TCCSĐT - Tác động của tình trạng biến đổi khí hậu đã, đang và sẽ tiếp tục gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái, hoạt động sản xuất nông, ngư nghiệp và đời sống của hàng triệu người dân trong vùng đồng bằng sông Cửu Long, vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp, thủy sản của cả nước, nhất là nông dân, ngư dân. Điều đó đòi hỏi phải có cách tiếp cận mới trong hoạch định và tổ chức thực hiện các chính sách phát triển nông nghiệp của vùng.

Tác động của biến đổi khí hậu đến sản xuất nông nghiệp và đời sống

Vùng đồng bằng sông Cửu Long có diện tích gần 4 triệu héc-ta, trong đó có trên 2,4 triệu héc-ta đất canh tác nông nghiệp và gần 700 nghìn héc-ta đất nuôi trồng thủy sản, hàng năm cung cấp khoảng 55% sản lượng gạo cả nước (trong đó, đóng góp 90% lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam ra thế giới), hơn 60% lượng thủy sản và hơn 70% lượng trái cây cho cả nước. Tuy nhiên, vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp, thủy sản của cả nước đã và đang đối diện với những thách thức, khó khăn do biến đổi khí hậu gây ra. Theo tính toán của Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong trường hợp mức nước biển dâng cao thêm 1m, diện tích đất bị ngập ở nhiều địa phương trong vùng như sau:

 

Những năm gần đây, ở đồng bằng sông Cửu Long, ngoài phần diện tích đất sản xuất bị mất do tác động của tiến trình đô thị hóa, chuyển đổi phương thức sử dụng đất không đúng mục đích,.. thì tình trạng xâm nhập mặn, hạn hán, sạt lở đất,… cũng đã làm mất đi nhiều diện tích đất nông nghiệp, giảm khả năng sản xuất nông nghiệp và thủy sản, ảnh hưởng đến sinh kế của một bộ phận không nhỏ cư dân nông thôn, ven biển. Tình trạng nhiệt độ trung bình hằng năm trong mùa khô gia tăng, lượng mưa đầu mùa giảm, lượng mưa cuối mùa và mưa lớn bất thường tăng, diện tích bị ngập mở rộng và số ngày ngập lũ tăng, mực nước biển dâng cao, diện tích bị xâm nhập mặn ngày càng nhiều, mực nước ngầm giảm, sạt lở đất ven song, ven biển ngày càng dữ dội… được dự báo sẽ tác động rất lớn đến môi trường, hệ sinh thái, sản xuất nông nghiệp cũng như tạo ra nhiều vấn đề khó khăn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng trong tương lai.

Theo dự báo của nhiều chuyên gia, nếu mực nước biển dâng cao thêm 1 m sẽ có 70% diện tích lúa ở đồng bằng sông Cửu Long bị nhiễm mặn, tức là sẽ mất đi khoảng 1,5 - 2 triệu héc-ta đất trồng lúa và nhiều địa phương sẽ bị nhấn chìm trong nước biển. Bên cạnh đó, thời tiết thay đổi thất thường làm tăng áp lực dịch hại trên nhiều loại cây trồng; dịch bệnh tăng cao, thậm chí có thể phát sinh một số loại sâu bệnh mới gây hại trong sản xuất cũng như trong quá trình bảo quản, sơ chế nông sản. Các tỉnh ven biển như: Bến Tre, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau… là những địa phương chịu tác động nặng nhất của biến đổi khí hậu.

Do tác động của biến đổi khí hậu, chế độ ngập lũ sông Mê Công khi đổ về hạ lưu ngày càng mãnh liệt, lượng mưa cuối mùa tăng làm cho diện tích đất ngập sâu ngày càng mở rộng. Triều cường kết hợp mưa nhiều làm hàng trăm nghìn ha đất nằm ngoài các đê bao tại nhiều địa phương trong vùng thường xuyên bị ngập từ 10 - 40 cm, chủ yếu là đất trồng cây ăn quả. Những năm gần đây, tình trạng khô hạn kéo dài, đặc biệt là vào mùa khô, nước mặn xâm nhập sâu vào nội đồng ngày càng diễn ra thường xuyên, không chỉ làm ảnh hưởng đến đời sống người dân mà còn làm cho diện tích canh tác nông nghiệp (lúa, màu, cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản) bị thu hẹp, năng suất và sản lượng bị suy giảm, sức đề kháng của nhiều loại cây trồng, vật nuôi giảm, tạo môi trường thuận lợi cho nhiều loại dịch hại bùng phát. Việc khai thác nguồn nước ngầm quá mức làm cho đồng bằng ngày càng bị sụt lún...

Nhìn chung, có thể nhận diện những tác động của biến đổi khí hậu đối với sản xuất nông nghiệp ở vùng đồng bằng sông Cửu Long trên các khía cạnh như sau:

Biến đổi khí hậu đã, đang và sẽ tác động đến an ninh nguồn nước, tác động mạnh đến nền kinh tế của vùng, đặc biệt là ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp như: năng suất, diện tích, sản lượng các loại cây trồng, vật nuôi khi không thích ứng kịp thời với hệ lụy do tình trạng biến đổi khí hậu và nước biển dâng gây ra (dễ nhận thấy nhất là nhiều công trình kết cấu hạ tầng - nhất là hạ tầng giao thông - bị hư hỏng, bị phá hủy). Từ đó, gây ra nhiều yếu tố bất lợi cho sản xuất, sinh kế và đời sống của người dân, kìm hãm sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.

Nông dân, ngư dân, diêm dân và thị dân nghèo là những đối tượng bị tổn thương nặng nề từ tác động của biến đổi khí hậu, do thiếu điều kiện, cơ hội để có được nguồn dinh dưỡng tối thiểu, thiếu khả năng sở hữu tài nguyên, thiếu khả năng tài chính, thiếu điều kiện tiếp cận thông tin để có thể ứng phó kịp thời với sự thay đổi của thời tiết, khí hậu.

Sẽ có sự di cư của nông dân ở các vùng ven biển bị tác động nặng nề do biến đổi khí hậu và nước biển dâng lên các đô thị vùng phía Bắc và phía Tây (như Châu Đốc, Long Xuyên, Cần Thơ, Vĩnh Long, Mỹ Tho, Tân An...). Điều này khiến các kế hoạch, quy hoạch đô thị bị phá vỡ; trật tự xã hội và môi trường đô thị sẽ bị xấu đi do sự gia tăng cơ học về dân số.

Một số vấn đề cần quan tâm trong phát triển nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long thời gian tới

Nghị quyết số 120/NQ-CP, ngày 17-11-2017 của Chính phủ “Về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu” đã xác định rõ quan điểm phát triển nông nghiệp vùng trong thời gian tới là: “Thay đổi tư duy phát triển, chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp thuần túy, chủ yếu là sản xuất lúa sang tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp đa dạng, đáp ứng nhu cầu của thị trường, chuyển từ phát triển theo số lượng sang chất lượng; xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển mạnh mẽ nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ và nông nghiệp sạch gắn với chuỗi giá trị và xây dựng thương hiệu; chú trọng phát triển công nghiệp chế biến và công nghiệp hỗ trợ gắn với phát triển kinh tế nông nghiệp. Các sản phẩm nông nghiệp không chỉ để bảo đảm an ninh lương thực mà còn có giá trị dinh dưỡng cao, phục vụ công tác phòng, chữa bệnh tạo nên những thương hiệu nổi tiếng”.

Trên cơ sở đó, mục tiêu được đề ra là phải xây dựng nông nghiệp, nông thôn vùng đồng bằng sông Cửu Long phát triển toàn diện, bền vững, thích ứng cao với biến đổi khí hậu; sản xuất các ngành đạt năng suất, chất lượng, giá trị và khả năng cạnh tranh cao; cơ cấu kinh tế và tổ chức sản xuất hợp lý; hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước hiện đại; thu nhập và đời sống của người dân ngày càng nâng cao; tài nguyên thiên nhiên được sử dụng hiệu quả; môi trường được bảo vệ và cải thiện,… Để đạt được mục tiêu này, thời gian tới cần chú trọng thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

Thứ nhất, đổi mới và tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, hình thành ý thức chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, sử dụng tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Đa dạng hóa hình thức, đổi mới nội dung, xác định các đối tượng ưu tiên tuyên truyền, giáo dục; đưa nội dung ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường vào chương trình đào tạo các cấp học phổ thông, đại học, đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý. Phổ biến kinh nghiệm, xây dựng năng lực, kỹ năng phòng tránh thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu cho mọi người dân, doanh nghiệp và toàn xã hội.

Nâng cao ý thức trách nhiệm về thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, các ngành, doanh nghiệp và mọi người dân. Xây dựng tiêu chí, chuẩn mực về bảo vệ môi trường trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cán bộ, đảng viên. Hình thành các thiết chế văn hoá, đạo đức môi trường trong xã hội. Thực hiện đánh giá, phân hạng về môi trường đối với các ngành, địa phương.

Thứ hai, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trong sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu, tăng cường công tác quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, điều chỉnh mùa vụ, kỹ thuật sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu trong toàn vùng và từng tiểu vùng. Tạo điều kiện bồi dưỡng kiến thức, nâng cao năng lực thích ứng, bảo đảm sinh kế cho người dân những vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, vùng thường xuyên bị tác động của thiên tai.

Quy hoạch những vùng cần bảo vệ bằng “công trình cứng” (khu vực xung yếu, đê biển ngăn mặn, đê sống bao bọc vùng đất canh tác) và vùng thích nghi với biến đổi khí hậu. Khôi phục rừng ngập mặn ven biển và rừng phòng hộ giữ nước mưa.

Quy hoạch lại hệ thống thủy lợi nội đồng ở các tỉnh trong vùng đồng bằng sông Cửu Long cho hợp lý để tiết kiệm nước ngọt. Nghiên cứu áp dụng giống lúa chịu mặn ở những nơi không giải quyết được thủy lợi, đồng thời xây dựng mô hình sản xuất mới để người dân có thể nhanh chóng thích nghi với điều kiện biến đổi khí hậu.

Có cơ chế, chính sách hợp lý khuyến khích phát triển các hợp tác xã nông nghiệp, trang trại, doanh nghiệp nông nghiệp; hoàn thiện chính sách ưu đãi về đất đai, tín dụng, thuế đối với các hợp tác xã nông nghiệp, trang trại, doanh nghiệp nông nghiệp, nhất là ở vùng sâu, vùng xa… Hỗ trợ kinh tế hộ gia đình phát triển sản xuất hàng hóa theo hướng mở rộng quy mô ruộng đất, nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh, từng bước phát triển ngành nghề dịch vụ nông thôn để tăng thu nhập.

Lắp đặt hệ thống quan trắc, cảnh báo ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nước biển dâng đối với nông nghiệp, nông thôn ở những khu vực nhạy cảm thuộc vùng ven biển, cửa sông. Từng bước đầu tư hoàn thiện hệ thống thủy lợi, hoàn chỉnh hệ thống đê biển, đê sông, hệ thống cống điều tiết và các hạ tầng kỹ thuật cần thiết khác phục vụ sản xuất nông nghiệp và đảm bảo đời sống của nhân dân.

Chú trọng ứng dụng công nghệ mới sử dụng năng lượng hiệu quả, tiết kiệm năng lượng; tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện gió); trồng và bảo vệ rừng; cải tiến kỹ thuật tưới tiêu trong nông nghiệp; thay đổi kỹ thuật canh tác giống, thời vụ; nâng cấp công trình thủy lợi, giao thông.

Thứ ba, rà soát, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất có xét đến những thay đổi của điều kiện biến đổi khí hậu và thiên tai.

Cần chú trọng công tác quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp, mặt nước thủy sản hiệu quả với sự xem xét tác động trước mắt và lâu dài của biến đổi khí hậu, đảm bảo nền sản xuất nông nghiệp - thủy sản ổn định và bền vững. Điều chỉnh lại quy hoạch sử dụng đất phải quan tâm đến vấn đề bảo vệ và bảo tồn các hệ sinh thái ven biển nhạy cảm nhằm phục vụ cho chiến lược thích ứng với biến đổi khí hậu, hướng tới hiệu quả bền vững, đặc biệt là về khai thác, đánh bắt thủy hải sản gần và xa bờ.

Quan trọng hơn, quy hoạch sử dụng đất cần được lồng ghép vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội để bảo đảm tính toàn diện, tránh mâu thuẫn với các mục tiêu ưu tiên và tránh để các mục tiêu này trở thành phi thích ứng. Tất cả các quy hoạch, kế hoạch phát triển mới nên thực hiện đánh giá tính dễ bị tổn thương trước biến đổi khí hậu để bảo đảm được tính “thích ứng với biến đổi khí hậu”.

Thứ tư, tăng cường công tác bảo vệ tài nguyên và môi trường nước.

Nâng cao nhận thức cộng đồng về sử dụng tiết kiệm, bền vững nguồn tài nguyên nước thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu. Sử dụng nguồn nước một cách khoa học và hợp lý trong sản xuất và sinh hoạt.

Nguồn tài nguyên nước ngọt ở đồng bằng sông Cửu Long đang suy giảm, nhất là tại các khu vực ven biển. Tình trạng này được dự báo sẽ còn gia tăng và trầm trọng hơn trong vài thập kỷ tới. Cường độ và tần suất các cơn bão, lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn được dự báo sẽ gia tăng, làm thay đổi cả về chất lượng và trữ lượng nguồn nước ngọt. Trong khi đó, hiện tại, các vấn đề về nguồn nước ngọt chưa được quan tâm đúng mức. Đây sẽ là mối đe dọa đến sự phát triển nông nghiệp, thủy sản, công nghiệp, thương mại - dịch vụ của vùng trong tương lai không xa. Vì thế, quản lý nguồn nước ngọt cần được xem là một mục tiêu ưu tiên hàng đầu trong những năm tới và đặc biệt được quan tâm tại các khu vực ven biển.

Thứ năm, chủ động thích ứng, chú trọng công tác thông tin, dự báo.

Ngoài các giải pháp nêu trên, để có thể xác định biện pháp thích ứng hữu hiệu với biến đổi khí hậu, các cấp quản lý và người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long cần chú trọng việc ghi nhận các hình thức thích nghi theo tri thức bản địa, tập quán địa phương; xác định các đối tượng chịu tổn thương, đánh giá mức độ tổn thương; tăng cường năng lực, nhận thức, ý thức và hành vi bảo vệ môi trường - sinh thái, giảm thiểu các tác nhân làm khí hậu xấu hơn; đề xuất và thử nghiệm các mô hình thích nghi với hoàn cảnh mới (chẳng hạn như các kiểu kiến trúc nhà, ngoại cảnh, các trang thiết bị phòng tránh thiên tai ở mức cộng đồng,…).

Song song đó, cần đẩy mạnh công tác nghiên cứu, chọn tạo các giống cây trồng và vật nuôi có khả năng chịu đựng ngưỡng thời tiết, khí hậu khắc nghiệt hơn, điều chỉnh lịch thời vụ và cơ cấu cây trồng - vật nuôi phù hợp với từng tiểu vùng; xây dựng quy chuẩn xây dựng cơ sở hạ tầng phù hợp với điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng trong tương lai; lồng ghép các biện pháp thích nghi với biến đổi khí hậu vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; xây dựng và duy trì mạng lưới thông tin, nâng cấp hệ thống cảnh báo thời tiết - thiên tai ở cấp độ quốc gia và địa phương.

Thứ sáu, đẩy mạnh hợp tác quốc tế, mở rộng đối tác hợp tác về ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ tài nguyên, môi trường.

Tăng cường thực hiện các điều ước quốc tế về biến đổi khí hậu và bảo vệ tài nguyên, môi trường mà Việt Nam là thành viên, trước hết là Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC), Công ước Liên hợp quốc về đa dạng sinh học (UNCBD), Công ước của Liên hợp quốc về chống suy thoái đất và sa mạc hóa (UNCCD); tích cực tham gia các diễn đàn khu vực và toàn cầu như Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN),....

Song song đó, tăng cường hợp tác, tham gia các điều ước quốc tế, các cam kết, thỏa thuận song phương, đa phương về biến đổi khí hậu và tài nguyên, môi trường. Chủ động đưa ra sáng kiến, xây dựng các thỏa thuận, hiệp định song phương và đa phương về ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ tài nguyên, môi trường; đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế và quốc gia, thường xuyên trao đổi, chia sẻ thông tin về thích ứng với biến đổi khí hậu với các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước./.