Phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục các nước Á -  Âu lần thứ 2

Hà Nội, ngày 14 tháng 5 năm 2009

Thưa các quí vị đại biểu,

Tôi rất vui mừng đến dự và phát biểu khai mạc Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục các nước Á - Âu lần thứ 2 mà Việt Nam vinh dự là nước đầu tiên của châu Á đăng cai tổ chức. Sự hiện diện của các quí vị thể hiện sự quan tâm đặc biệt đến phát triển hợp tác giáo dục Á - Âu. Thay mặt Chính phủ Việt Nam, tôi nhiệt liệt chào mừng các vị Bộ trưởng và quí vị đã đến dự Hội nghị hôm nay.

Thưa các quí vị đại biểu,

Châu Á và châu Âu có vị trí quan trọng đối với sự ổn định và phát triển Thế giới. Hợp tác Á - Âu (ASEM) không những thúc đẩy hợp tác giữa châu Á và châu Âu, hợp tác song phương giữa các nước thành viên ASEM mà còn thúc đẩy hợp tác với các châu lục khác. Là một trong những nước thành viên sáng lập, Việt Nam luôn quan tâm theo dõi và đóng góp tích cực cho ASEM. Chúng tôi tham gia một cách chủ động và có trách nhiệm trong hợp tác ASEM, không chỉ về đối thoại chính trị và hợp tác kinh tế mà cả trong các lĩnh vực khác, nhất là văn hoá, giáo dục và y tế; đặc biệt chúng tôi đã tổ chức thành công Hội nghị cấp cao ASEM5 và nhiều hội nghị, diễn đàn khác, đóng góp nhiều sáng kiến thiết thực cho ASEM. Năm nay, ngoài việc đăng cai tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục, Việt Nam chúng tôi còn tổ chức Hội nghị Ngoại trưởng ASEM cũng trong tháng này.

Chúng tôi vui mừng nhận thấy rằng, kể từ khi thành lập (3/1996), ASEM không ngừng phát triển và đạt được nhiều thành tựu to lớn. ASEM đã thực sự trở thành một khuôn khổ đối thoại và hợp tác liên khu vực quan trọng, tạo động lực mới cho quan hệ hợp tác toàn diện giữa châu Á và châu Âu cũng như hợp tác song phương giữa các thành viên ASEM trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau vì sự phát triển và thịnh vượng của mỗi quốc gia, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của 2 châu lục Á-Âu và trên thế giới. ASEM ngày càng thu hút đông đảo các thành viên tham gia và nội dung hợp tác ngày càng được mở rộng với hình thức phong phú, thiết thực. Cùng với các Hội nghị Bộ trưởng về Giáo dục và Ngoại giao, việc các Hội nghị Bộ trưởng Tài chính họp thường xuyên và đặc biệt là khả năng nối lại tiến trình Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEM trong năm nay sẽ góp phần đưa tiến trình ASEM sang một giai đoạn phát triển mới, sống động và thực chất hơn. Riêng về hợp tác giáo dục, cùng với thành công của Hội nghị Bộ trưởng giáo dục ASEM lần thứ nhất vào năm 2008 tại Cộng hoà liên bang Đức, nhiều hoạt động hợp tác song phương về giáo dục giữa các thành viên ASEM cũng được triển khai và đem lại kết quả thiết thực.

Thưa các quí vị đại biểu,

Giáo dục có vị trí đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của mỗi quốc gia, nhất là ngày nay nhiều nước đang hướng tới nền kinh tế tri thức. Tròn 50 năm trước đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh của chúng tôi đã khẳng định: Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người. Theo đó, Việt Nam chúng tôi coi phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu trong chiến lược phát triển của mình, đồng thời là một nhân tố quan trọng để thực hiện xoá đói giảm nghèo. Trong những năm qua, Chính phủ Việt Nam đã dành 20% ngân sách quốc gia và đề ra nhiều cơ chế chính sách phát triển, nhờ đó giáo dục Việt Nam đã có bước phát triển đáng kể. Hệ thống giáo dục quốc dân được hoàn thiện hơn; qui mô giáo dục tăng nhanh, nhất là bậc đại học và đào tạo nghề; chất lượng giáo dục cũng dần được nâng lên. Năm 2000 chúng tôi đã hoàn thành công tác xoá mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học. Đến nay Việt Nam đã có 51/63 tỉnh thành phố (chiếm 81%) hoàn thành phổ cập giáo dục trung học cơ sở; đã có 1,2 triệu sinh viên học sinh có hoàn cảnh khó khăn trong tổng số 3,2 triệu sinh viên, học sinh học nghề và cao đẳng, đại học được nhà nước cho vay để học. Tuy nhiên, chất lượng giáo dục còn thấp và không đồng đều giữa các vùng, miền; tỷ lệ lao động xã hội đã qua đào tạo chưa cao, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển.

Trong thời gian tới, Việt Nam chủ trương đổi mới cơ bản, toàn diện và mạnh mẽ về giáo dục, phấn đấu đến năm 2020 có một nền giáo dục tiên tiến, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Chúng tôi tập trung vào một số trọng tâm sau: (1) Nâng cao chất lượng toàn diện, mở rộng qui mô giáo dục hợp lý, trong đó chú trọng giáo dục kiến thức và nhân cách cho học sinh; đẩy mạnh việc dạy và sử dụng tiếng Anh, tin học; xây dựng một số trường và chuyên ngành đào tạo đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề đạt chuẩn khu vực và quốc tế; tăng nhanh hơn nữa qui mô và chất lượng đào tạo nghề; (2) đổi mới mạnh mẽ quản lý của nhà nước đối với giáo dục và đào tạo, trong đó tập trung quản lý tốt về qui hoạch hệ thống trường và chất lượng giáo dục; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin và truyền thông trong hệ thống giáo dục phục vụ quản lý và chuyên môn; đồng thời phát huy tính tự chủ, sáng tạo của các cơ sở giáo dục; (3) xây dựng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý đủ về số lượng, đáp ứng yêu cầu về chất lượng, trong đó ưu tiên ở cấp giáo dục đại học và cao đẳng. Phấn đấu đến năm 2020 hoàn thành Chương trình đào tạo 20.000 tiến sỹ cho các trường đại học; (4) tiếp tục đổi mới chương trình giáo dục, tạo chuyển biến mạnh mẽ về phương pháp giáo dục, trong đó gắn dạy lý thuyết với thực hành, giảng dạy với nghiên cứu khoa học; chuyển mạnh sang đạo tạo theo nhu cầu xã hội; thực hiện tốt việc đào tạo theo tín chỉ và kiểm định chất lượng; (5) tăng cường nguồn lực cho giáo dục, trong đó Nhà nước tăng cường đầu tư và tiếp tục đẩy mạnh xã hội hoá về phát triển giáo dục; (6) đảm bảo công bằng trong giáo dục, trong đó Nhà nước tập trung đầu tư cho các vùng khó khăn, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số và có chính sách hỗ trợ thích hợp về giáo dục; thực hiện tốt cơ chế 3 công khai trong giáo dục: tài chính, nguồn lực và chất lượng (7) tăng cường hợp tác quốc tế về giáo dục và đào tạo, trong đó quan tâm thu hút vốn đầu tư và các nhà giáo, nhà khoa học giỏi từ nước ngoài đến đầu tư, giảng dạy và nghiên cứu tại Việt Nam; đồng thời đưa nhiều hơn nữa các sinh viên, nghiên cứu sinh đến học đại học và sau đại học ở các nước có trình độ giáo dục tiên tiến. Nhiệm vụ đặt ra đối với ngành giáo dục - đào tạo Việt Nam trong thời gian tới là rất nặng nề. Cùng với những cố gắng, nỗ lực phát huy tối đa nguồn lực trong nước, Việt Nam trân trọng và đánh giá cao sự ủng hộ và hợp tác của các nước thành viên ASEM và cộng đồng quốc tế.

Thưa các quí vị đại biểu,

Hội nghị của chúng ta năm nay diễn ra trong bối cảnh toàn thế giới đang góp sức và phối hợp hành động để vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế sâu sắc và khắc phục những thiếu sót mang tính hệ thống để phát triển bền vững, với chất lượng cao hơn. Từ đầu năm 2008, Chính phủ Việt Nam đã thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp và đã kiềm chế được lạm phát, giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và nền kinh tế vẫn tăng trưởng 6,2%; quí I năm 2009 kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng 3,1%, dự báo cả năm tăng trưởng khoảng 5%. Đồng thời Chính phủ Việt Nam cũng đang triển khai các giải pháp cơ bản để tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững trong những năm sau. Chúng tôi tin tưởng rằng Việt Nam vẫn sẽ là một nền kinh tế năng động và là điểm đến tin cậy của các nhà đầu tư.

Tôi hoan nghênh và đánh giá cao việc Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục ASEM lần này đã lựa chọn chủ đề của Hội nghị là "Đảm bảo chất lượng, công nhận và chuyển đổi tín chỉ trong ASEM” và "Phát triển nguồn nhân lực bền vững đáp ứng những nhu cầu của ASEM trong tương lai”. Đây là những chủ đề rất thiết thực góp phần quan trọng thúc đẩy hợp tác giáo dục Á-Âu. Tôi hy vọng rằng, tại Hội nghị lần này, các vị Bộ trưởng, các chuyên gia trong ngành giáo dục của các nước đến từ hai châu lục Á và Âu sẽ tập trung thảo luận, trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ các ý tưởng mới và đưa ra những cách thức hợp tác hiệu quả nhằm đẩy nhanh phát triển giáo dục của các nước châu Á và đẩy mạnh hợp tác giáo dục Á-Âu, góp phần tích cực giải quyết những tác động tiêu cực về mặt xã hội của khủng hoảng hiện nay.

Về phần mình, Việt Nam sẽ làm hết sức mình, thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế để thúc đẩy hợp tác Á-Âu và hợp tác song phương với các thành viên ASEM vì sự phát triển và thịnh vượng của mỗi quốc gia, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của 2 khu vực này và trên thế giới.

Nhân dịp này, thay mặt Chính phủ và nhân dân Việt Nam, tôi chân thành cám ơn và mong tiếp tục nhận được sự ủng hộ và hợp tác quí báu của các thành viên ASEM và cộng đồng quốc tế để Việt Nam hoàn thành tốt hơn nữa vai trò thành viên ASEM và thực hiện thắng lợi những mục tiêu nhiệm vụ về phát triển giáo dục của mình.

Chúc các quí vị sức khoẻ và hạnh phúc,

Chúc Hội nghị thành công tốt đẹp,

Xin cảm ơn./.