Trà Vinh phát triển kinh tế biển trước thách thức biến đổi khí hậu

PGS, TS. PHƯỚC MINH HIỆP
Tạp chí Cộng sản
10:09, ngày 28-12-2019

TCCS - Tỉnh Trà Vinh là tỉnh ven biển miền Tây Nam Bộ có không ít lợi thế để phát triển kinh tế biển, song cũng là một trong mười địa phương bị ảnh hưởng nhiều của biến đổi khí hậu. Trong thời gian tới, tỉnh cần có những giải pháp phù hợp để ứng phó với biển đổi khí hậu nhằm phát triển kinh tế biển một cách hiệu quả, bền vững.

Thu hoạch tôm thẻ chân trắng tại Trà Vinh_Ảnh: TTXVN

Những lợi thế của kinh tế biển Trà Vinh

Là địa phương có bờ biển khá dài (65km), nên tỉnh Trà Vinh có nhiều lợi thế về phát triển kinh tế biển, cụ thể:

Thứ nhất, Trà Vinh có lợi thế về phát triển thuỷ hải sản. Vùng biển Trà Vinh nằm trong vùng biển Đông Nam Bộ, tiếp giáp với vùng biển Tây Nam Bộ, là 2 vùng biển có nguồn lợi thủy sản dồi dào, chủng loại thủy sản phong phú; tiếp nối với vùng Biển Đông có độ sâu và nhiều loại hải sản giá trị kinh tế cao, như cá ngừ, cá hồng, cá thu…, mang lại tiềm năng lớn cho sự phát triển ngành thủy sản của tỉnh. Trà Vinh có 5 đơn vị hành chính cấp huyện giáp biển, đó là thị xã Duyên Hải; 4 huyện Duyên Hải, Cầu Ngang, Trà Cú, Châu Thành, có tiềm năng phát triển nuôi trồng thủy hải sản khá lớn, với nhiều mô hình nuôi tôm. Trà Vinh luôn xác định thủy sản là ngành kinh tế trọng yếu của tỉnh cung cấp nguyên liệu phục vụ các nhà máy chế biến, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ an ninh, trật tự, giữ vững chủ quyền quốc gia trên biển.

Thứ hai, Trà Vinh có nhiều tiềm năng và lợi thế phát triển du lịch biển, với nhiều danh lam thắng cảnh, như Khu du lịch (KDL) biển Ba Động, Cồn nghêu, Thiền viện Trúc Lâm… là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch biển. Thị xã Duyên Hải có bãi biển Ba Động, địa danh nghỉ dưỡng nổi tiếng từ thời Pháp thuộc. Nơi đây, hiện còn nhiều khu rừng nguyên sinh được bảo vệ, chăm sóc nuôi dưỡng; có hệ động thực vật đa dạng, gồm các loài đước, mắm, bần, vẹt, dừa nước, tôm, cua, nghêu, sò huyết, kỳ đà, lợn rừng, rắn, chồn... Mỏ nước khoáng nóng ở nơi đây chạy dài từ ấp Cồn Ông, xã Dân Thành đến khóm Long Thạnh, phường 1, được Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản Nhà nước xét và phê duyệt ở cấp B (240m3/ngày đêm), với nhiệt nóng 37,5 độ C, rất lý tưởng để khai thác dịch vụ tắm khoáng nóng. Huyện Trà Cú, Châu Thành có nhiều chùa chiền là điểm tham quan du lịch nên có thể phát triển mô hình homstay. 

Đến cuối tháng 9-2019, Trà Vinh đã đón hơn 765.400 lượt khách du lịch; trong đó, khách quốc tế trên 27.300 lượt người, tăng 66,46% so với cùng kỳ năm 2018. Tổng thu du lịch từ đầu năm đến nay của tỉnh đạt 279,8 tỷ đồng, tăng hơn 107,240 tỷ đồng so năm trước. Trong đó có hơn 60% lượng khách và doanh thu là từ 5 huyện, thị ven biển. Đây là thành quả từ những chính sách hiệu quả, kịp thời tạo bước phát triển về du lịch của Trà Vinh.

Thứ ba, vùng đất động cát ven biển thích hợp để phát triển điện gió, điện mặt trời. Lượng bức xạ trung bình năm đo được tại khu vực duyên hải của tỉnh Trà Vinh đạt từ 1.700 kWh - 1.900 kWh/m2, với bức xạ ngày trung bình hơn 4,9 kWh/m2; kết hợp địa thế nhiều giồng cát hình cánh cung bao bọc giúp vùng duyên hải Trà Vinh hội đủ các điều kiện cần thiết và tiềm năng phát triển dự án năng lượng mặt trời.

Thứ tư, Trà Vinh có tiềm năng và lợi thế phát triển giao thông đường thuỷ. Tỉnh Trà Vinh nằm ở phía Đông Nam đồng bằng sông Cửu Long, giữa 2 con sông lớn là Cổ Chiên và sông Hậu, hơn 65km bờ biển. Toàn tỉnh có hệ thống sông phong phú với chiều dài 578km, trong đó có các sông lớn là sông Hậu, sông Cổ Chiên và sông Măng Thít nên có nhiều tiềm năng phát triển vận tải biển để giao thương với các tỉnh ven biển trong nước và các quốc gia khác.

Nhờ có cầu Cổ Chiên, xây dựng Trung tâm Điện lực Duyên Hải, luồng tàu biển có trọng tải lớn vào sông Hậu (kênh đào Trà Vinh) và đang triển khai các dự án tại Khu kinh tế Định An,... tạo điều kiện cho Trà Vinh khắc phục hạn chế về mặt địa lý, có thể trở thành cửa ngõ giao thương quan trọng của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, tạo động lực mới phát triển kinh tế địa phương theo hướng bền vững.

Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến phát triển kinh tế biển Trà Vinh

Bên cạnh những lợi thế về kinh tế biển, Trà Vinh là một trong mười tỉnh bị ảnh hưởng nặng của hiện tượng nước biển dâng do tác động của biến đổi khí hậu, với những bất lợi chủ yếu:

Tỉnh Trà Vinh ảnh hưởng mạnh bởi thủy triều Biển Đông qua sông Cổ Chiên và sông Hậu nên khi bị tác động của nước biển dâng sẽ làm cho dòng chảy trên các kênh rạch biến động theo hướng bất lợi, tài nguyên nước có nguy cơ suy giảm do hạn hán ngày một tăng ở một số vùng có địa hình cao, trong khi một số vùng có địa hình thấp lại thường xuyên bị ngập úng khi mưa và thủy triều. Khó khăn này sẽ ảnh hưởng đến nông nghiệp, cung cấp nước ở nông thôn, thành thị, đặc biệt là các vùng nhạy cảm ven biển, như huyện Duyên Hải, Trà Cú, Châu Thành và Cầu Ngang. Theo tính toán của các nhà khoa học, nếu mực nước biển dâng lên 1m thì sẽ có đến 45,7% số diện tích tự nhiên của tỉnh Trà Vinh bị ngập trong nước, các dải đất ven biển và sông màu mỡ phục vụ cho nuôi trồng thủy sản và sản xuất nông nghiệp sẽ bị biến mất dưới mực nước biển, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân và sản xuất nông nghiệp.

Trà Vinh cũng là tỉnh bị ảnh hưởng khá lớn của bão hằng năm nên gây khó khăn cho tàu bè đánh bắt hải sản; đồng thời cũng ảnh hưởng nhiều đến vận tải đường sông và đường biển.

Những năm gần đây, do ảnh hưởng biến đổi khí hậu, cộng thêm nạn khai thác cát sông trái phép ngày càng tăng đã dẫn đến tình trạng sạt lở bờ biển, bờ sông nghiêm trọng, nhất là vào mùa mưa bão. Qua khảo sát, hiện nay, trên địa bàn 9 huyện, thị xã và thành phố của tỉnh có hơn 100 điểm sạt lở bờ biển, bờ sông ở các mức độ khác nhau.

Trong 3 năm gần đây, theo khảo sát của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh, vào thời điểm gió mùa Đông Bắc thổi mạnh kết hợp với triều cường, nước biển dâng cao, cộng thêm nạn khai thác cát sông trái phép đã dẫn đến tình trạng sạt lở bờ biển, bờ sông nghiêm trọng, làm sạt lở hơn gần 25km đê sông, đê biển; gây ảnh hưởng đến đời sống của 259 hộ dân, hơn 293ha đất sản xuất bị tác động không canh tác được.

Trà Vinh cũng là tỉnh có kết cấu hạ tầng còn nhiều yếu kém, là “điểm nghẽn” trong việc phát triển du lịch, thương mại, khó thu hút các dự án  đầu tư, đặc biệt đầu tư vào các huyện, thị ven biển.

Cần có giải pháp phát triển kinh tế biển Trà Vinh thích ứng với biến đổi khí hậu

Từ năm 2017, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 120/NQ-CP, về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu. Năm 2019, Chính phủ tiếp tục ban hành Chỉ thị số 23/CT-TTg, về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu. Tỉnh cũng ban hành các nghị quyết, kế hoạch để phát triển kinh tế biển trước thách thức biến đổi khí hậu, giúp chủ động hơn trong triển khai các giải pháp phù hợp ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu.

Một là, để giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu, tỉnh đề ra giải pháp hoàn thiện hệ thống đê bao, hệ thống cống và hệ thống thuỷ lợi. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh, toàn tỉnh hiện có 9 tuyến đê biển, với chiều dài hơn 85km. Trong đó, có 14km được đổ bê tông bề mặt; 12km mặt đê được láng nhựa; 33km mặt đê được đổ đá cấp phối và 22km được san lấp sỏi đỏ. Cao trình của các tuyến đê này từ +2,72m đến + 4m.m. Các tuyến đê ven sông của tỉnh Trà Vinh gồm đê tả - hữu sông Cổ Chiên, với tổng chiều dài hơn 41km, thuộc địa phận của 2 xã đảo Long Hòa và Hòa Minh của huyện Châu Thành, cao trình của tuyến đê sông là + 3m. Để thực hiện được khối lượng đê bao, chống sạt lở như trên, cần có nhu cầu vốn lớn, nên ngoài nguồn vốn Trung ương cấp, Trà Vinh cũng đang đẩy mạnh thu hút nguồn vốn của toàn xã hội.

Nhằm ứng phó với khả năng nước biển dâng, xâm nhập mặn, ngập úng, sóng gió, bão,… tỉnh xây dựng, hoàn thiện, nâng cấp một số cống, công trình thủy lợi ven biển để hạn chế những tác động của biến đổi khí hậu gây ra. Dọc tuyến đê bao của huyện Duyên Hải, tỉnh đang tiến hành xây dựng thêm một số cống vừa có chức năng kết hợp tuyến đê bao, vừa có chức năng ngăn thủy triều, sóng, gió, nước biển dâng, phòng, chống xói lở.

Bên cạnh đó, Trà Vinh có hệ thống công trình thủy lợi nằm trong quy hoạch thủy lợi (dự án Nam Măng Thít) nên tương đối hoàn thiện, hoạt động ổn định, góp phần vào phát triển sản xuất, nuôi trồng thủy hải sản trong vùng, giúp đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi sản xuất. Tuy nhiên, để hệ thống công trình thủy lợi này hoạt động hiệu quả và thích ứng với biến đổi khí hậu cần xây dựng quy trình khai thác sao cho có hiệu quả và vẫn bảo đảm thích ứng với biến đổi khí hậu trong từng giai đoạn. Đối với các công trình thủy lợi tuyến cuối (ven biển), đề xuất xây dựng quy trình vận hành phục vụ cho mục đích tiêu thoát nước thải sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt và lấy nước mặn cho nuôi trồng thủy hải sản. Còn đối với các công trình tuyến trên (ven sông Cổ Chiên và sông Hậu) sẽ xây dựng quy trình lấy và tiêu thoát nước ngọt phục vụ sản xuất, ngăn mặn. Đặc biệt chú ý đến khả năng vận hành của công trình bảo đảm được tưới, tiêu, phòng, chống xói lở. Đối với các cống tiêu thoát trong nội đồng xây dựng quy trình vận hành theo chế độ luân chuyển nước ngọt, tiêu thoát nước giữa các vùng với nhau nhằm tăng khả năng cấp, thoát nước.

Hai là, đầu tư các dự án lớn ở cảng biển Trà Vinh. Trà Vinh là một trong hai địa phương tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long được Chính phủ chọn để thành lập khu kinh tế. Đó là Khu kinh tế Định An tại địa bàn hai huyện Trà Cú, Duyên Hải và thị xã Duyên Hải. Tháng 7-2019, dự án này đã được khởi công xây dựng tại xã Dân Thành, thị xã Duyên Hải. Đây là công trình được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận bổ sung quy hoạch vào cảng biển Trà Vinh, là khu kinh tế ven biển tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực gồm công nghiệp - thương mại - dịch vụ - du lịch - đô thị và nông - lâm - ngư nghiệp. Dự án với diện tích là 39.020ha, thực hiện giai đoạn 1 đến năm 2020 là 15.403,7ha. Đây là một trong 8 khu kinh tế ven biển ưu tiên đầu tư giai đoạn 2016 - 2020 của cả nước. Đến nay, Khu Kinh tế Định An đã thu hút được 36 dự án với tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 151 tỷ đồng, trong đó, ưu tiên phát triển các ngành sản xuất điện năng, hóa dầu, đóng tàu và các ngành công nghiệp phụ trợ khác. Với các dự án trọng điểm của trung ương, của tỉnh và các doanh nghiệp đã hoàn thành và đang triển khai như: luồng cho tàu lớn vào sông Hậu; Trung tâm Điện lực Duyên Hải với công suất 4.400MW; các dự án điện gió, điện mặt trời..., Trà Vinh hoàn toàn có thể trở thành trung tâm kinh tế biển và giao thông biển của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Theo nghiên cứu của các cơ quan, lượng hàng xuất - nhập khẩu qua các cảng biển thuộc khu vực đến năm 2030 là rất lớn. Vì vậy, phát triển một cảng biển có tính chất cửa ngõ tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long, cụ thể tại khu bến cảng tổng hợp Định An, là một yêu cầu cấp thiết không chỉ cho Trà Vinh mà cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Ba là, phát triển nuôi trồng và chế biến thuỷ hải sản. Ngành thuỷ sản là ngành mũi nhọn của Trà Vinh, nên cần quy hoạch các vùng nuôi tôm chuyên canh, nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, vùng nuôi cua, nghêu ở huyện Duyên Hải, Trà Cú và Cầu Ngang. Việc nuôi trồng, đánh bắt thuỷ hải sản cần gắn với chế biến xuất khẩu trong chuỗi giá trị của ngành hàng này nhằm nâng cao hiệu quản sản xuất, kinh doanh và bảo đảm phát triển bền vững. Nhờ tập trung đầu tư hạ tầng, đẩy mạnh chuyển giao khoa học - kỹ thuật, tăng cường kiểm soát dịch bệnh, phát triển được các vùng nuôi tập trung theo quy hoạch, đa dạng hóa các con nuôi và hình thức nuôi, nên ngành nuôi trồng và chế biến thủy sản của Trà Vinh có bước phát triển khá. Tuy nhiên, những năm qua, giá cả và thị trường tiêu thụ không ổn định, nên trong thời gian tới, cần tiếp tục nghiên cứu và phát triển các con nuôi khác có giá trị kinh tế cao, như tôm sú, tôm thẻ, cá lóc.

Bốn là, tỉnh kêu gọi các nhà đầu tư phát triển điện gió và điện mặt trời. Tỉnh Trà Vinh đạt được các điều kiện cần thiết và đủ tiềm năng phát triển dự án năng lượng mặt trời. Tiêu biểu là Dự án Nhà máy điện mặt trời Trung Nam Trà Vinh hưởng ứng quy hoạch năng lượng tại các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Đối với dự án này, nhà đầu tư Trungnam Trà Vinh Solar Power quyết tâm đồng hành với tỉnh Trà Vinh, triển khai dự án tại các vùng sâu, xa của tỉnh, với mục tiêu giảm phụ tải, bảo đảm nhu cầu điện cho khu vực; hòa lưới điện quốc gia, cung cấp vào nguồn điện cả nước và hỗ trợ an ninh năng lượng cho các khu vực chưa tiếp cận được với lưới điện quốc gia. Hoạt động kinh doanh của Trungnam Trà Vinh Solar Power sẽ mang đến nguồn lợi thông qua các nghĩa vụ thuế, giải quyết việc làm cho hơn 1.500 lao động trong thời gian xây dựng dự án; đồng thời cam kết hỗ trợ tỉnh phát triển văn hóa, giáo dục từ các hoạt động thiện nguyện tại địa phương..

Năm là, Trà Vinh có chủ trương cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp theo hướng “thuận thiên”, tức là phát triển những cây trồng, vật nuôi thích nghi với môi trường. Nhiều diện tích lúa, cây ăn trái vùng ven biển kém hiệu quả đã được trồng cỏ tự nhiên để phát triển đàn bò và đàn dê, chăn nuôi vịt trời chịu vùng nước mặn và nước lợ. Điểm đặc biệt ở Trà Vinh là nhiều nơi nước ngầm có 2 tầng, tầng trên là nước mặn, tầng sâu là nước ngọt, nên nhiều mô hình người dân bơm tầng nước mặn để nuôi tôm, đồng thời mùa khô lên liếp bao ngạn và bơm tầng nước ngọt để trồng mía…

Sáu là, cần duy trì và phát triển hệ thống rừng phòng hộ ven biển. Cần có cơ chế trồng và khoán cho người dân chăm sóc rừng phòng hộ ven biển huyện Duyên Hải, Trà Cú. Phát triển mô hình nuôi tôm sinh thái, nuôi cua, nghêu… kết hợp với bảo vệ rừng để người dân có thêm thu nhập từ rừng. Mặt khác, phát triển hệ thống rừng phòng hộ sẽ giảm được tình hình sạt lở.

Bảy là, tỉnh cũng đã lên kế hoạch xây dựng trạm quan trắc nhiệt độ, quan trắc gió, quan trắc nước biển dâng, quan trắc diễn biến chất lượng môi trường nước để theo dõi sự thay đổi của nhiệt độ, theo dõi chế độ thủy văn cũng như khả năng xâm nhập mặn vào sâu trong nội đồng, chất lượng của nguồn nước dưới tác động trực tiếp của biến đổi khí hậu và nước biển dâng./.