Gieo đức tin về hòa bình
TCCSĐT - Giáo hoàng Bê-nê-đích XVI gọi chuyến thăm Trung Đông của ông, từ ngày 8 đến 15-5-2009, là "cuộc hành hương về miền đất Thánh để cầu nguyện cho hòa bình Trung Đông", cũng như thúc đẩy đối thoại giữa các tôn giáo tại vùng đất triền miên trong khói lửa và xung đột - cái nôi của ba tôn giáo là Thiên Chúa giáo, Do Thái giáo và Hồi giáo.
Chuyến thăm đầu tiên của người đứng đầu Tòa thánh Va-ti-căng, Giáo hoàng Bê-nê-đích tới Gioóc-đa-ni, I-xra-en và các vùng lãnh thổ Pa-le-xtin, kéo dài trong 8 ngày, và diễn ra 8 năm sau chuyến thăm của người tiền nhiệm - Giáo hoàng G. Pôn II.
Tới Trung Đông, Giáo hoàng Bê-nê-đích muốn gửi tới mọi tín đồ, không phân biệt tôn giáo, thông điệp chung của ba đức tin, đó là vượt qua hiểu lầm, biến niềm tin chung vào đấng tối cao thành hành động và xây dựng một thế giới hòa bình cho thế hệ tương lai.
“Sức mạnh để gắn kết chứ không để chia rẽ”
Đây là câu nói của Giáo hoàng trước các thủ lĩnh Hồi giáo tại đền thờ Hu-xen bin Ta-la, đền thờ Hồi giáo lớn nhất ở Gioóc-đa-ni - chặng dừng chân đầu tiên trong chuyến công du Trung Đông. Cũng tại đây, Giáo hoàng đã tuyên bố "tôn kính sâu xa" người Hồi giáo, lên án “sự thao túng tôn giáo vì mục đích ý thức hệ”, đồng thời kêu gọi tiến hành đối thoại giữa các tôn giáo cũng như sự tương kính và hợp tác. Giáo hoàng cho rằng, những khác biệt về tôn giáo khiến khó có thể tránh khỏi sự chia rẽ, song điều này cần được khoan dung, các tôn giáo trên toàn thế giới cần tôn trọng lẫn nhau.
Đến thăm đài tưởng niệm những nạn nhân Do Thái bị sát hại trong Chiến tranh thế giới thứ II, Giáo hoàng Bê-nê-đích đã lên án chủ nghĩa bài Do Thái; khẳng định, các nạn nhân của họa diệt chủng Do Thái sẽ không bao giờ bị lãng quên, những nỗi đau khổ mà họ đã phải gánh chịu sẽ không bao giờ bị phủ nhận hay xem nhẹ. Giáo hoàng đã kêu gọi mọi người hãy vượt qua các xung đột của quá khứ và mở đường cho đối thoại ''chân thành'' giữa các tôn giáo.
Đề cập tới vấn đề một đất nước cho người Pa-le-xtin, Giáo hoàng kêu gọi hãy cùng tìm giải pháp công bình cho các vấn đề còn tồn đọng. Có như vậy, người dân mới có thể sống trong hòa bình trên chính quê hương của họ, được quốc tế bảo đảm và công nhận biên giới. Giáo hoàng cho rằng, I-xra-en và Va-ti-căng có cùng chung một số giá trị, trong đó có ước muốn đặt tôn giáo vào đúng chỗ trong xã hội, đồng thời kêu gọi I-xra-en và Pa-le-xtin đạt được hòa ước để cả hai phía có thể chung sống hòa bình.
Chuyến thăm tế nhị, thời điểm nhạy cảm
Với lịch trình kín đặc, Giáo hoàng Bê-nê-đích đã có mặt ở nhiều địa danh tôn giáo thiêng liêng nơi miền đất Thánh như: Nhà thờ chánh cửa Hồi giáo, Bức tường đá phía Tây của cổ thành Giê-ru-sa-lem, Nhà thờ mộ Thánh…, thăm trại tỵ nạn của người Pa-le-xtin gần thành phố Bét-lơ-hem. Ông cũng là vị Giáo hoàng đầu tiên vào thăm đền Al-Aqsa, ngôi đền linh thiêng thứ ba của người Hồi giáo tại Gioóc-đa-ni. Ngoại trừ cử hành thánh lễ tại Giê-ru-sa-lem và Na-gia-rét, Giáo hoàng Bê-nê-đích cũng tới cầu nguyện tại địa danh được cho là nhạy cảm chính trị như Viện Bảo tàng Y-át Va-xem để tưởng niệm những nạn nhân Do Thái bị sát hại.
Dư luận khu vực có nhiều ý kiến khác nhau về chuyến thăm này. Có ý kiến cho rằng, sự hiện diện của Giáo hoàng tại những nơi linh thiêng tín ngưỡng của đạo Hồi và đạo Do Thái thể hiện mong muốn củng cố quan hệ sau rất nhiều biến cố chính trị và ngoại giao ở vùng đất này, mà mới đây nhất là cuộc tấn công quân sự khốc liệt của quân đội I-xra-en lên dải Ga-da hồi đầu năm.
Đây cũng là chuyến đi đầu tiên của Giáo hoàng tới Trung Đông trên cương vị người đứng đầu Va-ti-căng, và điều này có ý nghĩa rất lớn đối với cộng đồng các giáo dân Thiên Chúa ở Trung Cận Đông, vốn đang giảm sút đáng kể số lượng tín đồ do phải đi lánh nạn khỏi các xung đột chính trị và tôn giáo.
Dường như sự có mặt của Giáo hoàng đem lại sự hòa dịu hiếm có cho tiến trình hòa giải khu vực. Ngay trong chuyến thăm của Giáo hoàng, Tổng thống I-xra-en X. Pơ-rê đã tuyên bố rằng "hoà bình có thể đang đến với Trung Đông" và năm 2009 sẽ là năm "các bức tường thù địch sụp đổ". Tổng thống Pơ-rê nhấn mạnh: năm 2009 có thể mở ra một cơ hội cho nhà nước Do Thái cùng các nước láng giềng giành được hòa bình, các nỗ lực chung có thể biến năm này thành một năm lịch sử vì lợi ích của tất cả tôn giáo cũng như mọi dân tộc trong toàn khu vực; cho phép các thế hệ sau này được sinh ra và sống trong hoà bình. Ra đón Giáo hoàng tại sân bay Ben Guy-ri-ông, Tổng thống Pơ-rê còn ngỏ ý hy vọng rằng chuyến viếng thăm của Giáo hoàng sẽ giúp “dọn đường cho hòa bình”.
Tuyên bố lạc quan của Tổng thống Pơ-rê được đưa ra giữa lúc chính quyền Ten A-víp phát đi những tín hiệu muốn thúc đẩy tiến trình đàm phán hoà bình Trung Đông, vốn lâm vào bế tắc sau khi chính quyền của Thủ tướng theo đường lối cứng rắn B. Nê-ta-ya-hu lên cầm quyền ở I-xra-en tháng ba vừa qua. Cũng trong lúc đó, khi đang ở thăm Ai Cập trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên, Thủ tướng I-xra-en Nê-ta-ya-hu khẳng định: I-xra-en muốn hòa bình với người Pa-le-xtin, muốn hai bên chung sống trong sự tôn trọng hoà bình, an ninh và thịnh vượng. Ông hy vọng sẽ tái khởi động các cuộc hòa đàm với Pa-le-xtin trong vòng vài tuần tới.
Cũng liên quan tới tiến trình hoà bình Trung Đông, ngày 11-5, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã thông qua một tuyên bố tái khẳng định cam kết ủng hộ nền hòa bình công bằng và lâu dài ở Trung Đông trên cơ sở "giải pháp hai nhà nước", đó là I-xra-en và Pa-le-xtin cùng chung sống hòa bình với những đường biên giới bảo đảm và được công nhận.
Tuyên bố do Nga - nước giữ chức Chủ tịch Hội đồng Bảo an trong tháng này - soạn thảo, thể hiện sự ủng hộ các nỗ lực của nhóm Bộ tứ bảo trợ tiến trình hòa bình Trung Đông (gồm Liên hợp quốc, Liên minh châu Âu, Nga và Mỹ) nhằm đạt được một nền hòa bình toàn diện, công bằng và lâu dài ở khu vực, thúc giục tất cả các nước và các tổ chức quốc tế ủng hộ chính quyền Pa-le-xtin, chính quyền đã cam kết tuân thủ các nguyên tắc của nhóm Bộ tứ và Sáng kiến hòa bình Ả-rập.
Có lẽ chưa có một chuyến thăm nào lại “khó” như chuyến thăm của Giáo hoàng Bê-nê-đích vào thời điểm này. Sự cân bằng trong các phát biểu được chú ý hơn bao giờ hết, bởi lẽ mọi thông điệp mà Giáo hoàng đưa ra sẽ được lắng nghe và liên hệ bởi các tín đồ của cả ba tôn giáo vốn vẫn đang âm ỉ những mâu thuẫn. Nếu Giáo hoàng không chỉ trích mạnh mẽ I-xra-en về các hành động tấn công và bao vây người Pa-le-xtin, điều đó sẽ dẫn đến việc các tín đồ Hồi giáo nghĩ rằng “các tín đồ Thiên chúa chống lại người Hồi giáo”. Nếu Giáo hoàng bảo vệ mạnh mẽ giải pháp tháo gỡ cho người Pa-le-xtin thì người I-xra-en lại có cớ để trở lại ý nghĩ rằng, đó là chủ nghĩa bài Do Thái. Do đó, mọi tuyên bố và phát biểu của Giáo hoàng trong chuyến thăm là sự cân nhắc vô cùng kỹ lưỡng của Tòa thánh Va-ti-căng nhằm tránh những chuyện “xảy một ly, đi một dặm”.
Mở trang đối thoại
Dù diễn ra trong thời điểm Trung Đông vẫn ngổn ngang những bất ổn, chuyến thăm của Giáo hoàng vẫn được Quốc vương Gioóc-đa-ni Át-đu-la đánh giá là có ý nghĩa, mở ra một trang sử mới đối thoại giữa Hồi giáo và Thiên Chúa giáo, thắp lên hy vọng về tiến trình kiến tạo đối thoại chân thành giữa các tôn giáo nói chung.
Giáo hoàng Bê-nê-đích XVI là Giáo hoàng thứ ba tới thăm Trung Đông, sau chuyến thăm của Đức Giáo hoàng Pôn IV năm 1964 và Đức Giáo Hoàng G.Pôn II năm 2000. Trong lịch sử, các chuyến thăm của Giáo hoàng tới Trung Đông đều mang những ý nghĩa rất đặc biệt.
Chuyến thăm của Giáo hoàng Pôn VI đánh dấu sự tan băng quan hệ giữa Va-ti-căng và Nhà nước I-xra-en, dẫn tới việc thiết lập quan hệ ngoại giao giữa I-xra-en và Va-ti-căng vào năm 1993.
Hơn 3 thập kỷ sau, chuyến thăm của Giáo hoàng thứ hai tới Trung Đông là G.Pôn II đã đưa ông trở thành người có công lớn trong việc hòa giải giữa Thiên Chúa giáo và Do Thái giáo thời đó.
Những hình ảnh của Giáo hoàng Bê-nê-đích tại Trung Đông thể hiện nỗ lực của Tòa thánh Va-ti-căng trong việc tạo dựng đoàn kết và hòa bình ở vùng đất “nóng” này. Hòa giải và đoàn kết được coi là “ánh sáng” mà Giáo hoàng Bê-nê-đích mang tới với hy vọng chấm dứt những hằn thù tôn giáo và sắc tộc đã đẩy vùng đất này vào những cuộc xung đột triền miên./.
Phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục các nước Á - Âu lần thứ 2  (14/05/2009)
Mục lục chuyên đề cơ sở số 28 (4-2009)  (14/05/2009)
Ðoàn Thanh niên các tỉnh, thành phố biểu dương điển hình tiên tiến làm theo lời Bác  (14/05/2009)
Nâng cao hiệu quả giám sát chuyên đề tại kỳ họp Quốc hội  (14/05/2009)
- Kinh nghiệm quản lý thị trường vàng của một số quốc gia và hàm ý chính sách cho Việt Nam
- Thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cho phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ
- Chiến lược triển khai quyền chỉ huy, kiểm soát biển của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và một số tác động
- Một số chính sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên