TCCSĐT - Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung diễn ra đến nay đã được hơn 5 tháng. Trải qua một số cuộc đàm phán giữa hai bên, nhất là cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Trung bên lề Hội nghị G20 ở Argentina, tuy có dấu hiệu lạc quan với thỏa thuận “đình chiến” 90 ngày, nhưng dư luận quốc tế vẫn quan ngại về sự tác động của cuộc chiến đến kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Vì thế, Việt Nam cần chủ động tìm ra các giải pháp để hạn chế mặt tiêu cực từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung có thể còn kéo dài.

Nhận rõ lợi thế, khai thác cơ hội

Việt Nam hiện đang là nền kinh tế đứng thứ 6 trong 10 nước ASEAN, là một trong những nền kinh tế có độ mở thương mại hàng đầu khu vực, với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa chiếm 190% GDP. Mỹ, Trung Quốc đều là đối tác thương mại, xuất nhập khẩu quan trọng của Việt Nam, nên khi cuộc chiến thương mại giữa hai nước leo thang, sẽ tác động không nhỏ theo cả hai hướng tích cực và tiêu cực.

Việt Nam có quan hệ thương mại sâu rộng với cả Mỹ và Trung Quốc chính vì vậy khi chiến tranh thương mại xảy ra, cả Mỹ và Trung Quốc đều có thể lựa chọn chuyển hướng đầu tư, sau đó xuất khẩu hàng hóa từ các nước trung gian như Việt Nam sang nước kia để không phải chịu mức áp thuế cao.

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung nếu tiếp tục sẽ mở ra những cơ hội về thị trường mới cho các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu của Việt Nam. Theo đó, Việt Nam có thể gia tăng xuất khẩu sang thị trường Mỹ và nhập khẩu hàng công nghệ cao của Trung Quốc trên cơ sở lợi thế so sánh.

Về đầu tư, Việt Nam cũng sẽ là điểm đến mới của cả Mỹ và Trung Quốc khi họ buộc phải lựa chọn chuyển hướng đầu tư, để khi xuất khẩu từ các nước có vai trò trung gian như Việt Nam sang Mỹ sẽ không phải chịu mức áp thuế cao. Các chuyên gia kinh tế nhận định, có khả năng đầu tư FDI của Trung Quốc và Mỹ vào Việt Nam sẽ gia tăng để thông qua đó giảm thiệt hại từcuộc chiến thương mại.

Mặt khác, Mỹ - Trung nâng thuế cao sẽ tạo ra lỗ hổng cho thị trường của cả hai nước, khiến Việt Nam có cơ hội mua được nguyên vật liệu, linh kiện, phụ tùng với giá rẻ, gia tăng xuất khẩu hàng hóa máy móc, thiết bị điện tử, công nghệ cao vào thị trường Mỹ thay thế sự thiếu hụt do hàng hóa Trung Quốc bị ngăn cản bởi hàng rào thuế quan mới, nếu hàng hóa Việt Nam có lợi thế so sánh và bảo đảm chất lượng.

Một số sản phẩm Việt Nam xuất sang Mỹ như gỗ và đồ nội thất, các mặt hàng nông thủy sản, thiết bị điện tử, túi xách, nhựa cao su, linh kiện, lắp ráp điện thoại, dệt may, da giày và bất động sản công nghiệp là những ngành có thể được hưởng lợi từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung nhờ đơn hàng từ Trung Quốc sang Việt Nam.

Việt Nam hiện đang là nơi sản xuất lớn nhất của Samsung với sản lượng khoảng 240 triệu chiếc điện thoại/năm (Trung Quốc sản xuất 150 triệu chiếc/năm). Samsung đang có kế hoạch cắt giảm sản lượng khoảng 40 triệu sản phẩm tại Trung Quốc bởi giá nhân công cao kết hợp với nguy cơ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang, để chuyển hướng đầu tư sang các nước khác. Trong bối cảnh này, Việt Nam có cơ hội thu hút thêm vốn đầu tư của Samsung. Theo đó, thu hút vốn FDI, xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng, các khu công nghiệp sẽ được hưởng lợi, nhiều việc làm mới cũng sẽ được tạo ra (1).

Theo thống kê, năm 2017, Mỹ là thị trường xuất khẩu dệt may lớn nhất của Việt Nam với 12,2 tỷ USD (tương đương 50% tổng xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam ra nước ngoài). Hàng dệt may của Việt Nam vào Mỹ hiện đang chịu mức thuế từ 8 - 10%. Chiến tranh thương mại tiếp tục chắc chắn mang lại thuận lợi cho ngành dệt may nhưng mức độ có thể sẽ không quá đột biến. Bởi các doanh nghiệp này hiện đã chạy hết công suất cũng như chưa có kế hoạch đầu tư thêm trong ngắn hạn. Nếu lấy thêm được đơn hàng từ Mỹ, các doanh nghiệp cũng sẽ phải thuê gia công bên ngoài và chấp nhận mức lợi nhuận thấp hơn.

Ngành dệt may và da giày cũng được dự báo là một trong những ngành được hưởng lợi trong chiến tranh thương mại nhờ đồng Nhân dân tệ (CNY) mất giá mạnh so với USD, qua đó CNY cũng mất giá so với VND giúp các doanh nghiệp nhập được vải và các nguyên phụ liệu dệt may, da giày với giá rẻ hơn. Mặt khác, các ngành này của Việt Nam có thể lấy thêm được thị phần của Trung Quốc tại thị trường Mỹ nhờ mức giá cạnh tranh hơn cũng như thu hút được thêm vốn đầu tư FDI, từ đó giúp xuất khẩu tăng, nhiều việc làm mới được tạo ra. Tuy vậy, quá trình hưởng lợi cũng sẽ diễn ra với quy mô vừa phải và tốc độ chậm vì đối với các Tập đoàn đa quốc gia, sản xuất tại Trung Quốc vẫn có sức hấp dẫn nhất định, nhất là đối với các phân khúc cần trình độ nhân công cao dù mức lương tại đây đang có xu hướng tăng.

Chiến tranh thương mại leo thang khiến bất động sản công nghiệp Mỹ, Trung giảm tốc khiến Việt Nam được hưởng lợi. Sự tăng trưởng giá thuê đất công nghiệp tại Trung Quốc sẽ thúc đẩy Việt Nam trở thành một trong những điểm đến tiếp theo cho các nhà đầu tư, nhờ vào vị trí địa - kinh tế thuận lợi với Trung Quốc và chi phí lao động lại ở mức phải chăng.

Hạn chế tiêu cực, vượt qua thách thức


Ngoài những cơ hội, những cánh cửa thị trường mới, kinh tế Việt Nam cũng sẽ phải đối mặt với các thách thức bởi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Trong ngắn hạn, thương mại của Việt Nam dự báo tuy không bị ảnh hưởng nhiều, nhưng khi Mỹ gia tăng áp đặt một số biện pháp hạn chế với hàng Trung Quốc khiến một số hàng hóa cùng chủng loại của Việt Nam cũng bị ảnh hưởng.

Về lâu dài, tác động lan tỏa có thể lớn, khó định lượng. Nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ và Trung Quốc sẽ chịu tác động tiêu cực. Ðặc biệt, hàng công nghệ cao và nông nghiệp sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp. Các chuyên gia dự báo, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung sẽ làm giảm GDP của Việt Nam Trung bình khoảng 0,03% - 0,12% trong 5 năm tới, ước tính khoảng 6.000 tỷ đồng/năm.

Theo dự đoán, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã tác động đến Việt Nam từ năm 2018 và sẽ lên đến đỉnh điểm vào năm 2020 - 2021. Việt Nam sẽ phải chịu sức ép ngày càng lớn để ổn định kinh tế vĩ mô, giữ tỷ giá và kiểm soát lạm phát; trong khi đó, lực đẩy từ khu vực FDI giảm dần, chưa có động lực mới bổ sung khiến kinh tế tăng trưởng có thể chậm lại công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn chủ yếu hoạt động ở phân khúc thấp trong chuỗi giá trị.

Mặt khác, Việt Nam tiếp tục gặp sức ép từ việc tăng giá của đồng USD (xuất phát từ tăng trưởng kinh tế Mỹ và nâng lãi suất của FED). Ngoài ra còn có chính sách bảo hộ thương mại của Mỹ và các nước khác, đặc biệt đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Biến động của giá hàng hóa cơ bản và giá năng lượng trên thị trường quốc tế cũng là một thách thức không nhỏ.

Khi hàng Trung Quốc xuất khẩu vào Mỹ bị áp thuế, để giảm phụ thuộc, duy trì năng suất, Trung Quốc có thể có những chính sách phá giá, đẩy hàng hóa sang các nước xung quanh, trong đó có Việt Nam. Một số chuyên gia đồng tình rằng, khi cuộc chiến thương mại kéo dài, hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu vào Mỹ gặp khó khăn, về lâu dài nhiều ngành sẽ phải thu hẹp sản xuất, bán rẻ máy móc, công nghệ… Khi đó, đối tượng để Trung Quốc trút bỏ sẽ có cả thị trường Việt Nam. Đồng thời, khi Trung Quốc không xuất khẩu được hàng hóa sang Mỹ, sẽ phải thúc đẩy tiêu dùng nội địa, giảm nhu cầu nhập khẩu. Những điều chỉnh này có thể khiến nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc lại gia tăng.

Ngoài ra, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung tiếp diễn còn gây tác động mạnh tới tỷ giá giữa đồng CNY và đồng USD. Việt Nam đồng hiện vẫn phụ thuộc nhiều vào tỷ giá của 2 đồng tiền nêu trên nên cũng sẽ bị tác động. Nếu xung đột thương mại gia tăng có thể sẽ kéo theo chính sách bảo hộ của các thị trường khác. Mỹ sẽ lập nên các hàng rào thuế quan, tăng thuế và ưu đãi khác để khuyến khích các tập đoàn Mỹ rút từ các nền kinh tế mới nổi về đầu tư trong nước, trong đó có Việt Nam. Đó là sự lan tỏa của chính sách bảo hộ của Mỹ mà Việt Nam cần quan tâm.

Theo giới phân tích, dù có thể có được một số cơ hội, nhưng rủi ro, thách thức từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung không nhỏ và khó lường. Vì thế, các nhà hoạch định chính sách và các doanh nghiệp Việt Nam cần tỉnh táo để tận dụng được các thời cơ cuộc chiến thương mại đưa lại, đồng thời bám sát, theo dõi, phân tích và dự báo, để kịp thời đưa ra các kịch bản ứng phó khác nhau cho phù hợp.

Theo đó, Việt Nam cần phải quan tâm đến một số giải pháp quan trọng đó là:

Thứ nhất, chủ động cập nhật danh mục hàng hóa bị áp thuế của cả Mỹ và Trung Quốc, cũng như động thái tỷ giá của đồng USD, CNY và một số đồng tiền chủ chốt khác như đồng Euro, đồng Yen… để có phản ứng kịp thời.

Thứ hai, khẩn trương tìm hiểu nhu cầu mới phát sinh từ thị trường Mỹ để đa dạng hóa danh mục hàng hóa xuất khẩu vào thị trường số một thế giới này.

Thứ ba, sớm tiếp cận với các nhà đầu tư FDI lớn tại Trung Quốc để thu hút chuyển hướng đầu tư vào Việt Nam.

Thứ tư, nghiên cứu cách thức đối phó và kiểm soát danh mục hàng hóa của Trung Quốc có thể nhập vào Việt Nam khi xuất khẩu của họ sang Mỹ bị chặn lại.

Thứ năm, chuẩn bị tốt các thông tin liên quan đến phòng vệ thương mại trong trường hợp chiến tranh thương mại Mỹ - Trung lan ra toàn cầu, để không bị bất ngờ và tránh hệ lụy lâu dài.

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang ở giai đoạn “đình chiến”. Tuy nhiên, hậu quả xấu cho cả 2 nền kinh tế hàng đầu thế giới do những động thái áp thuế trả đũa lẫn nhau vừa qua cũng đã gây thiệt hại không nhỏ cho kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Chính quyền của Tổng thống Trump có lẽ cũng hiểu rõ, không thể “đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại” bằng cuộc chiến này. Trung Quốc cũng chắc chắn không muốn cuộc chiến “lợi bất, cập hại” kéo dài. Tuy nhiên, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung không còn thuần túy là mục tiêu kinh tế mà nó đan xen với tham vọng chính trị toàn cầu “cọ sát đại chiến lược” và kiềm chế lẫn nhau. Vì thế, Việt Nam vẫn phải chủ động khai thác triệt để những nhân tố thuận lợi (thời cơ) và tích cực hạn chế những yếu tố tiêu cực (thách thức) do hệ lụy từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung gây ra./.
--------------------------------------------------
(1) http://vneconomy.vn: Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung: “Dệt may Việt được lợi, sắt thép thận trọng”, 21-9-2018