Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh về công tác phòng, chống dịch COVID-19
TCCS - Trong bối cảnh tình hình dịch COVID-19 diễn biến hết sức phức tạp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 29-7-2021, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã có chuyến thị sát công tác phòng, chống dịch bệnh; thăm hỏi, chia sẻ, tặng quà và động viên Đảng bộ, chính quyền nhân dân Thành phố.
Ngay sau khi đến Thành phố Hồ Chí Minh, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã tới thăm hỏi, động viên nhân dân Khu phố 1, Thị trấn Hóc Môn, huyện Hóc Môn đang thực hiện phong tỏa, giãn cách theo chỉ đạo của thành phố. Đến thời điểm này, Hóc Môn có nhiều điểm đang phải thực hiện phong tỏa, trong đó có các điểm tại các xã Tân Thới Nhì, Bà Điểm, Tân Hiệp, Tân Xuân, Thới Tam Thôn, thị trấn Hóc Môn…
Ân cần thăm hỏi đời sống sinh hoạt, sức khỏe của bà con, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã tặng hai huyện Hóc Môn và Củ Chi mỗi huyện 5 tỷ đồng tiền mặt và 5 máy thở, vận động từ các nhà tài trợ để hỗ trợ bà con khắc phục khó khăn, thực hiện tốt quy định về phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gửi lời thăm hỏi ân cần đến nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, nhất là người dân trong các vùng bị phong tỏa, trong các bệnh viện dã chiến, khu vực cách ly, điều trị. Đặc biệt, Chủ tịch nước cũng gửi lời thăm hỏi ân cần, lời cảm ơn, động viên đội ngũ y, bác sĩ, các lực lượng công an, quân đội và các lực lượng phòng, chống dịch khác đang nỗ lực hết mình bảo vệ sức khỏe người dân thành phố.
Chủ tịch nước mong muốn chính quyền và nhân dân hai huyện Hóc Môn và Củ Chi phát huy truyền thống anh hùng, "Đất thép - thành đồng" và tinh thần đoàn kết, yêu thương, giúp đỡ nhau trong khó khăn, phấn đấn thực hiện tốt Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.
Chủ tịch nước nêu rõ, trong suốt thời gian 2 tuần giãn cách xã hội thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, Thành phố Hồ Chí Minh và các huyện Củ Chi, Hóc Môn đã vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương đề ra; đưa ra nhiều biện pháp hữu hiệu, thiết thực, hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại về tính mạng và tài sản của nhân dân.
Nếu không quyết liệt thực hiện các biện pháp mạnh thì thiệt hại sẽ còn lớn hơn rất nhiều, Chủ tịch nước nhắc đến những quốc gia, khu vực trên thế giới chịu thiệt hại nặng nề về người và tài sản do đại dịch toàn cầu COVID-19 gây ra. Trong bối cảnh đó, Thành phố Hồ Chí Minh và các huyện Củ Chi, Hóc Môn cần phát huy hơn nữa phương châm "chống dịch như chống giặc", với vai trò siêu đô thị lớn nhất nước ta với hơn 10 triệu dân; nỗ lực, quyết tâm khắc phục khó khăn, chiến thắng dịch bệnh.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị thành phố phát huy tinh thần đoàn kết, tiếp tục thành lập các tổ phòng, chống COVID-19 bám sát địa bàn để đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng, nhanh chóng phát hiện, truy vết, khoanh vùng dập dịch. Để thực hiện điều này, Chủ tịch nước cho rằng cần phát huy vai trò của cấp ủy, chính quyền địa phương, phát hiện nhanh nguồn bệnh, truy vết hiệu quả kịp thời, giải quyết cách ly tốt.
Nhấn mạnh tinh thần “nước gần cứu lửa gần”, Chủ tịch nước cho rằng việc phát huy tinh thần tại chỗ rất quan trọng. Người dân tự lực với sự hỗ trợ của cấp ủy chính quyền, y tế, lực lượng công an, quân đội. Chủ tịch nước đề nghị các cấp chính quyền thành phố cần nâng cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm, chấm dứt tình trạng báo tin không có người nhận, bệnh nặng không ai xử lý.
Khẳng định Nhà nước, đặc biệt các ngành ngoại giao, y tế đang nỗ lực hết sức mình vận động, tiếp cận các nguồn vaccine phòng COVID-19, Chủ tịch nước cho rằng, hiện lượng vaccine trên địa bàn thành phố còn nhiều nhưng số lượng tiêm còn chậm. Do đó, thành phố cần có cách làm phù hợp, nhất là trong thời điểm giãn cách, vận động nhân dân đi tiêm.
Chủ tịch nước đề nghị các ngành chức năng của Thành phố Hồ Chí Minh tăng cường kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở từng hộ gia đình thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 theo tinh thần nhà nào ở yên nhà đó, hạn chế tối đa di chuyển. Làm tốt hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền để người dân hiểu, cùng thực hiện; không để kẻ xấu kích động, gây mất an ninh, trật tự. Cùng với đó là tiếp tục phát huy vai trò tổ phòng, chống COVID-19 cộng đồng ở các địa bàn, nhất là ở thôn, xóm xa xôi, lực lượng y tế mỏng. Thành phố cũng cần bảo đảm có đủ máy thở và oxy để cấp cứu cho các ca nặng, hạn chế tối đa tử vong.
Phát huy kết quả đạt được, Thành phố cần khen thưởng kịp thời, kỷ luật nghiêm minh, xử lý nghiêm những đơn vị, cá nhân vi phạm các quy định của Chỉ thị 16. Chủ tịch nước cũng tán thành với ý kiến đề xuất của Thành phố về việc cần tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội thêm một thời gian bởi bảo vệ tính mạng, sức khỏe của người dân là mục tiêu quan trọng nhất.
Tiếp tục chuyến thăm, thị sát công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh, chiều tối cùng ngày, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm và làm việc tại Công ty cổ phần Công nghệ sinh học dược Nanogen, đơn vị đang trong quá trình thử nghiệm vaccine Nanocovax.
Báo cáo Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc, lãnh đạo công ty cho biết, hiện việc thực hiện thử nghiệm vaccine khá khả quan với khoảng 14 nghìn người đã tiêm, trong đó đang thử nghiệm giai đoạn thứ ba và không có ca nào phản ứng nặng, chỉ có sốt nhẹ. Chi phí sản xuất chỉ là 120.000 đồng/liều. Nhiều nước đã liên hệ với công ty để đề nghị chuyển giao công nghệ. Tại buổi làm việc, lãnh đạo công ty đề nghị sớm được cấp phép cho loại vaccine này.
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, loại vaccine này đang được thử nghiệm giai đoạn 3 và đang ở giai đoạn 3A, còn tiếp tục thực hiện giai đoạn 3B. Bộ đã hỗ trợ Công ty Nanogen để hoàn tất giai đoạn 3A với việc thử nghiệm trên 1.000 người, đã hoàn tất tiêm mũi 1 của giai đoạn 3B. Giai đoạn 3B là rất quan trọng và phải chung tay thực hiện.
Tại buổi làm việc, Chủ tịch nước hoan nghênh Công ty Nanogen sớm thực hiện chủ trương sản xuất vaccine phòng COVID-19 trong nước theo chỉ đạo của Chính phủ từ tháng 3-2020. Nhấn mạnh tinh thần là tự lực, tự cường, độc lập tự chủ trong lĩnh vực y tế, Chủ tịch nước cho rằng, đối với vaccine phòng COVID-19 phải "đi bằng hai chân” là nhập khẩu và sản xuất trong nước. Tiêm vaccine phòng COVID-19 không chỉ một lần mà còn tiêm nhắc lại, nên việc sản xuất vaccine này là hết sức cần thiết.
Nhấn mạnh, vào lúc này, vaccine và giãn cách xã hội là phương châm trong phòng, chống COVID-19, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Bộ Y tế và các cơ quan liên quan tạo mọi điều kiện thuận lợi, cải cách thủ tục hành chính, tổ chức sớm, nhanh các quy trình chuyên môn bảo đảm, vì liên quan đến sức khỏe và tính mạng của nhân dân. Nanogen phải chứng minh thành công quy trình này với Bộ Y tế. Chủ tịch nước cho biết đã thống nhất với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nếu cần thiết, có thể mời Tổ chức Y tế Thế giới vào tham gia đánh giá loại vaccine này để quyết định chủ trương sớm hơn; không để trong khi toàn dân cần mà chúng ta lại chậm.
Chủ tịch nước cũng đề nghị Công ty Nanogen không ngừng hoàn thiện về công nghệ, sản xuất vaccine với chất lượng tốt, hạn chế tối đa tác dụng không mong muốn. Ngoài phục vụ trong nước thì phải tính đến bước đi xa hơn là xuất khẩu vaccine phòng COVID-19. Làm được điều đó là niềm tự hào đối với Việt Nam.
Cũng trong chiều nay, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm, động viên y, bác sĩ Bệnh viện dã chiến số 16 trên địa bàn Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh, vừa đi vào hoạt động từ ngày 28-7-2021, với quy mô gần 3.000 giường. Bệnh viện hoàn thành sau 20 ngày xây dựng. Sau 2 ngày đầu tiên, bệnh viện có gần 1.200 giường. Số giường còn lại hoàn thành vào đầu tháng 8-2021. Bệnh viện có 350 đầu ô xy đáp ứng cùng lúc cho hàng loạt bệnh nhân trong tình huống phải cấp cứu, thở ô xy. Đặc biệt, bệnh viện cũng đã lắp đặt bồn ô xy có dung tích 7,5m3 dẫn ô xy tới tận 350 giường cho bệnh nhân. Cùng với đó chuẩn bị sẵn 350 bình ô xy di động có gắn đầy đủ các bộ thở và dụng cụ đi kèm.
Chủ tịch nước hoan nghênh Thành phố Hồ Chí Minh sớm chỉ đạo để hoàn thiện Bệnh viện Dã chiến số 16 trong thời gian ngắn với quy mô lớn, có đầy đủ nhân lực y, bác sĩ và trang thiết bị y tế để phục vụ điều trị. Chủ tịch nước đề nghị các y, bác sĩ nỗ lực vượt qua khó khăn, gian khổ, điều trị hiệu quả nhất cho các bệnh nhân COVID-19, góp phần quan trọng vào công tác phòng, chống COVID-19 đang ở giai đoạn căng thẳng như hiện nay./.
Nguyễn Thùy (tổng hợp)
Lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gửi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài về công tác phòng, chống đại dịch COVID-19  (29/07/2021)
Tăng cường độ, mật độ kiểm tra, giám sát để duy trì 15 ngày giãn cách  (28/07/2021)
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng: Lấy hiệu quả thực hiện Chỉ thị 17/CT-UBND làm “thước đo” trách nhiệm người đứng đầu  (27/07/2021)
Petrovietnam: Khi vắc-xin là ưu tiên số 1  (27/07/2021)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
- Bảo đảm an ninh con người của chính quyền đô thị: Kinh nghiệm của một số quốc gia và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
- Tầm quan trọng của việc phát triển năng lực tư duy phản biện cho đội ngũ cán bộ tham mưu tổ chức xây dựng Đảng hiện nay
- Phát huy vai trò trụ cột của đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân trong phối hợp xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, thực hiện hiệu quả mục tiêu đối ngoại của đất nước
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển