Trở ngại đối với chính sách hướng Ðông của EU
18:53, ngày 14-05-2009
Trong khi NATO tạm ngừng kế hoạch "Ðông tiến", thì EU lại chính thức khởi động chương trình "Ðối tác phương Ðông" nhằm thắt chặt quan hệ với các nước láng giềng trong không gian "hậu Xô-viết". Nhưng trở ngại đặt ra cho tương lai dự án không chỉ là mối lo làm rạn nứt quan hệ EU - Nga, mà khủng hoảng kinh tế đã khiến chính sách hướng Ðông của EU không còn hấp dẫn các đối tác láng giềng. Tại Hội nghị cấp cao ngày 7-5 vừa qua, ở CH Séc, EU chính thức công bố chương trình "Ðối tác phương Ðông" nhằm tăng cường liên kết chính trị và kinh tế giữa 27 thành viên EU và sáu nước thuộc Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG), gồm A-dếc-bai-dan, Ác-mê-ni-a, Bê-la-rút, Gru-di-a, Môn-đô-va và U-crai-na. Chương trình ra đời đúng dịp tròn năm năm EU mở rộng về phía đông, kết nạp mười thành viên mới ở khu vực Ðông Âu và Ban-căng tháng 5-2004. Tham vọng đông tiến Kế hoạch trên khởi nguồn từ sáng kiến của Ba Lan và Thụy Ðiển muốn thúc đẩy "chính sách láng giềng" không mấy hiệu quả hiện nay của EU và thiết lập đối trọng với Liên minh Ðịa Trung Hải do Pháp đề xuất để đưa các quốc gia Bắc Phi gần hơn với EU. Chương trình "Ðối tác phương Ðông" được EU thông qua tại Hội nghị cấp cao tháng 6-2008, nhưng vẫn giẫm chân tại chỗ do thiếu nhất trí giữa các thành viên; phải đến sau cuộc xung đột giữa Nga và Georgia ở Nam Ô-xê-ti-a chương trình này mới được các nhà lãnh đạo EU ráo riết xúc tiến. Kể từ lúc dự án mới nhen nhóm, đến khi chính thức được khởi động, EU luôn khẳng định kế hoạch tăng cường quan hệ với các nước láng giềng của Nga nêu trên không phải là một liên minh chống Mát-xcơ-va. Ðây cũng không là tiền đề để sáu nước SNG gia nhập EU, mà chỉ hướng tới sự hợp tác qua những dự án cụ thể, giúp các nước này từng bước hội nhập kinh tế, luật pháp và chính trị của EU. Trong đó, EU cam kết ưu tiên các dự án hợp tác kinh tế, nhằm cải thiện việc bảo đảm nguồn cung ứng khí đốt và hợp tác đối phó khủng hoảng trong tương lai. Các mục tiêu EU hướng tới gồm: thành lập khu vực tự do thương mại; đơn giản hóa thủ tục tiến tới áp dụng quy chế miễn thị thực giữa EU với sáu nước trên; hợp tác biên mậu; liên kết các thị trường điện năng; hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ; thực hiện các dự án "Hành lang phía nam" xây dựng các tuyến ống dẫn dầu, khí nhằm giảm phụ thuộc Nga về năng lượng và nhiên liệu... EU tăng gấp hai lần khoản viện trợ cho nhóm nước này lên sáu triệu ơ-rô trong giai đoạn 2010-2013. Giới phân tích châu Âu nhận định, bối cảnh chính trị ở khu vực Ðông Âu đã khác xa thời kỳ hậu chiến tranh lạnh, thời mà nhiều nước ở khu vực này muốn theo mô hình chính trị và kinh tế của EU, nên dễ chấp nhận các quy định và tiêu chuẩn của khối này. Hiện nay, sức hấp dẫn của EU, cũng như chính sách hướng Ðông của khối EU đã giảm sút, trong khi vị thế của Nga, đối tác truyền thống của các nước SNG không ngừng được nâng cao ở khu vực và thế giới. Dự án "Ðối tác phương Ðông" chỉ như một cử chỉ nhằm cứu vãn uy tín đang giảm sút của EU đối với những láng giềng ở phía đông. Triển vọng mờ nhạt Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã làm lộ rõ những điểm yếu trong chính sách hướng Ðông của EU và tạo ra những "ổ gà" trên con đường Ðông tiến của khối. Triển vọng của dự án "Ðối tác phương Ðông" trở nên mờ nhạt bởi sự khởi đầu của dự án chỉ mang tính hình thức, chứ chưa thể hứa hẹn đem lại hiệu quả thực tế. Sự vắng mặt tại Hội nghị cấp cao ở Praha vừa qua của lãnh đạo nhiều nước Tây Âu trong EU, như Anh, Pháp, I-ta-li-a, Tây Ban Nha, Áo..., cũng như của hai nước đối tác là Bê-la-rút và Môn-đô-va đã cho thấy sự bất đồng, hoặc ít nhất là tâm lý thiếu mặn mà của cả hai bên tham gia dự án. Năm năm sau khi gia nhập EU, nhóm mười thành viên mới của khối EU ở Ðông Âu hiện là các nước dễ bị tổn thương và chịu tác động nặng nề nhất từ cuộc khủng hoảng kinh tế. Nhiều nước trong đó đang đối mặt suy thoái, tín dụng cạn kiệt, nhu cầu giảm sút, tiền tệ bất ổn và thất nghiệp tăng. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã phải trợ giúp Hung-ga-ri và Lat-vi-a, nơi chính phủ sụp đổ do khủng hoảng kinh tế và nguy cơ bất ổn định chính trị chưa thể loại bỏ. Tình hình xấu làm nảy sinh những ý kiến từ phía các thành viên cũ cho rằng, họ có thể đã mở cửa "câu lạc bộ EU" quá sớm, các thành viên mới đang kéo họ chìm sâu hơn vào suy thoái kinh tế. Trong khi đó, khủng hoảng kinh tế tác động đến chính sách và bài toán chính trị của các chính phủ ở cả Ðông và Tây Âu. Lo sợ dòng lao động nhập cư từ Ðông Âu tràn sang trong bối cảnh thất nghiệp tràn lan hiện nay, các nước EU đã quay lưng với đề xuất "mở cửa biên giới" tạo thuận lợi cho người lao động và du lịch từ Ðông Âu và EU. Nhiều nước EU, đứng đầu là Ðức gần đây đã vận động khối từ chối đề nghị của Ủy ban châu Âu về cơ chế bãi bỏ từng bước thị thực nhập cảnh cho công dân các nước Ðông Âu. Cùng với đó, viện trợ từ EU - một động lực chính cho hợp tác EU và Ðông Âu - giảm sút, đã làm các đối tác ở Ðông Âu tin rằng EU không tỏ thiện chí hợp tác vào lúc cần thiết nhất. Khủng hoảng kinh tế cũng có nguy cơ châm ngòi sự xuất hiện trở lại của chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch, khiến cả EU và sáu đối tác trong dự án "Ðối tác phương Ðông" e ngại thúc đẩy quan hệ thương mại. Trong số sáu nước SNG tham gia dự án, có tới bốn thành viên đã phải viện tới trợ giúp của IMF. Kinh tế giảm sút, thất nghiệp tăng mạnh kéo theo nguy cơ bất ổn xã hội... đang là mối bận tâm hàng đầu của chính phủ các nước SNG. Mục tiêu xây dựng hệ thống chính trị, kinh tế phù hợp EU không còn là chính sách ưu tiên ngay cả ở những nước vốn muốn gia nhập EU. |
Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEM lần thứ 9 sẽ được tổ chức tại Hà Nội vào cuối tháng 5  (14/05/2009)
Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEM lần thứ 9 sẽ được tổ chức tại Hà Nội vào cuối tháng 5  (14/05/2009)
Gieo đức tin về hòa bình  (14/05/2009)
- Kinh nghiệm quản lý thị trường vàng của một số quốc gia và hàm ý chính sách cho Việt Nam
- Thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cho phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ
- Chiến lược triển khai quyền chỉ huy, kiểm soát biển của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và một số tác động
- Một số chính sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên