Thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào
Quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào
Việt Nam-Lào là hai quốc gia láng giềng gần gũi, có quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời, nhân dân hai nước là anh em gắn bó, chia ngọt, sẻ bùi. Trong suốt nhiều thập kỷ qua, mối quan hệ đặc biệt giữa hai nước đã không ngừng được vun đắp, củng cố, hợp tác phát triển sâu rộng trên mọi lĩnh vực.
Không chỉ bắt nguồn từ sự gần gũi về địa lý, quan hệ Việt Nam-Lào còn phát triển từ sự sẻ chia trong lịch sử đấu tranh chống kẻ thù chung và sự hợp tác chặt chẽ, hỗ trợ lẫn nhau trong công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước.
Ngày 05-9-1962, sau khi Hiệp định Geneve về Lào được ký kết, Việt Nam và Lào đã nhất trí thiết lập quan hệ ngoại giao, mở ra một chương mới trong sự nghiệp củng cố và phát triển hơn nữa mối quan hệ giữa hai nước.
Trải qua các cuộc đấu tranh cách mạng, tình đoàn kết đặc biệt, sự gắn bó thủy chung giữa hai nước đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Kaysone Phomvihane cùng Đảng, Nhà nước và nhân dân hai nước dày công vun đắp, không ngừng phát triển, trở thành mối quan hệ mẫu mực, thủy chung, trong sáng, hiếm có trong quan hệ quốc tế và là tài sản chung vô giá của hai dân tộc.
Kế thừa và phát huy truyền thống quý báu đó, trong nhiều thập kỷ qua, Đảng, Nhà nước và nhân dân hai nước đã không ngừng chăm lo, bảo vệ, vun đắp, phát huy mối quan hệ tốt đẹp giữa hai quốc gia lên tầm cao mới; khẳng định tình đoàn kết ngày càng được củng cố, phát triển sâu rộng, hợp tác phát triển trên mọi lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng-an ninh và đối ngoại.
Hợp tác toàn diện ngày càng thiết thực và hiệu quả
Về quan hệ chính trị: Ngày 18-7-1977, Việt Nam và Lào đã ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác, khẳng định tình đoàn kết đặc biệt trước sau như một, hợp tác, ủng hộ, giúp đỡ lẫn nhau trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của mỗi nước. Đây là văn kiện có ý nghĩa lịch sử trọng đại, đánh dấu bước phát triển mới, toàn diện của mối quan hệ đặc biệt giữa hai nước Việt-Lào.
Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam-Lào, quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào không ngừng được củng cố và phát triển.
Đặc biệt, quan hệ chính trị giữa hai nước ngày càng gắn bó, tin cậy; có sự đồng thuận cao trên các diễn đàn hợp tác khu vực và quốc tế, góp phần vào sự phát triển của mỗi nước và việc giữ vững hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Hai bên phối hợp chặt chẽ, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn hợp tác khu vực và quốc tế; tiếp tục tăng cường hợp tác, phối hợp với các nước thành viên ASEAN khác trong việc xây dựng Cộng đồng ASEAN và duy trì đoàn kết, đồng thuận của ASEAN trong các vấn đề chiến lược ở khu vực…
Hai bên thường xuyên trao đổi đoàn cấp cao với các chuyến thăm gần đây như: chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước CHDCND Lào Bounnhang Volachith (tháng 4-2016) và chuyến thăm chính thức Lào của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (11-2016)... Các cơ chế hợp tác giữa hai nước ngày càng được đổi mới theo hướng hiệu quả, thực chất hơn. Đặc biệt, các Kỳ họp lần thứ 39, 40 và 41 của Ủy ban Liên Chính phủ Việt Nam-Lào (diễn ra lần lượt vào ngày 08-02-2017, ngày 05-02-2018 và ngày 06-01-2019) đã thể hiện sự quyết tâm của Lãnh đạo hai nước trong việc đẩy mạnh và tạo sinh lực mới trong quan hệ hai nước.
Kỳ họp lần thứ 41 Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác song phương Việt Nam - Lào diễn ra ngày 06-01-2019 đã đánh giá tình hình thực hiện Thỏa tuận và kế hoạch hợp tác Lào - Việt Nam năm 2018; trao đổi về phương hướng nhiệm vụ hợp tác năm 2019. Đồng thời ký kết 6 văn kiện thỏa thuận hợp tác giữa hai nước năm 2019, gồm: Thỏa thuận và kế hoạch hợp tác: Việt Nam- Lào 2019 và Biên bản Kỳ họp 41; Thỏa thuận về kế hoạch hợp tác giáo dục giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam và Bộ Giáo dục và Thể thao Lào; Biên bản bàn giao tiếp nhận Đài phát thanh phát hình khu vực tỉnh Savanakhet, Dự án tiếp nhận khoa tiếng Việt tại Đại học Supanuvong, Đại học Champasak; Thỏa thuận tài trợ 300 tấn giống lúa của Chính phủ Việt Nam cho Chính phủ Lào; Bộ Công Thương Việt Nam trao văn bản chấp thuận chủ trương nhập khẩu điện tại cụm nhà máy thủy điện Nậm - Sum (Lào) cho Bộ trưởng Bộ Năng lượng và mỏ Lào.
Về kinh tế: Trong suốt những năm qua, quan hệ đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai nước Việt Nam-Lào ngày càng trở nên gắn bó keo sơn, đổi mới và phát triển. Đặc biệt, hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Lào đã không ngừng phát triển, trở thành nền tảng lâu dài trong quan hệ Việt-Lào.
Hai nước từng bước liên kết và bổ trợ lẫn nhau giữa hai nền kinh tế; chú trọng về giao thông và năng lượng với việc ký Bản ghi nhớ giữa hai Chính phủ về hợp tác phát triển các dự án thủy điện tại Lào và mua bán điện giữa hai nước đến năm 2030 (tháng 10-2016), Thỏa thuận về đầu tư xây dựng đường cao tốc Hà Nội-Viêng Chăn (tháng 11-2016), Kế hoạch 5 năm (2016-2020) thực hiện Bản ghi nhớ về Chiến lược giao thông vận tải Việt Nam-Lào; Dự án xây dựng kho ngoại quan và đường ống dẫn dầu từ cảng Hòn La đi Khăm-muộn; đẩy mạnh xây dựng và nâng cấp các tuyến đường kết nối hành lang Đông-Tây và kết nối với khu vực; tạo điều kiện cho Lào có đường ra biển để xuất nhập khẩu hàng hóa, trong đó có việc khai thác hiệu quả cảng Vũng Áng. Các thỏa thuận hợp tác này đang và sẽ mang lại lợi ích chính trị, kinh tế, xã hội, phát huy tối đa lợi thế về vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên của hai nước, đặc biệt là tiềm năng về vị trí trung tâm trên đất liền của Lào và tiềm năng biển của Việt Nam.
Với những nỗ lực đó, trong những năm gần đây, kim ngạch thương mại Việt Nam-Lào có những bước phát triển đáng kể, tăng bình quân 4%/năm giai đoạn 2011-2016. Kim ngạch thương mại song phương Việt Nam-Lào năm 2017 đạt trên 935 triệu USD, tăng gần 13,6% so với năm 2016; năm 2018, con số này đạt trên 1,03 tỷ USD. Các mặt hàng xuất, nhập khẩu giữa hai nước ngày càng đa dạng và phong phú.
Đầu tư trực tiếp giữa Việt Nam và Lào cũng có nhiều khởi sắc, Việt Nam đứng thứ ba trong số các nước đầu tư vào Lào. Nhiều dự án đầu tư phát huy hiệu quả, sản xuất kinh doanh có lãi, đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển của hai nước, tạo công ăn việc làm, phúc lợi xã hội… giúp Lào thực hiện tốt chính sách xóa nghèo, được phía Lào ghi nhận và đánh giá cao. Tính đến cuối năm 2018, các doanh nghiệp Việt Nam đã đăng ký đầu tư vào Lào 411 dự án với trên 3,7 tỷ USD, lũy kế tổng vốn thực hiện đạt trên 1,6 tỷ USD, tương đương 43%, nhiều dự án đã đi vào hoạt động đạt kết quả tốt. Tổng cộng các nhà đầu tư Việt Nam đã đăng ký 409 dự án với tổng vốn lên tới 4,1 tỷ USD. Nhiều dự án đầu tư phát huy hiệu quả, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có lãi, đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển của hai nước, tạo công ăn việc làm, phúc lợi xã hội… giúp Lào thực hiện tốt chính sách xóa nghèo như: Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội Viettel, Tập đoàn KN - Tổng Công ty Cổ phần Đầu tư và Kinh doanh Golf Long Thành, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BIDV, Tập đoàn Cao su Việt Nam, Tập đoàn Xăng Dầu Việt Nam - Petrolimex, Tổng Công ty Dầu Việt Nam - PVOil, Tập đoàn Việt Phương...
Kim ngạch thương mại Lào-Việt Nam trong năm 2018 đạt hơn 1 tỷ USD, tăng 13% so với năm 2017, vượt chỉ tiêu mà hai chính phủ đề ra. Năm 2019, chính phủ hai nước đề ra chỉ tiêu phấn đấu đưa kim ngạch thương mại song phương tăng từ 10% trở lên.
Hiện đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam tại Lào đứng thứ 3 trong số các nước có dự án đầu tư tại Lào. Hai dự án tiêu biểu của các doanh nghiệp Việt Nam là dự án thủy điện Xekaman 1 (Xê-khạ-mản 1) và Xekamanxanxay (Xê-khạ-mản-xan-xay) đã sản xuất điện bán sang Việt Nam, mang lại nguồn thu lớn cho ngân sách Lào. Ngoài ra, hợp tác giữa hai nước trong dự án phát triển Cảng Vũng Áng 1, 2, 3 và thỏa thuận mua-bán điện sẽ càng giúp gia tăng giá trị thương mại song phương. Năm 2017, hai bên đã ký Hiệp định Thương mại mới và Hiệp định Thương mại biên giới; tổ chức thường xuyên các hoạt động xúc tiến thương mại, hội chợ giới thiệu sản phẩm đến thị trường hai nước…
Bên cạnh đó, việc triển khai các dự án sử dụng vốn viện trợ cũng đạt kết quả tốt mà cụ thể là trong năm 2018 đã hoàn thành, bàn giao và đưa vào sử dụng 12 dự án. Đồng thời, các ngành và các địa phương của hai nước cũng tăng cường gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm và mở rộng hợp tác thiết thực và hiệu quả. Các cơ chế, chính sách hợp tác giữa hai nước cũng được thảo luận, điều chỉnh kịp thời và phù hợp với tình hình thực tế của mỗi nước cũng như luật pháp quốc tế.
Về văn hóa du lịch, hai nước đã thiết lập mối quan hệ trực tiếp, giúp đỡ lẫn nhau có hiệu quả và đầy tinh thần trách nhiệm. Việt Nam và Lào đã thông qua Chiến lược phát triển du lịch 2016-2020 cũng như Tầm nhìn 2020-2025 là thế mạnh của hợp tác du lịch giữa hai nước. Lào nằm trong nhóm 15 thị trường hàng đầu của du lịch Việt Nam, Việt Nam là thị trường gửi khách lớn thứ hai của Lào. Năm 2018, Việt Nam đón trên 120 nghìn lượt khách Lào. Đây là kết quả của nỗ lực hợp tác và xúc tiến quảng bá hiệu quả giữa hai ngành du lịch trong thời gian qua.
Về hợp tác giáo dục, đã xây dựng và triển khai “Đề án nâng cao chất lượng và hiệu quả hợp tác Việt Nam-Lào trong lĩnh vực giáo dục và phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2011-2020”; phối hợp đẩy mạnh phong trào học tiếng Việt tại các trường học và các cơ quan của Lào. Hiện nay có hơn 14.000 cán bộ, sinh viên Lào học tập tại Việt Nam và 250 lưu học sinh Việt Nam đang học tập tại Lào. Cùng với đó, hợp tác trong lĩnh vực y tế cũng không ngừng phát triển, nhất là giữa các tỉnh đường biên. Tháng 01-2016, Việt Nam đã động thổ xây dựng 2 bệnh viện hữu nghị mới tại tỉnh Hủa Phăn trị giá khoảng 20 triệu USD và tại tỉnh Xiêng Khoảng trị giá 17,6 triệu USD. Các dự án hỗ trợ về giáo dục, y tế đang được hai bên phối hợp chặt chẽ triển khai đúng theo tiến độ kế hoạch. Trong đó, dự án Trường Trung học cơ sở - Phổ thông trung học tại tỉnh Bolykhamxay đã khánh thành và bàn giao tháng 11-2018, dự án Trường Phổ thông trung học tại tỉnh Sekong khởi công tháng 7-2018 - dự kiến hoàn thành năm 2020, dự án Trường Phổ thông trung học tại tỉnh Phongsaly và đặc biệt là dự án Nhà Quốc hội Lào mới đang được tích cực triển khai đúng kế hoạch đã đề ra.
Đặc biệt, hợp tác quốc phòng-an ninh giữa Việt Nam và Lào ngày càng gắn bó chặt chẽ. Hai bên đã hoàn thành Dự án tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam-Lào, ký hai văn kiện pháp lý quan trọng là “Nghị định thư về đường biên giới và mốc quốc giới” và “Hiệp định về quy chế quản lý biên giới và cửa khẩu biên giới trên đất liền giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Lào”. Việc hoàn thành hệ thống mốc quốc giới đã góp phần hoàn thành chất lượng đường biên giới Việt Nam-Lào cả về pháp lý và thực tiễn. Đồng thời, hai bên tiếp tục phối hợp tìm kiếm, cất bốc và hồi hương hài cốt liệt sỹ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh tại Lào. Hợp tác an ninh, quốc phòng giữa hai nước không ngừng tăng cường và được triển khai tốt trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt về huấn luyện, đào tạo. Hai bên tiếp tục phối hợp triển khai tốt các thỏa thuận hợp tác an ninh, quốc phòng, hợp tác chặt chẽ và đi vào chiều sâu, đạt hiệu quả tích cực, bảo đảm quốc phòng - an ninh ở mỗi nước. Quan hệ hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau giữa các địa phương có chung biên giới tiếp tục được tăng cường, đặc biệt trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng, chăm sóc y tế, đào tạo phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn tại các khu vực biên giới giữa hai nước.
Với lịch sử giàu truyền thống đoàn kết, hữu nghị, hợp tác, gắn bó thủy chung như vậy, chuyến thăm chính thức Lào của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng sẽ là một hoạt động ý nghĩa, tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào ngày càng phát triển sâu rộng và hiệu quả/.
Phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội  (21/02/2019)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Vẫn còn tình trạng “cắt giấy phép mẹ đẩy giấy phép con”  (21/02/2019)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới  (21/02/2019)
Việt Nam và Đức khẳng định tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực  (21/02/2019)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên