Từ cuộc tiến công chiến lược năm 1972 đến đại thắng mùa Xuân năm 1975
“Đánh cho Mỹ cút”
Trong lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cuộc Tiến công chiến lược diễn ra 40 năm trước đây (1972) có ý nghĩa và tầm vóc lịch sử đặc biệt. Tiếp nối những chiến thắng lớn năm 1971 trên khắp chiến trường 3 nước Đông Dương (chiến thắng Đường 9 - Nam Lào từ 30-1 đến 23-3-1971, chiến dịch Chen La II ở Campuchia từ 20-10 đến 4-12-1970, chiến thắng Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng từ 18-12-1971 đến đầu năm 1972), cuộc Tiến công chiến lược năm 1972 với mục tiêu kiên quyết đánh bại kế hoạch "Việt Nam hóa chiến tranh" và học thuyết Ních-xơn của Mỹ.
Thực chất "Việt Nam hóa chiến tranh" là quân Mỹ rút về nước nhưng vẫn tiếp tục chiến tranh xâm lược bằng quân đội tay sai của chính quyền Sài Gòn, duy trì chế độ thực dân kiểu mới của Mỹ ở miền Nam Việt Nam. Đó là một chiến lược chiến tranh rất thâm độc, xảo quyệt và ngoan cố của đế quốc Mỹ. Năm 1971 và 1972, chính quyền Ních-xơn đẩy mạnh viện trợ kinh tế và quân sự cho chính quyền Sài Gòn, đồng thời với việc rút dần quân Mỹ. Đến đầu năm 1972, Mỹ buộc phải rút khoảng 40 vạn quân khỏi miền Nam, để lại một bộ phận quan trọng về không quân và hải quân để yểm trợ cho quân đội ngụy Sài Gòn. Ngày 13-6-1971, tài liệu mật của Bộ Quốc phòng Mỹ tiết lộ quá trình can thiệp của Mỹ vào Việt Nam và Đông Dương. Mỹ cũng ra sức hoạt động ngoại giao, "tìm mọi cách lợi dụng những mâu thuẫn, những thiên hướng tiêu cực hoặc sai lầm trong quan hệ giữa các nước xã hội chủ nghĩa"(2) để gây sức ép với Đảng, nhân dân và cách mạng Việt Nam.
Nêu cao tinh thần độc lập, tự chủ, quyết tâm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và với bản lĩnh chính trị vững vàng, Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Bộ Chính trị đã khẳng định quan điểm kiên trì đẩy mạnh kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Hội nghị lần thứ 20 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa III (2-1972) nhận định: "Năm 1972 là năm hết sức quan trọng trong cuộc đấu tranh giữa ta và địch trên cả ba mặt trận quân sự, chính trị và ngoại giao. So sánh lực lượng và thế chiến lược trên các chiến trường đang thay đổi ngày càng có lợi cho ta. Chúng ta đang đứng trước thời cơ thuận lợi để đưa cuộc kháng chiến tiến lên mạnh mẽ"(3). Phải động viên toàn lực và cố gắng vượt bậc.
Thực hiện Nghị quyết của Trung ương Đảng và Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương đã có nghị quyết và kế hoạch mở cuộc tiến công chiến lược trên toàn chiến trường miền Nam. Trên toàn chiến trường miền Nam đã diễn ra ba chiến dịch quy mô lớn: Chiến dịch Trị - Thiên (30-3 đến 27-6-1972); Chiến dịch Bắc Tây Nguyên (30-3 đến 5-6-1972) và Chiến dịch Nguyễn Huệ ở Đông Nam Bộ (1-4-1972 đến 19-1-1973).
Trong các chiến dịch đó, chiến dịch Trị - Thiên có quy mô lớn nhất và diễn ra ác liệt nhất. Với sức mạnh hiệp đồng binh chủng và phối hợp với sự nổi dậy của nhân dân, quân và dân ta đã giải phóng hoàn toàn thị xã và toàn tỉnh Quảng Trị; ngày 2-5-1972, quân địch phải rút khỏi thị xã Quảng Trị. Trước sức mạnh tiến công của quân giải phóng, ngày 6-4-1972 Mỹ đã ném bom miền Bắc, bắt đầu cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ II đối với miền Bắc. Ngày 28-6-1972 tái chiếm thị xã Quảng Trị. Cuộc chiến đấu diễn ra ác liệt tại Thành cổ Quảng Trị suốt 81 ngày đêm từ 28-6 đến 16-9-1972. Cả nước hướng về Quảng Trị, chia lửa với mặt trận Quảng Trị.
Cuộc Tiến công chiến lược năm 1972, chiến dịch Trị - Thiên và chiến công 81 ngày đêm ở Thành cổ Quảng Trị là biểu hiện sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. Chiến công đó cùng với cuộc chiến đấu của quân, dân miền Bắc đập tan cuộc tập kích chiến lược của Mỹ bằng máy bay B52 vào Hà Nội, Hải Phòng 12 ngày đêm cuối tháng 12-1972 làm nên một trận "Điện Biên Phủ trên không" đã buộc đế quốc Mỹ chấp nhận thất bại, ký Hiệp định Pa-ri (27-1-1973) và rút hết quân Mỹ về nước (29-3-1973). Chiến thắng năm 1972 có ý nghĩa lịch sử rất quan trọng, đã "đánh cho Mỹ cút", tạo điều kiện để "đánh cho ngụy nhào" như căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Quyết tâm đi đến thắng lợi cuối cùng
Hiệp định Pa-ri ngày 27-1-1973 về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, Điều 1 đã ghi rõ: "Hoa Kỳ và các nước khác tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam như Hiệp định Giơ-ne-vơ năm một nghìn chín trăm năm mươi tư về Việt Nam đã công nhận". Điều hiển nhiên về pháp lý quốc tế đó có được khi cả dân tộc Việt Nam đã phải chiến đấu, hy sinh to lớn trong rất nhiều năm.
Sau Hiệp định Pa-ri, chính quyền và quân đội Sài Gòn ra sức phá hoại Hiệp định, lấn chiếm vùng giải phóng, âm mưu chia cắt lâu dài nước Việt Nam, củng cố chế độ thực dân mới của Mỹ ở miền Nam. Vừa kiên trì thi hành Hiệp định Pa-ri, vừa nắm vững thế chủ động về quân sự, Hội nghị lần thứ 21 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa III) họp tháng 10-1973 đã phân tích tình hình, quyết định mục tiêu giải phóng hoàn toàn miền Nam bằng con đường sử dụng bạo lực cách mạng. Hội nghị Trung ương 21 dự kiến hai khả năng: một là, buộc địch thi hành Hiệp định, hòa bình được lập lại thật sự và hai là, địch tiếp tục vi phạm, phá hoại, xung đột quân sự ngày càng tăng và phải tiến hành chiến tranh cách mạng gay go, quyết liệt để đánh bại địch, giành thắng lợi hoàn toàn. Phải tranh thủ khả năng thứ nhất, đồng thời chủ động chuẩn bị sẵn sàng cho khả năng thứ hai. Diễn biến thực tế trên chiến trường cho thấy chỉ có thể là khả năng thứ hai, nghĩa là bằng chiến tranh cách mạng để giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Nắm vững quan điểm chỉ đạo của Trung ương Đảng và Bộ Chính trị, từ nửa cuối năm 1973 và năm 1974, trên các chiến trường miền Nam, ta chủ động xây dựng, phát triển lực lượng về mọi mặt, miền Bắc chi viện miền Nam với quy mô lớn để dồn sức cho thắng lợi cuối cùng.
Cuối năm 1974, cách mạng ở miền Nam ngày càng phát triển thuận lợi. Bộ Chính trị họp từ ngày 3-9 đến ngày 8-10-1974 và sau khi đồng chí Phạm Hùng từ chiến trường ra, có cơ sở thực tế để Bộ Chính trị đi đến kết luận: "Hạ quyết tâm hoàn thành sự nghiệp cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam. Đây là sự kiện vô cùng trọng đại, để tiến tới kết thúc cuộc chiến tranh cách mạng kéo dài gần ba mươi năm, kể từ khi chúng ta giành được chính quyền, để hoàn thành trọn vẹn trách nhiệm vẻ vang đối với dân tộc và thực hiện nghĩa vụ quốc tế lớn lao đối với thời đại. Đây là một quyết định rất dũng cảm, có thể nói là táo bạo"(4). Bộ Chính trị cho rằng, thời cơ thuận lợi để giải phóng hoàn toàn miền Nam đã tới. Nếu để chậm tình hình sẽ vô cùng phức tạp "thời cơ này đòi hỏi phải làm nhanh, làm gọn, làm triệt để, nhưng phải khôn khéo"(5).
Ngày 7-1-1975, Bộ Chính trị họp đợt hai, tiếp tục làm sáng tỏ những kết luận quan trọng. Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Bí thư thứ nhất Lê Duẩn nêu rõ: "Chúng ta thấy chính xác hơn thời cơ lịch sử và khả năng thực tế để quyết chiến những trận cuối cùng, đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn. Chúng ta nhất trí phải gấp rút chuẩn bị mọi mặt để kết thúc thắng lợi cuộc chiến tranh cứu nước trong năm 1975 hoặc năm 1976"(6). Bộ Chính trị đề ra kế hoạch năm 1975 cho các chiến trường Nam Bộ, khu V, Tây Nguyên với mục tiêu tiến đánh Sài Gòn.
Ngày 6-1-1975, quân giải phóng tiến công và đã giải phóng toàn tỉnh Phước Long. Chiến thắng Phước Long và trước đó là chiến thắng Thượng Đức (7-1974) đã chứng minh sức mạnh của cách mạng miền Nam, sự suy yếu của quân ngụy và cũng cho thấy Mỹ không có khả năng quay trở lại. Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân cả nước với nỗ lực cao nhất quyết tâm thực hiện những quyết định chiến lược của Bộ Chính trị.
Đại thắng Mùa Xuân năm 1975 - bản anh hùng ca của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam
Ngày 10-3-1975, chiến thắng Buôn Mê Thuột mở đầu cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975. Với chiến thắng lớn ở Tây Nguyên, ngày 18-3-1975, Bộ Chính trị họp và quyết định giải phóng miền Nam trong năm 1975. Ngày 25-3-1975, thành lập Hội đồng chi viện miền Nam gồm 9 đồng chí do Thủ tướng Phạm Văn Đồng đứng đầu để chỉ đạo "huy động sức người, sức của thật đầy đủ, kịp thời để đáp ứng mọi yêu cầu của miền Nam trong tình hình mới". Cũng trong ngày 25-3, Bộ Chính trị quyết định giải phóng miền Nam trước mùa mưa. Ngày 25-3, giải phóng thành phố Huế; ngày 29-3, giải phóng Đà Nẵng và đến ngày 3-4 đã quét sạch quân địch khỏi các tỉnh ven biển miền Trung từ Đà Nẵng đến Cam Ranh. Ngày 29-3-1975, lúc 16 giờ 30 phút, Bộ Chính trị có điện về chia cắt và bao vây chiến lược phía Tây Sài Gòn. Ngày 31-3, lúc 11 giờ, Bộ Chính trị có điện về chuẩn bị gấp kế hoạch đánh chiếm Sài Gòn.
Ngày 1-4-1975, Bộ Chính trị xác định quyết tâm chiến lược giải phóng miền Nam trong thời gian sớm nhất, tốt nhất là trong tháng 4 năm 1975, không thể chậm hơn. Lúc 14 giờ ngày 1-4-1975, Bộ Chính trị điện xúc tiến gấp kế hoạch tiến công và nổi dậy ở Sài Gòn - Gia Định, lập Bộ chỉ huy và Đảng ủy mặt trận Sài Gòn.
Ngày 7-4-1975, Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp ra mệnh lệnh lịch sử: "Thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nữa. Tranh thủ từng giờ, từng phút xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng".
Ngày 9-4-1975, Bộ Chính trị có điện về kế hoạch tiến công Sài Gòn: "Cần bảo đảm một khi đã phát động tiến công thì phải công kích thật mạnh và liên tục, dồn dập cho đến toàn thắng; vừa tiến công ở ngoại vi, vừa nắm kịp thời cơ, thọc sâu vào trung tâm Sài Gòn từ nhiều hướng với những lực lượng đã chuẩn bị sẵn. Thực hiện từ ngoài đánh vào, từ trong đánh ra, tạo điều kiện cho đồng bào nổi dậy, không chia làm hai bước. Đó là phương án cơ bản và chắc thắng nhất. Trong tình hình hiện nay, thần tốc, thần tốc, táo bạo, bất ngờ là ở chỗ đó"(7). Ngày 14-4-1975, lúc 17 giờ 50 phút, Bộ Chính trị quyết định chiến dịch giải phóng Sài Gòn lấy tên là Chiến dịch Hồ Chí Minh.
Cứ điểm cố thủ của địch ở Xuân Lộc bị quân ta đập tan ngày 20-4-1975. Xuân Lộc được giải phóng, "cánh cửa thép" phía đông Sài Gòn đã mở. Ngày 26-4-1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử bắt đầu. Ngày 30-4-1975, lúc 11 giờ 30 phút, quân giải phóng chiếm Dinh Độc lập, Tổng thống chính quyền Sài Gòn Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975 mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh đã toàn thắng. Miền Nam được hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất. Thắng lợi vẻ vang đó đã kết thúc 30 năm chiến tranh cách mạng đầy gian khổ, hy sinh, chấm dứt 117 năm chế độ thuộc địa của chủ nghĩa thực dân cũ và mới trên đất nước Việt Nam, mở ra kỷ nguyên mới của lịch sử dân tộc, kỷ nguyên đất nước hoàn toàn độc lập, thống nhất và tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Cuộc Tiến công chiến lược năm 1972 đã tạo những điều kiện, tiền đề cho Đại thắng Mùa Xuân năm 1975. Đó là những chiến thắng kết tinh truyền thống yêu nước suốt mấy ngàn năm lịch sử của dân tộc và ở tầm cao trí tuệ Việt Nam. Những chiến thắng đó thể hiện sức mạnh đại đoàn kết của toàn dân tộc với sự bền bỉ đấu tranh và hy sinh to lớn của khát vọng độc lập, thống nhất của dân tộc Việt Nam. Đó là thắng lợi của chế độ xã hội chủ nghĩa trên hậu phương miền Bắc gắn liền với sức mạnh tiền tuyến lớn miền Nam, cũng là thắng lợi của tình đoàn kết quốc tế và mang ý nghĩa thời đại. Những thắng lợi đó bắt nguồn từ sự lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo của Đảng Lao động Việt Nam (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam) - một Đảng cách mạng chân chính được vũ trang bởi lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, do Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại sáng lập và rèn luyện. Cần nhấn mạnh sự lãnh đạo, chỉ đạo thông minh, quyết đoán và sáng tạo tuyệt vời của ban lãnh đạo cao nhất của Đảng, của Tổng hành dinh với những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời điểm đặc biệt của lịch sử./.
(1) Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, t.37, tr.471
(2) Sđd, t.33, tr.42
(3) Sđd, t.33, tr.143
(5) Sđd, t.35, tr.179
(6) Sđd, t.35, tr.192
(7) Sđd, t.36, tr.103
Công bố giải thưởng sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam và giải thưởng WIPO năm 2011  (27/04/2012)
Điện mừng Quốc khánh nước Cộng hòa Nam Phi  (27/04/2012)
Hội nghị trực tuyến về một số nội dung trình Quốc hội  (27/04/2012)
Tuần lễ Biển và Hải đảo 2012: Mạnh về biển, giàu từ biển  (27/04/2012)
- Kinh nghiệm quản lý thị trường vàng của một số quốc gia và hàm ý chính sách cho Việt Nam
- Thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cho phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ
- Chiến lược triển khai quyền chỉ huy, kiểm soát biển của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và một số tác động
- Một số chính sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên