Quan hệ thương mại Việt - Trung: Bối cảnh và những vấn đề đặt ra
TCCSĐT - Thực hiện đường lối đổi mới và chính sách mở cửa, Đảng và Nhà nước có nhiều chủ trương, giải pháp nhằm duy trì và mở rộng sự giao lưu kinh tế với Trung Quốc, và đây được xem là “lối mở” hợp với xu hướng thời đại sau khi hai nước đã gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Thực trạng quan hệ thương mại Việt - Trung
Vị trí địa lý tự nhiên đã khiến cho quan hệ kinh tế Việt - Trung không những cần thiết đối với công cuộc chấn hưng kinh tế của hai nước mà còn là điều kiện để mở rộng quan hệ nhiều mặt trong khu vực các nước Đông Nam Á (ASEAN) với nền kinh tế Trung Quốc. Những năm gần đây, quan hệ kinh tế song phương giữa hai nước cũng như trong khung khổ tổ chức ASEAN đã có bước phát triển mạnh mẽ, tạo tiền đề vật chất và cơ chế hợp tác để mở rộng nhanh chóng hơn nữa trong những năm tới.
Năm 2010, Trung Quốc lần đầu tiên chính thức trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam (kim ngạch buôn bán hai chiều đạt 27,328 tỷ USD) và Việt Nam trở thành bạn hàng lớn thứ 5 của Trung Quốc trong khối các nước ASEAN. Kim ngạch xuất, nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc lên tới 58,6 và 66,7 tỷ USD trong các năm 2014 và 2015. Tổng giá trị nhập khẩu năm 2015 của 45 nhóm, mặt hàng lên đến trên 49,5 tỷ USD (tăng gần 6 tỷ USD so với năm 2014), chiếm 29% tổng kim ngạch nhập khẩu - lớn nhất trong các quốc gia mà Việt Nam có quan hệ thương mại. Nhìn chung, cán cân thương mại ngày càng nghiêng về hướng có lợi cho Trung Quốc. Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, nhập siêu của Việt Nam từ quốc gia này liên tục gia tăng, từ mức 0,19 tỷ USD và 2,67 tỷ USD trong các năm 2001 và 2005, lên 16,4 tỷ USD năm 2012 và 24,6 tỷ USD năm 2013. Năm 2014 và 2015, các con số tương ứng là 28,8 tỷ USD và 32,3 tỷ USD. Trong các mặt hàng mà Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc, bình quân có khoảng 30 mặt hàng đạt kim ngạch trên 100 triệu USD, trong đó có 6 mặt hàng đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD (lớn nhất là máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng; tiếp đến là điện thoại các loại và phụ tùng; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; vải; sắt thép; xăng dầu). Điều đáng ngạc nhiên là, ngay cả đối với mặt hàng rau, củ, quả, Trung Quốc cũng xuất sang Việt Nam số lượng gấp 3 lần mức mà nước này nhập từ Việt Nam.
Đứng ở góc độ kinh doanh, lợi thế của Việt Nam khi nhập khẩu các mặt hàng từ Trung Quốc là giá cả hợp lý hơn so với nhiều thị trường khác, chi phí vận chuyển thấp hơn, từ đó tác động tích cực tới năng lực cạnh tranh của các ngành này. Nhưng với cơ cấu hàng nhập khẩu như vậy, có thể thấy, sản xuất của Việt Nam đang chịu ảnh hưởng lớn từ Trung Quốc (đặc biệt là trong một số ngành xuất khẩu mũi nhọn như dệt may, da giày…), nhất là khi thị trường này có biến động. Hơn thế, điều này cũng sẽ ảnh hưởng đến động lực đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ, công nghệ mới - sạch của các doanh nghiệp cả trong nước và nước ngoài tại Việt Nam. Không chỉ là bạn hàng lớn nhất, mà còn là thị trường “dễ tính” nhất của Trung Quốc trong khối ASEAN, Việt Nam trở thành thị trường bên ngoài hoàn hảo cho hàng hóa Trung Quốc, vì điều kiện kinh tế tương đồng, văn hóa tiêu dùng và chi phí vận chuyển thấp.
Trong cơ cấu thương mại song phương hiện nay, Việt Nam cần và phụ thuộc vào Trung Quốc nhiều hơn là Trung Quốc cần đến Việt Nam, do đó, nếu không đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và nhập khẩu, Việt Nam sẽ ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc trong lĩnh vực thương mại. Hệ quả là, chỉ cần Trung Quốc điều chỉnh chính sách thương mại hoặc có động thái áp dụng các biện pháp bảo hộ hàng sản xuất trong nước, hỗ trợ xuất khẩu, cấm hoặc hạn chế mặt hàng xuất, nhập khẩu nào đó thì nền kinh tế Việt Nam sẽ đối mặt với không ít khó khăn, cho dù là trong ngắn hạn. Lượng hàng trung gian nhập khẩu quá lớn hiện nay phản ánh nền kinh tế Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang phải bươn chải, phụ thuộc rất lớn vào nguồn hàng nhập từ Trung Quốc. Khả năng cạnh tranh, đặc biệt là công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam rất yếu cũng cho thấy chúng ta đang quá phụ thuộc vào thị trường này, cả hàng trung gian lẫn hàng tiêu dùng cuối cùng.
Cơ hội và thách thức cho thời gian tới
Trung Quốc phát triển nhanh, ổn định là một cơ hội lớn đối với Việt Nam, vì với một thị trường rộng lớn, có nhu cầu về nhiều mặt hàng mà Việt Nam có lợi thế (khoáng sản, nông sản), vị trí địa lý thuận lợi, quan hệ hợp tác hai bên đang ở vào thời kỳ được đẩy mạnh, thị trường Trung Quốc là nơi tập trung của các công ty hàng đầu thế giới..., các yếu tố này sẽ tạo nhiều thuận lợi cho Việt Nam. Tuy nhiên, thách thức cạnh tranh cũng sẽ rất lớn và Việt Nam phải thay đổi nhanh chóng mới tận dụng được cơ hội này. Với tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức khá cao và ổn định như hiện nay cùng một thị trường gần 1,4 tỷ người tiêu dùng đang trong quá trình chuyển biến mạnh mẽ về cơ cấu tiêu dùng, thị trường Trung Quốc sẽ vẫn tiếp tục là thị trường trọng điểm, có tầm quan trọng to lớn đối với xuất khẩu của Việt Nam. Vì vậy, chúng ta cần phát huy những ưu thế về địa lý, về tính chất bổ sung trong cơ cấu hàng hoá giữa hai nước và các nhân tố có lợi khác để đẩy mạnh xuất, nhập khẩu.
Việt Nam đang đứng trước ngưỡng cửa của các hiệp định thương mại tự do với các đối tác lớn trên thế giới, như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), tham gia vào Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC)... Nếu được tận dụng tốt, các hiệp định thương mại tự do không chỉ mở ra các cơ hội phát triển mà còn là cơ hội để Việt Nam giảm bớt và thoát khỏi tình trạng lệ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc, bảo đảm sự phát triển cân bằng và bền vững của nền kinh tế Việt Nam. Cần nhìn nhận rõ hai rào cản vô hình đang cản trở việc đẩy mạnh xuất khẩu của Việt Nam vào Trung Quốc như sau để có những thay đổi thích hợp:
Thứ nhất, tâm lý và thói quen buôn bán qua biên giới được hình thành qua nhiều năm của nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ. Doanh nghiệp chỉ tính tới cái lợi ngay trước mắt, chưa có bài bản, chiến lược lâu dài cũng như ý định vươn sâu vào các tỉnh, thành nằm trong nội địa nước này.
Thứ hai, sự hình thành hàng loạt các công ty buôn bán tiểu ngạch (tuy là doanh nghiệp nhỏ nhưng đông đảo) ở khu vực biên giới cùng với việc cư dân biên giới Trung Quốc tranh thủ khai thác các ưu đãi về chính sách thuế biên mậu và chính sách miễn thuế trong trao đổi hàng hóa giữa cư dân biên giới hai nước, đã tạo nên sự “hứng khởi” cho các doanh nghiệp nước ta khi buôn bán ở các cửa khẩu mà không quyết tâm tiếp cận với các tập đoàn, công ty lớn nằm sâu trong nội địa của nước này.
Bối cảnh mới của quan hệ Việt - Trung là cơ hội để nhận diện đúng quan hệ thương mại giữa hai nước nhằm điều chỉnh định hướng, chính sách và hệ thống giải pháp mở rộng quan hệ xuất nhập khẩu, tiến tới cân bằng cán cân thương mại, bảo đảm lợi nhuận cho doanh nghiệp và lợi ích quốc gia, vì thế phía Việt Nam cần có thái độ khoa học và thực tế, khách quan đối với quan hệ kinh tế thương mại Việt - Trung, tận dụng thời cơ để thúc đẩy quan hệ kinh tế song phương, “bứt phá” nhanh hơn.
Đề xuất một số giải pháp
Triển vọng tiếp tục gia tăng nhập siêu từ Trung Quốc trong những năm tiếp theo là rất lớn, do vậy, vấn đề tìm kiếm những giải pháp để giảm thiểu nhập siêu khi quyết định tăng tốc quan hệ thương mại hai chiều lên đã trở thành vấn đề ngày càng được quan tâm, cụ thể là:
Nâng cao năng lực cạnh tranh và cải cách thể chế.
Qua 30 năm đổi mới, năng lực cạnh tranh của Việt Nam có thay đổi và được cải thiện dần nhưng so với thế giới và kể cả khu vực ASEAN vẫn còn ở mức thấp. Việc tham gia TPP đang mở ra cơ hội lớn với Việt Nam trong việc cải cách thể chế, đổi mới kinh tế, tránh sự phụ thuộc quá lớn vào một thị trường nhất định. Giai đoạn tiếp theo là Việt Nam cần đổi mới thể chế, công nghệ và không ngừng sáng tạo.
Phát triển mạnh mẽ các loại hình doanh nghiệp của Việt Nam, tạo lập môi trường pháp lý bảo đảm cạnh tranh bình đẳng giữa các chủ thể trong nền kinh tế.
Các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc đang đối diện với nhiều khó khăn mới, một trong những vấn đề được quan tâm là kể từ ngày 01-6-2009, Luật An toàn thực phẩm của Trung Quốc đã chính thức có hiệu lực, thay thế Luật Vệ sinh thực phẩm trước đó. Doanh nghiệp Việt Nam cần tìm hiểu kỹ thị trường Trung Quốc, nắm được các hiệp định song phương và đa phương đã ký, ví dụ như các hiệp định song phương về kinh tế, thương mại, đầu tư, vận tải, hiệp định về khu vực mậu dịch tự do giữa ASEAN và Trung Quốc…, đồng thời, cần có chiến lược thâm nhập thị trường, dù có thể là nhỏ về quy mô nhưng phải có tầm nhìn, có chiến lược cụ thể đối với thị trường. Thay đổi tâm lý trông chờ vào việc buôn bán qua biên giới, vì đó chỉ là hình thức mang tính lịch sử và có thời gian chứ không thể kéo dài. Các hiệp hội ngành hàng Việt Nam phải là một điểm tựa để các doanh nghiệp chúng ta xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Bên cạnh đó, cần ban hành Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Luật Công nghiệp hỗ trợ và xây dựng chính sách phù hợp để hỗ trợ phát triển các loại hình doanh nghiệp; tăng cường hiệu quả thực hiện vai trò của Nhà nước trong định hướng phát triển hoạt động đầu tư - kinh doanh của doanh nghiệp theo cơ chế thị trường. Phát huy vai trò của các hội, hiệp hội doanh nghiệp.
Thu hút FDI, đặc biệt là từ các tập đoàn và công ty xuyên quốc gia.
Trước mắt cũng như lâu dài, cần có chính sách hợp lý để thu hút nguồn vốn FDI từ các công ty xuyên quốc gia vào các lĩnh vực công nghệ cao, kết cấu hạ tầng và công nghiệp chế biến, các ngành sản xuất tạo ra những sản phẩm thay thế hàng nhập khẩu. Đặc biệt, cần tạo điều kiện để thu hút các tập đoàn, doanh nghiệp lớn có uy tín, có thực lực của Trung Quốc vào Việt Nam cùng hợp tác, liên doanh, đầu tư vào những nhóm hàng mà nước ta có tiềm năng và Trung Quốc có nhu cầu để nâng cao giá trị gia tăng cho hàng xuất khẩu và ổn định thị trường tiêu thụ. Đây là giải pháp quan trọng nhất để nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng xuất khẩu và cải thiện cán cân thương mại với Trung Quốc, tuy nhiên, cần có chính sách để kiểm soát việc nhập khẩu công nghệ lạc hậu, ô nhiễm môi trường.
Tính đến vấn đề xử lý các tranh chấp thương mại.
Với quy mô như hiện nay, các tranh chấp thương mại sẽ gia tăng. Công cụ phòng vệ thương mại có thể coi là “van” an toàn cuối cùng trong xu thế hội nhập sâu rộng bởi công cụ thuế quan chưa hẳn phù hợp với Việt Nam. Trên thực tế, các biện pháp này khó thực hiện vì khi áp dụng biện pháp nào với hàng hóa nhập khẩu thì cũng phải áp dụng biện pháp đó với hàng sản xuất trong nước. Nếu xây dựng hàng rào kỹ thuật quá cao, có thể chặn được hàng hóa nước ngoài nhưng vô hình chúng ta lại “tiêu diệt” ngành sản xuất trong nước (vì nếu hàng hóa trong nước không thể đáp ứng được tiêu chuẩn đó thì sẽ không được lưu thông). Từ năm 2018 trở đi, thuế suất, thuế nhập khẩu về cơ bản sẽ được xóa bỏ, do đó Việt Nam cần một đạo luật đồng bộ các quy định về thuế để phòng vệ thương mại. Như vậy, rất cần thiết phải bổ sung, nâng cấp cơ sở pháp lý một số nội dung quan trọng liên quan đến các biện pháp phòng vệ thương mại (thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp, thuế tự vệ - gọi chung là thuế phòng vệ thương mại...) trong trường hợp các ngành sản xuất trong nước bị thiệt hại hoặc bị đe dọa thiệt hại do các hành vi bán phá giá, trợ cấp, phân biệt đối xử của các đối tác thương mại, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Tổ chức hoạt động thông tin, dự báo tình hình thị trường hàng hóa, luật pháp, chính sách và tập quán buôn bán, kinh doanh.
Đẩy mạnh công tác cung cấp thông tin về ngành hàng, thị trường và các vấn đề nổi bật, các vướng mắc, kinh nghiệm xử lý. Các đơn vị của Bộ Công Thương và Thương vụ chủ động cung cấp để doanh nghiệp tiếp cận, phục vụ công tác nghiên cứu thị trường. Cần kiến tạo mối liên kết trực tiếp, chặt chẽ hơn nữa với các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp để đáp ứng nhu cầu thông tin kịp thời, hiệu quả.
Xử lý vấn đề buôn bán biên mậu.
Là khu vực rộng lớn, biên giới Việt Nam là một địa bàn chiến lược, có ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội chung của cả nước. Trong bối cảnh ấy, thị trường biên giới có vị trí trung tâm, chiến lược trong hệ thống thị trường nội địa thống nhất ở một quốc gia mà đa phần dân chúng làm nông nghiệp. Khi đã xác định rằng, sự phát triển của các tỉnh phía nam Trung Quốc là một trong những tiền đề cho sự phát triển của vùng biên giới phía Việt Nam, thì việc đầu tư cho vùng biên giới nước ta ở cả “môi trường cứng” (xây dựng kết cấu hạ tầng…) và “môi trường mềm” (các chính sách ưu đãi về thuế quan, giá cả) cần được thay đổi.
“Buôn bán tiểu ngạch” đặt ra đồng thời hai loại vấn đề có liên quan, đó là tiếp tục cùng phía Trung Quốc xem lại các thỏa thuận giữa hai bên để sửa đổi, bổ sung các giải pháp thích hợp với tình hình mới cũng như tạo ra sự hợp tác có tính tổ chức giữa các doanh nghiệp nước ta để bảo đảm giá cả hợp lý của hàng Việt Nam khi xuất khẩu qua biên giới với Trung Quốc. Như vậy, cần chú ý một số vấn đề, như: Rà soát lại những hiệp định giữa hai bên để có những điều chỉnh phù hợp cũng như nâng cao tính hiệu lực của các điều khoản đã cam kết; điều chỉnh và bổ sung các chính sách giữa Việt Nam và Trung Quốc theo hướng tạo cơ chế mở hơn nữa cho hoạt động thương mại trên các hành lang; hoàn thiện chính sách thuế, hỗ trợ hạ tầng kỹ thuật, tạo môi trường thuận lợi cho thương mại và đầu tư như cơ chế xuất, nhập cảnh; áp dụng chính sách ưu đãi tài chính đối với vùng kinh tế cửa khẩu; cải thiện hệ thống thanh toán, tăng cường sự phối hợp, trao đổi định kỳ các biện pháp quản lý và giám sát buôn bán biên giới.
Bên cạnh đó, cần hoàn chỉnh dự thảo Đề án tổng thể chung về xây dựng các khu hợp tác kinh tế qua biên giới Việt - Trung để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét. Sau khi có ý kiến chỉ đạo, các tỉnh có cặp cửa khẩu nằm trong Khu hợp tác kinh tế biên giới Việt Nam - Trung Quốc sẽ triển khai thực hiện trên cơ sở những điều kiện kinh tế - xã hội cụ thể của từng địa phương./.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình  (18/08/2016)
Thúc đẩy hợp tác giữa tỉnh Nghệ An với các tỉnh của Lào  (18/08/2016)
Đảng bộ Ngoài nước nâng cao chất lượng vận động quần chúng  (18/08/2016)
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu chủ động ứng phó với bão số 3  (18/08/2016)
Luật lao động mới: Pháp hy vọng cứu cánh cho khôi phục kinh tế  (18/08/2016)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển