hành của quốc gia và nền kinh tế. Việt Nam là quốc gia đang phát triển và có sự tăng trưởng nhanh chóng, chính sách phát triển đô thị quốc gia do đó cần tạo điều kiện thuận lợi nhất cho quá trình phát triển đô thị bền vững, an toàn.
Trong bối cảnh đô thị hóa mạnh mẽ ở Việt Nam, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, bất động sản và đất đai là nguồn lực chính đóng góp cho sự tăng trưởng chung của các đô thị vệ tinh cũng như toàn vùng đô thị. Việc phát triển và điều hành tốt thị trường bất động sản sẽ có tác dụng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua các biện pháp kích thích vào đất đai; tạo lập các công trình, nhà xưởng, vật kiến trúc…, từ đó tạo chuyển dịch đáng kể và quan trọng về cơ cấu trong các ngành. Tuy nhiên, nguồn lực đất đai và bất động sản là “con dao hai lưỡi”. Nếu quản lý tốt nguồn lực này, đây sẽ là yếu tố quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển bền vững của đô thị, đặc biệt là các đô thị vệ tinh. Ngược lại, nếu thiếu kiểm soát sẽ rất dễ tạo ra “bong bóng” bất động sản, gây ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế. Do đó, với mục tiêu phát triển đô thị bền vững, hiện đại, yêu cầu đặt ra là cần quản lý, sử dụng hiệu quả, hợp lý nhất nguồn tài nguyên đất đai, phát huy tối đa công dụng của đất đai nhằm đạt hiệu ích sinh thái, kinh tế và xã hội cao nhất.
Với mục tiêu phát triển nhanh và bền vững Thủ đô theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại, bảo đảm tính bền vững của quá trình đô thị hóa, đồng thời giải quyết những vấn đề, thách thức đặt ra trong quá trình phát triển đô thị, giai đoạn 2016 - 2020, thành phố đã chú trọng việc cải tạo, chỉnh trang đô thị cũ, khu vực phố cổ. Tỷ lệ đô thị hóa đạt 49,2%; diện mạo Thủ đô ngày càng xanh, sạch, đẹp, khang trang, văn minh, hiện đại hơn.
Một số giải pháp trong thời gian tới
Trong thời gian tới, để bảo đảm khai thác, sử dụng, quản lý hiệu quả nguồn lực đất đai cho quá trình phát triển đô thị Hà Nội, cần chú trọng một số giải pháp sau.
Một là, cần triển khai thực hiện Quy hoạch chung thành phố Hà Nội; rà soát điều chỉnh quy hoạch đô thị và các quy hoạch chuyên ngành; bảo đảm công tác quy hoạch đi trước một bước, triển khai thực hiện đồng bộ Quy hoạch thành phố Hà Nội, Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô điều chỉnh, Quy hoạch phân khu nội đô lịch sử... Tăng cường chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị. Tiếp tục cải tạo, chỉnh trang hệ thống hạ tầng kỹ thuật khu vực đô thị; chỉnh trang khu vực đô thị cũ; cải tạo, xây mới các khu chung cư, tập thể cũ; huy động nguồn lực phát triển các không gian ngầm công cộng tại khu vực nội đô lịch sử; hoàn thành phê duyệt danh mục và triển khai thực hiện theo lộ trình cơ sở nhà, đất phải di dời theo quy hoạch, cơ sở sản xuất công nghiệp... Phát triển đồng bộ, hiện đại và mở rộng quy mô hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị. Nâng tỷ lệ quỹ đất cho giao thông khu vực đô thị lên khoảng 12% đến 15% diện tích đất đô thị; phát triển nhanh hạ tầng giao thông, các trục giao thông song hành kết nối đô thị trung tâm - đô thị vệ tinh…
Hai là, xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách, như kiến nghị sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhà ở, Nghị định của Chính phủ về cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ; xây dựng Đề án khung cơ chế chính sách đặc thù để thúc đẩy tiến độ cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ; xây dựng Đề án phát triển kinh tế đô thị. Khai thác, phát huy tốt các tiềm năng, nguồn lực, chú trọng đầu tư phát triển chiều sâu; đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư, nâng cao hiệu quả đầu tư. Tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị, chỉnh trang, phát triển đô thị và đẩy mạnh công tác giải phóng mặt bằng triển khai các dự án.
Ba là, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính về đất đai và kiện toàn bộ máy cơ quan quản lý, cơ quan chuyên ngành về đất đai; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức ngành đất đai nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Trong khi chờ điều chỉnh tổng thể chính sách vĩ mô về đất đai, điều cần thiết nhất hiện nay đối với chính quyền cơ sở vẫn là đẩy mạnh tuyên truyền về Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản liên quan, thực hiện nghiêm các quy định liên quan trong lĩnh vực này.
Bốn là, đối với các dự án thu hồi đất, tiếp tục thực hiện nghiêm các quy trình trên cơ sở vận dụng linh hoạt chính sách đã có, tạo điều kiện cho nhân dân ổn định đời sống sau khi bị thu hồi đất. Với các dự án đấu giá chuyển quyền sử dụng đất cần công khai, minh bạch để người dân biết. Cần tiếp tục đẩy mạnh việc giao đất dịch vụ còn tồn đọng liên quan đến các dự án thu hồi đất trước đây, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nhân dân. Sớm ban hành quy định cụ thể hóa chính sách thuế lũy tiến để xử lý các dự án chậm thực hiện hoặc bỏ đất hoang hóa; có chính sách bồi thường giá đất phù hợp, tạo được sự đồng thuận của người dân để tránh phát sinh khiếu kiện. Đồng thời, cần sớm xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, hạ tầng thông tin bất động sản đồng bộ, thống nhất, có sự liên thông đáp ứng yêu cầu quản lý đất đai, tra cứu thông tin.
Năm là, tăng cường cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý nhà nước về đất đai; lập, thẩm định, phê duyệt Quy hoạch thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm cấp tỉnh; hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất; công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án có sử dụng đất.
Sáu là, cần xây dựng cơ chế xác định giá đất bảo đảm nguyên tắc thị trường, trong đó cần bảo đảm người dân được tham gia sâu, rộng rãi và đủ tính đại diện trong tham vấn ý kiến về giá đất. Về phía người dân, ngoài thực hiện nghiêm các quy định liên quan đến Luật Đất đai cũng cần tích cực tham gia giám sát việc thực hiện chính sách đất đai trên địa bàn, cùng Nhà nước tháo gỡ các “điểm nghẽn”, quản lý hiệu quả việc sử dụng nguồn lực đất đai, phục vụ quá trình phát triển bền vững Thủ đô./.
Thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công để phục hồi và phát triển kinh tế Hà Nội sau đại dịch COVID-19  (04/12/2022)
Hà Nội cơ cấu lại đầu tư công theo hướng tập trung, hiệu quả, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư  (02/12/2022)
Lễ trao giải và tôn vinh 22 sáng kiến vì cộng đồng lần thứ IV năm 2022  (30/11/2022)
Thành ủy Hà Nội quyết tâm lãnh đạo xây dựng hệ thống y tế Thủ đô tiên tiến hướng tới mục tiêu nâng cao sức khỏe và đời sống nhân dân  (26/11/2022)
Xây dựng và phát triển Thủ đô "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại"  (26/11/2022)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
- Đóng góp của phụ nữ Việt Nam qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam