Một số vấn đề trong việc tiếp xúc cử tri của những người ứng cử Đại biểu Quốc hội
TCCSĐT- Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIII và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 là sự kiện chính trị lớn, có ý nghĩa quan trọng đối với đất nước. Đây còn là đợt vận động và sinh hoạt dân chủ sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân cả nước để lựa chọn, bầu ra những người ưu tú, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân tại Quốc hội khóa XIII và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011 - 2016.
Theo lịch trình các công việc chuẩn bị cho công tác bầu cử ĐBQH, ngày 27-4-2011, Hội đồng bầu cử (Trung ương) lập và công bố danh sách những người ứng cử ĐBQH theo từng đơn vị bầu cử trong cả nước theo danh sách chính thức do Ban thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (UBTƯMTTQ) Việt Nam và Ủy ban bầu cử (địa phương) gửi đến. Sau đó, ngày 2-5, Ban bầu cử niêm yết danh sách những người ứng cử ở địa phương mình theo danh sách của Hội đồng bầu cử. Từ ngày 3 đến ngày 18-5, theo kế hoạch tổ chức của MTTQ Việt Nam, những người ứng cử ĐBQH sẽ tiếp xúc, gặp gỡ cử tri và các phương tiện thông tin đại chúng để vận động bầu cử (báo cáo với cử tri dự kiến thực hiện trách nhiệm của người đại biểu nếu được bầu và trúng cử ĐBQH). Tiếp xúc cử tri vận động bầu cử là công đoạn thứ 31 trong lịch trình công tác chuẩn bị bầu cử có vai trò rất quan trọng đối với mỗi người ứng cử. Để việc vận động bầu cử được tiến hành dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, có một số vấn đề cần được rút kinh nghiệm, thực hiện tốt hơn nữa.
Trong việc tổ chức tiếp xúc cử tri
Theo Điều 52 của Luật Bầu cử Đại biểu Quốc hội, “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức để những người ứng cử gặp gỡ, tiếp xúc với cử tri và vận động bầu cử”. Như vậy, trước hết, MTTQ Việt Nam có trách nhiệm to lớn trong việc tổ chức chu đáo, chặt chẽ để bảo đảm “Việc vận động bầu cử được tiến hành dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội”.
Do Luật Bầu cử Đại biểu Quốc hội không quy định cụ thể các vấn đề gặp gỡ, tiếp xúc cử tri vận động bầu cử, nên trên thực tế, trong cuộc bầu cử ĐBQH khóa XII đã nảy sinh một số vấn đề. Cụ thể là:
- Số cuộc tiếp xúc của người ứng cử với cử tri giữa các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chênh lệch nhau quá xa. Trong toàn quốc đã tổ chức được 2.673 cuộc tiếp xúc. Địa phương có số cuộc tiếp xúc nhiều nhất là một thành phố lớn: 133 cuộc; địa phương có số cuộc tiếp xúc ít nhất là một tỉnh miền núi, chỉ có 7 cuộc. Người ứng cử được tiếp xúc nhiều nhất là 46 cuộc, người được tiếp xúc ít nhất là 4 cuộc.
- Tổng số cử tri đã tham gia các cuộc tiếp xúc trong cả nước là 498.864 người, trung bình mỗi cuộc tiếp xúc có 200 cử tri tham gia; địa phương có số cử tri tham gia đông nhất là một tỉnh Tây Nam bộ với 48.756 cử tri; địa phương có số cử tri tham gia ít nhất là một tỉnh miền núi phía Bắc, chỉ có 427 cử tri. Cuộc tiếp xúc có đông cử tri nhất lên tới 1.200 người; cuộc tiếp xúc ít nhất chỉ có 61 người.
- Trong tất cả các cuộc tiếp xúc cử tri trên phạm vi cả nước, đã có 23.348 lượt ý kiến cử tri phát biểu; địa phương có số ý kiến của cử tri nhiều nhất là 1.348 ý kiến, địa phương ít nhất là 26 ý kiến…
Mặc dù số cuộc tiếp xúc cử tri, số cử tri tham gia, số ý kiến phát biểu trực tiếp tại các cuộc tiếp xúc, phụ thuộc vào nhiều yếu tố như số đại biểu được bầu, số người ứng cử, số cử tri của mỗi địa phương…, nhưng tính bình quân theo các chỉ số, có thể thấy có sự khác biệt khá lớn giữa số cuộc tiếp xúc của các ứng cử viên và số lượng cử tri tham gia tiếp xúc. Sự không đồng đều đó ít nhiều gây nên tình trạng thiếu công bằng giữa những người ứng cử ở địa phương này với địa phương khác, vì một người được tiếp xúc tới 46 cuộc sẽ khác với người chỉ được tiếp xúc có 4 cuộc; một cuộc tiếp xúc có đến 1.200 cử tri tham gia sẽ khác với một cuộc tiếp xúc chỉ có 61 cử tri tham gia…
Vì thế, để ứng cử viên có cơ hội thể hiện được một cách đúng đắn “con người mình” và để cử tri nắm được “tài năng, đức độ” của người ứng cử, trong cuộc bầu cử Quốc hội khoá XIII với quỹ thời gian 15 ngày, các địa phương rất cần được hướng dẫn cụ thể để căn cứ vào số người ứng cử, tổ chức cho mỗi người được tiếp xúc ít nhất là một lần ở mỗi đơn vị hành chính cấp huyện thuộc đơn vị bầu cử. Ví dụ, đơn vị bầu cử có 6 đơn vị hành chính cấp huyện thì ít nhất ở mỗi đơn vị cấp huyện, người ứng cử phải có ít nhất 1 cuộc tiếp xúc, hoặc, tổ chức cho mỗi người ứng cử có không ít hơn 10 cuộc tiếp xúc, gặp gỡ cử tri. Mỗi cuộc tiếp xúc không ít hơn 200 cử tri tham dự và dành thời gian thỏa đáng cho cử tri phát biểu nhiều ý kiến.
Đối với người ứng cử
Thực tế ở một số cuộc bầu cử trước đây cho thấy, không ít người là ứng cử viên rất “sáng giá” nhưng đã không trúng cử. Một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng đó là do “kỹ năng” tiếp xúc cử tri.
Cử tri lựa chọn để bầu cho một người nào đó phụ thuộc vào hai yếu tố cơ bản. Một là, sự nhận biết ứng cử viên của cử tri qua những thông tin trực tiếp khi người ứng cử gặp gỡ, tiếp xúc cử tri. Trước hết, khi xuất hiện trước cử tri, người ứng cử phải thể hiện chân thật mình là một người bình dị, gần gũi quần chúng, dễ dàng trò chuyện, có sức thu hút, thuyết phục, vận động quần chúng. Về nội dung, người ứng cử cần thể hiện được tài năng, đức độ, bản lĩnh của mình nhưng phải thực sự khiêm tốn. Năng lực của người ứng cử cần được thể hiện qua cách diễn đạt tinh tế, thể hiện mình là một người “lấp lánh trí tuệ, ngời ngời phẩm chất, hừng hực nhiệt tình, ăm ắp trách nhiệm, bền bỉ sức lực; kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu và bản thân không mắc những tiêu cực đó, kiên định phục vụ nhân dân”; phải thay mặt dân, thể hiện đúng nguyện vọng chính đáng của cử tri.
Hai là, cử tri nắm bắt thông tin qua lý lịch trích ngang của ứng cử viên, vì thế đòi hỏi người ứng cử phải rất cẩn thận trong việc khai báo lý lịch. Việc khai lý lịch cần tuân thủ các yêu cầu: rõ ràng, trung thực, rành mạch, minh bạch, đầy đủ, nhất quán, không để lại những “dấu hỏi”, những băn khoăn mà cử tri không thể tìm kiếm được câu trả lời trong bản lý lịch trích ngang (ví dụ, có người khai là cử nhân, nhưng cử tri lại không dò tìm được thời gian đi học của người này là khi nào, ở đâu)…
Ngoài hai yếu tố trên, sự chỉ đạo về việc thực hiện đúng cơ cấu, thành phần; sự bố trí những người ứng cử vào đơn vị bầu cử ở địa phương cũng đóng vai trò hết sức quan trọng. Đối với người ứng cử, những yếu tố này, về cơ bản, mang tính khách quan. Vì vậy, các ủy ban bầu cử (địa phương) cần cân nhắc kỹ càng, công bằng, công tâm trong việc phân bổ người ứng cử vào các đơn vị bầu cử (tránh tình trạng bố trí quá trùng lặp về ngành nghề, quá chênh lệch về trình độ; tránh cục bộ, thiên vị, chỉ tạo thuận lợi cho người ứng cử là người của địa phương… trong cùng đơn vị bầu cử).
Tóm lại, việc gặp gỡ, tiếp xúc giữa những người ứng cử ĐBQH với cử tri phải đạt được yêu cầu công khai, dân chủ, công bằng, trao đổi thẳng thắn, cởi mở, mang tính xây dựng; cử tri hiểu biết rõ ràng những người ứng cử để cân nhắc, lựa chọn được những người ưu tú, tài đức vẹn toàn, xứng đáng là "Người đại biểu của nhân dân"./.
Những tác hại chết người của việc sử dụng thuốc lá (10/04/2011)
- Góp phần luận giải một số điểm mới của Luật hợp tác xã năm 2023 về mô hình hợp tác xã kiểu mới ở Việt Nam hiện nay - Qua tổng kết thực tiễn mô hình hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới trên địa bàn tỉnh Hà Nam giai đoạn 2012 - 2022
- Bảo đảm bình đẳng giới, thúc đẩy quyền tham gia chính trị của phụ nữ Việt Nam
- Nhìn lại ba năm cuộc xung đột Nga - Ukraine chưa hồi kết
- Đổi mới tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị “tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả” theo tinh thần định hướng của Đồng chí GS, TS, Tổng Bí thư Tô Lâm
- Ngành văn hóa, thể thao và du lịch năm 2024: Tăng tốc, sáng tạo, bứt phá, hướng tới kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Cách mạng công nghiệp 4.0 - Cơ hội và thách thức của giai cấp công nhân Việt Nam hiện nay