Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh
TCCS - Trong thập niên vừa qua, cùng với quá trình đô thị hóa, số lượng người dân tập trung sinh sống và làm việc tại các thành phố lớn ngày càng tăng. Việc gia tăng dân số sẽ ảnh hưởng đáng kể đến sự phát triển của các thành phố bởi tình trạng ô nhiễm môi trường, thiếu các nguồn lực, như nước sạch, không gian, năng lượng và đất đai,.. Với công nghệ và phương pháp quản lý truyền thống, việc giải quyết các khó khăn nêu trên sẽ gặp nhiều hạn chế. Để xử lý vấn đề đó, một số nước phát triển đã nghiên cứu, áp dụng công nghệ cốt lõi và công nghệ thông tin để thực hiện các giải pháp xử lý những vấn đề nảy sinh trong quá trình phát triển của một đô thị hiện đại thông qua việc xây dựng các đô thị thông minh.
1. Khái niệm đô thị thông minh (smart city) xuất phát từ ý tưởng xây dựng “hành tinh thông minh hơn” (smarter planet) của Tập đoàn IBM (1). Trong những năm gần đây, trước yêu cầu của quá trình đô thị hóa cùng với những đòi hỏi khách quan trong công tác quản lý đô thị, khái niệm đô thị thông minh ngày càng trở nên phổ biến và được nhiều quốc gia quan tâm.
Theo nghĩa rộng, đô thị thông minh được hiểu là việc phát triển đô thị bền vững và “thông minh”, mà bản chất là “tăng trưởng thông minh” (smart growth) để đối phó với những thay đổi khí hậu và các vấn đề xã hội. Trên thế giới, các nhà hoạch định chính sách đều nhận thức được tầm quan trọng của “tăng trưởng thông minh” và luôn nghiên cứu để xây dựng các thành phố đang phát triển trở thành các đô thị xanh hơn và thông minh hơn. Theo nghĩa hẹp, đô thị thông minh có thể được chia thành bốn tầng, gồm: Tầng cảm biến (sensor layer), tầng mạng (network layer), tầng nền tảng (platform layer) và tầng ứng dụng (application layer). Với cấu trúc này, các công nghệ cốt lõi tập trung chủ yếu ở tầng ứng dụng được coi là hạ tầng công nghệ trung tâm quan trọng nhất; công nghệ thông tin được coi là công cụ để kết nối các hạ tầng công nghệ của đô thị thông minh. Ngoài ra, đô thị thông minh có thể được hiểu là một kết nối hữu cơ giữa công nghệ, con người và các thành phần thể chế.
Đô thị thông minh là một đô thị ứng dụng công nghệ để kết nối, thu thập và phân tích thông tin của người dân và các cấp quản lý nhằm nâng cao chất lượng sống của cư dân và bảo đảm phát triển bền vững. Nó là sự hội tụ của ba yếu tố, gồm hạ tầng hiệu quả, phát triển bền vững và môi trường sống thân thiện. Đô thị thông minh còn có thể được chia thành sáu lĩnh vực chính, gồm: cuộc sống thông minh, quản trị thông minh, nền kinh tế thông minh, môi trường thông minh, con người thông minh và giao thông thông minh. Bên cạnh đó, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, đô thị thông minh là một “phiên bản nâng cấp” của đô thị kỹ thuật số (digital city); là sự tích hợp của đô thị kỹ thuật số và các công nghệ. Các công nghệ này thúc đẩy sự giao tiếp giữa các thiết bị, giữa con người và thiết bị, giữa con người và toàn xã hội đồng thời giúp việc quản lý đô thị ngày càng thông minh hơn.
Một số yếu tố chính tác động lên các chiến lược đô thị thông minh:
Tốc độ đô thị hóa
Chiến lược đô thị thông minh chính của các nước phát triển là nâng cấp, cải tạo, trong khi các nước đang phát triển chủ yếu muốn tạo ra những đô thị mới thông minh hơn. Ngay trong lĩnh vực cải tạo những đô thị hiện hữu thì các đô thị ở những nước phát triển thường có lịch sử lâu đời, có nhiều tài sản giá trị, hạ tầng tốt nên vấn đề cơ bản là kết nối chúng với nhau để có thể phát huy tốt hơn. Trong khi đó, các đô thị ở những nước đang phát triển ít có những tài sản quý giá, hạ tầng yếu kém nên vấn đề chính của việc cải tạo không chỉ dừng ở việc kết nối phần mềm mà trọng tâm là cải tạo phần cứng.
Mật độ dân cư
Ngoài tốc độ đô thị hóa thì mật độ dân cư đô thị là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng tới chiến lược đô thị thông minh. Mật độ đô thị ở các vùng rất khác nhau, có ảnh hưởng lớn tới cấu trúc mạng của hệ thống đô thị và mối quan hệ giữa các đô thị với nhau. Mối liên hệ giữa các đô thị trong một khu vực càng lớn, càng chặt chẽ thì những giải pháp đô thị thông minh sẽ càng tỏ ra có hiệu quả. Trong các thành phố lớn thì cấu trúc phân bố mật độ dân cư cũng khác biệt. Mỗi một thành phố lớn đều có những vấn đề khác nhau, đòi hỏi những giải pháp đô thị thông minh khác nhau. Nhìn chung, mật độ dân cư càng tập trung thì các giải pháp thông minh càng cần thiết và hiệu quả.
Quy mô đô thị
Giữa các đô thị cực lớn trên 10 triệu dân, đô thị tầm trung từ 1 triệu dân đến 10 triệu dân, đô thị tầm nhỏ dưới 1 triệu dân và cực nhỏ dưới 100 nghìn dân thì vấn đề cũng rất khác nhau. Đô thị càng lớn thì càng có nhiều nhu cầu về hạ tầng, về kết nối và do đó càng cần tới những giải pháp thông minh. Trong khi đó, việc thực hiện những giải pháp thông minh cho những đô thị lớn thường rất khó, vì có quá nhiều mối quan hệ ràng buộc, đặc biệt là những mối quan hệ về chính trị, nhóm lợi ích, cho tới những vấn đề kỹ thuật. Ở các đô thị nhỏ, nhu cầu hạ tầng sẽ ít bức xúc hơn, nhưng nếu thực hiện các giải pháp thông minh thì sẽ dễ khả thi và đời sống sẽ được nâng cao đáng kể.
Thu nhập bình quân
Một câu hỏi quan trọng đối với chiến lược đô thị thông minh là ai sống ở trong đô thị đó? Có những vùng đô thị tập trung nhiều người giàu, trong khi ở một số đô thị khác thì lại chủ yếu là người nghèo. Ngay trong cùng một nước, thu nhập bình quân của người dân giữa các đô thị cũng có thể chênh lệch nhau khá nhiều. Nhìn chung, các đô thị càng giàu càng dễ thực hiện các giải pháp thông minh, trong khi đối với các đô thị khác, đặc biệt là đô thị vừa lớn vừa nghèo, thì nhu cầu về các giải pháp thông minh lại càng cao nhưng khả năng triển khai thì thấp.
Con người thông minh
Một trong những vấn đề cốt lõi quyết định chiến lược về đô thị thông minh là trình độ dân trí của người dân. Mức độ này rất khác nhau giữa các vùng trên thế giới và từ đó dẫn đến những chiến lược khác nhau. Trình độ dân trí có nhiều nguồn gốc, từ văn hóa đến lịch sử, giáo dục,… Không dễ gì để nâng cao ngay trình độ dân trí của người dân. Vì vậy, mức độ thông minh của đô thị phải phù hợp với trình độ người dân để tránh những nguy cơ người dân không thích ứng được với khoa học - công nghệ hiện đại.
Năm yếu tố trên sẽ chi phối, tác động lên các chiến lược đô thị thông minh của từng đô thị cụ thể. Với từng yếu tố đều đòi hỏi cần được nghiên cứu kỹ trong sự tương tác phức tạp giữa chúng.
2. Việt Nam là quốc gia có dân số đông trên thế giới. Trước xu thế chung về phát triển đô thị thông minh trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trên cơ sở xem xét, đánh giá các tiềm năng, lợi thế của Việt Nam cũng như từ các kết quả và những thách thức thực tiễn của quá trình đô thị hóa của nước ta, Đảng và Nhà nước đã có chỉ đạo, định hướng rõ về việc khai thác và phát huy các lợi thế của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đẩy mạnh ứng dụng, phát triển kết cấu hạ tầng công nghệ thông tin. Phát triển đô thị thông minh là một nội dung để tiếp tục thực hiện ba đột phá chiến lược.
Thành phố Hồ Chí Minh là thành phố lớn nhất ở Việt Nam, có mật độ dân cư đông đúc và là đầu tàu của nền kinh tế cả nước, nhưng hiện nay, Thành phố đang phải đối mặt với những thách thức, như ngập, ùn tắc giao thông, kết cấu hạ tầng chưa đầy đủ và nguồn lực hạn chế để phát triển… Trong điều kiện và tiềm năng của mình, Thành phố quyết định xây dựng thành phố thông minh là mục tiêu để nâng cao hiệu quả nền kinh tế, tăng đầu tư ổn định, duy trì mức sống tốt hơn, cung cấp dịch vụ tốt hơn cho người dân, giảm ô nhiễm môi trường và nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước.
Là một trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học - công nghệ; đầu mối giao lưu khu vực và quốc tế lớn của cả nước, trong những năm qua, Thành phố Hồ Chí Minh luôn giữ vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế của khu vực Nam Bộ và cả nước. Đặc biệt qua 40 năm xây dựng, phát triển và hội nhập quốc tế, Thành phố đã đạt được những thành tựu to lớn, toàn diện, tạo sự chuyển biến căn bản trong đời sống xã hội, góp phần quan trọng vào thành tựu chung của cả nước. Kết cấu hạ tầng đô thị được tập trung đầu tư, trong đó nhiều công trình giao thông, cấp nước, thoát nước trọng điểm được đưa vào khai thác, sử dụng làm tăng khả năng kết nối. Việc phát triển Thành phố về phía đông, tây và nam tạo điều kiện để Thành phố có các mối liên kết vùng, phát triển mạnh mẽ hơn. Hiện tại, Thành phố đang tạo ra những tiền đề để xây dựng đô thị thông minh, như không gian đô thị ngày càng được mở rộng; hạ tầng đô thị phát triển nhanh, đặc biệt là trong lĩnh vực giao thông; môi trường đô thị được cải thiện đáng kể; công tác quản lý đô thị từng bước đi vào nền nếp và ngày càng hiệu quả nhờ ứng dụng khoa học - kỹ thuật và công nghệ thông tin. Thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện 7 nhiệm vụ đột phá để hiện thực hóa các nghị quyết của Đại hội XII của Đảng và Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ X. Đối với Thành phố Hồ Chí Minh, việc xây dựng thành phố thông minh không chỉ là một xu hướng đô thị mà đó là một nhu cầu cấp thiết.
Trong xây dựng đô thị thông minh, Thành phố đang phải đối mặt với những thách thức lớn, như vấn đề ùn tắc, tai nạn giao thông và ô nhiễm môi trường từ các hoạt động giao thông vận tải, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống và sinh hoạt của người dân… Nguyên nhân chính là do công tác quy hoạch, quản lý đô thị và kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, văn hóa, cải thiện đời sống dân sinh, bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, Thành phố Hồ Chí Minh còn đối mặt với sự mất cân đối nghiêm trọng giữa không gian đô thị hóa và dân số. Cụ thể là, vùng nội đô đã bị quá tải về sức chứa dân số kéo theo hàng loạt vấn đề quá tải khác, trong đó có những mặt bất cập, ảnh hưởng đến đời sống của tất cả cư dân đô thị, như ách tắc giao thông nhiều điểm, ngập nước nhiều nơi và tệ nạn xã hội khó kiểm soát… Thách thức lớn, khó giải quyết nhất trong xây dựng đô thị thông minh của Thành phố Hồ Chí Minh là sự mất cân đối nghiêm trọng giữa mật độ dân số quá cao so với quy hoạch. Bên cạnh đó, kết cấu hạ tầng về công nghệ thông tin còn hạn chế, cơ sở dữ liệu không tập trung mà nằm rải rác… Chính vì vậy, để xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh, cần tập trung vào một số vấn đề sau:
Một là, cần tăng cường thực hiện quản lý ngành và các dịch vụ thông minh, tăng cường sự tham gia của người dân đối với chính quyền đô thị; trong xây dựng chính quyền thông minh người dân phải là đồng tác giả, đồng thời tham gia giám sát thực hiện. Lấy sự phản hồi của người dân làm thước đo hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền. Trước mắt, Thành phố tập trung xây dựng chính quyền điện tử, kết nối chia sẻ thông tin dữ liệu để gia tăng hiệu quả quản lý nhà nước. Bên cạnh đó, tăng cường sự tương tác giữa chính quyền và người dân, cung cấp các tiện ích phục vụ cho người dân.
Hai là, xây dựng cơ sở dữ liệu chung của Thành phố và kết cấu hạ tầng thông tin - viễn thông. Về cơ sở dữ liệu, do hệ thống công nghệ thông tin đã được từng ngành xây dựng, nên trước mắt cần tập trung xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung cho tất cả các lĩnh vực, dữ liệu liên thông tổng hợp của nhiều ngành, nhiều lĩnh vực. Cơ sở dữ liệu dùng chung chỉ có thể phát triển trên nền tảng công nghệ thông tin và điện toán đám mây. Về hạ tầng thông tin - viễn thông, Thành phố cần kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp cùng tham gia xây dựng phát triển đô thị thông minh. Bên cạnh đó, cần tăng cường những tiện ích mà người dân thụ hưởng trong đô thị thông minh, như chương trình giao thông thông minh, y tế thông minh, giám sát môi trường thông minh để giải quyết các hạn chế của tình trạng ùn tắc giao thông, ngập nước đô thị, chất lượng phục vụ thấp của ngành y tế...
Ba là, xây dựng trung tâm mô phỏng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, qua đó giúp chính quyền Thành phố phân tích, đánh giá, dự báo, cảnh báo và xử lý các vấn đề về phát triển dân số, kinh tế, văn hóa - xã hội. Thành phố cần xây dựng trung tâm điều hành đô thị thông minh, trung tâm an toàn thông tin để kịp thời xử lý các sự cố.
Bốn là, mặc dù Chính phủ đã đồng ý cho Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện phân cấp, phân quyền, tuy nhiên, cần sớm cụ thể hóa, hiện thực hóa, thể chế hóa chủ trương này. Trong thời gian tới, cần có cơ chế đặc thù riêng cho Thành phố Hồ Chí Minh trong xây dựng đô thị thông minh, bởi nhiều ràng buộc về pháp lý và cơ chế, chính sách hiện nay cản trở Thành phố thực hiện đô thị thông minh một cách có hiệu quả nhất.
Năm là, đổi mới phương thức nghiên cứu xây dựng quy hoạch để phát triển một đô thị. Công tác quy hoạch bởi quy hoạch sẽ tổng hợp, phân tích các vấn đề hiện hữu của đô thị, dự báo nhu cầu phát triển, từ đó đưa ra các giải pháp phát triển đô thị bền vững. Do vậy, để xây dựng đô thị thông minh tại Thành phố Hồ Chí Minh, trước tiên cần đổi mới phương thức nghiên cứu xây dựng quy hoạch. Phương pháp quy hoạch phải dựa trên các phân tích, đánh giá của cơ sở dữ liệu dùng chung để đề xuất các giải pháp nhằm bảo vệ môi trường, bảo vệ các nguồn lực về đất đai, năng lượng và các nguồn lực tự nhiên khác, giảm thiểu tắc nghẽn giao thông, sử dụng hiệu quả hơn các nguồn lực công cộng, bảo tồn các giá trị lịch sử, bảo đảm không gian cho giáo dục và vui chơi, hạn chế phát triển tràn lan và nâng cấp không gian đô thị. Trước mắt, tập trung vào nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Thành phố, trong đó xác định hình thành mô hình đô thị thông minh là mục tiêu hàng đầu, là yêu cầu bắt buộc mà các nhà nghiên cứu quy hoạch và các cơ quan quản lý quy hoạch phải thực hiện.
Sáu là, tập trung đầu tư cho ứng dụng công nghệ thông tin và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Ứng dụng công nghệ thông tin là điều kiện tiên quyết bảo đảm hoạt động của đô thị thông minh, là phương thức giao tiếp chủ yếu giữa chủ thể quản lý (là các cơ quan nhà nước) với đối tượng quản lý (là các tổ chức, người dân trong đô thị), đồng thời cũng là công cụ để vận hành đô thị thông minh. Đi đôi với việc đầu tư cho công nghệ, cần thiết phải phát triển nguồn nhân lực để làm chủ công nghệ, khai thác và sử dụng hiệu quả công nghệ phục vụ lợi ích chung.
Bảy là, tuyên truyền, vận động, xây dựng ý thức của người dân đối với sự phát triển đô thị thông minh, từ đó huy động toàn xã hội chung tay xây dựng đô thị theo định hướng đô thị thông minh.
Tám là, đẩy mạnh hợp tác quốc tế, học tập kinh nghiệm của các nước phát triển để đi trước, đón đầu, lường trước và tránh mắc phải các vấn đề trong phát triển đô thị. Tận dụng tối đa sự hỗ trợ từ các nước để có nguồn lực cho phát triển đô thị./.
------------------------
(1) Nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, Tập đoàn IBM quyết định chuyển hình thức từ kinh doanh phần cứng sang kinh doanh phần mềm dịch vụ và tư vấn để đạt được lợi nhuận cao hơn.
Ban Bí thư họp xem xét, xử lý kỷ luật tổ chức đảng và đảng viên vi phạm  (17/08/2021)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gửi lời thăm hỏi, động viên Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh  (17/08/2021)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam