Đồng chí Phạm Hùng với sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự và xây dựng lực lượng công an nhân dân

Thượng tướng, GS, TS. Trần Đại Quang Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an
14:07, ngày 10-06-2012

TCCSĐT - Đồng chí Phạm Hùng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng - Người con ưu tú của đất nước và quê hương Vĩnh Long, là học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí minh; nhà lãnh đạo kiên trung, mẫu mực của Đảng và Nhà nước ta; người lãnh đạo, chỉ huy của lực lượng Công an nhân dân Việt Nam, suốt đời đấu tranh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đồng chí Phạm Hùng (1912 - 1988), tên thật là Phạm Văn Thiện, tên gọi thân thương là anh Hai Hùng. Ông sinh ngày 11-6-1912, tại làng Long Hồ, huyện Châu Thành, tỉnh Vĩnh Long (nay là xã Long Phước, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long). Tên tuổi và sự nghiệp của đồng chí gắn liền với những bước ngoặt lịch sử oanh liệt của dân tộc ta trong thế kỷ XX. Bảy mươi sáu tuổi đời, sáu mươi năm hoạt động cách mạng liên tục, với ý chí kiên cường, tư duy sáng tạo và nhiệt tình cách mạng cháy bỏng, đồng chí Phạm Hùng được Đảng và Nhà nước giao nhiều trọng trách. Một phần ba cuộc đời hoạt động cách mạng, trực tiếp lãnh đạo lực lượng Công an nhân dân, đồng chí có nhiều đóng góp to lớn đối với sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự và xây dựng lực lượng Công an nhân dân trong sạch, vững mạnh.

Quan điểm và tư duy chiến lược về xây dựng lực lương công an

Một trong những quan điểm nhất quán xuyên suốt trong tư duy chỉ đạo chiến lược của đồng chí Phạm Hùng, là: Xây dựng Công an nhân dân trở thành một trong những lực lượng vũ trang trọng yếu của Đảng, Nhà nước, có nhiệm vụ bảo vệ Đảng, Nhà nước và nhân dân; đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối, toàn diện của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Quan điểm nêu trên đã được đồng chí Phạm Hùng cụ thể hóa trong chỉ đạo xây dựng lực lượng Công an nhân dân ở từng giai đoạn cách mạng. Năm 1946, đồng chí trực tiếp chỉ đạo việc củng cố và phát triển lực lượng Quốc gia Tự vệ cuộc (tiền thân của Công an Nam Bộ sau này), với quan điểm: Đảng phải trực tiếp lãnh đạo và xây dựng Quốc gia Tự vệ cuộc, để trấn áp bọn tình báo, gián điệp, nội gián, đẩy mạnh việc xây dựng lực lượng cách mạng và phát triển Đảng. Quốc gia Tự vệ cuộc phải dựa vào dân, giúp đỡ dân, phải biết làm công tác quần chúng, tuyên truyền, giáo dục, động viên nhân dân tham gia kháng chiến, trấn áp phản cách mạng, bảo vệ chính quyền, bảo vệ nhân dân… Tư duy nhạy bén của đồng chí Phạm Hùng đã góp phần quan trọng vào việc xây dựng các lực lượng vũ trang cách mạng, để tiến hành cuộc chiến tranh nhân dân theo đường lối quân sự đúng đắn của Đảng ta; đồng thời, phù hợp với đặc điểm tình hình thành phố Sài Gòn và trên chiến trường Nam Bộ lúc đó. Quan điểm Đảng lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối, toàn diện lực lượng vũ trang, trong đó có lực lượng Công an nhân dân đã được đồng chí Phạm Hùng quán triệt rất sâu sắc trong các lớp học cấp tốc cho cán bộ chủ chốt, do Xứ ủy Nam Bộ tổ chức, với tinh thần: “Công an là công cụ của Đảng, do Đảng xây dựng và rèn luyện, lãnh đạo toàn diện. Nhiệm vụ chính trị của Công an là bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền cách mạng và bảo vệ nhân dân. Muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ đó, tổ chức công an phải được xây dựng trên cơ sở lực lượng tích cực và trung thành trong nhân dân; phải dựa vào dân, biết tổ chức sử dụng vai trò to lớn của nhân dân để phát hiện, truy tìm kẻ địch ẩn nấp và bí mật hoạt động phá hoại” ([1]).

Từ tư duy đến tổ chức, hành động, đồng chí Phạm Hùng đã xây dựng Quốc gia Tự vệ cuộc thành một lực lượng vũ trang tin cậy của Đảng, đủ sức đối phó với bọn tình báo, gián điệp, phản động của địch. Vào những lúc tình hình cách mạng gặp khó khăn, phức tạp, với nhận thức chính trị sâu sắc, đồng chí đã chỉ đạo tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác công an. Những năm đầu 80 của thế kỷ XX, đất nước lâm vào khủng hoảng kinh tế - xã hội, các thế lực thù địch ráo riết tiến hành các hoạt động phá hoại nhiều mặt đối với nước ta; với cương vị là Phó Thủ tướng, kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ, đồng chí Phạm Hùng xác định rõ nhiệm vụ đấu tranh bảo vệ an ninh chính trị, giữ vững trật tự, an toàn xã hội là nhiệm vụ bức thiết và chỉ rõ: Đây là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và của toàn dân, dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng, lực lượng Công an nhân dân là nòng cốt. Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của đồng chí, Bộ Nội vụ (sau này là Bộ Công an) kịp thời tham mưu với Đảng ban hành Nghị quyết số 31-NQ/TW, ngày 2-12-1980, “Về nhiệm vụ bảo vệ an ninh chính trị, giữ gìn trật tự an toàn xã hội trong tình hình mới”. Nghị quyết đặc biệt nhấn mạnh: “Bảo vệ an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng của Đảng và Nhà nước ta”([2]) và nêu rõ bảy nguyên tắc chỉ đạo công tác đấu tranh bảo vệ an ninh chính trị, giữ gìn trật tự an toàn xã hội; trong đó, nguyên tắc hàng đầu là Đảng lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối, toàn diện công tác công an. Để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công an, ở bất kỳ giai đoạn cách mạng nào, trong kháng chiến hay khi đất nước hòa bình, thống nhất, đồng chí đặc biệt quan tâm tới xây dựng tổ chức đảng trong Công an nhân dân, xứng đáng là hạt nhân lãnh đạo, thường xuyên giáo dục, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ cấp ủy công an các cấp; đồng thời, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp về nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự và xây dựng lực lượng Công an nhân dân.

Để lực lượng Công an nhân dân hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, đồng chí Phạm Hùng đặc biệt quan tâm xây dựng lực lượng Công an nhân dân trong sạch, vững mạnh, trong đó chú trọng giáo dục, rèn luyện tư cách người công an cách mạng theo Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân.

Ngay từ năm 1950, đồng chí Phạm Hùng đã cùng lãnh đạo Sở Công an Nam Bộ phát động phong trào: “Học tập và thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân”; thu thập tài liệu, in thành cuốn sổ tay làm tài liệu học tập trong cán bộ, chiến sĩ Công an Nam Bộ. Phong trào đã tạo nên khí thế thi đua sôi nổi học tập, rèn luyện theo Sáu điều Bác Hồ dạy cán bộ, chiến sĩ Công an Nam Bộ và có sức lôi cuốn, lan tỏa trong toàn lực lượng Công an nhân dân. Không chỉ phát động phong trào, năm 1951, Sở Công an Nam Bộ thực hiện rất nghiêm túc việc “Kiểm thảo Sáu điều Bác Hồ dạy” gắn với “Kiểm thảo đường lối Công an nhân dân” và trên cơ sở rút kinh nghiệm, đã tiến hành nâng phong trào học tập và thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy lên một tầm cao mới. Khi giữ chức vụ Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ, đồng chí đã cùng tập thể lãnh đạo Bộ Nội vụ tham mưu với Ban Bí thư Trung ương Đảng, ban hành Chỉ thị số 92-CT/TW, ngày 25-6-1980, “Về cuộc vận động xây dựng lực lượng công an nhân dân trong sạch, vững mạnh và đẩy mạnh phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới”. Và ngày 25-5-1983, đồng chí Phạm Hùng đã ký Chỉ thị số 04/CT-BNV, về phát động trong toàn lực lượng Công an nhân dân: “Học tập thấm nhuần sâu sắc và thực hiện nghiêm túc Sáu điều Bác Hồ dạy”. Phong trào đã có ý nghĩa thiết thực trong đời sống chính trị của lực lượng Công an nhân dân, trở thành động lực cho công tác, chiến đấu và xây dựng lực lượng ngày càng vững mạnh.

Thấm nhuần quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, trong suốt quá trình hoạt động cách mạng, đồng chí Phạm Hùng dành nhiều tâm lực cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nói chung, cán bộ công an nói riêng. Quan điểm của đồng chí về việc rèn luyện lực lượng Công an nhân dân là: “Nguời chiến sĩ Công an nhân dân phải được rèn luyện tinh thần cảnh giác cách mạng cao, có dũng khí đấu tranh kiên cường, phải biết chủ động phòng ngừa và chủ động tiến công địch, phải nhạy cảm về chính trị, kịp thời phát hiện, kiên quyết ngăn chặn và đập tan bất cứ âm mưu và thủ đoạn nham hiểm nào của các loại kẻ thù…” ([3]). Theo đó, ngày 13-9-1983, đồng chí cùng Ban Cán sự Bộ Nội vụ đề xuất với Chính phủ ban hành Nghị định số 101/CP, về các học viện, các trường cao đẳng và trung học chuyên nghiệp trong ngành Công an, nhằm nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ. Cùng với việc đẩy mạnh công tác đào tạo đội ngũ cán bộ trong nước, đồng chí và lãnh đạo Bộ Nội vụ đã đề nghị với Nhà nước cho phép ngành Công an cử hàng ngàn cán bộ trung, cao cấp, sĩ quan, sinh viên sang học tập, nghiên cứu ở nước ngoài, để trao đổi, học tập về nghiệp vụ. Qua đó, đã tạo dựng được lớp cán bộ lãnh đạo có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ giỏi, đáp ứng yêu cầu của tình hình thực tiễn đặt ra.

Với tư duy lãnh đạo sắc bén và tâm huyết dành cho lực lượng Công an nhân dân, đồng chí Phạm Hùng là một trong những người đặt nền tảng cho công tác nghiên cứu khoa học, phát triển lý luận Công an nhân dân. Tháng 1-1950, tại Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ V, đồng chí đã trình bày Dự thảo “Đề án Công an nhân dân Việt Nam”, một trong năm đề án được Hội nghị thảo luận và thông qua, đã đặt nền móng cho việc xây dựng lý luận về Công an nhân dân Việt Nam. Năm 1981, với cương vị Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ, đồng chí đã chỉ đạo tổ chức Hội nghị khoa học Công an nhân dân lần thứ nhất, nhằm tổng kết công tác nghiên cứu khoa học những năm qua và gợi mở một số đề tài khoa học mới về công tác công an. Trên cơ sở đánh giá của Hội nghị, ngày 28-5-1981, Bộ Nội vụ ra Nghị quyết số 06-NQ/BNV, “Về phương hướng nhiệm vụ công tác nghiên cứu khoa học Công an nhân dân trong 5 năm (1981 - 1985); trong đó, chỉ rõ: “Khoa học Công an nhân dân Việt Nam phải lấy chủ nghĩa Mác - Lê-nin làm nền tảng, quán triệt sâu sắc đường lối, nhiệm vụ chính trị của Đảng, phục vụ đắc lực cho việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của Đảng, của Công an nhân dân Việt Nam”;Khoa học Công an nhân dân Việt Nam phải theo sát và bám rễ sâu trong cuộc đấu tranh bảo vệ an ninh, trật tự” và “Công tác nghiên cứu khoa học công an không chỉ có tác dụng rất quan trọng đối với việc chỉ đạo đấu tranh tội phạm mà còn có tác dụng xây dựng lực lượng Công an nhân dân”([4])

Bảy mươi sáu tuổi đời, sáu mươi năm hoạt động cách mạng liên tục, đồng chí Phạm Hùng được Đảng và Nhà nước giao phó nhiều trọng trách: Giám đốc Quốc gia Tự vệ cuộc (cuối 1945 đầu 1946), Bí thư Xứ ủy Nam Bộ, kiêm Phó Giám đốc Sở Công an Nam Bộ (1946 - 1951); Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam (1952 - 1953); Trưởng Đoàn Quân đội nhân dân Việt Nam trong Ban Liên hiệp đình chiến Nam Bộ (1954 - 1955); Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Thống nhất Trung ương (1956 - 1957); Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ (1958-1966); Bí thư Trung ương Cục miền Nam (1967 - 1975); Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ (1980 - 1986); Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (1987 - 1988).

Sự chỉ đạo kịp thời, đồng bộ và mưu lược

Trong công tác xây dựng lực lượng Công an nhân dân, bên cạnh việc xây dựng Công an nhân dân vững mạnh về chính trị, có phẩm chất đạo đức cách mạng, đồng chí Phạm Hùng chú trọng nhiệm vụ xây dựng và kiện toàn tổ chức bộ máy Công an nhân dân. Đồng chí đã cùng tập thể Đảng đoàn Bộ và lãnh đạo Bộ Nội vụ đề xuất Chính phủ ban hành Nghị định số 250/CP ngày 12/6/1981 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức của Bộ Nội vụ. Sau Nghị định này, Bộ trưởng Phạm Hùng đã ký các quyết định thành lập các tổng cục: An ninh nhân dân, Cảnh sát nhân dân, Xây dựng lực lượng Công an nhân dân, Hậu cần Công an nhân dân và một số đơn vị trực thuộc khác theo nguyên tắc tập trung, thống nhất, chuyên sâu, tăng cường các lực lượng nghiệp vụ. Đồng chí Phạm Hùng đã chỉ đạo sát sao việc nghiên cứu dự thảo Pháp lệnh lực lượng An ninh nhân dân để trình Bộ Chính trị và Quốc hội. Ngày 14-11-1987, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký Lệnh số 01 LCT-HĐNN công bố Pháp lệnh về lực lượng An ninh nhân dân, tạo cơ sở pháp lý cho lực lượng An ninh nhân dân triển khai các hoạt động bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng lực lượng ngày càng chính quy, hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới.

Trong lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh chính trị và giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, đồng chí Phạm Hùng đã cùng với các đồng chí lãnh đạo Bộ Nội vụ, tham mưu với Đảng, Chính phủ nhiều vấn đề quan trọng về đường lối, chủ trương, nguyên tắc, chính sách đối với cuộc đấu tranh bảo vệ an ninh chính trị, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, như Nghị quyết số 31-NQ/TW, ngày 2-12-1980, “Về nhiệm vụ bảo vệ an ninh chính trị, giữ gìn trật tự an toàn xã hội trong tình hình mới”; Chỉ thị số 119-CT/TW ngày 19-10-1981, “Về nâng cao cảnh giác, chủ động đấu tranh, ngăn chặn làm thất bại mọi âm mưu phá hoại của kẻ địch”; Nghị quyết số 03-NQ/TW, ngày 25-10-1982, “Về toàn Đảng, toàn dân, toàn quân kiên quyết đập tan kiểu chiến tranh phá hoại nhiều mặt của kẻ địch”; Nghị quyết số 21-NQ/TW, ngày 26-11-1984, của Bộ Chính trị về công tác an ninh và các chỉ thị, nghị quyết khác, để kịp thời chỉ đạo toàn quân, toàn dân ta phát huy sức mạnh tổng hợp, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự.

Những năm tháng lãnh đạo lực lượng Công an nhân dân bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, đồng chí Phạm Hùng đã thể hiện sự chỉ đạo tài tình, đầy mưu lược trong đấu tranh chống âm mưu, hoạt động phá hoại của bọn tình báo, gián điệp, phản động và các loại tội phạm; đặc biệt là chỉ đạo bảo đảm an ninh, trật tự sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng; lãnh đạo Ban chỉ đạo 79 đấu tranh chống trộm cắp, hối lộ, ức hiếp quần chúng; giải quyết vấn đề FULRO ở Tây Nguyên những năm đầu thập kỷ 80 của thế kỷ XX; trực tiếp chỉ đạo thực hiện thắng lợi Kế hoạch CM12, đập tan âm mưu của tổ chức phản động “Mặt trận thống nhất các lực lượng giải phóng miền Nam Việt Nam”, với mưu đồ đưa bọn biệt kích, gián điệp cùng vũ khí, tiền giả vào miền Nam nhằm phá hoại nền kinh tế nước ta, lật đổ chính quyền nhân dân, do Lê Quốc y, Mai Văn Hạnh cầm đầu; chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương đập tan các tổ chức gián điệp, biệt kích, phản động, như “Mặt trận quốc gia giải phóng miền Nam” của Hoàng Cơ Minh, với các kế hoạch “Đông tiến”; phối hợp với lực lượng Công an nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả kế hoạch Z, mang tên “Mật kế chiến lược đối với ba nước Đông Dương” do Võ Đại Tôn cầm đầu… Một trong những điểm nổi bật trong tư tưởng chỉ đạo của đồng chí Phạm Hùng là sự kế thừa và phát triển quan điểm “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nhân dân”. Và, ở từng giai đoạn cụ thể, đồng chí đã chỉ đạo lực lượng Công an phát huy vai trò quần chúng nhân dân trong sự nghiệp giữ gìn an ninh, trật tự. Đồng chí chỉ rõ: “Yếu tố quyết định mọi thắng lợi của công tác công an nhân dân là đưa phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc phát triển mạnh mẽ, sâu rộng, đều khắp ở tất cả các cơ quan, xí nghiệp, đường phố, thôn, xã”([5]).

Trước tình hình khó khăn về kinh tế, phức tạp về an ninh, trật tự của những năm đầu miền Nam vừa được giải phóng, đồng chí chỉ đạo: “Tập trung sức của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân tích cực phát động quần chúng cả thành thị và nông thôn xây dựng chính quyền vững mạnh, thực hiện quyền làm chủ thực sự của nhân dân để có đầy đủ sức mạnh hoàn thành căn bản, triệt để truy quét, trấn áp phản động, củng cố an ninh, trật tự, khôi phục kinh tế, ổn định đời sống nhân dân”([6]). Để đẩy mạnh phong trào quần chúng nhân dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, đồng chí Phạm Hùng chỉ đạo Bộ Nội vụ tham mưu với Ban Bí thư Trung ương Đảng, ra Chỉ thị số: 92-CT/TW, ngày 25-61980, “Về cuộc vận động xây dựng lực lượng Công an nhân dân trong sạch, vững mạnh và đẩy mạnh phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới”.

Trong bối cảnh đất nước ta trước đổi mới gặp nhiều khó khăn về kinh tế, tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội diễn biến phức tạp, đồng chí Phạm Hùng sáng suốt chỉ đạo tăng cường công tác đăng ký, quản lý hộ khẩu. Tại Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 40, ngày 6-1-1985, đồng chí nhấn mạnh: “Nếu làm công an mà không quản lý tốt hộ khẩu, nhân khẩu thì coi như không làm công an. Vì làm công an mà không nắm chắc tình hình nhân khẩu, hộ khẩu thì nghĩa là nhắm mắt mà đánh…” ([7]). Đối với việc nắm tình hình từng hộ, từng người, tư tưởng chỉ đạo của đồng chí thể hiện rất rõ trong Nghị quyết Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 40, là: “Yêu cầu chính của công tác quản lý nhân khẩu, hộ khẩu là phải nắm vững tình hình từng hộ, từng người, trọng điểm là các loại đối tượng, về lịch sử, về thái độ chính trị, di biến động và hoạt động hiện tại của từng người… Vấn đề đặt ra là phải nắm công tác quản lý nhân khẩu, hộ khẩu để xây dựng cho được an ninh và trật tự trên địa bàn phường, xã”([8]). Quán triệt tư tưởng chỉ đạo của đồng chí Phạm Hùng, công tác quản lý hộ khẩu, nhân khẩu của lực luợng Công an nhân dân đã tạo được sự chuyển biến tích cực trong công tác bảo vệ nội bộ cơ quan, xí nghiệp nhà nước, các tổ chức xã hội, tổ chức quần chúng. Qua công tác nắm và quản lý chặt chẽ nhân khẩu, hộ khẩu, lực lượng công an nắm chắc được tình hình lực lượng lao động, dân cư, phục vụ Đảng, Nhà nước trong xây dựng và thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế, bố trí lực lượng lao động, phân bố dân cư, nhằm phát triển lực lượng sản xuất, phục vụ việc tuyển sinh, tuyển dụng, tuyển quân và bố trí thế trận bảo vệ an ninh, trật tự; góp phần phòng, chống những biểu hiện tiêu cực, làm giảm các tai nạn, bài trừ tệ nạn xã hội, góp phần thiết thực vào công cuộc cải tạo và xây dựng xã hội, xây dựng con người mới, nếp sống văn minh và gia đình văn hóa mới.

                                                                            *   *

                                                                               *

Cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Phạm Hùng là một tấm gương cao đẹp của một người cộng sản chân chính, người con kiên trung của quê hương Nam Bộ đất thép thành đồng. Đồng chí luôn đứng nơi đầu sóng ngọn gió, không ngại hy sinh gian khổ, cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đúng như nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt đánh giá: “Thân thế, cuộc đời và sự nghiệp của anh Phạm Hùng như một viên ngọc quý” ([9]). Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Phạm Hùng (11-6-1912 – 11-6-2012), lực lượng Công an nhân dân khẳng định và tôn vinh những cống hiến to lớn của đồng chí đối với Đảng, với cách mạng Việt Nam và với lực lượng Công an nhân dân. Đồng chí Phạm Hùng là tấm gương sáng để các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân học tập, rèn luyện và nguyện noi theo./.


([1]) Phạm Hùng – Tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, năm 2007, tr. 104 - 105.

([2]) Lịch sử biên niên Công an nhân dân Việt Nam, giai đoạn 1975 - 1986, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, năm 2000, tr. 313.

 

([3]) Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng - Nxb. Thông tấn, Hà Nội, năm 2011, tr. 134.

([4]) Lịch sử biên niên Công an nhân dân  Việt Nam, giai đoạn 1975 - 1986, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, năm 2000, tr. 361 - 362.

([5]) Xây dựng Công an nhân dân thành một lực lượng vũ trang sắc bén, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân, Tạp chí Lý luận Chính trị nghiệp vụ, Hà Nội, năm 1981, số 40.

([6]) Sđd, Tr. 12.

([7]) Tạp chí Nghiên cứu khoa học Công an, tháng 4,1985, tr. 5.

([8]) Sđd, tháng 4,1985, tr. 18.

([9]) Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng, Nxb. Thông tấn, Hà Nội, năm 2011. tr. 161.