Luật lao động mới: Pháp hy vọng cứu cánh cho khôi phục kinh tế
TCCSĐT - Sau một thời gian dài gây nhiều tranh cãi, cuối cùng Luật Lao động mới đã được Tổng thống Pháp F. Hollande chính thức ban hành. Đây được coi là một trong những cải cách quan trọng nhất của Tổng thống F. Hollande trong thời gian cầm quyền, cho thấy quyết tâm của chính phủ Pháp đối với việc hạ thấp tỷ lệ thất nghiệp đang ở mức cao, đồng thời xốc lại nền kinh tế đang chững lại và chưa có dấu hiệu phục hồi.
Luật lao động mới của Pháp còn đó tranh cãi. Ảnh: ouest-france.fr
Lý do sửa đổi
Trong những năm qua, một thực tế khiến Chính phủ Pháp phải có nhiều cân nhắc trong việc giải quyết vấn đề việc làm - một trong những nguyên nhân dẫn tới sự trì trệ trong tăng trưởng kinh tế, đó là luật lao động. Trong đó, với mức lương hiện tại tương đối cao, người sử dụng lao động phải trả các chi phí xã hội rất lớn do nhà nước quy định. Hơn nữa, rất khó sa thải người lao động. Kết quả là, tỷ lệ thất nghiệp ở Pháp kể từ quý IV-2015 cho tới nay ở mức hơn 10%, được cho là cao gấp đôi ở Anh, Đức. Trong đó, tỷ lệ này ở lao động trẻ khá cao, gần 25%. Có tới hơn 3,5 triệu người tại Pháp đã đăng ký xin trợ cấp thất nghiệp. Điểm yếu của thị trường lao động Pháp đã ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế: Các doanh nhân miễn cưỡng khởi nghiệp; đầu tư của cả công ty Pháp và công ty nước ngoài gặp khó khăn và tiêu dùng bị ảnh hưởng do tỷ lệ thất nghiệp cao. Theo báo Telegraph, những gì đang diễn ra ở Pháp giống với nước Anh những năm 80 của thế kỷ XX khi chưa có cải cách lao động do Thủ tướng Anh Margaret Thatcher khởi xướng.
Không chỉ có vậy, ngay trước cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, nền kinh tế Pháp tăng trưởng khoảng 3% so với 6% của Đức, 8% của Anh và 10% của Mỹ. Trong khi đó, thâm hụt ngân sách của Pháp hiện đang ở mức 3,5% GDP và tỷ lệ nợ công trên GDP là 96% và đang tiếp tục tăng. Điều đáng nói là trong thời điểm khó khăn của nền kinh tế toàn cầu, nước Anh vẫn tạo ra nhiều việc làm. Ngược lại, ở Pháp, sử dụng lao động trở thành cơn ác mộng.
Trong bối cảnh đó, chính quyền của Tổng thống F. Hollande quyết tâm theo đuổi việc cải cách luật lao động với hy vọng đây là phương thuốc hiệu quả giúp giải quyết thực trạng nền kinh tế Pháp hiện nay. Một dự luật lao động mới đã được đưa ra. Theo đánh giá của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) trong bảng xếp hạng của các nước cạnh tranh nhất thế giới, Thụy Điển, Na Uy và Phần Lan là những nước có luật bảo vệ việc làm tương tự như dự luật lao động mới của Pháp, và đã giúp thu hút đầu tư nước ngoài và tạo ra công ăn việc làm nhiều hơn cho những nước này.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, dự luật lao động mới của Pháp được xem là cứu tinh cho nền kinh tế nước này khi mà các công cụ khác như lãi suất đã vô tác dụng. Pháp đang cần một nền kinh tế cạnh tranh hơn. Ngành công nghiệp của nước này và ngành xuất khẩu đang tụt hậu so với các nước lớn trong Liên minh châu Âu (EU) như Đức và Anh. Luật lao động trước đó của Pháp do được xem là thân thiện nhất ở châu Âu khiến nền kinh tế nước này kém tính cạnh tranh. Giờ lao động 35 giờ tuần tại Pháp được xem là số giờ lao động thấp nhất thế giới. Đây là lý do tại sao dù dự đoán khả năng có thể diễn ra các vụ đình công lớn nhằm phản đối dự luật, Tổng thống F. Hollande vẫn đưa ra quan điểm bác bỏ việc rút lại luật lao động mới.
Trên thực tế, luật lao động mới mà Pháp hướng tới đang gần hơn với các thành viên khác trong EU nhằm tăng khả năng cạnh tranh so với kim ngạch xuất khẩu từ các nước như Ấn Độ và Trung Quốc. Chính phủ của đảng Xã hội do Thủ tướng Manuel Valls đứng đầu tin rằng, cải cách luật lao động sẽ đưa mô hình lao động của Pháp gần gũi hơn với Đức và Anh, sẽ giúp giảm tỷ lệ thất nghiệp cao dai dẳng của Pháp và ngăn chặn đà trượt dốc của nền kinh tế cho dù, các công đoàn Pháp lại xem đây là một cuộc tấn công vào các quyền cơ bản của các thành viên của họ. Và họ cảnh báo, kết quả của cuộc khủng hoảng này sẽ có một tác động mạnh mẽ đến cuộc bầu cử tổng thống vào năm 2017. Với luật lao động mới nếu được thông qua, Tổng thống F. Hollande được cho là rất ít cơ hội tái cử. Dù ai làm tổng thống trong năm tới cũng sẽ phải đối mặt với thách thức về nền kinh tế của Pháp đang trên đà trượt dốc.
Gây nhiều tranh cãi
Dự luật Lao động mới, thường được gọi là Luật El-Khomri, đặt theo tên người khởi xướng cải cách - Bộ trưởng Lao động Pháp Myriam El-Khomri đưa ra hồi tháng 02-2016 với một số điều chỉnh chính là: Tạo điều kiện cho các chủ sử dụng lao động trong tuyển dụng và sa thải nhân viên nhằm giúp giảm tỷ lệ thất nghiệp đang ở mức cao trong nhiều năm qua tại nước này. Theo đó, các chủ doanh nghiệp có thể sa thải nhân công trong các trường hợp doanh nghiệp gặp khó khăn, buộc phải tái cơ cấu để cứu doanh nghiệp, hoặc giảm sút các đơn đặt hàng và doanh thu.
Dự luật cũng đề nghị quy định lại khung làm việc 35 giờ/tuần hiện tại, và đưa ra quy định linh hoạt với số giờ làm việc có thể lên đến 46 giờ/tuần trên cơ sở có sự thảo luận và nhất trí giữa chủ doanh nghiệp và người lao động. Theo Chính phủ Pháp, những quy định như vậy sẽ “cởi trói” cho doanh nghiệp, khiến doanh nghiệp ít bị ràng buộc hơn về các điều khoản đóng góp bắt buộc khi tuyển dụng người lao động. Việc có thêm khuôn khổ hành động sẽ khiến doanh nghiệp tuyển dụng dễ dàng hơn và như vậy, chính phủ sẽ giải quyết được căn bệnh thất nghiệp trầm kha bấy lâu nay.
Ngay sau khi đưa ra, dự luật này đã vấp phải sự phản đối quyết liệt của các tổ chức công đoàn đứng đầu là Tổng Liên đoàn Lao động Pháp (CGT) và Lực lượng công nhân (FO) cũng như một bộ phận các nghị sĩ chống đối thuộc phe đa số của đảng Xã hội (PS) cầm quyền. Những người phản đối cho rằng, dự luật mới quá ưu ái giới chủ và ảnh hưởng không nhỏ tới các quyền cơ bản của người lao động. Theo họ, dự luật này cho phép các chủ doanh nghiệp có thêm nhiều lý do để biện minh cho việc sa thải người lao động. Sự điều chỉnh này tạo điều kiện cho chủ doanh nghiệp sa thải nhân công, đặc biệt là những doanh nghiệp đa quốc gia. Chưa kể, những bồi thường cho lao động bị sa thải sẽ bị giới hạn (không được hưởng bồi thường quá 15 tháng lương dù có thâm niên trên 20 năm). Với việc phá khung làm việc 35 giờ/tuần. Số giờ làm việc cao nhất trong tuần có thể lên tới 46 giờ thay vì 44 giờ như hiện nay. Ngày lao động có thể dễ dàng tăng lên 10 - 12 giờ, nhưng giờ làm thêm sẽ chỉ được trả thêm 10%. Những điều trên cho thấy một sự thu hẹp quyền lợi và thụt lùi về tiến bộ xã hội, làm chủ doanh nghiệp có thể lạm dụng sức lao động, còn người lao động luôn sống trong tình trạng bấp bênh.
Một trong những điều gây bức xúc đối với giới trẻ trong dự luật, đặc biệt là những người đang trong thời gian thử việc hoặc hợp đồng ngắn hạn, là việc chính phủ đề xuất tăng thuế đối với các hợp đồng ngắn hạn để khuyến khích các tổ chức và doanh nghiệp thuê người theo hợp đồng dài hạn. Trong khi phe phản đối cho rằng, dự luật mới đe dọa quyền lao động và góp phần khiến tình trạng việc làm cho giới trẻ trở nên bấp bênh hơn, thì chính phủ coi đây là một nỗ lực nhằm giảm tình trạng thất nghiệp của quốc gia này.
Trước sự phản đối gay gắt về những điều chỉnh trong dự luật được cho là “có lợi cho giới chủ”, làn sóng biểu tình tại Pháp nhằm phản đối dự luật trên đã diễn ra. Bắt đầu từ ngày 09-3-2016, sau đó là cuộc biểu tình ngày 31-3-2016 khi gần 400.000 người cùng đổ ra đường phố, và đỉnh điểm là “Ngày hành động” 14-6-2016 với 1,3 triệu người tham gia biểu tình trên toàn quốc. Kể từ khi phong trào phản đối dự luật lao động nổ ra đến nay, đã có hơn 2.500 sự kiện lớn nhỏ được tổ chức trên phạm vi toàn quốc, gần 20 cuộc tuần hành đã diễn ra tại thủ đô Paris. Khoảng 2.000 người đã bị bắt và hàng trăm cảnh sát đã bị thương trong các vụ đụng độ giữa cảnh sát và những người biểu tình quá khích nhằm giải tán đám đông.
Các cuộc biểu tình và đình công phản đối dự luật cải cách lao động diễn ra những tháng qua tại Pháp đã làm tê liệt hoạt động giao thông vận tải, kéo theo nhiều hậu quả về kinh tế. Nền kinh tế Pháp đang khó khăn lại càng thêm ảm đạm do các cuộc đình công gây ảnh hưởng tới sản xuất, cộng thêm đó là nguy cơ khủng bố vẫn chưa hết. Những cuộc biểu tình bạo động đem đến một hình ảnh không tốt về nước Pháp khiến các nhà đầu tư nước ngoài ngày càng dè dặt hơn. Việc các công nhân giao thông đình công khiến các nhà quản lý trong ngành du lịch ở Paris cũng bày tỏ quan ngại các cuộc bãi công và tuần hành thường xuyên tại Pháp đang làm cản trở du khách đến một trong những địa điểm du lịch hàng đầu thế giới này.
Hồi cuối tháng 5-2016, các cuộc đình công tại nhiều cơ sở lọc dầu đã dẫn đến cuộc khủng hoảng nhiên liệu tại Pháp, buộc chính phủ nước này lần đầu tiên trong sáu năm phải huy động nguồn dầu mỏ dự trữ chiến lược để bù vào phần năng lượng bị thiếu hụt. Nhiều trạm xăng không còn nhiên liệu để cung cấp cho người tiêu dùng. 58% các công ty vừa và nhỏ gặp khó khăn trong khâu giao hàng, còn 47% gặp khó khăn khi mua nguyên liệu, các phương tiện công cộng bị hạn chế đến tê liệt. Còn theo tính toán của tờ Bloomberg, khi các công nhân điện đình công, sản lượng điện sản xuất giảm 4.845MW. Tổ chức doanh nghiệp và nông nghiệp Pháp thì thông báo, nhiều thành viên của họ phải giảm hoạt động, còn một số khác có thể phá sản.
Quyết tâm cải cách
Dù công nhân đình công trên diện rộng nhưng Chính phủ Pháp vẫn giữ lập trường cứng rắn về dự luật cải cách lao động. Thủ tướng M. Valls nói trên truyền hình BFM: “Có nhiều điểm (trong dự luật) cần nhấn mạnh thêm hoặc làm nhẹ”. Tuy nhiên, không có chuyện sửa những điểm chính trong luật và chắc chắn càng không có chuyện bỏ luật này.
Trước làn sóng biểu tình, đình công kéo dài, nhằm quyết tâm thông qua đạo luật cải cách lao động sau một thời gian trì hoãn, Chính phủ Pháp đã 3 lần phải sử dụng điều 49.3 của Hiến pháp cho phép ban hành luật theo một thủ tục bất thường, theo đó luật được ban hành mà không cần Quốc hội phải biểu quyết.
Điều 49.3 trong Hiến pháp của nước Pháp quy định, một chính phủ cầm quyền được phép thông qua một dự thảo luật mà không cần một cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội. Điều khoản này được coi là một “ngoại lệ” hiến pháp nhằm tránh tình trạng bị đóng băng của một dự thảo luật khi có tranh chấp giữa hai nhánh hành pháp và lập pháp. Tuy nhiên, trong trường hợp chính phủ viện dẫn đến điều 49.3 thì Quốc hội có quyền yêu cầu bỏ phiếu tín nhiệm đối với chính phủ. Nếu đa số bất tín nhiệm, chính phủ đương nhiệm sẽ bị giải tán để thành lập một chính phủ mới.
Trên thực tế, đây không phải là lần đầu tiên chính phủ của Thủ tướng Manuel Valls viện dẫn đến điều 49.3 của Hiến pháp để thông qua các dự thảo luật gây tranh cãi. Từ khi lên làm Thủ tướng, ông M. Valls đã 4 lần dùng đến điều 49.3 và lần gần nhất chính là để thông qua Luật Macron về các cải cách kinh tế và hoạt động thương mại. Nhìn rộng hơn, điều khoản 49.3 cũng không hề xa lạ trong các chính quyền tiền nhiệm tại Pháp. Kể từ năm 1958, đã có tổng cộng 84 lần điều khoản 49.3 được các đời chính phủ Pháp sử dụng nhằm thông qua các dự thảo luật mà không cần đến ý kiến của Quốc hội.
Theo các nhà phân tích chính trị Pháp, việc sử dụng điều 49.3 luôn là một biểu hiện sức mạnh của một chính phủ bởi khi đó, chính phủ sẽ gạt qua một bên mọi ý kiến phản đối từ nhánh lập pháp là Quốc hội. Trong hoàn cảnh hiện nay, chính quyền của Tổng thống F. Hollande và Thủ tướng M. Valls buộc phải dùng đến điều 49.3 bởi không thể chấp nhận sức ép và từ bỏ dự thảo Luật lao động. Nhưng chấp nhận bài toán này, chính quyền của Tổng thống F. Hollande sẽ phải đối mặt với rủi ro cao khi chỉ còn 1 năm nữa là đến cuộc bầu cử Tổng thống Pháp 2017. Để bảo vệ việc áp dụng điều 49.3 với dự luật này, Bộ trưởng Lao động Myriam El Khomri khẳng định, “chúng tôi sẽ chịu trách nhiệm về bản thân như đã từng làm với Luật Macron năm 2015”.
Quá trình thông qua dự luật cải cách lao động được đánh dấu bằng những xung đột xã hội và đối đầu chính trị căng thẳng, thể hiện qua các cuộc biểu tình, đình công kéo dài trong 5 tháng qua, cuối cùng Luật Lao động mới đã được Nghị viện Pháp thông qua ngày 21-7, Hội đồng Hiến pháp của Pháp thông qua ngày 04-8, và Tổng thống F. Hollande ban hành ngày 09-8-2016.
Phát biểu trên truyền hình Pháp sau khi Luật Lao động mới được ban hành, Tổng thống F. Hollande khẳng định: “Luật mới sẽ mang lại hiệu suất tốt nhất cho các doanh nghiệp và tạo thêm quyền cho người lao động”. Trong khi đó, Thủ tướng M. Valls thì nhấn mạnh các trở ngại đã được dỡ bỏ để văn bản có hiệu lực. Còn Bộ trưởng Lao động El Khomri thì cho biết, nhiều nghị định trong số 127 văn bản hướng dẫn thi hành luật sẽ được ban hành từ nay đến tháng 10-2016 và toàn bộ các văn bản hướng dẫn sẽ được ban hành trước khi kết thúc năm 2016. Tuy nhiên, “cuộc chiến pháp lý” về Luật lao động mới này vẫn chưa thể kết thúc khi các tổ chức công đoàn Pháp bày tỏ quyết tâm tiếp tục yêu cầu bãi bỏ luật trên trong thời gian tới. Các tổ chức công đoàn cũng ấn định ngày 15-9-2016 để tổ chức cuộc biểu tình nhằm phản đối Luật Lao động mới./.
Hơn 40.000 người bị bắt giữ tại Thổ Nhĩ Kỳ sau đảo chính  (18/08/2016)
Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình triển khai phương án chống bão số 3  (18/08/2016)
Đẩy mạnh phối hợp tuyên truyền về nhiệm vụ quân sự, quốc phòng  (18/08/2016)
Kỷ niệm 71 năm Ngày truyền thống Công an nhân dân Việt Nam  (18/08/2016)
- Kinh nghiệm quản lý thị trường vàng của một số quốc gia và hàm ý chính sách cho Việt Nam
- Thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cho phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ
- Chiến lược triển khai quyền chỉ huy, kiểm soát biển của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và một số tác động
- Một số chính sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên