20 năm đồng tiền chung châu Âu - vẫn còn nhiều thách thức
TCCSĐT - Ngày 01-01-1999, đồng tiền chung châu Âu (euro) ra đời và sau 3 năm được đưa vào lưu thông đã có 11 quốc gia từ bỏ quyền phát hành đồng tiền riêng. Hiện nay, euro là đồng tiền chính thức và duy nhất của 19 trong tổng số 28 quốc gia Liên minh châu Âu (EU), nhưng sau 20 năm, tham vọng tạo dựng một liên minh kinh tế và tiền tệ của toàn khối EU vẫn còn nhiều trắc trở. Bởi 19 nước có quy mô kinh tế rất khác nhau lại dùng chung một đồng tiền đã là một trong những nguyên nhân của cuộc khủng hoảng nợ công rung chuyển EU kéo dài gần 10 năm, mà tâm điểm là Hy Lạp.
Vẫn còn những bất đồng
Ngày 01-01-1999, đồng euro chính thức ra đời. Ngay lập tức, Bỉ, Italia, Pháp, Áo, Đức, Ireland, Tây Ban Nha, Luxembourg, Hà Lan, Bồ Đào Nha và Phần Lan gia nhập liên minh tiền tệ mới - Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone); sau đó 02 năm, Hy Lạp gia nhập. Năm 2003, trong một cuộc trưng cầu dân ý, Thụy Điển cùng với Đan Mạch và Anh từ chối chấp nhận đồng tiền chung, nhưng các nước thành viên EU mới vẫn mong muốn gia nhập Eurozone, đó là là Slovenia (năm 2007), Cyprus và Malta (năm 2008), Slovakia (năm 2009). Tiếp theo, năm 2011, Estonia gia nhập Eurozone, năm 2014 là Latvia và năm 2015 là Lithuania.
Để gia nhập Eurozone, một nước phải đáp ứng 5 điều kiện, chẳng hạn như thâm hụt ngân sách không vượt quá 3% GDP; toàn bộ nợ quốc gia không vượt quá 60% GDP; nước muốn gia nhập nên là thành viên của Cơ chế tỷ giá hối đoái của châu Âu (ERM II) trong 02 năm…
Tuy nhiên, có những nước sử dụng đồng euro nhưng không gia nhập EU. Một số nước và vùng lãnh thổ, như Vatican, Monaco, San Marino và hai lãnh thổ hải ngoại của Pháp là Saint-Pierre and Miquelon ở ngoài khơi bờ biển Canada, Đại Tây Dương và Mayotte ở Ấn Độ Dương, có thỏa thuận đặc biệt với Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). Thậm chí Andorra có truyền thống sử dụng đồng franc Pháp và đồng pesetas Tây Ban Nha đã chuyển sang sử dụng đồng euro mà không tham vấn bất kỳ ai, ngay khi đồng euro được sử dụng. Montenegro cũng là một trường hợp tương tự.
Về lý thuyết, các nước thành viên EU sẽ phải chuyển sang đồng tiền mới, tuy nhiên nước Anh không chỉ từ chối đồng euro mà hiện còn ra khỏi EU (Brexit). Hiện nay, Hy Lạp cũng lên tiếng về những bất lợi của việc tham gia Eurozone.
Không chỉ Anh và Hy Lạp, Thụy Điển - nước dễ dàng đáp ứng 4 điều kiện cho việc gia nhập Eurozone, nhưng lảng tránh việc tham gia ERM II. Thụy Điển đã thông qua luật, theo đó nước này sẽ thay đổi đồng kroon thành tiền tệ châu Âu chỉ sau khi vấn đề được chấp thuận trong một cuộc trưng cầu dân ý chung. Giống như Thụy Điển, Bulgaria đáp ứng các điều kiện để gia nhập Eurozone và vào cuối tháng 8-2018, chính phủ nước này đã chấp thuận một kế hoạch gia nhập ERM II. Nếu EU đưa ra một giải pháp thích hợp, Bulgaria có thể ban hành đồng euro, nhưng không sớm hơn năm 2020. Trong khi đó, Romania có kế hoạch gia nhập eurozone không sớm hơn năm 2022. Đối với Croatia cũng không sớm hơn năm 2025.
Ba Lan đã có 4 lần thay đổi thời gian tiếp cận khu vực đồng euro. Theo một cuộc thăm dò ý kiến năm 2017, có 64% người Ba Lan tin rằng, nếu đồng euro được ban hành, tình hình tài chính của nước này sẽ rơi vào tình trạng tồi tệ và chỉ có 11% hy vọng vào những thay đổi tích cực. Jaroslaw Kaczynski, lãnh đạo Đảng cầm quyền Luật pháp và Công lý, nói rằng Ba Lan sẽ không chuyển sang sử dụng đồng euro trong 10 đến 20 năm nữa.
Đối với những nước đang xếp hàng gia nhập Eurozone, như Séc và Hungary, mặc dù ủng hộ đồng tiền chung, nhưng cả chính phủ và người dân đều lo ngại sau khi phát hành đồng euro, giá cả sẽ tăng cao. Chính vì vậy, hai nước này vẫn chưa quyết định thời gian gia nhập Eurozone.
Ngoài ra, sự phản đối mở rộng liên minh tiền tệ còn xảy ra ở một số nước thuộc Eurozone. Người đứng đầu cơ quan tài chính Bavaria (Đức), hồi tháng 02-2018 đã phản đối kết nạp Bulgaria và Romania vào Eurozone, đề nghị cần có cách tiếp cận cẩn trọng đối với việc mở rộng khu vực đồng tiền chung này.
Còn nhiều trắc trở
Ngày 15-7-2008, đồng euro đạt tới một tỷ giá hối đoái cao lịch sử là 01 euro đổi được 1,6038 USD - khi Mỹ lâm vào cuộc khủng hoảng tín dụng nhà ở thứ cấp. Tháng 11 năm đó, Eurozone lâm vào một cuộc suy thoái kéo dài một năm. Năm 2010, EU sa vào bãi lầy của một cuộc khủng hoảng nợ. Tháng 5-2010, EU và Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) cấp 110 tỷ euro cứu trợ cho Hy Lạp; đổi lại, nước này phải cam kết thực hiện một kế hoạch tài chính khắc khổ. Một tháng sau, đồng euro lao dốc khi 01 euro chỉ đổi được 1,20 USD. Tháng 11-2010, Ireland - nơi các ngân hàng lâm vào cảnh lụn bại vì nợ - cũng nhận được một kế hoạch cứu trợ EU/IMF trị giá 85 tỷ euro. Trong khi đó, Bồ Đào Nha nhận được gói cứu trợ quốc tế trị giá 78 tỷ euro vào tháng 5-2011.
Năm 2012, đồng euro đứng trước nguy cơ bị cuốn theo cuộc khủng hoảng nợ công có thể dẫn đến sự tan rã của hệ thống ngân hàng tại châu Âu. Tháng 7-2012, lãi suất dài hạn của Tây Ban Nha tăng vọt 7,6%, khuấy lên nỗi hoảng sợ về sự sụp đổ của đồng euro. Trước tình hình đó, người đứng đầu ECB Mario Draghi lập tức tuyên bố sẽ làm bất cứ điều gì để cứu vãn sự tồn tại của đồng euro...
Theo hãng tin AFP (Pháp), những sự kiện đó đã cho thấy rõ những “khuyết tật ban đầu” trong quá trình hình thành đồng tiền chung euro: thiếu sự đoàn kết về ngân sách chung châu Âu thông qua biện pháp tương trợ nợ công, đầu tư và các rủi ro, cách biệt sâu sắc giữa các nền thị trường, thiếu một định chế cung cấp tín dụng trong trường hợp khẩn cấp, khi một nước gặp khó khăn… Sự khủng hoảng cũng cho thấy rõ sự bất bình đẳng kinh tế giữa các nước thành viên, đặc biệt giữa quy tắc thận trọng tài chính ở phương Bắc và các nước chịu gánh nặng nợ phương Nam. Dù đã được củng cố nhờ một số chính sách tiền tệ của châu Âu, nhưng nhìn chung đồng euro vẫn còn yếu ớt.
Nhiều chuyên gia kinh tế thế giới đã cảnh báo ngay từ đầu dự án đồng euro sẽ cho thấy một tương lai mờ mịt. Thực tiễn nền kinh tế châu Âu hiện nay là minh chứng rõ cho nhận định này. Thành quả phát triển kinh tế của các nước trong Eurozone thấp hơn nhiều so với các nước không sử dụng đồng euro.
Ba trong số 05 nền kinh tế lớn nhất châu Âu là Pháp, Italia và Tây Ban Nha phải chịu tổn thất lớn từ việc mất khả năng hạ giá đồng tiền khi ứng phó với khủng hoảng, đặc biệt bởi vì các nước này không thể trả lương thấp hơn, do đó sức cạnh tranh bị bào mòn. Thậm chí trong những năm trước khủng hoảng, 3 nước này cũng không làm sâu sắc hơn các mối quan hệ thương mại trong khối, ngoại trừ Tây Ban Nha.
Theo các nhà kinh tế, các nước này nói chung thu được nhiều lợi ích khi gia nhập Eurozone. Tuy nhiên, tăng trưởng cao nhưng không có sự đổi mới cấu trúc hiệu quả, các nền kinh tế quá nóng và bị bào mòn tính cạnh tranh. Cuộc khủng hoảng nợ sau đó đã dẫn đến sự điều chỉnh cứng nhắc và thiếu năng lực tài chính trong việc làm giảm tác động của các cuộc khủng hoảng.
Trong số các nước sử dụng đồng euro, Italia là một trong những nước bị thiệt hại nhiều nhất do “cuộc thử nghiệm” với đồng euro. Nền kinh tế Italia hầu như không tăng trưởng, tỷ lệ thanh niên thất nghiệp tăng đến 30% đã khiến người dân thất vọng về đồng euro. Nước này đang trả giá đắt cho sự tồn tại của đồng tiền chung châu Âu. Sau khi gia nhập Eurozone, Italia không chỉ mất sự độc lập về tiền tệ, mà còn cả về mặt kinh tế và chính trị. Các chuyên gia cho rằng, nếu một đất nước bị mất khả năng quản lý đồng tiền quốc gia và tỷ giá hối đoái, thì việc thực hiện chính sách kinh tế trở nên khó khăn hơn.
Nếu nói về thuế, hoạt động của Italia bị hạn chế bởi các tiêu chí Maastricht và các yêu cầu khác của EU. Nước này đã phải ký vào “Hiệp ước ngân sách EU về thắt chặt ngân sách cho khu vực đồng euro”. Hiệp ước này chính là trở ngại ngăn cản đất nước phục hồi về kinh tế. Italia không còn khả năng hạ giá đồng tiền hoặc thực hiện một chính sách độc lập trong lĩnh vực chi tiêu công, mà các biện pháp như vậy có thể bảo đảm sự phát triển của nền kinh tế đất nước. Có ý kiến cho rằng, Italia đã rơi vào bẫy nợ công và không thể thoát khỏi, chừng nào chính quyền nước này chưa ra khỏi Eurozone và thay đổi chính sách kinh tế.
Sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 và cuộc khủng hoảng nợ năm 2010, Italia được yêu cầu cắt giảm chi tiêu công ở mức 132% GDP. Italia là nước có nợ công lớn thứ 3, tổng cộng là 2,3 nghìn tỷ euro vào cuối tháng 3-2018. Tuy nhiên, sự cắt giảm chi tiêu công đột ngột theo sau sự tái cấu trúc nợ, được xem như một chính sách của EU, đã “trừng phạt” những người bình thường về những sai lầm của chính phủ, các nhà hoạch định chính sách và các ngân hàng chủ chốt ở châu Âu và Mỹ. Người dân Italia bình luận rằng, thế hệ mới đã phải trả giá cho sai lầm của những người tiền nhiệm với sự cắt giảm chi tiêu công đi cùng với sự cải cách, như tờ Italic Magazine mô tả, là “to lớn và không cân đối”, đã giáng vào những người nghèo khổ.
Hiện có quan điểm cho rằng, trong bối cảnh tình hình chính trị ở châu Âu đang thay đổi nhanh chóng, đồng euro sẽ không còn tồn tại được bao lâu nữa. Khu vực đồng euro phải chấm dứt sự tồn tại càng sớm càng tốt, bởi vì hệ thống này “không hoàn hảo”. Nếu không, tất cả các nước trong khu vực đồng euro, ngoại trừ Đức, sẽ tiếp tục đứng trước thách thức khắc nghiệt vì không có khả năng tăng trưởng kinh tế.
Một số dự báo khác nhấn mạnh khu vực đồng euro sẽ sớm bị “khai tử” bởi sự bất ổn của nó đe dọa sự tồn tại của chính EU. Bởi đồng euro là một hệ thống tiền tệ chỉ lưu hành trong khối EU và cũng mới chỉ mới ra đời 20 năm. Liên minh tiền tệ này được coi là không ổn định và là “một thí nghiệm bị thất bại”. Ngoài thiệt hại về kinh tế, đồng euro không làm cho các nước EU xích lại gần nhau hơn mà chỉ góp phần làm trầm trọng thêm những mâu thuẫn.
Lấy lại uy tín
Gần 10 năm giải quyết khủng hoảng nợ công đã tạo ra nhiều cơ chế nhằm giải quyết sớm các vấn đề. Đồng euro đã dần lấy lại uy tín trên thị trường tài chính. Năm 2017, 1/3 giao dịch ngoại thương trên thế giới là bằng đồng euro. Euro đang chiếm 1/5 tổng dự trữ ngoại tệ của các ngân hàng trung ương trên thế giới. Trong dịp kỷ niệm 20 năm đồng euro, Ủy ban châu Âu (EC) đã công bố kế hoạch tăng việc sử dụng euro, đồng thời giảm dần USD, khi mua dầu mỏ, nhập nguyên liệu, hay bán máy bay.
Hiện tại, đồng euro vẫn có hy vọng trở nên lớn mạnh và bền vững hơn. Là đồng tiền thứ hai được sử dụng nhiều trên thế giới, đồng tiền chung này vẫn được đại bộ phận người dân châu Âu ủng hộ. Tại Đức, lúc đầu đồng euro thậm chí được gọi là “teuro”, một từ dùng để mô tả sự đắt đỏ. Tuy nhiên, việc chi tiêu dễ dàng trong quá trình đi lại hay giao dịch thương mại xuyên biên giới mà không cần tiến hành chuyển đổi tiền tệ đã nhanh chóng giúp đồng tiền này “lấy được trái tim và khối óc” của người dân châu Âu. Tại cuộc điều tra vào tháng 11-2018 do ECB tiến hành, 74% công dân Eurozone cho rằng đồng tiền chung tốt cho EU, trong khi 64% nói là tốt cho nước họ.
Nhân kỷ niệm 20 năm ngày đồng euro ra đời (01-01-1999 - 01-01-2019), các nhà lãnh đạo EU đã dành nhiều lời ca ngợi đồng tiền chung này, coi đây là một trong những câu chuyện thành công lớn nhất của EU.
Phát biểu ngày 31-12-2018, Chủ tịch EC Jean-Claude Juncker đánh giá đồng euro đã trở thành biểu tượng của sự đoàn kết, chủ quyền và sự ổn định. Trong khi đó, Chủ tịch Nghị viện châu Âu, Antonio Tajani nhận định, đồng euro ngày nay đã trở nên phố biến hơn với 3 trên 4 công dân châu Âu cho rằng đồng tiền này mang lại lợi ích kinh tế.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk nhấn mạnh đến sự trưởng thành của đồng euro sau 20 năm thăng trầm để giờ đây trở thành biểu tượng sức mạnh của EU với tư cách là lực lượng kinh tế, chính trị trên thế giới và bất chấp cú sốc của cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, đồng tiền này vẫn cho thấy sức sống bền bỉ của nó. Chủ tịch ECB Mario Draghi cho rằng sau 20 năm ra đời, có một thế hệ người châu Âu chỉ biết đến đồng tiền nội tệ duy nhất là euro. Trong khi đó, Chủ tịch Nhóm các bộ trưởng tài chính Eurozone (Eurogroup) Mario Centeno cho rằng đồng euro đã trở thành một trong những câu chuyện thành công lớn nhất của châu Âu. Nhân dịp này, các nhà lãnh đạo EU cũng nhấn mạnh đền sự cần thiết tiến hành cải cách sâu rộng trong khối nhằm tăng cường sức mạnh của đồng tiền chung này.
Các chuyên gia cũng có đánh giá tích cực về đồng euro. Nicolas Veron, Viện sĩ Viện Bruegel ở Brussels và Viện Peterson về Kinh tế quốc tế ở Washington nói: “Đồng euro đã được dân chúng tin tưởng, thậm chí ngay cả những nhà chính trị phản đối đồng tiền chung cũng đã phải thừa nhận nó”.
Euro hiện nay là đồng tiền mạnh thứ hai trên thế giới, dù vẫn còn một số điều từ thách thức của sự thống trị của đồng USD. Đồng euro tạo thuận tiện, giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp châu Âu, gắn kết kinh tế châu Âu một khối trên nền tảng một loại tiền tệ thống nhất. EU đang tham vọng dùng đồng euro làm công cụ củng cố độc lập tự chủ của mình trong kinh tế, thương mại và tài chính, nhằm giảm lệ thuộc vào đồng USD, cũng là giảm lệ thuộc vào nước Mỹ.
Vượt qua sự bất bình đẳng kinh tế, có một vấn đề thậm chí lớn hơn so với tương lai của đồng euro: người châu Âu cảm nhận đồng euro thế nào? Đồng tiền chung luôn là một phần trong việc bảo đảm cùng tồn tại hòa bình ở châu Âu, đưa người dân và các nước đến gần nhau hơn.
Hiện nay, thách thức lớn đối với đồng euro là cuộc khủng hoảng nợ công, sự gia tăng của các đảng dân túy cánh hữu cấp tiến và cuộc trưng cầu dân ý ở Anh về Brexit đã thử thách sự gắn kết của Eurozone; đồng thời các cuộc thăm dò cho thấy sự ủng hộ đối với đồng euro đã bị tụt dốc thê thảm ở Italia.
Tuy nhiên, ở các nước sử dụng đồng euro, phần lớn người dân vẫn ủng hộ mạnh mẽ việc lưu hành đồng tiền từng là biểu tượng cho sức mạnh của châu Âu. Sự ủng hộ đối với đồng euro đã dần tăng lên ở nhiều nước thành viên, như Áo, Phần Lan, Đức và Bồ Đào Nha, kể từ khi các nước này gia nhập Eurozone. Thậm chí ở Italia, nước đã chứng kiến một sự suy giảm, khoảng 60% dân số vẫn ủng hộ việc sử dụng chung đồng tiền với các nước láng giềng. Kết quả này dẫn đến các ý kiến lạc quan rằng, trong thập niên tới, thành công của đồng euro sẽ tiếp tục tạo nên những thách đố mới, bất chấp sự phản đối sử dụng đồng tiền này./.
Ra đời ngày 01-01-1999, đồng euro ban đầu chỉ tồn tại như một dạng tiền ảo được sử dụng trong các giao dịch tài chính và kế toán. Ba năm sau, năm 2002, đồng tiền này mới chính thức được đưa vào lưu hành và sử dụng. Ở thời kỳ đầu, đồng euro không giành được thiện cảm của người dân châu Âu bởi sự xuất hiện của nó kéo theo tình trạng tăng giá ngoài mong muốn. Hiện nay, đồng euro ngày càng được ưa chuộng, bất chấp tâm lý bài châu Âu và trào lưu dân túy gia tăng tại nhiều nước. Hiện có hơn 340 triệu người tại 19 nước thuộc EU đang sử dụng đồng tiền này trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày dưới dạng tiền giấy và tiền xu.
Thi hành pháp luật hành chính - một số vấn đề lý luận và thực tiễn  (01/02/2019)
Thủ tướng: Tập trung đổi mới cơ chế quản lý, điều hành ngay từ quý 1  (01/02/2019)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Đừng để người dân nào không có Tết  (01/02/2019)
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chúc Tết tại Văn phòng Quốc hội  (01/02/2019)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên