Tiếp tục phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Ấn Độ
Đại sứ Phạm Sanh Châu tổ chức họp báo trước chuyến thăm
Trước thềm chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng thống Ấn Độ Ram Nath Kovind tới Việt Nam, trưa 15-11, Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ đã tổ chức cuộc họp báo công bố một số thông tin liên quan đến chuyến thăm và điểm lại tình hình quan hệ giữa hai nước trong thời gian qua. Điều hành buổi họp báo có Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu và Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Việt Nam tại Ấn Độ, Tiến sĩ Sonu Trivedi. Tham dự họp báo có đông đảo các hãng thông tấn báo chí lớn của Ấn Độ như PTI, ANI, Times of India, Times Now, WION... cùng một số học giả và nhà nghiên cứu về quan hệ quốc tế.
Tại cuộc họp báo, Đại sứ Phạm Sanh Châu cho biết Tổng thống Kovind sẽ gặp gỡ lãnh đạo thành phố Đà Nẵng, thăm Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn (Quảng Nam). Tại Hà Nội, ngày 20-11, Tổng thống Ấn Độ sẽ hội đàm với Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, hội kiến Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và phát biểu trước Quốc hội Việt Nam. Tổng thống Kovind sẽ trở thành nhà lãnh đạo nước ngoài thứ hai phát biểu trước Quốc hội Việt Nam sau Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Đại sứ Phạm Sanh Châu đồng thời đánh giá, hai năm sau khi Việt Nam và Ấn Độ nâng cấp quan hệ từ Đối tác chiến lược lên Đối tác chiến lược toàn diện vào tháng 9-2016, quan hệ song phương đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể, dần đi vào chiều sâu và ngày càng hiệu quả.
Tại buổi họp báo, Đại sứ Phạm Sanh Châu đã trả lời các câu hỏi của phóng viên Ấn Độ liên quan đến lập trường, chính sách của Việt Nam trong các vấn đề như an ninh-quốc phòng, hợp tác-đầu tư và giao lưu nhân dân, cũng như vai trò của Ấn Độ trong khu vực và trong quá trình phát triển của Việt Nam. Sau buổi họp báo, một số cơ quan báo chí nước sở tại đã phỏng vấn riêng Đại sứ về quan hệ song phương.
Giới học giả Ấn Độ đặt nhiều kỳ vọng
Chuyến thăm cấp nhà nước đến Việt Nam của Tổng thống Ấn Độ Ram Nath Kovind có ý nghĩa quan trọng và sẽ góp phần thúc đẩy hơn nữa sự hợp tác song phương trên nhiều lĩnh vực. Đây là nhận định chung của giới chuyên gia và học giả Ấn Độ về chuyến thăm này.
Tiến sĩ Sonu Trivedi, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Việt Nam tại Ấn Độ, Giảng viên cao cấp tại Đại học Delhi, cho rằng chuyến thăm Việt Nam tới đây đánh dấu lần đầu tiên Tổng thống Ram Nath Kovind công du một quốc gia ở phía Đông của Ấn Độ, trong khi Việt Nam cũng là nước ASEAN đầu tiên mà nhà lãnh đạo Ấn Độ lựa chọn trong chuyến công du châu Á chính thức của mình.
Chuyến thăm này diễn ra 4 năm sau khi Tổng thống Ấn Độ khi đó Pranab Mukherjee thăm Việt Nam vào năm 2014 và 2 năm sau khi hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện vào năm 2016 trong chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Narendra Modi. Bên cạnh đó, đây cũng là lần đầu tiên một nguyên thủ của Ấn Độ sẽ phát biểu trước Quốc hội Việt Nam. Trước đó, chỉ có duy nhất Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng có bài phát biểu như vậy.
Một điểm đáng lưu ý nữa là Tổng thống Ấn Độ Ram Nath Kovind bắt đầu chuyến thăm Việt Nam tại Đà Nẵng, nơi ông sẽ đi thăm Thánh địa Mỹ Sơn (Quảng Nam). Khu di tích gồm nhiều đền đài Hindu giáo được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới này được xem như một chứng tích trường tồn cùng thời gian nêu bật sự gắn kết văn minh giữa hai dân tộc.
Trong khi đó, Tiến sĩ Faisal Ahmed, Trưởng khoa Thương mại quốc tế thuộc Đại học Quản trị FORE, New Delhi, đánh giá chuyến thăm Việt Nam sắp tới của Tổng thống Ram Nath Kovind chắc chắn sẽ làm sâu sắc hơn nữa sự tương tác song phương và mang lại những cơ hội cho Việt Nam và Ấn Độ đẩy mạnh quan hệ trong bối cảnh lớn hơn ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, đặc biệt khi Việt Nam là nhân tố quan trọng trong chính sách "Hành động Hướng Đông" của Ấn Độ.
Theo Tiến sĩ Faisal Ahmed, để đưa mối quan hệ song phương phát triển hiệu quả hơn, hai nước cần tập trung vào một số vấn đề. Trước hết, Ấn Độ và Việt Nam cần tạo điều kiện thuận lợi cho nhau trong nhiều lĩnh vực thông qua việc tham gia vào chuỗi giá trị gia tăng. Thứ hai, hai nước cần hợp tác và tận dụng các lợi thế của nhau trong lĩnh vực dịch vụ. Ấn Độ và Việt Nam có thể thúc đẩy hợp tác trong các dịch vụ như giáo dục, y tế, công nghệ, tài chính, du lịch, giải trí và hậu cần. Trong khi đó, hợp tác chiến lược và quốc phòng ở cấp độ song phương và trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương có thể tạo chiều sâu chiến lược cho mối quan hệ song phương. Cuối cùng, cần thúc đẩy giao lưu nhân dân mạnh mẽ hơn nữa thông qua trao đổi học thuật, gặp gỡ doanh nghiệp và giao lưu văn hóa.
Cùng quan điểm, ông Rajaram Panda - nghiên cứu viên tại Hạ viện Ấn Độ, cho rằng hai nước đã đạt được nhiều tiến bộ trong quan hệ song phương trên hầu hết các lĩnh vực từ chiến lược, quốc phòng, tới kinh tế, văn hóa... Tuy nhiên, trong mỗi lĩnh vực vẫn còn nhiều không gian để hợp tác hơn nữa. Ví dụ, hai nước có thể hợp tác sản xuất phim bởi Việt Nam có rất nhiều cảnh đẹp phù hợp cho phim trường Bollywood. Trên lĩnh vực văn hóa, cả 2 nước đều có nền văn hóa phong phú, giàu bản sắc và cần khai thác nhiều hơn để thúc đẩy kết nối văn hóa, giao lưu nhân dân. Du lịch cũng là một lĩnh vực có tiềm năng phát triển to lớn bên cạnh quan hệ chính trị, quốc phòng và kinh tế ngày càng trở nên sôi động. Các chuyến thăm viếng lẫn nhau ở các cấp là tín hiệu tốt cho thấy Việt Nam và Ấn Độ đang đi đúng hướng.
Về vai trò của Ấn Độ trong quá trình phát triển của Việt Nam, các học giả đánh giá Ấn Độ là nhân tố quan trọng trong các lĩnh vực hợp tác phát triển và xây dựng năng lực ở Việt Nam. Các dự án phát triển đang được triển khai thành công và nhiều chương trình xây dựng năng lực ở Việt Nam với sự hỗ trợ của Ấn Độ là những minh chứng cho mối quan hệ bền chặt giữa hai nước.
Các cuộc diễn tập-huấn luyện và trao đổi đoàn quốc phòng định kỳ là một khía cạnh quan trọng trong hợp tác quốc phòng Ấn Độ-Việt Nam. Ấn Độ cũng đang hỗ trợ Việt Nam thông qua các gói tín dụng và gói mới nhất được công bố là một phần của nỗ nực hỗ trợ các chương trình mua sắm quốc phòng của Việt Nam.
Ấn Độ cũng ủng hộ Việt Nam trong việc duy trì tự do hàng hải và hàng không cũng như thiết lập trật tự dựa trên quy tắc. Cả hai nước đều nhấn mạnh tầm quan trọng của tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông trong khi kêu gọi giải quyết hòa bình các tranh chấp mà không đe dọa hay sử dụng vũ lực.
Các học giả đồng thời khẳng định Biển Đông là khu vực liên quan tới nhiều quốc gia. Nếu các nước đều tuân thủ chuẩn mực quốc tế và toàn cầu như Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS), khu vực này sẽ hòa bình và phát triển.
Quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp
Quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời giữa Việt Nam và Ấn Độ hình thành từ những thập niên đầu thế kỷ XX, được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Jawaharlan Nehru đặt nền móng, các thế hệ lãnh đạo cùng nhân dân hai nước dày công vun đắp. Hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 07-01-1972. Ấn Độ tích cực ủng hộ Việt Nam trong các cuộc kháng chiến giành độc lập, thống nhất trước đây, cũng như trong sự nghiệp đổi mới và phát triển kinh tế sau này. Năm 1954, Ấn Độ mở Tổng Lãnh sự quán tại Hà Nội. Năm 1956, Việt Nam lập Tổng lãnh sự quán tại New Delhi. Năm 2007, hai bên tuyên bố chính thức thiết lập quan hệ “Đối tác chiến lược”. Đặc biệt, tháng 9-2016, quan hệ song phương được nâng cấp lên “Đối tác chiến lược toàn diện”, phản ánh sự phát triển sâu rộng, tin cậy và hiệu quả của quan hệ Việt Nam - Ấn Độ.
Thời gian gần đây, quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Ấn Độ tiếp tục phát triển tốt đẹp. Tin cậy chính trị ngày càng được thắt chặt thông qua việc duy trì đều đặn các chuyến thăm, tiếp xúc cấp cao và các cấp, trên kênh Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, địa phương và giao lưu nhân dân. Từ đầu năm 2018, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã thăm cấp Nhà nước đến Ấn Độ (tháng 3-2018), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị cấp cao ASEAN - Ấn Độ và kỷ niệm 69 năm Ngày Cộng hòa Ấn Độ (tháng 01-2018), Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ thăm Việt Nam tháng 6-2018 và Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ thăm Việt Nam tháng 8-2018.
Quan hệ Việt Nam-Ấn Độ đang có những bước tiến chuyển quan trọng, nhất là sau khi hình thành khuôn khổ quan hệ Đối tác toàn diện và các chuyến thăm song phương của Lãnh đạo cấp cao hai nước. Hai bên có những cơ chế hợp tác hiệu quả. Cơ chế Ủy ban Liên Chính phủ Việt Nam-Ấn Độ về kinh tế, thương mại và khoa học, kỹ thuật, gọi tắt là Ủy ban hỗn hợp (họp luân phiên 2 năm một lần ở cấp Bộ trưởng Ngoại giao) đã tiến hành họp được 15 kỳ họp. Kỳ họp lần thứ 16 được tổ chức tại Hà Nội từ ngày 27 đến 28-8-2018. Hai bên đã tiến hành Tham khảo chính trị lần 10 và Đối thoại chiến lược lần 7 tại New Delhi từ ngày 08 đến 10-4-2018.
Hợp tác quốc phòng giữa hai nước tiếp tục phát triển tốt và hiệu quả, trở thành trụ cột quan trọng và chiến lược; được mở rộng trong cả 3 quân binh chủng: Hải, lục, không quân và tập trung vào 3 lĩnh vực: Đào tạo, công nghiệp quốc phòng và tàu thăm viếng. Hai bên đã tổ chức cơ chế Đối thoại An ninh lần thứ nhất cấp Thứ trưởng (tháng 7-2018); tăng cường chia sẻ thông tin và kinh nghiệm phòng chống tội phạm xuyên quốc gia, khoa học hình sự, phòng chống ma túy, tội phạm mạng, tội phạm công nghệ cao, chống khủng bố.
Hai bên phối hợp chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương (Hội nghị Á - Âu, Diễn đàn Khu vực ASEAN, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng…), nhất là trong khuôn khổ Liên hợp quốc. Hai bên ủng hộ lẫn nhau vào Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Hội đồng Kinh tế-Xã hội Liên hợp quốc (ECOSOC), Hội đồng Nhân quyền. Việt Nam ủng hộ Ấn Độ là Ủy viên Thường trực khi Hội đồng Bảo an mở rộng… Việt Nam ủng hộ Ấn Độ thực hiện Chính sách “Hành động hướng Đông”, các sáng kiến kết nối khu vực, hỗ trợ phát triển Tiểu vùng Campuchia-Lào-Myanmar-Việt Nam, Sông Hằng - Sông Mê Công (MGC).
Ấn Độ có lập trường khá tích cực và nhất quán trong vấn đề Biển Đông, nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình, ổn định, an toàn, an ninh và tự do hàng hải, hàng không, giải quyết hòa bình các tranh chấp, tôn trọng luật pháp quốc tế, thúc giục xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu quả, phù hợp và mang tính ràng buộc pháp lý.
Hợp tác hiệu quả trên các lĩnh vực
Kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược năm 2007, hai bên đã mở rộng, triển khai tất cả các lĩnh vực hợp tác từ kinh tế, thương mại, đầu tư đến hợp tác trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng, khoa học giáo dục, văn hóa, du lịch, nông nghiệp. Trong đó, quan hệ kinh tế, thương mại được Chính phủ hai nước xác định là một trong những trụ cột của mối quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam - Ấn Độ. Những năm gần đây, mối quan hệ Đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Ấn Độ ngày càng phát triển, hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại được triển khai, góp phần kết nối cộng đồng doanh nghiệp.
Kim ngạch thương mại hai chiều tăng dần qua các năm. Ấn Độ hiện là một trong 10 đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Trong giai đoạn 2008-2013, kim ngạch thương mại song phương tăng trưởng bình quân 16%/năm; đến hết tháng 9-2018, kim ngạch đạt khoảng 8,3 tỷ USD (tăng 4,1% so với cùng kỳ). Hai bên đặt mục tiêu đưa kim ngạch thương mại hai chiều đạt mốc 15 tỷ USD vào năm 2020.
Tính đến hết tháng 5-2018, tổng vốn đăng ký đầu tư của Ấn Độ vào Việt Nam đạt 816 triệu USD, với 182 dự án đầu tư, đứng thứ 28/126 quốc gia/vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam; riêng 5 tháng đầu năm 2018, đạt 67 triệu USD. Việt Nam hiện có 7 dự án đầu tư sang Ấn Độ với tổng vốn đăng ký gần 6,15 triệu USD. Hiện nay, Việt Nam và Ấn Độ đều là thành viên của Hiệp định đầu tư ASEAN - Ấn Độ trong khuôn khổ Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN - Ấn Độ.
Ấn Độ tiếp tục cung cấp cho Việt Nam các gói hỗ trợ phát triển không hoàn lại (ODA) và các khoản tín dụng ưu đãi trên nhiều lĩnh vực như công nghệ thông tin, kinh tế, luật, tiếng Anh… thông qua nhiều học bổng ngắn hạn và dài hạn (khoảng 150 suất học bổng). Ấn Độ đã thành lập Trung tâm đào tạo nguồn lực chất lượng cao về công nghệ thông tin và truyền thông tại Hà Nội, Trung tâm tiếng Anh tại Đại học Đà Nẵng.
Tháng 10-2014, hai bên ký Chương trình giao lưu văn hóa giai đoạn 2015 - 2017, tiến hành nhiều hoạt động giao lưu, hội chợ triển lãm quảng bá văn hóa du lịch. Hợp tác văn hóa - giáo dục có thêm cơ sở phát triển lâu dài với việc thành lập Trung tâm Văn hóa Ấn Độ và Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ tại Hà Nội vào năm 2016; Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam tại New Delhi vào tháng 3-2018. Ấn Độ cũng đẩy mạnh truyền bá “sức mạnh mềm” thông qua phim ảnh Bollywood, tâm linh, yoga.
Những năm gần đây, lượng khách Ấn Độ đến Việt Nam đã có mức tăng ấn tượng, trung bình 17%/năm trong giai đoạn 2010 - 2016; năm 2017 tăng đến 30% (85.000 lượt). Tháng 3-2018, Hãng hàng không VietjetAir đã công bố mở đường bay thẳng Thành phố Hồ Chí Minh - Delhi và sẽ khai thác trong thời gian tới.
Hai bên đã ký gia hạn Kế hoạch Hành động về hợp tác nông nghiệp giai đoạn 2018-2020, Bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực thú y và thỏa thuận về hợp tác xây dựng trang trại cá tra; tiếp tục trao đổi thông tin liên quan tới vệ sinh kiểm dịch thực vật và tiêu chuẩn an toàn vệ sinh giữa hai nước; tăng cường hợp tác trong lĩnh vực công nghệ sinh học, công nghệ sau thu hoạch và cơ giới hóa nông nghiệp...
Hợp tác dầu khí giữa hai nước phát triển tốt. Trong lĩnh vực điện, Tập đoàn TATA Ấn Độ đang triển khai dự án BOT xây dựng Nhà máy nhiệt điện Long Phú 2 tại Sóc Trăng (trị giá 1,8 tỷ USD), dự kiến hoàn thành năm 2022. Ấn Độ cũng đang thúc đẩy đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo ở Việt Nam. Hai bên đã ký Bản ghi nhớ về hợp tác giữa Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam và Trung tâm đối tác năng lượng hạt nhân toàn cầu Ấn Độ tháng 3/2018, Thỏa thuận thực hiện Dự án “Xây dựng Trạm dò tìm, tiếp nhận dữ liệu và Trung tâm xử lý dữ liệu ảnh vệ tinh” tháng 01-2018. Tháng 8-2017, Hiệp định về sử dụng Năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình có hiệu lực. Các văn bản, hiệp định tạo cơ sở pháp lý cho quan hệ hợp tác giữa hai nước trên lĩnh vực này./.
“Monta trong dải ngân hà kỳ cục” chính thức được phát hành trên Youtube  (18/11/2018)
Tổng thống Ấn Độ Ram Nath Kovind bắt đầu thăm cấp Nhà nước Việt Nam  (18/11/2018)
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước tiếp các Đại sứ trình Quốc thư  (18/11/2018)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
- Đóng góp của phụ nữ Việt Nam qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên