TCCSĐT - Suốt 60 năm hoạt động cách mạng vì độc lập, tự do của đất nước, vì hạnh phúc, ấm no của nhân dân, đồng chí Phạm Hùng luôn giữ vững bản lĩnh của một người cộng sản kiên cường, bất khuất; một nhà lãnh đạo tài ba, đức độ, nhân ái, đầy uy tín, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Cuộc đời - sự nghiệp, công lao - cống hiến của đồng chí mãi mãi là tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên hôm nay và các thế hệ cách mạng mai sau noi theo.

Bất khuất trước kẻ thù

Sinh ra trên mảnh đất giàu truyền thống đấu tranh cách mạng, mới 15 tuổi đồng chí Phạm Hùng đã bắt đầu giác ngộ cách mạng, tham gia các phong trào yêu nước của thanh niên học sinh. Dưới sự dẫn dắt của chi hội Việt Nam cách mạng Thanh niên Mỹ Tho, được đọc các tài liệu cách mạng đồng chí nhận rõ rằng: chỉ có kiên quyết đứng lên làm cách mạng giải phóng dân tộc giành độc lập tự do đi tới xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa thì dân ta mới có ấm no, tự do, hạnh phúc thật sự. Vừa học tập, vừa lao vào hoạt động, thực tiễn phong trào cách mạng đã rèn luyện đồng chí trưởng thành, đã xây dựng cho đồng chí một niềm tin khoa học sắt đá vào thắng lợi cuối cùng của cách mạng. Năm 1930, khi mới 18 tuổi, đồng chí được kết nạp Đảng và được bầu vào làm Bí thư chi bộ trường học - một trong những bí thư chi bộ đầu tiên của Đảng bộ tỉnh Mỹ Tho. Năm 1931, đồng chí được phân công làm Bí thư Tỉnh ủy Mỹ Tho. Trong lúc đang lãnh đạo phong trào cách mạng ở quê hương, đồng chí bị thực dân Pháp bắt vào ngày 2-6-1931. Từ đây đồng chí bắt đầu cuộc đấu tranh trực diện với kẻ thù mà mình chỉ có niềm tin và nghị lực của người cộng sản đối chọi với bộ máy bạo lực to lớn và tàn bạo của kẻ thù.

Những ngày tháng đầu tiên sa vào tay giặc, đồng chí Phạm Hùng đã thể hiện rõ ý chí cách mạng kiên cường. Mặc dù bị tra tấn bằng cực hình nhưng thực dân Pháp không lấy được lời khai nào của đồng chí về phong trào và cơ sở cách mạng. Trong nhà tù đồng chí tiếp tục lãnh đạo đấu tranh chống chế độ nhà tù hà khắc và chế độ thực dân tàn bạo, xây dựng đường dây liên lạc với bên ngoài để tiếp tục chỉ đạo phong trào đấu tranh của quần chúng chống chế độ thực dân và bọn phong kiến tay sai. Bọn thực dân cho rằng, lãnh đạo cuộc đấu tranh lúc này là đồng chí Phạm Hùng. Chúng đã đàn áp dã man cuộc đấu tranh của tù nhân và bắt đồng chí tống giam vào xà lim. Ngày 20-9-1932, tại Mỹ Tho, thực dân Pháp mở phiên tòa đại hình xét xử "những người chống lại an ninh công cộng". Trong phiên tòa này chúng lại kết án tử hình đồng chí Phạm Hùng nhưng bản án đó không làm nhụt chí đấu tranh của người cộng sản - bí thư tỉnh ủy 20 tuổi. Trong tù đồng chí vẫn tiếp tục đấu tranh. Vì không có chứng cớ gì, nên buộc kẻ thù phải giảm án tử hình rồi hạ xuống chung thân khổ sai, giam cầm, đầy ải đồng chí qua hết các xà lim án chém Sài Gòn đến địa ngục trần gian Côn Đảo...

Gần 15 năm tù đày, trong đó có 12 năm trong nhà tù Côn Đảo, tại đây một cuộc đấu tranh giữa cái sống và cái chết, giữa bảo toàn lý tưởng và khí tiết người cộng sản đã làm sáng ngời những phẩm chất kiên trung, bất khuất của người chiến sĩ cộng sản Phạm Hùng. Thời gian tù đầy kéo dài với liên tiếp các hình phạt và đòn roi tàn ác của kẻ thù, nhưng tất cả không khuất phục được người chiến sĩ cộng sản Phạm Hùng. Mọi người nói, viết và gọi người cách mạng này là "con người thép", "con người huyền thoại", "giữa cảnh xô bồ mà mạng sống con người có khi được đo bằng một chỗ ngả lưng hay một chén cơm gạo mục. Đồng chí Phạm Hùng đã vượt qua mọi thử thách, hơn thế nữa, là người sẵn sàng sống chết với tinh thần nghĩa hiệp, lấy thân mình che chở cho đồng chí, cho những người ốm yếu. Chính môi trường này làm bật sáng khí phách của một Phạm Hùng, dám đưa lưng ra đỡ đòn cho bè bạn một cách dứt khoát đến nỗi bọn cai ngục phải nể sợ. Bác Tôn Đức Thắng trong hồi ký của mình, tỏ rõ lòng khâm phục cái dũng cao ngất của Phạm Hùng" (1).

Năm 1934 tại Côn Đảo, đồng chí Phạm Hùng được bổ sung vào chi ủy và liên tục các năm về sau, đồng chí đều được bầu trong chi ủy lãnh đạo phong trào đấu tranh của tù nhân. Sau này vào những năm trước Cách mạng Tháng Tám, đồng chí là Bí thư Đảo ủy. Hoàn cảnh nhà tù của chế độ thực dân Pháp tại Côn Đảo rất khắc nghiệt và tàn bạo. Chúng muốn đẩy người tù đi đến chỗ chết dần. Đồng chí Phạm Hùng cùng chi ủy, chi bộ đã lãnh đạo đấu tranh quyết liệt với bọn cai ngục để giành lấy sự sống cho tù nhân, đòi giảm nhẹ chế độ khổ sai, đòi cải thiện chế độ nhà tù, đấu tranh giành từng cuộng rau, hớp nước. Ở đây, mục tiêu đấu tranh không phải đơn giản chỉ cốt giành sự sống để tồn tại mà cao hơn thế còn là sự bảo tồn lực lượng để trở về trong hàng ngũ cách mạng. Vì vậy, sự lãnh đạo của chi bộ nhà tù Côn Đảo thực sự là cuộc tổ chức, chỉ huy đấu tranh và chiến thắng từng âm mưu của địch. Kẻ thù muốn dùng sự đàn áp dã man, tàn bạo làm nhụt ý chí của người cách mạng, đồng chí Phạm Hùng cùng chi bộ nhà tù thực hiện chủ trương “biến nhà tù thành trường học”, liên tục tổ chức học tập văn hóa, học tập lý luận nâng cao trình độ, củng cố lập trường, giữ vững lý tưởng và niềm tin vào tương lai của cách mạng.

Chế độ nhà tù thực dân thật khắc nghiệt và tàn bạo, chúng muốn tù nhân chết chìm trong tối tăm trầm uất. Thâm độc hơn, chúng còn dùng những người tù Quốc dân đảng, những người tù thường phạm "bất trị" để diệt các chiến sĩ tù cách mạng, nhưng bằng lý luận và hành động thực tiễn, đồng chí Phạm Hùng cùng những đảng viên cộng sản đã giác ngộ và thức tỉnh họ đi về con đường chính nghĩa của dân tộc. Đồng chí cùng các chiến sĩ cách mạng trong tù thường xuyên tổ chức được những hình thức sinh hoạt văn hóa, văn nghệ phong phú, khơi dậy tinh thần yêu nước, làm thức tỉnh lương tâm của cả những người trong bộ máy cai trị của nhà tù tàn ác. Một người bạn tù cùng thời đã viết về đồng chí Phạm Hùng: Khi bị đày ra Côn Lôn, anh kiên cường đấu tranh chống chế độ hà khắc, chống khủng bố. Anh thường đưa lưng đỡ đòn cho anh em tù ốm yếu. Anh giỏi võ, trừng trị bọn tù du côn hiếp đáp những người tù khác, v.v.. Mỗi người nói một kiểu nhưng tất cả đều trầm trồ thán phục, ca ngợi và nhận xét anh là người có nghĩa khí và nhiều tù nhân thường phạm đã nói rằng: "Cộng sản như Phạm Hùng thì mình theo". (2).

Suốt đời phấn đấu, hy sinh vì nước, vì dân

Với thắng lợi của cuộc tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945, sau 12 năm bị giam cầm tại nhà tù ở Côn Đảo, ngày 23-9-1945, đồng chí Phạm Hùng được trở về đất liền. Đó cũng là ngày thực dân Pháp nổ súng xâm lược nước ta lần thứ hai bắt đầu từ Nam Bộ. Nhân dân toàn Nam Bộ thay mặt nhân dân cả nước, bằng ý chí của cả dân tộc thà hy sinh tất cả chứ quyết không để mất nước, quyết không chịu làm nô lệ, đã gồng mình chống lại cuộc xâm lăng của thực dân Pháp. Sau hơn 15 năm xa nhà, đồng chí Phạm Hùng ghé về thăm má và gia đình nhưng chưa kịp chăm sóc cho mẹ khỏi bệnh, đồng chí đã phải lên ngay Sài Gòn nhận nhiệm vụ trong Xứ ủy, tham gia tổ chức chiến đấu chống thực dân Pháp xâm lược. Suốt 9 năm trong cuộc kháng chiến chống Pháp, đồng chí Phạm Hùng trên nhiều cương vị khác nhau đã lăn lộn cùng đồng bào miền Nam hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đem lại cục diện mới, đưa Cách mạng Việt Nam bước vào thời kỳ mới.

Với đặc điểm đất nước đang tạm thời chia làm hai miền với hai chế độ chính trị - xã hội đối lập nhau, Đảng ta xác định con đường phát triển tất yếu của cách mạng Việt Nam là tiến hành đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược. Tuy mỗi miền thực hiện một nhiệm vụ chiến lược khác nhau nhưng có mối quan hệ chặt chẽ với nhau; trong đó cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc giữ vai trò quyết định nhất đối với toàn bộ sự phát triển của cách mạng Việt Nam, cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam giữ vị trí quan trọng, có tác dụng trực tiếp đối với sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.…

Khi mới tập kết ra miền Bắc, đồng chí Phạm Hùng được Trung ương chỉ định làm Trưởng phái đoàn và đại diện Bộ Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam bên cạnh Ủy ban Kiểm sát quốc tế Việt Nam tại thành phố Sài Gòn. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, đồng chí được điều động ra tham gia công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Năm 1967, Trung ương cử đồng chí trở về Nam cùng đồng bào đánh giặc Mỹ, Bác Hồ đã đến tiễn và dặn dò đồng chí Phạm Hùng nhiều điều. Trải qua gần 8 năm làm Bí thư Trung ương Cục và Chính ủy các lực lượng vũ trang quân Giải phóng trong thời kỳ chống Mỹ, cứu nước với cương vị là người lãnh đạo cao nhất trên chiến trường miền Nam, đồng chí Phạm Hùng luôn luôn quan tâm theo dõi và chỉ đạo sát sao phong trào cách mạng trong các đô thị - đặc biệt là ở thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn. Dưới sự chỉ đạo của đồng chí Phạm Hùng, Trung ương Cục đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết, công văn, công điện nhằm chỉ đạo phong trào đấu tranh của quần chúng trong đô thị, xác định rõ thành thị là một trong ba vùng chiến lược của cách mạng miền nam và có vị trí quyết định về chiến lược để giành thắng lợi cuối cùng. Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, đồng chí Phạm Hùng được bầu làm Chính ủy Bộ Chỉ huy chiến dịch, góp phần quan trọng vào thắng lợi của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, thống nhất đất nước…

Đất nước hòa bình thống nhất, dân tộc độc lập, nhân dân ta được giải phóng khỏi thân phận nô lệ của đế quốc thực dân, đồng chí Phạm Hùng nhớ lời Chủ tịch Hồ Chí Minh dặn: Nước độc lập mà dân cứ chết đói, chết rét thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì; chỉ đi lên chủ nghĩa xã hội thì nhân dân ta mới thực sự có cuộc sống ấm no, tự do và hạnh phúc, đồng chí lại tham gia vào cuộc chiến đấu mới, cùng đồng bào quyết tâm xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Bất kể ở cương vị nào, khi thay mặt Đảng lãnh đạo ổn định tình hình miền Nam mới giải phóng, hoàn thành thống nhất về mặt nhà nước, hay là Phó Thủ tướng giải quyết các vấn đề kinh tế kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ, hoặc khi đứng đầu Chính phủ ở chức vụ Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, đồng chí Phạm Hùng đều không quản ngại khó khăn vất vả, luôn luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mình đảm nhiệm. Những vấn đề kinh tế đồng chí giải quyết thời kỳ này đều là tiền đề cho nền kinh tế đất nước phát triển khi sự nghiệp đổi mới đi vào chiều sâu.

Đất nước lâm vào khủng hoảng kinh tế - xã hội ngày càng trầm trọng, đúng lúc đó đồng chí Phạm Hùng được Đảng, Nhà nước và nhân dân ta giao trọng trách đứng đầu Chính phủ, chèo lái nền kinh tế nước nhà ra khỏi khủng hoảng. Đồng chí đã dồn hết tâm lực, vượt qua mọi khó khăn để giải quyết những vấn đề cấp bách về tình trạng thiếu lương thực của đất nước. Với tinh thần trách nhiệm cao, tác phong năng động và sát thực tế, đồng chí không ngại tuổi cao, sức lực, gánh vác công việc nặng nề và phức tạp ở Trung ương và các địa phương, cố gắng thực hiện những biện pháp cần thiết, có hiệu quả nhằm đạt tới mục đích ổn định tình hình kinh tế - xã hội của đất nước, giải quyết những vấn đề cấp bách về đời sống nhân dân cả nước. Có lẽ sự tận tâm, tận lực, trăn trở tìm giải pháp đưa đất nước thoát khỏi thời điểm khó khăn này đã vắt kiệt sức lực của đồng chí. Ngày 10 tháng 3 năm 1988 tại thành phố Hồ Chí Minh, đồng chí đã mất đột ngột trong lúc đang triển khai, chỉ đạo công việc.

Đồng chí đã trở về bên Bác Hồ và các vị cách mạng tiền bối và ngã xuống như một người chiến sĩ trong trận chiến đấu quyết liệt mà oai hùng. Đồng chí Phạm Hùng vĩnh biệt đồng bào, đồng chí khi tròn 76 mùa xuân với 60 năm không một phút giây ngơi nghỉ, sẵn sàng chịu đựng, hy sinh cao nhất vì độc lập cho dân tộc, tự do hạnh phúc cho nhân dân để lại lòng tiếc thương vô hạn của đồng bào, đồng chí.

Người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Ngay từ buổi đầu giác ngộ cách mạng và suốt cả cuộc đời, đồng chí Phạm Hùng luôn luôn ngưỡng mộ, hướng theo và học tập lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh. Lần đầu tiên đồng chí được gặp Bác là vào năm 1949, khi đồng chí là Trưởng đoàn cán bộ miền Nam ra dự Đại hội lần thứ hai của Đảng và học tập bồi dưỡng ở miền Bắc. Vào lúc miền Bắc được giải phóng, Trung ương điều đồng chí ra công tác ở Hà Nội. Là ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, đồng chí Phạm Hùng có may mắn được làm việc gần Bác Hồ suốt từ năm 1956 đến năm 1967. Bác rất quý đồng chí Phạm Hùng, có lần Bác mời cả gia đình đồng chí đến ăn cơm với Bác. Những khi tiếp đồng bào chiến sĩ miền Nam, Bác thường cho mời đồng chí Phạm Hùng cùng tiếp. Những năm tháng được sống, làm việc bên cạnh Bác Hồ, đồng chí Phạm Hùng càng hiểu sâu sắc tư tưởng, phương pháp, phong cách và đạo đức trong sáng, vĩ đại của Người, càng củng cố niềm tin vào Bác, vào sự nghiệp cách mạng. Đó như liều thuốc thần dược tiếp thêm nguồn sức mạnh phi thường trong công tác cho đồng chí.

Từ rất sớm, đồng chí Phạm Hùng đã hiểu rõ và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh: cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, muốn giải phóng dân tộc và xây dựng, phát triển đất nước, phải xây dựng cho được mối liên kết giữa công nhân với nông dân và lao động trí óc để trên cơ sở đó, đoàn kết toàn dân tộc, không để sót một người Việt Nam yêu nước nào ở ngoài liên minh dân tộc. Ngay từ buổi đầu tham gia cách mạng, đồng chí Phạm Hùng đã đi sâu gắn bó với phong trào của nông dân, trí thức, học sinh và công nhân ở Mỹ Tho. Một tư duy thường trực ở đồng chí là phải giác ngộ, vận động quần chúng để cho họ thức tỉnh tự giác tham gia cách mạng của dân tộc. Vì thế, ngay trong xà lim án chém, đồng chí đã giác ngộ, dạy văn hóa cho một số tù nhân bất hảo, từ chỗ u mê, cùng quẫn dần trở thành con người thực thụ biết lẽ phải, sẵn sàng chết như một người chiến sĩ chân chính...

Là cán bộ cao cấp của Đảng, mặc dù bận rất nhiều công việc, đồng chí Phạm Hùng vẫn giữ nghiêm kỷ luật sinh hoạt Đảng theo quy định của Điều lệ Đảng. Khi sinh hoạt chi bộ, đồng chí đi họp rất đúng giờ, phát biểu góp ý kiến xây dựng chi bộ, xây dựng tư cách đảng viên với cương vị đảng viên dự họp chứ không phải là cấp trên chỉ đạo hội nghị. Đồng chí Phạm Hùng phát biểu: "Chi bộ mạnh phải có đảng viên mạnh, chi bộ mạnh thì chất lượng, hiệu quả của đơn vị mới cao". Đồng chí luôn có tác phong bình dị, gần gũi, ân cần, cởi mở, hết lòng yêu thương đồng chí, dân chủ và rộng lượng với mọi người nhưng lại rất nghiêm khắc với mình. Trong sinh hoạt, đồng chí luôn lắng nghe, coi trọng ý kiến của cán bộ, đảng viên dưới quyền mình và sẵn sàng tiếp nhận các ý kiến đóng góp dù có ý kiến khác mình. Sự quan tâm chân tình, thân mật của đồng chí với cán bộ, đảng viên có sức động viên lớn đối với mọi người.

Đồng chí Phạm Hùng luôn rèn luyện phong cách làm việc khoa học, có kế hoạch, tỉ mỉ, chu đáo. Trong thời chiến cũng như trong thời bình, đồng chí luôn thể hiện phong cách làm việc có chương trình kế hoạch, có nguyên tắc nhưng không máy móc, với cấp dưới luôn luôn lắng nghe ý kiến, giải quyết có lý, có tình, rất nhanh và dứt khoát... Đồng chí Phạm Hùng nổi tiếng là người ngăn nắp, sạch sẽ. Cần tài liệu gì là đồng chí biết ở đâu. Có lần báo động, đèn tắt, anh em đề nghị đồng chí lấy những tài liệu cụ thể trong cặp của mình, đồng chí đã lấy ra không nhầm một tài liệu nào. Khi là Phó Thủ tướng, đồng chí Phạm Hùng được Thủ tướng Phạm Văn Đồng ủy nhiệm kết luận các phiên họp của Thường vụ Hội đồng Chính phủ và nhiều phiên họp của Hội đồng Chính phủ, đồng chí rất chăm chú lắng nghe và ghi chép ý kiến phát biểu của các thành viên. Những kết luận của đồng chí thường ngắn gọn, rõ ràng, mạch lạc từng ý tứ, từng vấn đề, thường được đồng chí Phạm Văn Đồng đồng tình và không có ý kiến gì thêm. Khi là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, lúc đó đồng chí Phạm Hùng đã 75 tuổi, công việc nhiều và rất căng thẳng, đồng chí vẫn giữ được lối làm việc rất chặt chẽ, nghiêm ngặt, đã nói là làm, đã quyết định làm việc gì thì đôn đốc, kiểm tra liên tục cho đến xong mới thôi. Với các đồng chí trong Thường vụ, Thường trực Hội đồng Bộ trưởng, ngoài các cuộc họp chung, đồng chí Phạm Hùng thường hội ý, trao đổi riêng với từng người để bàn sâu từng việc cụ thể. Phong cách chỉ đạo cụ thể, sát sao của đồng chí Phạm Hùng đã tác động mạnh mẽ đến cán bộ, nhân viên trong các cơ quan của Chính phủ, tạo ra không khí làm việc luôn luôn khẩn trương, nghiêm túc.

Đồng chí Phạm Hùng có phong cách sinh hoạt thể hiện rõ ràng phong cách của một người học trò ưu tú của Chủ tịch Hồ Chí Minh, luôn luôn thực hiên lời dạy của Bác “cần, kiệm, liêm, chính”. Trong sinh hoạt hằng ngày, đồng chí thể hiện sự giản dị, thanh đạm, thanh cao. Là người chỉ huy cao nhất ở chiến trường miền Nam, được ưu tiên ăn cơm riêng với tiêu chuẩn cao hơn nhưng đồng chí không chịu mà ăn cùng mọi người để kiểm tra chất lượng lương thực cung cấp cho cán bộ, chiến sĩ như thế nào. Là cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước, cho đến lúc đảm nhận cương vị là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, đồng chí và gia đình vẫn ở tại một biệt thự cũ mà Nhà nước phân cho trên phố Phan Đình Phùng, xen lẫn với nhà dân. Trong nhà bàn ghế chẳng có gì quý giá. Phòng khách vào ngày Tết cũng chỉ có một bộ bàn ghế đơn sơ với một cành đào Nhật Tân cắm trong chiếc độc bình đặt phía bên trong. Vợ chồng đồng chí Phạm Hùng nuôi bốn người con cộng với bốn người con của các đồng đội. Gia đình đồng chí cũng có rất nhiều khó khăn như bao gia đình cán bộ, công chức khác. Trong sinh hoạt, đồng chí Phạm Hùng luôn giữ một nếp sống chừng mực, điều độ, ngăn nắp, yêu lao động, rất quý trọng thời gian, không ham muốn danh lợi cho riêng mình. Là ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, rồi Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, mỗi lần đồng chí Phạm Hùng đi về các địa phương thường chỉ đi một xe, một bảo vệ, một thư ký, thậm chí có lần chỉ đi cùng với một lái xe. Đồng chí không thích có xe hộ tống ầm ĩ. Được Nhà nước trang bị xe đi làm việc, đi công tác, đồng chí Phạm Hùng luôn luôn sử dụng xe đúng mục đích, không bao giờ lợi dụng xe công để giải quyết việc tư.

Tấm gương tài đức vẹn toàn của đồng chí Phạm Hùng - người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ mãi mãi đi cùng các thế hệ người Việt Nam, phấn đấu cho mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh - xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội trên quê hương Việt Nam như lòng mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn vàn kính yêu./.
-------------------------

(1) - Phạm Hùng - Tiểu sử, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.91.
(2) - Phạm Hùng - Tiểu sử, sđd, tr.108.