Tăng cường tiềm lực chính trị - tinh thần trong sức mạnh quân sự Việt Nam hiện nay

TS. Bùi Xuân Quỳnh
Thượng tá, Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng
06:56, ngày 31-05-2022

TCCS - Tăng cường tiềm lực chính trị - tinh thần trong sức mạnh quân sự Việt Nam là nhiệm vụ quan trọng, góp phần nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng, ý chí quyết tâm, chủ động ứng phó với mọi tình huống quốc phòng - an ninh, làm thất bại mọi âm mưu và hành động của các thế lực thù địch, bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong tình hình mới.

Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kiểm tra công tác sẵn sàng chiến đấu của cán bộ, sĩ quan, chiến sĩ Trung đoàn không quân 937_ Ảnh: TTXVN

1- Sức mạnh quân sự quốc gia là tổng thể các lực lượng vật chất, tinh thần của quân đội của một nhà nước và khả năng huy động những lực lượng đó để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng bảo vệ đất nước.

Sức mạnh quân sự quốc gia được tạo ra từ các tiềm lực kinh tế, xã hội, chính trị - tinh thần, khoa học - công nghệ và quân sự. Trong đó, tiềm lực chính trị - tinh thần có vai trò quan trọng, như V.I.Lê-nin khẳng định: “Trong mọi cuộc chiến tranh, rốt cuộc thắng lợi đều tùy thuộc vào tinh thần của quần chúng đang đổ máu trên chiến trường”(1). Tiềm lực chính trị - tinh thần được biểu hiện ở hệ tư tưởng, chế độ chính trị - xã hội, hệ thống các chính sách đối nội, đối ngoại của nhà nước; năng lực, trình độ nhận thức, niềm tin, ý chí quyết tâm, trạng thái tâm lý của nhân dân và lực lượng vũ trang; hệ thống giá trị văn hóa tinh thần. Tiềm lực chính trị - tinh thần là “linh hồn” và chất keo “kết dính” để huy động và nhân lên sức mạnh của các tiềm lực khác. Lịch sử đã chứng minh, nhờ có hệ tư tưởng đúng đắn, có niềm tin, ý chí quyết tâm, hệ thống giá trị văn hóa tinh thần giàu bản sắc, nhân văn…, nên dù có tiềm lực kinh tế chưa mạnh, khoa học - công nghệ chưa phát triển…, Việt Nam đã chiến thắng nhiều kẻ thù xâm lược có tiềm lực kinh tế, quân sự mạnh hơn rất nhiều.

Nhận thức được vai trò của tiềm lực chính trị - tinh thần trong sức mạnh quân sự Việt Nam, trong những năm qua, Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, như: Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 9-6-2014, của Hội nghị Trung ương 9 khoá XI, “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”; Nghị quyết số 37-NQ/TW, ngày 9-10-2014, của Bộ Chính trị, “Về công tác lý luận và định hướng nghiên cứu đến năm 2030”; Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15-5-2016, của Bộ Chính trị, “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 25-10-2018, của Bộ Chính trị, “Về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”; Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII, “Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25-10-2021, của Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII, “Về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; Cuộc vận động “Xây dựng môi trường văn hóa tốt đẹp, lành mạnh, phong phú trong quân đội” gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”… Tiềm lực chính trị - tinh thần trong sức mạnh quân sự của Việt Nam ngày càng được nâng cao, củng cố vững chắc. Các lực lượng vũ trang nhân dân nhận thức đầy đủ, tin tưởng và kiên định với chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối đổi mới của Đảng. Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” luôn là mục tiêu nhất quán của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, là sự thống nhất trong nhận thức, tư tưởng và hành động, tạo nên sự đồng thuận về mặt chính trị - tinh thần trong xã hội. Quan hệ đối ngoại và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và hiệu quả; vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao. Mỗi người dân tự có ý thức trách nhiệm đối với nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa…

Tuy nhiên, bên cạnh đó, tiềm lực chính trị - tinh thần trong sức mạnh quân sự Việt Nam hiện nay vẫn còn một số hạn chế nhất định. “Một bộ phận cán bộ, đảng viên phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, ngại khó, ngại khổ”(2). Bên cạnh đó, “tham nhũng, lãng phí, quan liêu, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ cũng như những mâu thuẫn xã hội còn diễn biến phức tạp”(3). Chủ nghĩa cá nhân, lối sống thực dụng làm giảm sút trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ với đất nước, với cộng đồng. Lợi dụng không gian mạng xã hội, một số cá nhân công khai phê phán, bác bỏ, xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; xuyên tạc đường lối đổi mới của Đảng, hòng làm giảm lòng tin của nhân dân vào đường lối chính trị của Đảng, gây chia rẽ về tư tưởng chính trị trong xã hội, suy giảm sức mạnh chính trị - tinh thần của nhân dân, lực lượng quân đội trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc nói chung, tiềm lực chính trị - tinh thần trong sức mạnh quân sự Việt Nam nói riêng.

2- Trong thời gian tới, để tăng cường tiềm lực chính trị - tinh thần trong sức mạnh quân sự Việt Nam nhằm “không ngừng gia tăng tiềm lực mọi mặt của quốc gia, bảo vệ vững chắc Tổ quốc và những thành quả phát triển đã đạt được, đưa đất nước vững bước tiến lên, phát triển nhanh và bền vững”(4), cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:

Thứ nhất, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức, các lực lượng và nhân dân về vị trí, vai trò của tiềm lực chính trị - tinh thần trong sức mạnh quân sự Việt Nam.

Đây là giải pháp tiền đề tạo sự thống nhất nhận thức và hành động để tăng cường tiềm lực chính trị - tinh thần. Theo đó, cần “đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của các cấp, các ngành, của mỗi cán bộ, đảng viên và người dân đối với nhiệm vụ tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc”(5). Quán triệt sâu sắc quan điểm phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên. Đồng thời, khắc phục các biểu hiện sai lệch trong nhìn nhận vị trí, vai trò của các tiềm lực, khi tuyệt đối hóa tiềm lực kinh tế, tiềm lực quân sự hay tiềm lực khoa học…, mà xem nhẹ tiềm lực chính trị - tinh thần. Quan tâm tăng cường tiềm lực chính trị - tinh thần trong tổng thể các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật, trong kế hoạch và tổ chức thực hiện ở mọi cấp, ngành, lĩnh vực và các địa phương.

Thứ hai, tăng cường tiềm lực chính trị - tinh thần trong sức mạnh quân sự Việt Nam.

Đối với hệ tư tưởng, chế độ chính trị: Tiếp tục kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; thực hiện tốt các chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội và sự nghiệp đổi mới toàn diện, đồng bộ. Quán triệt và tổ chức thực hiện tốt Chỉ thị số 23-CT/TW, ngày 9-2-2018, của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XII, “Về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập, nghiên cứu, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới”; Chỉ thị số 124-CT/QUTW, ngày 31-3-2011, của Thường vụ Quân ủy Trung ương, “Về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác giáo dục chính trị tại đơn vị trong giai đoạn mới”. Đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng kết hợp với giáo dục quốc phòng - an ninh sâu rộng trong toàn xã hội. Kiên quyết đấu tranh làm thất bại các âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, “phi chính trị hóa” quân đội; kích động, gây rối, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chia rẽ Đảng, Nhà nước, quân đội với nhân dân của các thế lực thù địch.

Chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam trước giờ chào cờ trên đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa _Ảnh: Tư liệu

Thực hiện có hiệu quả Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25-10-2021, của Hội nghị Trung ương 4 khóa XIIIChăm lo xây dựng Đảng và hệ thống chính trị thật sự trong sạch, vững mạnh toàn diện; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, người đứng đầu, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tội phạm và tệ nạn xã hội.

Đối với đường lối đối nội, đối ngoại: Thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, không ngừng nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của Việt Nam.

Nâng cao nhận thức, niềm tin, ý chí quyết tâm của nhân dân: Quan tâm nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân lực, trọng dụng nhân tài. Giáo dục, khơi dậy mạnh mẽ ý chí tự cường, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa và công cuộc đổi mới. Tăng cường đồng thuận xã hội, tạo nền tảng tinh thần vững chắc. Kết hợp chặt chẽ giữa tăng cường tiềm lực chính trị - tinh thần với đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, tạo lập cơ sở vật chất vững chắc của sức mạnh tinh thần Việt Nam. Kết hợp đề cao pháp luật với thực hành và phát huy rộng rãi dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ và vai trò chủ thể của nhân dân theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

Đối với giá trị văn hóa tinh thần: Quán triệt và thực hiện có hiệu quả Kết luận số 76/KL/TW, ngày 4-6-2020, của Bộ Chính trị, “Về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. Kế thừa và phát huy tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, đoàn kết cộng đồng, tinh thần nhân văn, nhân đạo, khơi dậy khát vọng vươn lên. Xây dựng môi trường văn hóa, đạo đức một cách toàn diện ở gia đình, nhà trường, cộng đồng dân cư, trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước, đoàn thể, doanh nghiệp và lực lượng vũ trang để văn hóa thực sự là động lực, đột phá phát triển các tiềm lực khác trong sức mạnh quân sự quốc gia. 

Thứ ba, phát huy vai trò nòng cốt của Quân đội nhân dân Việt Nam về tăng cường tiềm lực chính trị - tinh thần trong sức mạnh quân sự.

Quân đội là lực lượng nòng cốt, là nhân tố chủ yếu trong sức mạnh quân sự Việt Nam. Để phát huy vai trò nòng cốt, quân đội phải phục tùng sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước, xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại(6). Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng thường xuyên tham mưu với Đảng, Nhà nước các chủ trương, chính sách nâng cao chất lượng, hiệu quả xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng tiềm lực chính trị - tinh thần. Phát huy và nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác Đảng, công tác chính trị trong quân đội, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phòng, chống các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Đẩy mạnh công tác dân vận; tích cực tham gia xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở, các phong trào xây dựng phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo ở các địa phương, nhất là vùng dân tộc, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, ổn định cuộc sống, góp phần tăng cường niềm tin, sự đồng thuận của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, quân đội, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc. Giữ vững và phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân trong tình hình mới theo Nghị quyết 847-NQ/QUTW, ngày 28-12-2021, của Quân ủy Trung ương./.

---------------------

(1) V. I. Lê-nin: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2005, t. 41, tr. 147
(2), (3), (4), (5), (6) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I,  tr. 92, 108, 109, 161, 157 - 158