Phát huy truyền thống, phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” trong tham gia giúp nhân dân phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh hiện nay
TCCS - Quân đội nhân dân Việt Nam sinh ra và trưởng thành trong cao trào cách mạng sôi nổi, liên tục và rộng khắp của quần chúng, được Đảng và Bác Hồ trực tiếp tổ chức, giáo dục, rèn luyện và lãnh đạo. Ngay từ đầu, quân đội ta đã là quân đội của nhân dân, mang bản chất giai cấp công nhân, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, trung thành vô hạn với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân. Phẩm chất đó càng tỏa sáng trong thời bình khi cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam sẵn sàng hy sinh để bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân trong thiên tai, dịch bệnh…
Trong tình hình cách mạng mới, quán triệt sâu sắc và phát huy tinh thần thực hiện nhiệm vụ chiến đấu của quân đội trong thời bình, tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, bất luận trong điều kiện, hoàn cảnh nào, cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam luôn sẵn sàng chiến đấu, hy sinh để bảo vệ, phục vụ nhân dân; tinh thần ở đâu khó khăn, gian khổ, hiểm nguy nhất ở đó có bộ đội càng thể hiện rõ trong những lúc nguy nan do thiên tai, dịch bệnh như vừa qua. Đó là sự kế thừa và phát huy phẩm chất cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời bình của quân đội ta.
Trải qua gần 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành dưới lá cờ vinh quang của Đảng và Bác Hồ kính yêu, được nhân dân tin yêu, đùm bọc, che chở, nuôi dưỡng, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam đã để lại trong lòng nhân dân niềm quý trọng, tin yêu về hình ảnh cao đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ” - danh hiệu cao quý nhưng hết sức giản dị, gần gũi do chính nhân dân yêu mến tôn vinh và khen tặng cho quân đội ta.
Phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta giáo dục, rèn luyện đã không ngừng được hoàn thiện, phát huy và toả sáng trong mọi hoạt động của những người lính, đặc biệt là trong quan hệ đoàn kết với nhân dân, hết lòng tôn trọng, thương yêu và sẵn sàng giúp đỡ nhân dân, tạo nên sự gắn bó máu thịt giữa quân với dân, đó là tình quân dân “cá - nước”, “quân với dân một lòng”, “quân với dân một ý chí”. Phẩm chất đó gắn liền với bản chất cách mạng và truyền thống tốt đẹp của một đội quân luôn tận trung với nước, tận hiếu với dân, đúng như Tổng Bí thư Trường Chinh từng khẳng định: “Phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” - phẩm chất của một quân đội vừa đánh giặc giỏi, vừa phải ra sức giúp đỡ nhân dân và tuyên truyền vận động nhân dân. Khi cần thiết phải tích cực tham gia xây dựng kinh tế và giúp dân sản xuất”(1).
Trước yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, quân đội được Đảng và Nhà nước giao trọng trách vừa là lực lượng nòng cốt bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ vững chắc Tổ quốc, vừa giúp đỡ nhân dân phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, cứu hộ, cứu nạn - là nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình của quân đội. Đây là nhiệm vụ đặc thù vừa mang tính thường xuyên, vừa mang tính đột xuất; vừa tác chiến độc lập, vừa có tính hiệp đồng chặt chẽ; rất khẩn trương, nặng nề, khó khăn và nguy hiểm, nên đòi hỏi mọi quân nhân và các đơn vị làm nhiệm vụ phải nỗ lực hết mình, khắc phục mọi khó khăn, phát huy cao độ phẩm chất cao đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ” trong thực hiện nhiệm vụ.
Những năm gần đây, điều kiện khí hậu, thời tiết nước ta ngày càng có nhiều diễn biến biến phức tạp, bất thường và khó lường, đặc biệt là tình hình khắc nghiệt của thiên tai, dịch bệnh, bão, lụt, lũ quét, sạt lở đất, cháy rừng… đã để lại hậu quả nặng nề. Đặc biệt, đại dịch COVID-19 chưa từng có trong lịch sử nhân loại đã tàn phá và bào mòn nhiều thành quả phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, khiến cuộc sống của nhân dân hết sức khó khăn. Ngay khi đại dịch mới khởi phát, hàng nghìn lượt cán bộ, học viên, chiến sĩ quân đội đã được huy động lên các tuyến biên giới, vào giữa tâm dịch, vừa làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát giữ vững an ninh, vừa không để dịch bệnh xâm nhập vào nước ta qua những trường hợp vượt biên trái phép, bảo vệ trật tự, an toàn các khu cách ly, phong tỏa, giúp đỡ nhân dân vùng dịch… Nhiều cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh khi làm nhiệm vụ.
Thời gian tới, nhiệm vụ phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, cứu hộ, cứu nạn tiếp tục đặt ra nhiều yêu cầu, thách thức nặng nề. Để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, giữ vững và phát huy hình ảnh cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”, cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp:
Thứ nhất, phát huy vai trò của các tổ chức lãnh đạo, chỉ huy trong giáo dục, quán triệt nhiệm vụ nâng cao nhận thức, trách nhiệm xây dựng ý thức thường trực sẵn sàng tham gia phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, cứu hộ, cứu nạn cho cán bộ, chiến sĩ các bộ phận, lực lượng chuyên trách đơn vị cơ sở quân đội.
Nâng cao nhận thức, trách nhiệm, xây dựng ý chí quyết tâm cao, ý thức thường trực sẵn sàng tham gia phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, cứu hộ, cứu nạn cho cán bộ, chiến sĩ các bộ phận, các lực lượng đơn vị cơ sở quân đội là trách nhiệm trực tiếp của các tổ chức lãnh đạo, chỉ huy và đoàn thể trong quân đội. Trước hết cần phát huy vai trò, trách nhiệm, sự quan tâm thường xuyên của tổ chức lãnh đạo, chỉ huy trong việc quán triệt, giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ nắm vững nhiệm vụ của đơn vị, những thuận lợi, khó khăn, trong thực hiện nhiệm vụ; nắm vững đặc điểm, diễn biến phức tạp khó lường, khó dự kiến về thời gian, quy mô, địa điểm xảy ra của thiên tai, dịch bệnh và tính chất đặc biệt khó khăn của các tình huống nguy hiểm trong tìm kiếm, cứu nạn và khắc phục hậu quả của thiên tai, dịch bệnh, cứu hộ, cứu nạn gắn với nhiệm vụ đặc thù của từng đơn vị, từng bộ phận, lực lượng chuyên trách, từng đơn vị cơ sở quân đội. Trên cơ sở đó, xây dựng cho cán bộ, chiến sĩ có ý thức thường trực cao sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ trong bất kỳ tình huống nào, xây dựng tinh thần trách nhiệm, ý chí quyết tâm cao, có tinh thần dũng cảm, tình thương yêu quý trọng tính mạng, tài sản của nhân dân, không quản nguy hiểm, không sợ gian khổ, sẵn sàng xả thân mình để bảo vệ tính mạng của nhân dân trong những tình huống xấu, vào những thời điểm nguy nan, gay go nhất.
Cấp ủy, chỉ huy các đơn vị cơ sở phải nắm vững chỉ thị, mệnh lệnh của cấp trên về nhiệm vụ phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, cứu hộ, cứu nạn; tình hình thiên tai, dịch bệnh, thảm họa có thể xảy ra trong khu vực, địa bàn đóng quân được phân công đảm nhiệm; xác định được chủ trương, biện pháp lãnh đạo và phương án dự kiến triển khai thực hiện nhiệm vụ phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, thảm họa sát hợp với tình hình nhiệm vụ của đơn vị, đồng thời thường xuyên tổ chức diễn tập, huấn luyện cho bộ đội luyện tập thuần thục các phương án phòng, chống, ứng phó và khắc phục thiên tai, dịch bệnh, cứu hộ, cứu nạn, tìm kiếm cứu nạn theo dự kiến sát với yêu cầu, nhiệm vụ được giao cả trước, trong và khắc phục hậu quả sau khi xảy ra thiên tai, thảm họa.
Thứ hai, đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục truyền thống, phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” trong tham gia phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, cứu hộ, cứu nạn cho cán bộ, chiến sĩ.
Phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” gắn liền với bản chất cách mạng và truyền thống tốt đẹp của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, do lớp lớp các thế hệ cán bộ, chiến sĩ quân đội đã vượt qua muôn vàn khó khăn, hy sinh gian khổ, đoàn kết anh dũng, chiến đấu ngoan cường, đã dày công vun đắp và tô thắm thêm. Ngày nay, cán bộ, chiến sĩ phải biết trân trọng, tự hào, giữ vững và không ngừng phát huy bản chất tốt đẹp và truyền thống vẻ vang đó lên tầm cao mới, trong điều kiện mới của cách mạng nước ta.
Đối với cán bộ, chiến sĩ trực tiếp làm nhiệm vụ giúp nhân dân phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, cứu hộ, cứu nạn, cần coi trọng công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống vẻ vang đó cho mọi quân nhân, để hiểu rõ những giá trị cao quý của phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, từ đó xây dựng cho mỗi cán bộ, chiến sĩ ý thức trách nhiệm, biết trân trọng giữ gìn, kế thừa và phát huy những giá trị tốt đẹp đó, trở thành động lực tinh thần to lớn trong thực hiện nhiệm vụ của mình. Giáo dục truyền thống “tình quân dân cá - nước”, tận hiếu với dân, vì nhân dân quên mình, vì nhân dân hy sinh, yêu thương nhân dân; khắc phục khó khăn vươn lên hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, từ đó ra sức và nỗ lực để hoàn thành nhiệm vụ. Cần đa dạng hóa và đổi mới phương pháp, nội dung, phương tiện giáo dục truyền thống để phù hợp với từng đối tượng cán bộ, chiến sĩ.
Thứ ba, tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn liền với phong trào học tập những tấm gương sáng hy sinh thân mình để bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân cho cán bộ, chiến sĩ tham gia phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, cứu hộ, cứu nạn.
Cần cụ thể hoá nội dung, chương trình, kế hoạch học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh một cách thiết thực, phù hợp với thực tiễn từng đơn vị, từng bộ phận và từng công việc, nhiệm vụ cụ thể trong quá trình giúp nhân dân phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, cứu hộ, cứu nạn. Khắc phục tình trạng học tập một cách chung chung, nói không đi đôi với làm. Gắn liền việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với phong trào học tập những tấm gương sáng anh hùng hy sinh thân mình để bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân. Phát huy vai trò xung kích của các tổ chức chính trị - xã hội trong đẩy mạnh phong trào thi đua, tuyên truyền, cổ vũ sâu rộng cho cán bộ, chiến sĩ học tập những việc làm tốt, những hành động đẹp, những tấm gương quả cảm trong phòng, chống thiên tai, dịch bệnh để cứu dân, bảo vệ tính mạng, tài sản và cuộc sống bình yên của nhân dân. Phát huy vai trò của các phương tiện truyền thông đại chúng trong công tác tuyên truyền, nhất là kịp thời đăng tải những hành động, việc làm, tấm gương tốt, qua đó bồi đắp, xây dựng và khích lệ tình cảm tích cực, trong sáng, cổ vũ những hành động cao đẹp của mỗi cán bộ, chiến sĩ trong khi thực hiện nhiệm vụ.
Thứ tư, phát huy tính tích cực, tự giác trong tu dưỡng, rèn luyện phấn đấu xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ” của mỗi cán bộ, chiến sĩ. Để mãi xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ”, “Bộ đội của dân”, mỗi cán bộ, chiến sĩ phải không ngừng nâng cao ý thức tự tu dưỡng, tự rèn luyện phấn đấu, biến quá trình học tập thành tự học tập, để việc thực hiện nhiệm vụ giúp đỡ nhân dân phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, cứu hộ, cứu nạn trở thành ý thức tự giác, hơn nữa là niềm tự hào. Kiên quyết đấu tranh khắc phục triệt để với những tư tưởng, hành động thiếu tích cực, ngại khó, ngại khổ, thiếu ý thức tu dưỡng, rèn luyện./.
---------------------
(1) Trường Chinh: Mấy vấn đề quân sự trong cách mạng Việt nam, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1983, tr. 183
Một số bài học kinh nghiệm của chiến thắng Hà Nội - Điện Biên phủ trên không năm 1972  (26/12/2021)
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ đại biểu Hiệp hội Doanh nhân Cựu chiến binh Việt Nam  (14/10/2021)
Sáng mãi phẩm chất “Bộ đội cụ Hồ” trong phòng, chống đại dịch COVID-19  (29/09/2021)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên