Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình triển khai phương án chống bão số 3
Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 3, Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng đã có công điện khẩn chỉ đạo các ngành, địa phương khẩn trương hoàn thành công tác chuẩn bị phòng chống lụt bão trong buổi chiều 18-8.
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố Hải Phòng, đến 6h ngày 18-8, các lực lượng chức năng đã phối hợp kiểm đếm hơn 2.500 phương tiện với hơn 7.700 người đang hoạt động trên biển và neo đậu tại các vị trí dự báo chịu ảnh hưởng của cơn bão số 3, trong đó đặc biệt lưu ý có 20 phương tiện đang hoạt động cách đảo Bạch Long Vĩ từ 1 đến 15 hải lý.
Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng đã chỉ đạo các địa phương, ngành tiếp tục kêu gọi, kiểm đếm tàu thuyền, lồng bè di chuyển về nơi neo đậu tránh trú bão an toàn, không để người trên các phương tiện trước 17h ngày 18-8. Bên cạnh đó, kiểm tra, xử lý bảo đảm an toàn hệ thống đê điều, hồ đập, khơi thông dòng chảy, hạ mức nước đệm trong hệ thống công trình thủy lợi, hệ thống thoát nước đô thị; cắm biển dừng các hoạt động vận tải hành khách đường thủy, phà biển, dừng các hoạt động vui chơi giải trí ven biển trước 16h ngày 18-8. Đồng thời, chỉ đạo các địa phương chủ động thực hiện phương án sơ tán dân ở những khu vực trũng thấp, nhà ở xung yếu trước 12h ngày 19-8; chỉ đạo các chủ đầu tư, nhà thầu thi công các công trình đang xây dựng có biện pháp bảo đảm an toàn công trình, tạm dừng các cuộc họp không cần thiết để triển khai chống bão, ngành giáo dục chủ động cho học sinh nghỉ học để bảo đảm an toàn.
Trong khi đó, tỉnh Thái Bình đang gấp rút chỉ đạo các địa phương, nhất là hai huyện ven biển là Tiền Hải và Thái Thụy khẩn trương đưa người dân sống ngoài đê chính vào tránh trú bão an toàn; tuyệt đối không để người dân ở ngoài đê chính khi bão đổ bộ.
Theo thống kê của Văn phòng thường trực Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Bình, toàn tỉnh hiện có 1.600 người hoạt động tại trên 1.540 chòi ngao, 1.565 người hoạt động tại 1.417 đầm; trên 14.450 người hiện sinh sống khu vực ngoài đê chính cần di dời. Trong đó, đặc biệt lưu ý khẩn trương di dân tại các xã Nam Hải, Nam Hồng, Nam Hưng, Nam Phú, Đông Minh, Đông Quý, Đông Long, Đông Trà (huyện Tiền Hải), Thái Đô, Thái Thượng, Thị trấn Diêm Điền…(huyện Thái Thụy).
Ngoài ra, tỉnh Thái Bình còn có trên 7.250 hộ dân với trên 17.400 người sống trong các nhà yếu, cần di dời. Đến thời điểm 7 giờ ngày 18-8, thành phố Thái Bình đã di dời được 160 hộ dân với khoảng 360 người trong các nhà yếu, nhà xuống cấp đến nơi an toàn.
Đối với các phương tiện tàu thuyền hoạt động khai thác thuỷ hải sản, lực lượng Biên phòng tỉnh Thái Bình đã liên hệ, kêu gọi 1.248 phương tiện trong tổng số 1.293 phương tiện, với trên 3.375 lao động vào neo đậu tại các bến trong tỉnh; 5 phương tiện với 10 lao động đang neo đậu tại các bến ngoài tỉnh.
Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Bình chỉ đạo Công ty khai thác công trình thủy lợi Bắc và Nam Thái Bình chủ động phương án mở các cống tiêu để hạ thấp mực nước trên các sông trục và tiêu úng khi có yêu cầu, bảo vệ gần 80.450 ha lúa mùa đã gieo cấy, nhất là với diện tích lúa mới phải gieo cấy lại do ảnh hưởng của bão số 1 vừa qua.
Ngay trong sáng 18-8, tỉnh Thái Bình đã thành lập nhiều đoàn kiểm tra, đôn đốc các địa phương phòng chống bão số 3. Đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Bình đã trực tiếp kiểm tra công tác phòng chống bão tại một số địa phương thuộc 2 huyện Tiền Hải, Thái Thụy và kiểm tra công tác phòng chống bão tại Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình. Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh yêu cầu hai huyện ven biển khẩn trương vận động, đưa người dân hoạt động tại các chòi ngao, tàu thuyền vào nơi tránh trú an toàn. Rút kinh nghiệm từ cơn bão số 1, nhà máy và các công trình xây dựng cần chủ động phương án chằng chống, bảo vệ tài sản, công trình, giảm thiểu tối đa thiệt hại do bão số 3 gây ra.
Từ ngày 16-8 đến sáng 18-8, trên địa bàn tỉnh Thái Bình đã có mưa, lượng mưa trung bình 61,4 mm. Theo dự báo, từ sáng 19-8, bão số 3 sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực Đông Bắc bộ và Bắc Trung bộ (Quảng Ninh, Nghệ An). Vùng ven biển Hải Phòng - Nam Định có nước dâng bão kết hợp thủy triều cao 3-4m, cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3.
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, Nam Định là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão số 3, mưa lớn kết hợp với triều cường có nguy cơ đe dọa an toàn đến toàn bộ hệ thống để biển, đê sông của tỉnh.
Để chủ động ứng phó với diễn biến của bão, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Nam Định Phạm Đình Nghị yêu cầu, các địa phương, đơn vị hoãn tất cả các cuộc họp không cần thiết để tập trung triển khai phòng, chống bão từ chiều 18-8. Các thành viên Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn bám sát địa bàn được phân công theo dõi, phối hợp với lãnh đạo các địa phương chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc công tác triển khai chống bão.
Các địa phương phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh rà soát, kiểm đếm, kêu gọi tàu thuyền vào nơi tránh trú bão an toàn và cấm không cho các phương tiện ra khơi từ 14 giờ ngày 18-8. Các xã, thị trấn ven biển di dời toàn bộ lao động đang canh coi ngao, nuôi trồng thủy sản, đồng thời thông báo tạm ngừng các hoạt động thăm quan du lịch ở khu vực bãi biển, cấm tắm biển từ 8 giờ ngày 19-8.
Rút kinh nghiệm từ cơn bão số 1, không để người dân chủ quan, lơ là trong việc phòng chống bão, các huyện, thành phố đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân chằng, chống nhà cửa, bảo vệ gia súc gia cầm, ao đầm nuôi trồng thủy sản. Cùng với đó, các địa phương, nhất là thành phố Nam Định thực hiện nghiêm việc tổ chức sơ tán dân ở các ngôi nhà yếu, nhà tạm sang các nhà cao tầng, kiên cố trước 10 giờ ngày 19-8; huy động nhân lực, chuẩn bị vật tư, phương tiện để chủ động ứng phó với bão.
Các địa phương và cơ quan chuyên môn rà soát lại toàn tuyến đê điều trên địa bàn, khắc phục, gia cố ngay các tuyến đê kè xung yếu, bị sụt, sạt, hư hỏng do bão số 1 vừa qua; triển khai phương án tiêu thoát nước đệm bảo vệ lúa mùa.
Nam Định có trên 2.000 tàu với hơn 5.000 ngư dân thường xuyên hoạt động trên biển; hơn 800 lao động tại 732 lều, chòi canh ngao, nuôi trồng thủy sản. Hiện nay, Nam Định còn trên 300 tàu thuyền đang ngoài khơi. Các lực lượng chức năng của tỉnh đang khẩn trương kêu gọi các phương tiện vào bờ.../.
Đẩy mạnh phối hợp tuyên truyền về nhiệm vụ quân sự, quốc phòng  (18/08/2016)
Kỷ niệm 71 năm Ngày truyền thống Công an nhân dân Việt Nam  (18/08/2016)
Thực hiện điều chỉnh viện phí tại 16 tỉnh  (18/08/2016)
Thường trực Ban Bí thư gặp mặt Đoàn cán bộ Đảng bộ Ngoài nước  (18/08/2016)
- Một số chính sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên