Đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững
TCCS - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng xác định, văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước; xây dựng và phát triển văn hóa là sự nghiệp của toàn dân do Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân là chủ thể sáng tạo. Để thực hiện được mục tiêu đó, Đảng ta đề ra nhiều giải pháp, trong đó nhấn mạnh việc đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế và sự bùng nổ của công nghệ thông tin, truyền thông hiện nay.
Thực trạng công tác quản lý nhà nước về văn hóa hiện nay
Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, trong đó chú trọng việc nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa. Thời gian qua, công tác quản lý nhà nước về văn hóa đã đạt được nhiều kết quả.
Trước tiên, việc thể chế hóa, cụ thể hóa các quan điểm, đường lối của Đảng về văn hóa, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách về văn hóa ở nước ta đã và đang tiếp tục được hoàn thiện để phù hợp với thực tiễn. Quốc hội đã ban hành nhiều văn bản pháp luật quan trọng, như Luật Điện ảnh, Luật Quảng cáo, Pháp lệnh Thư viện...; kịp thời đề nghị sửa đổi, bổ sung một số văn bản luật đã ban hành để phù hợp với tình hình mới, như Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa... Bên cạnh đó là hàng loạt các văn bản dưới luật đã được xây dựng, ban hành. Nhờ đó hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và chính sách về văn hóa từng bước được hoàn thiện, tạo điều kiện nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa, tích cực bảo vệ các quyền và nghĩa vụ của nhân dân, tác động sâu rộng đến đời sống văn hóa của đất nước.
Chính phủ ban hành nhiều chế độ, chính sách đặc thù, như chính sách về hoạt động và hưởng thụ văn hóa, nhất là đối với vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa; chính sách về bảo tồn di sản văn hóa dân tộc; những chính sách khuyến khích và tôn vinh hoạt động sáng tạo (Giải thưởng
Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước, danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú, Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú); chế độ ưu đãi đặc thù đối với nghệ sĩ, học sinh các trường văn hóa - nghệ thuật...; các quy định về thành lập bảo tàng, xây dựng tượng đài...; xây dựng và hoàn thiện các quy định, hướng dẫn tổ chức việc cưới, việc tang và lễ hội; việc cúng bái ở các đền chùa, việc đốt vàng mã, việc giữ gìn trật tự vệ sinh nơi công cộng...; khuyến khích nhân dân các xã, phường, thôn ấp, cụm dân cư, khu tập thể, xí nghiệp, cơ quan xây dựng các quy ước về nếp sống vǎn hóa, giữ gìn trật tự vệ sinh nơi công cộng, bảo vệ môi trường thiên nhiên, cảnh quan sạch đẹp.
Các chiến lược, quy hoạch phát triển các lĩnh vực cũng được xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành, gồm Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2020; Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Chiến lược phát triển văn hóa đối ngoại Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030...; Quy hoạch phát triển ngành nghệ thuật biểu diễn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quy hoạch phát triển ngành điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030...
Thứ hai, hệ thống tổ chức bộ máy quản lý ngành văn hóa ngày càng được kiện toàn và củng cố, từng bước nâng cao năng lực quản lý, đổi mới phương thức quản lý, thúc đẩy sự phát triển và hạn chế những tiêu cực trong đời sống văn hóa, văn nghệ. Các hoạt động tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình gắn với chủ đề “Xây dựng nhân cách người Việt Nam từ giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình” được đẩy mạnh, đặc biệt là vào các dịp Ngày Gia đình Việt Nam, Ngày Quốc tế hạnh phúc, Ngày Thế giới phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái, Tháng Hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình.
Thứ ba, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan và các địa phương đẩy mạnh công tác nghiên cứu, kiểm kê, lập hồ sơ đề nghị xếp hạng, ghi danh di sản văn hóa ở trong nước và quốc tế. Cả nước hiện có trên 4 vạn di tích được kiểm kê, trong đó có gần 10.000 di tích cấp tỉnh, thành phố, 3.486 di tích quốc gia, 105 di tích quốc gia đặc biệt, 8 di sản thế giới (2 di sản thiên nhiên, 5 di sản văn hóa, 1 di sản hỗn hợp), 12 di sản văn hóa phi vật thể. Ngoài ra, theo Chương trình Ký ức thế giới của UNESCO, đến nay Việt Nam đã có 7 di sản tư liệu được UNESCO ghi danh (gồm 3 di sản tư liệu thế giới và 4 di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương).
Thứ tư, công tác bảo tàng cũng có những bước phát triển đáng ghi nhận. 166 bảo tàng (127 bảo tàng công lập và 39 bảo tàng ngoài công lập) - nơi lưu giữ và phát huy giá trị của hơn 3 triệu hiện vật phản ánh toàn diện về đất nước và con người Việt Nam trong trường kỳ lịch sử, đã và đang phát huy giá trị góp phần không nhỏ trong việc giáo dục cho thế hệ trẻ về truyền thống đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, về bản sắc văn hóa dân tộc; đồng thời tạo ra những điểm, tuyến du lịch hấp dẫn, có tác dụng thúc đẩy sự phát triển du lịch. Nhiều bảo tàng trên cả nước bước đầu được đổi mới trưng bày theo định hướng tăng cường các hiện vật gốc, áp dụng các phương tiện khoa học - kỹ thuật để làm phong phú và hấp dẫn nội dung trưng bày, đổi mới hình thức phục vụ công chúng để thu hút ngày càng nhiều hơn khách tham quan. Hệ thống bảo tàng phối hợp chặt chẽ với ngành giáo dục tổ chức cho các em học sinh đến tham quan học tập, tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao cho các đối tượng học sinh trong dịp kỷ niệm hằng năm, như Ngày Quốc tế bảo tàng (18-5), Ngày Quốc tế thiếu nhi (1-6), Ngày Hội khai trường (5-9), Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23-11) nhằm tạo cho thế hệ trẻ niềm tự hào, lòng say mê tìm hiểu văn hóa, lịch sử dân tộc để nâng cao tri thức. Hằng năm, Bảo tàng Hồ Chí Minh đều thu hút trên 1 triệu lượt khách tham quan; Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, Bảo tàng Điêu khắc Chăm thành phố Đà Nẵng, Bảo tàng Đắk Lắk... cùng nhiều bảo tàng chuyên ngành, bảo tàng cấp tỉnh khác cũng đã tự vươn lên để trở thành những điểm đến thường xuyên trong các tuyến du lịch của nhiều đối tượng du khách. Năm 2017 và 2018, tổng số khách tham quan bảo tàng đều đạt khoảng 16,5 triệu lượt.
Thứ năm, công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn cả nước đã có sự chuyển biến tích cực, dần đi vào nền nếp. Các hoạt động lễ hội diễn ra trang trọng, an toàn, tiết kiệm, cùng nhiều hoạt động văn hóa, thể thao và các trò chơi dân gian sôi nổi thu hút đông đảo nhân dân và du khách tham gia. Các lễ hội có tập tục mang yếu tố bạo lực, không phù hợp với xu thế thời đại đã chuyển đổi hình thức thực hành nghi lễ.
Nhiều di sản văn hóa phi vật thể đã trở thành những điểm đến thu hút khách trong và ngoài nước, tạo nên thương hiệu, dấu ấn riêng của địa phương có di sản, như Lễ hội đền Sóc, chùa Hương ở Hà Nội, Lễ hội đền Hùng ở tỉnh Phú Thọ, Lễ hội Côn Sơn - Kiếp Bạc ở tỉnh Hải Dương, Lễ hội Yên Tử ở tỉnh Quảng Ninh, ca Huế, Lễ hội Bà Chúa Xứ ở tỉnh An Giang, Lễ hội Ook om bok ở tỉnh Trà Vinh, Lễ hội Kate hay Gốm Chăm ở Bàu Trúc, tỉnh Ninh Thuận..., góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương, nâng cao đời sống cộng đồng.
Thứ sáu, việc tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, vượt bậc so với những giai đoạn trước. Quốc hội đã ban hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo - một kết quả quan trọng, nỗ lực nhằm mục đích thể chế hóa một cách đầy đủ nhất quan điểm, chính sách của Đảng về tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân. Việc xây dựng và ban hành luật này nhằm bảo đảm một cách tốt nhất quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người dân.
Bên cạnh việc thể chế hóa quan điểm, chính sách về tôn giáo, toàn bộ hệ thống chính trị đã rất quan tâm, chú trọng việc tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người. Với chính sách tự do tín ngưỡng, tôn giáo đúng đắn của Đảng, Nhà nước ta, đông đảo chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo đã phát huy truyền thống yêu nước, gắn bó, đồng hành cùng dân tộc; đồng bào theo tôn giáo và không theo tôn giáo đoàn kết, tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng và củng cố quốc phòng, bảo đảm an ninh, trật tự... góp phần làm nên những thành tựu to lớn trong công cuộc đổi mới.
Thứ bảy, hoạt động giao lưu văn hóa với nước ngoài từng bước được mở rộng cùng với quá trình đa phương hóa, đa dạng hóa các mối quan hệ quốc tế, hoạt động giao lưu các đoàn biểu diễn nghệ thuật và trao đổi sách, báo, phim ảnh, triển lãm, nghiên cứu, đào tạo... giữa Việt Nam với các nước trong khu vực và thế giới ngày càng được đẩy mạnh. Nhiều hiệp định văn hóa với các nước và nhiều tổ chức quốc tế, các điều ước quốc tế song phương và đa phương về di sản văn hóa, về quyền tác giả và quyền liên quan đã được ký kết; nhiều dự án về hợp tác văn hóa được thực hiện có hiệu quả. Chúng ta có nhiều cơ hội tiếp xúc rộng rãi hơn với văn hóa thế giới và chọn lọc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, đồng thời giới thiệu với nhân dân các nước những giá trị tốt đẹp, độc đáo của văn hóa Việt Nam. Nhiều hoạt động hợp tác, giao lưu văn hóa quốc tế trên quy mô lớn đã được tổ chức ở Việt Nam và nước ngoài gây được tiếng vang và tạo được ấn tượng tốt đẹp trong lòng bè bạn về truyền thống văn hóa - nghệ thuật Việt Nam. Sự hiện diện, tham gia và ảnh hưởng của Việt Nam được tăng cường tại các sự kiện có quy mô, chất lượng, uy tín nhất trên thế giới về văn hóa, như Triển lãm EXPO (EXPO Thượng Hải 2010, EXPO Hàn Quốc 2012, EXPO Milan 2015, EXPO Astana 2017). Các triển lãm mỹ thuật, nhiếp ảnh quốc tế vào Việt Nam và các triển lãm của Việt Nam ra nước ngoài thời gian qua cũng đã làm tốt việc giới thiệu văn hóa, đất nước, con người bạn bè quốc tế và con người Việt Nam, góp phần vào sự hiểu biết lẫn nhau và quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Việt Nam và các nước trên thế giới.
Thứ tám, phát triển công nghiệp văn hóa cũng đạt những thành tựu nhất định. Doanh thu khu vực doanh nghiệp điện ảnh năm 2018 đạt 3.353 tỷ đồng (tương đương khoảng 145 triệu USD), dự báo đến năm 2020 ngành điện ảnh có thể đạt mức 150 triệu USD. Về du lịch, năm 2018, nước ta đón gần 15,5 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ trên 80 triệu lượt khách nội địa, tổng thu đạt hơn 620.000 tỷ đồng. Về mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, năm 2017 tổng số triển lãm nghệ thuật trong cả nước là 380 cuộc; tác phẩm/tác giả tham gia triển lãm, hội chợ là 70.160 tác phẩm/10.958 tác giả; số lượng người xem triển lãm là 1.131.252 người; tổng số kinh phí dành cho hoạt động mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm là 74.949.283 đồng, trong đó từ nguồn ngân sách nhà nước là 43.301.638 đồng, còn lại từ nguồn xã hội hóa. Về nghệ thuật biểu diễn, năm 2018, 2.118 buổi biểu diễn được tổ chức, doanh thu bán vé khoảng 104.165.240.400 đồng. Về quảng cáo, năm 2017 và 6 tháng đầu năm 2018, doanh thu quảng cáo trên các phương tiện truyền hình là 64.104.908.921 đồng; trên báo in: 1.067.129.234 đồng; trên tạp chí: 762.907.174 đồng; trên đài phát thanh: 1.462.066.374. Số lượng doanh nghiệp của ngành quảng cáo đến năm 2017 là 2.963.
Tuy nhiên, công tác quản lý nhà nước về văn hóa cũng gặp một số khó khăn, hạn chế. Mặt trái của kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế làm xuất hiện tâm lý sùng ngoại, thực dụng và cá nhân cực đoan, ích kỷ, phai nhạt những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống; làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Nhận thức, trách nhiệm của một số cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân về nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam còn chưa đầy đủ; văn hóa chưa được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội; việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam ở một số nơi còn chưa có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; nguồn lực đầu tư trong lĩnh vực văn hóa còn thấp so với yêu cầu nhiệm vụ. Hệ thống thiết chế văn hóa hiện có tại một số địa phương, từ cấp tỉnh đến cơ sở thiếu kinh phí hoạt động, hiệu quả hoạt động chưa cao. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách chưa có sự ưu tiên, đột phá. Để tháo gỡ những khó khăn, hạn chế trong xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam cần có sự đột phá, ưu tiên về quy trình, thủ tục xây dựng, sửa đổi, bổ sung, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật. Văn học nghệ thuật, đặc biệt là nghệ thuật truyền thống đang bị khủng hoảng lực lượng sáng tác. Hoạt động lý luận phê bình các tác phẩm nghệ thuật biểu diễn còn yếu, thiếu chính sách thu hút tài năng văn hóa. Công tác đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực cho văn hóa chưa được quan tâm đúng mức. Các ngành công nghiệp văn hóa chưa được đầu tư đủ mạnh; chưa có cơ chế thu hút đầu tư quy mô lớn; do vậy chưa tạo bước đột phá.
Giải pháp đổi mới, nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý văn hóa đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững
Để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, thời gian tới cần triển khai đồng bộ và hiệu quả một số giải pháp như sau:
Một là, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của văn hóa trong đổi mới và phát triển bền vững. Đổi mới tư duy lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước về phát triển văn hóa, xây dựng con người. Nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền và toàn xã hội về vị trí, vai trò, chức năng của văn hóa trong đổi mới và phát triển bền vững, phải văn hóa ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Phát triển văn hóa, xây dựng con người phải được chú trọng tương xứng, hài hòa với phát triển kinh tế - xã hội. Văn hóa phải giữ vai trò điều tiết, định hướng sự phát triển đất nước trong bối cảnh đẩy mạnh xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế bằng mục tiêu nhân văn, hệ thống giá trị, chuẩn mực văn hóa. Đổi mới việc giáo dục lý luận chính trị, tư tưởng trong xã hội; tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức theo hướng thiết thực, hiệu quả, tôn trọng đối thoại, phản biện xã hội.
Nâng tầm lãnh đạo của Đảng trên cả phương diện lý luận và thực tiễn. Đổi mới tư duy lãnh đạo văn hóa - văn nghệ, xây dựng con người của Đảng theo hướng dân chủ, cởi mở, phát huy tính sáng tạo, chủ động của các chủ thể văn hóa. Xây dựng các chủ trương, đường lối, nghị quyết bám sát thực tiễn nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và yêu cầu phát triển bền vững; có sự phân quyền rõ ràng giữa Đảng và chính quyền trong triển khai thực hiện. Gia tăng việc kiểm tra, giám sát, tổng kết, đánh giá trong quá trình thực hiện.
Hai là, hoàn thiện thể chế, đổi mới tư duy quản lý văn hóa, cải cách bộ máy quản lý nhà nước về văn hóa theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, bảo đảm vai trò kiến tạo phát triển văn hóa, xây dựng con người, tăng cường hiệu quả của hệ thống thiết chế văn hóa.
Nâng cao năng lực quản lý nhà nước về văn hóa, xây dựng đội ngũ cán bộ văn hóa cho các cơ quan quản lý nhà nước các cấp, đặc biệt là năng lực xây dựng thể chế, chính sách, các chương trình và kế hoạch dài hạn. Từng bước nâng cao tính chuyên nghiệp của đội ngũ cán bộ văn hóa thông qua quá trình tiêu chuẩn hóa, tuyển chọn và bồi dưỡng cán bộ.
Xây dựng các luật, cơ chế, chính sách, huy động các lực lượng xã hội trên nguyên tắc khuyến khích và chia sẻ lợi ích giữa các bên tham gia sáng tạo và phân phối sản phẩm văn hóa. Hoàn thiện các luật trong lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật, các chính sách cụ thể liên quan tới quy trình sản xuất, phân phối và tiêu dùng các sản phẩm văn hóa.
Đổi mới tư duy quản lý văn hóa dựa trên tư tưởng về quyền văn hóa và tinh thần xây dựng hệ thống hành chính công hiện đại; từng bước xây dựng cơ chế phân cấp, phân quyền mới theo nguyên tắc các cơ quan nhà nước tập trung vào phát triển hệ thống thể chế, đầu tư vào phát triển kết cấu hạ tầng chủ chốt, phát triển nguồn nhân lực bậc cao, tổ chức một số hoạt động và sự kiện văn hóa - nghệ thuật quốc gia. Đồng thời, từng bước xây dựng cơ chế tự chịu trách nhiệm của các tổ chức văn hóa, nghệ thuật khi sáng tạo và sản xuất các sản phẩm văn hóa. Nghiên cứu để có lộ trình bỏ cơ chế thẩm định tác phẩm nghệ thuật. Chuyển đổi một phần các tổ chức văn hóa - nghệ thuật sang hình thức cổ phần hóa.
Hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa mới theo hướng tăng cường tính hiệu quả, không phát triển thiết chế theo một mô hình thống nhất mà phải phù hợp với đặc điểm vùng, miền với nhu cầu và nguyện vọng của người dân; phát huy vai trò và tính tích cực của hệ thống thiết chế văn hóa cổ truyền, của các tôn giáo và tín ngưỡng; xây dựng một số thiết chế văn hóa tiêu biểu cho thời đại mới, có trang thiết bị hiện đại, chuyên nghiệp tại một số tỉnh, thành phố trọng điểm.
Ba là, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa để đáp ứng nhu cầu tiếp nhận, hưởng thụ của người tiêu dùng và thị trường ngoài nước.
Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa theo hướng chuyên nghiệp, có tính chuyên môn hóa cao và đồng bộ, theo đúng quy luật phát triển của công nghiệp văn hóa thế giới, dựa trên đặc thù tình hình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở các vùng, miền, các địa phương khác nhau. Các ngành công nghiệp văn hóa nội địa được khuyến khích xuất khẩu sản phẩm văn hóa ra các thị trường nước ngoài, góp phần đưa thông điệp văn hóa Việt Nam, quảng bá văn hóa quốc gia, đưa thương hiệu văn hóa Việt Nam ra với thế giới. Xây dựng các tổ chức và doanh nghiệp văn hóa đạt tầm quốc tế về chất lượng, hướng đến công chúng và phù hợp hơn với xã hội đương đại. Xây dựng các thành phố sáng tạo và các vùng sáng tạo để Việt Nam định vị văn hóa và sự sáng tạo như điểm trọng tâm của các thành phố lớn.
Bốn là, xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, là những chủ thể văn hóa có bản lĩnh, sáng tạo, có khả năng đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới, chủ động hội nhập quốc tế. Hướng các hoạt động văn hóa, giáo dục, khoa học vào việc xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, có đạo đức, trí tuệ, sức khỏe, có tinh thần nhân văn và ý thức lao động. Đề cao trách nhiệm của mỗi người đối với bản thân, gia đình và xã hội. Nâng cao vai trò của gia đình, nhà trường, tập thể và các tổ chức xã hội khác trong việc thúc đẩy con người hình thành và tự hoàn thiện nhân cách. Huy động sức mạnh của toàn xã hội nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của các dân tộc, khích lệ sáng tạo các giá trị văn hóa mới. Đẩy mạnh các chương trình giáo dục nghệ thuật truyền thống nhằm làm cho văn hóa Việt Nam thấm sâu vào tâm hồn và tình cảm mỗi người dân, phát huy bản sắc văn hóa Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.
Năm là, củng cố các chính sách, chương trình về văn hóa, tập trung nguồn lực từ Nhà nước và các thành phần kinh tế khác ưu tiên đầu tư cho phát triển văn hóa, xây dựng vùng miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đối tượng hưởng chính sách xã hội, đối tượng chịu thiệt thòi, một số loại hình nghệ thuật truyền thống và hiện đại cần bảo tồn, phát triển...
Đổi mới căn bản và toàn diện hệ thống các trường đào tạo văn hóa - nghệ thuật, chú ý tính đặc thù của văn hóa. Hình thành một số cơ sở đào tạo đại học, sau đại học trọng điểm, bảo đảm cung cấp nguồn nhân lực văn hóa chất lượng cao. Phấn đấu có trường đại học văn hóa - nghệ thuật đạt đẳng cấp quốc tế.
Xây dựng cơ chế lựa chọn, sử dụng cán bộ văn hóa, văn nghệ. Coi trọng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ở cấp chiến lược và nâng tầm đội ngũ cán bộ tham mưu xây dựng cơ chế, chính sách, pháp luật; cán bộ làm công tác khoa học, chuyên gia đầu ngành, cán bộ ở cơ sở. Thực hiện cơ chế tuyển chọn cán bộ công khai, minh bạch, theo hình thức cạnh tranh, trọng dụng người tài, đức.
Xây dựng các quỹ đào tạo, khuyến học, phát triển nhân tài, quảng bá văn học - nghệ thuật, phát triển điện ảnh, hỗ trợ xuất bản... Tiếp tục chế độ tài trợ, đặt hàng và giải thưởng cho các tác phẩm văn học - nghệ thuật, kịch bản phim điện ảnh và sản xuất phim, trợ giá xuất bản. Thực hiện ưu đãi về đất, thuế, phí đối với các cơ sở đào tạo và các thiết chế văn hóa.
Sáu là, xác lập “quyền lực mềm” quốc gia bằng văn hóa, với các chính sách phát triển hợp lý trên cơ sở các giá trị đặc sắc, lợi thế cạnh tranh của văn hóa Việt Nam, tạo sức đề kháng trước sự gia tăng “sức mạnh mềm” của một số quốc gia. Phát huy các giá trị văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc có sức hấp dẫn, quảng bá hiệu quả với cộng đồng quốc tế về một Việt Nam thân thiện, linh hoạt và yêu chuộng hòa bình. Thúc đẩy các hoạt động tuyên truyền, giáo dục văn hóa trong nước kết hợp với mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế về văn hóa, đa dạng hóa các kênh truyền thông quảng bá hình ảnh quốc gia, cũng như phát huy vai trò kết nối, truyền tải các giá trị văn hóa của kiều bào trên khắp thế giới. Tập trung xây dựng những giá trị văn hóa mới, đi đôi với việc mở rộng và chủ động trong giao lưu quốc tế, tiếp nhận có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới, làm phong phú thêm nền văn hóa dân tộc, bắt kịp sự phát triển của thời đại.
Phát huy tài năng, tâm huyết của lực lượng trí thức, văn nghệ sĩ người Việt Nam ở nước ngoài trong việc tham gia phát triển văn hóa, văn học - nghệ thuật của đất nước. Thành lập, phát huy hiệu quả các trung tâm văn hóa và các cơ sở văn hóa ở một số khu vực trọng điểm trên thế giới để mở rộng việc trao đổi, hợp tác trong lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật, góp phần nâng cao “sức mạnh mềm” văn hóa.
Bảy là, phát triển văn học, nghệ thuật đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xây dựng con người Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 16-6-2008, của Bộ Chính trị, về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”, trọng tâm là tiếp tục đổi mới, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển mạnh mẽ, đa dạng của văn học - nghệ thuật về đề tài, nội dung, loại hình, phương pháp sáng tác, sự tìm tòi, thể nghiệm. Đẩy mạnh nghiên cứu và hoạt động lý luận, phê bình văn hóa, văn học - nghệ thuật, nâng cao tính khoa học, tính thuyết phục, góp phần hướng dẫn sáng tác và xây dựng hệ thống lý luận văn hóa, văn nghệ Việt Nam. Đề cao đạo đức phê bình, văn hóa tranh luận và ý thức trách nhiệm của người phê bình trước công chúng. Đổi mới phương thức hoạt động của các hội văn học - nghệ thuật.
Giải quyết hợp lý, hài hòa, bền vững giữa bảo tồn, phát huy di sản văn hóa với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Đầu tư bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa tiêu biểu trở thành những di sản có chất lượng cao về khoa học bảo tồn và môi trường văn hóa, phục vụ giáo dục truyền thống và phát triển kinh tế du lịch. Phát huy các di sản được UNESCO công nhận một cách bài bản, khoa học, góp phần quảng bá hình ảnh quốc gia. Thực hiện cơ chế, chính sách tôn vinh, đãi ngộ các nghệ sĩ, nghệ nhân tiêu biểu.
Nâng cao nhận thức, tri thức và ý thức chấp hành các quy định pháp luật về quyền tác giả và quyền liên quan trong cộng đồng, đặc biệt là đối với các tổ chức, cá nhân có quyền và nghĩa vụ liên quan. Củng cố, tăng cường năng lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan quản lý và cơ quan thực thi quyền tác giả từ Trung ương đến địa phương.
Chủ động và thích ứng với sự phát triển của công nghệ thông tin trong việc phát triển văn hóa, xây dựng con người. Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong hoạt động và quản lý hệ thống truyền thông đại chúng, các phương tiện truyền thông mới, vừa chặt chẽ về nguyên tắc, vừa cởi mở về cơ chế và hình thức, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về văn hóa, thông tin của nhân dân./.
Phát huy hơn nữa trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị đối với công tác dân vận trong tình hình mới  (29/10/2019)
Giải quyết mối quan hệ giữa quốc phòng, an ninh và đối ngoại - nghệ thuật lãnh đạo cách mạng  (28/10/2019)
Về phát triển nông thôn và vai trò của văn hóa trong phát triển nông thôn ở nước ta  (28/10/2019)
Quảng Trị giải quyết những vấn đề căn cơ trong xây dựng nông thôn mới, xóa đói, giảm nghèo bền vững  (27/09/2019)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên