Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk - Một số kinh nghiệm trong công tác vận động đồng bào dân tộc thiểu số vùng biên giới
TCCS - Bộ đội Biên phòng Đắk Lắk được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ đoạn biên giới dài hơn 74 km, tiếp giáp với tỉnh Mon-dul-ki-ri (Cam-pu-chia). Đoạn biên giới của tỉnh đã cắm xong 7/7 vị trí mốc quốc giới (từ Mốc 41 đến Mốc 47); địa bàn biên phòng gồm 4 xã, thuộc 2 huyện biên giới, có 51 thôn, buôn với tổng số dân là 5.943 hộ /22.134 khẩu; có 24 dân tộc cùng sinh sống, chủ yếu là dân tộc Kinh, chiếm 59,27%, dân tộc thiểu số chiếm 40,73%, trong đó dân tộc thiểu số tại chỗ (Ê Đê; M’Nông; Gia Rai; Lào) chiếm 15,58%. Đồng bào dân tộc thiểu số trong địa bàn biên giới tập trung chủ yếu tại xã Krông Na, huyện Buôn Đôn và một phần tại xã Ia Rvê, xã Ia Lốp. Trên địa bàn có 7 tôn giáo với 1.044 tín đồ, trong đó có 3 tôn giáo chính (Phật giáo có 230 tín đồ; Công giá: 455 tín đồ; Tin lành: 369 tín đồ); các tín đồ chủ yếu tu tại gia, chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Trong những năm qua, trên địa bàn các xã biên giới của tỉnh luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư về kết cấu hạ tầng đường sá, kênh mương thủy lợi, điện thắp sáng, bệnh xá, trường học... và nhiều chương trình, dự án khác, do đó, đời sống của nhân dân từng bước được cải thiện. Bên cạnh đó, vẫn còn gặp nhiều khó khăn, bất cập: sản xuất chủ yếu thuần nông, thổ nhưỡng kém, năng suất thấp, nhiều nơi thiếu nước tưới tiêu chỉ sản xuất được một vụ, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, thời gian nông nhàn nhiều hộ gia đình phải đi làm ăn xa hoặc vào rừng săn bắt động vật rừng, khai thác lâm sản trái phép; nhận thức pháp luật của một bộ phận nhân dân còn hạn chế.
Trước những tình hình thực tế trên, để làm tốt công tác vận động quần chúng nhân dân trên địa bàn, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội khu vực biên giới, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường công tác vận động quần chúng, nắm chắc tình hình, phát hiện, ngăn chặn kịp thời các vụ việc xảy ra trên biên giới và địa bàn, nhất là các buôn đồng bào dân tộc thiểu số.
Thời gian qua, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 49-CT/TW, ngày 20-10-2015, của Ban Bí thư (khóa XI) “Về tăng cường và đổi mới công tác dân vận của Đảng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số”; đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/QUTW, ngày 26-01-2015 của Quân ủy Trung ương về “Tăng cường và đổi mới công tác dân vận của Quân đội trong tình hình mới”. Theo đó, Đảng ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh ban hành Nghị quyết số 207-NQ/ĐUBP, ngày 26-8-2015, về “Tăng cường và đổi mới công tác vận động quần chúng của Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk trong tình hình mới”. Lãnh đạo, chỉ đạo các Đồn Biên phòng chủ động tham mưu, phối hợp với các cấp ủy, chính quyền, địa phương, cơ quan, đơn vị tập trung củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị từ cơ sở; nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm cho cán bộ, chiến sĩ biên phòng trong tham gia công tác vận động quần chúng tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số; vận dụng linh hoạt các hình thức, phương pháp tuyên truyền, vận động: trên phương tiện thông tin đại chúng, tập trung lồng ghép, tuyên truyền cá biệt, nhỏ lẻ từng hộ dân, người dân.
Tăng cường lãnh đạo, giáo dục chính trị tư tưởng, phát huy bản chất, truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”; giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ trong Bộ đội Biên phòng tỉnh nhận thức đúng vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác dân tộc trong thời kỳ mới; nhận thức rõ âm mưu thủ đoạn của các thế lực thù địch, làm thất bại chiến lược “Diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch, giữ vững sự ổn định chính trị trong khu vực biên giới; tập trung bồi dưỡng, nâng cao năng lực tiến hành công tác vận động quần chúng vùng đồng bào dân tộc thiểu số cho đội ngũ cán bộ, nhân viên vận động quần chúng.
Các tổ, đội công tác biên phòng thường xuyên tăng cường xuống địa bàn, thực hiện phương châm “Ba bám, bốn cùng” (ba bám: Bám địa bàn; bám dân; bám cấp ủy, chính quyền địa phương và bốn cùng: Cùng ăn, cùng ở, cùng làm và cùng nói tiếng dân tộc). Để công tác vận động đồng bào dân tộc đạt được yêu cầu đề ra, người cán bộ, chiến sĩ biên phòng phải “nghe được dân nói, nói cho dân hiểu, làm cho dân tin”. Để thực hiện được điều đó, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã tổ chức được 8 lớp học tiếng dân tộc, có 199 cán bộ tham gia, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác vận động quần chúng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác vận động quần chúng trong tình hình mới.
Lựa chọn, bố trí, sử dụng những cán bộ biên phòng có uy tín, là người đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, am hiểu phong tục tập quán, truyền thống văn hóa địa phương về vùng đồng bào dân tộc thiểu số công tác, vùng địa bàn trọng điểm; tham mưu bố trí, cơ cấu số cán bộ là người dân tộc thiểu số trong hệ thống chính trị, hiện tại chiếm 33,6% tổng 4 xã biên giới, riêng xã Krông Na chiếm 55,2%.
Tranh thủ và phát huy vai trò của những người có uy tín trong đồng bào các dân tộc, bồi dưỡng các nội dung, các chủ trương cần phải tuyên truyền, thông qua đó làm cầu nối để nội dung cần tuyên truyền xuống được với đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ. Tranh thủ uy tín của chị em phụ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số: Do sự chi phối của chế độ mẫu hệ, nên người phụ nữ trong gia đình các dân tộc thiểu số cũng là mấu chốt rất quan trọng trong công tác tuyên truyền, vận động gia đình cùng thực hiện “gia đình phụ nữ không vi phạm Quy chế biên giới, vi phạm pháp luật”. Không ngừng củng cố lòng tin và xây dựng hình ảnh đẹp người chiến sĩ biên phòng trên tuyến biên giới.
Chỉ đạo thực hiện tốt công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ ở vùng đồng bào các dân tộc thiểu số theo Luật Nghĩa vụ quân sự. Thực hiện tốt chính sách dân tộc đối với cán bộ, chiến sĩ, quan tâm phát triển, bồi dưỡng xây dựng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số trong Bộ đội Biên phòng tỉnh. Tăng cường đoàn kết nội bộ, tạo điều kiện để quân nhân là con em đồng bào các dân tộc phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Hiện tại Bộ đội Biên phòng tỉnh có 45 sỹ quan là người dân tộc thiểu số, đa số có phẩm chất, năng lực chuyên môn nghiệp vụ, có uy tín cao. Từ năm 2010 đến nay, đã xem xét, lựa chọn, gửi đi học cử tuyển các trường trong Bộ đội Biên phòng được 12 đồng chí là người dân tộc thiểu số, ưu tiên con em những người có uy tín trên địa bàn các xã biên giới để tạo nguồn cán bộ phục vụ lâu dài trong lực lượng Bộ đội Biên phòng, đồng thời đã giáo dục, bồi dưỡng, kết nạp được 56 quân nhân người dân tộc thiểu số vào Đảng trong thời gian tại ngũ, tạo nguồn cho địa phương sau khi hết hạn nghĩa vụ quân sự.
Thường xuyên chủ động trong công tác phối hợp, tham gia cùng địa phương thực hiện có hiệu quả các phong trào, các cuộc vận động: xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, xóa bỏ hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan; tích cực tham gia và triển khai các chương trình, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn. Phong trào thi đua “Bộ đội Biên phòng chung sức xây dựng nông thôn mới”, giúp đỡ tạo điều kiện để đồng bào các dân tộc trên địa bàn biên giới phát triển kinh tế - xã hội với nhiều mô hình, việc làm giúp dân trên địa bàn có hiệu quả:
Thực hiện Chương trình “Nâng bước em tới trường”, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã nhận đỡ đầu 40 em học sinh từ lớp 1 đến hết lớp 12 của 4 xã biên giới có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trong đó có 21 em là người dân tộc thiểu số, với mức hỗ trợ cho các em 500.000 đồng/tháng (số tiền do cán bộ, chiến sĩ biên phòng tự nguyện quyên góp). Đã vận động được 156 em học sinh ra lớp học; vận động nhân dân ra học tại trung tâm học tập cộng đồng được 107 lớp với khoảng 9.500 lượt người tham gia; vận động, quyên góp trao tặng được 101 xe đạp cho các em học sinhcó hoàn cảnh khó khăn, trị giá trên 60 triệu đồng.
Phối hợp tuyên truyền, vận động xây dựng được 17/51 thôn, buôn đạt văn hóa, 3.919 gia đình văn hóa;. Quân y biên phòng khám bệnh, cấp thuốc miễn phí và kết hợp tuyên truyền cho nhân dân được 9.503 ca, trị giá thuốc 341,57 triệu đồng.
Phối hợp vận động, xây dựng được 102 căn nhà “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới”, tổng trị giá gần 4,6 tỷ đồng; 64 căn nhà tình nghĩa thuộc Chương trình “Nghĩa tình Trường sơn” trên địa bàn, trị giá gần 3 tỷ đồng; xây dựng và bàn giao 18 công trình dân sinh (14 giếng khoan, 2 phòng học, 2 phòng khám quân - dân y), trị giá trên 2 tỷ đồng, đưa vào sử dụng hiệu quả; làm mới sân, sửa chữa trường học trị giá 120 triệu đồng và xây dựng 01 nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng tại buôn Đrang Phốk giá trị 150 triệu đồng. Các chương trình trên đa số được thực hiện tại các buôn, thôn đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn.
Phối hợp với ngành giáo dục - đào tạo mở được 05 lớp “Xóa mù chữ”, có 115 người dân theo học. Kết quả của việc mở những lớp học “Xóa mù chữ” trên địa bàn các xã biên giới rất rõ ràng, nó phản ánh hai mặt cụ thể của một vấn đề. Mặt thứ nhất, về phía người dân: Bộ đội Biên phòng và ngành giáo dục - đào tạo đã làm cho người dân biết được mặt chữ, biết đọc, biết viết; việc đó đồng nghĩa với việc thay đổi quá trình nhận thức; xây dựng được ý thức giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của nhân dân trong khu vực biên giới. Mặt khác, về phía Bộ đội Biên phòng, khi nhận thức của người dân được nâng lên sẽ tạo được thuận lợi trong tuyên truyền các đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; tuyên truyền, vận động nhân dân, huy động sức mạnh tổng hợp của nhân dân trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, giữ vững an ning biên giới quốc gia. Vì nhân dân chính chỗ dựa, là tai mắt của Bộ đội Biên phòng. Để tuyên truyền, vận động của Bộ đội Biên phòng muốn đến được với người dân thì phải dựa vào chính quyền địa phương, những người có uy tín, có tiếng nói, già làng, trưởng thôn, buôn; những người am hiểu phong tục, tập quán, hiểu biết tiếng nói của địa phương để tuyên truyền, vận động...
Tham mưu chính quyền địa phương các xã biên giới củng cố xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở. Trước hết là vững mạnh về quốc phòng - an ninh, xây dựng thế trận biên phòng, nền biên phòng toàn dân vững chắc. Xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; kiên quyết đấu tranh chống những luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc kích động của các thế lực thù địch; đồng thời tuyên truyền vạch trần âm mưu thủ đoạn của địch lợi dụng vấn đề “dân tộc”, “tôn giáo” để chống phá Đảng, Nhà nước ta, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới. Tham mưu thành lập 51 tổ “Tự quản an ninh trật tự”/51 thôn, buôn với 312 thành viên; tự quản đường biên 424 hộ dân/59,9km; tự quản mốc quốc giới 74 hộ dân/04 mốc; phối hợp tuyên truyền, vận động thu, nộp 50 khẩu súng các loại.
Tham mưu và tham gia cùng cấp uỷ, chính quyền giải quyết dứt điểm các vụ việc phức tạp ngay từ cơ sở, nhất là vùng dân tộc thiểu số (khiếu kiện, tranh chấp đất đai, tuyên truyền đạo và sinh hoạt đạo trái pháp luật…) theo đúng đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, không để lan rộng, kéo dài, tạo kẽ hở để kẻ xấu lợi dụng kích động, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc.
Trên thực tế, do thực hiện đồng bộ các biện pháp công tác biên phòng, trong những năm qua, địa bàn luôn được giữ vững ổn định chính trị. Đặc biệt, trong thời gian xảy ra các cuộc biểu tình, bạo loạn chính trị năm 2001 và 2004 tập trung tại các tỉnh Tây Nguyên, trong đó có Đắk Lắk, song trên địa bàn các xã biên giới của tỉnh không có người đồng bào dân tộc thiểu số bị kẻ địch câu móc, lôi kéo, kích động tham gia biểu tình, bạo loạn hoặc tổ chức đưa đón, vượt biên qua Cam-pu-chia.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở những xã, huyện vùng biên trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk vẫn còn nhiều khó khăn, phát triển chưa đồng đều, chưa vững chắc. Tình hình tôn giáo, tín ngưỡng ở vùng dân tộc thiểu số phát triển khá đa dạng, phức tạp; trong đó, nhóm phái Tin lành chưa được công nhận đẩy mạnh tuyên truyền, lôi kéo, tranh giành tín đồ, củng cố ảnh hưởng; FULRO phục hồi sinh hoạt “Tin lành Đê ga”. Tranh chấp đất đai còn xảy ra ở nhiều nơi; khiếu kiện đông người, khiếu kiện vượt cấp xảy ra nhiều, diễn biến phức tạp, thậm chí có hành vi chống đối, manh động. Đời sống kinh tế của đồng bào dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn, năng suất lao động thấp, chậm phát triển so với tiềm năng. Dân trí trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn thấp. Đời sống văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số còn đơn điệu, trầm lắng. Các thế lực thù địch, phản động, nhất là FULRO vẫn không ngừng hoạt động chống phá ta; chúng lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để kích động chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân, chống Đảng, chống Nhà nước. Tình trạng người dân tộc thiểu số vượt biên, trốn ra nước ngoài vẫn còn xảy ra. Hoạt động của bọn tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật còn xảy ra nhiều, có lúc, có nơi diễn biến rất phức tạp.
Để giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, ngăn chặn kịp thời các hoạt động xâm phạm chủ quyền biên giới, lãnh thổ quốc gia, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, Bộ đội Biên phòng là lực lượng nòng cốt cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ chủ yếu sau:
Thứ nhất, thường xuyên đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức, cảnh giác cách mạng cho quần chúng nhân dân về vai trò của đồng bào các dân tộc thiểu số trong xây dựng tiềm lực quốc phòng trên địa bàn.
Tiếp tục đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị - tư tưởng, nâng cao nhận thức cho các tổ chức trong hệ thống chính trị và toàn dân; nhất là trong tổ chức đảng, chính quyền địa phương các cấp, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể chính trị - xã hội về chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước. Trước hết, lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh phải làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương và cùng với các lực lượng xây dựng thế trận biên phòng toàn dân vững chắc trong thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân trên các khu vực biên giới. Phát huy sức mạnh tổng hợp của quần chúng nhân dân, làm cho quần chúng nhân dân hiểu rõ thủ đoạn, âm mưu hoạt động của các thế lực thù địch. Đề xuất các phương hướng, biện pháp giải quyết những vấn đề nóng mới nảy sinh, giúp đỡ địa phương ổn định chính trị, phát triển kinh tế gắn với đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Tiếp tục đổi mới phương thức vận động quần chúng nhân dân phù hợp với điều kiện cụ thể từng địa bàn, từng đối tượng tuyên truyền vận động. Thực hiện tốt công tác này sẽ tạo sự chuyển biến mạnh mẽ cả về nhận thức và hành động của đồng bào dân tộc thiểu số vùng biên giới trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân nói chung, xây dựng tiềm lực quốc phòng, mà trước hết là xây dựng “thế trận lòng dân” nói riêng.
Thứ hai, phát huy vai trò tích cực của già làng, trưởng thôn, những người có uy tín trong cộng đồng.
Phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Đắk Lắk là một trong những nhiệm vụ quan trọng góp phần giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội vùng biên giới. Những người có uy tín chính là cầu nối để làm tốt công tác thông tin hai chiều giữa Bộ đội Biên phòng và cấp uỷ, chính quyền để nắm bắt tình hình, tâm tư nguyện vọng nhân dân trong khu dân cư, tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân các dân tộc trên địa bàn vùng biên giới thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Chính vì vậy Bộ đội Biên phòng tỉnh cần thường xuyên cung cấp thông tin cần thiết về tình hình thời sự chính trị, kinh tế - xã hội ở địa phương, trong nước, quốc tế cho người có uy tín; phổ biến, cập nhật các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước liên quan trực tiếp đến xây dựng khối đại đoàn kết, về chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo. Tập huấn cho người có uy tín kiến thức về quốc phòng, an ninh, về phòng chống tội phạm, buôn lậu, ma túy; về âm mưu thủ đoạn, phương thức hoạt động của các thế lực thù địch trong việc lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần thực hiện tốt phương châm “Mỗi người dân biên giới là một chiến sĩ Biên phòng”.
Thứ ba, coi trọng việc xây dựng lực lượng bảo vệ an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn khu vực biên giới.
Nâng cao năng lực đội ngũ làm công tác dân vận trong Bộ đội Biên phòng góp phần nắm bắt kịp thời tâm trạng, tư tưởng về dư luận xã hội của quần chúng nhân dân, trong đó có đồng bào các dân tộc thiểu số tại các vùng biên giới. Mặt khác, cần sự quan tâm, đầu tư của Đảng, Nhà nước trong việc tiếp tục xây dựng lực lượng chuyên trách theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, nâng cao chất lượng, hiệu quả các mặt công tác, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trong giai đoạn mới. Trong công tác bố trí cán bộ, cần có chính sách trọng dụng, đãi ngộ nhân tài, giúp cho cán bộ, chiến sĩ có động lực trong công tác và gắn bó với ngành, góp phần làm tốt công tác xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân với mục tiêu “An dân, nắm dân, giành và giữ dân”, được nhân dân luôn tin tưởng ủng hộ.
Thứ tư, tích cực tham gia xây dựng, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở khu vực biên giới.
Bộ đội Biên phòng tỉnh phải thường xuyên coi trọng lãnh đạo và chỉ đạo các đơn vị thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ tham gia xây dựng cơ sở chính trị ở các địa bàn vùng biên giới. Các đồn, tổ, đội, trạm công tác biên phòng tăng cường bám, nắm địa bàn, đẩy mạnh công tác vận động quần chúng, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng khác đứng chân trên địa bàn, cùng tham gia xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh. Chủ động tham mưu, đề xuất biện pháp duy trì nền nếp và nâng cao chất lượng hoạt động của chi bộ, chính quyền thôn, bản và các tổ chức chính trị - xã hội. Làm tốt công tác phát hiện, giới thiệu quần chúng ưu tú để các cấp ủy, tổ chức đảng bồi dưỡng, kết nạp; thực hiện tốt công tác phát triển đảng viên trong chiến sĩ nghĩa vụ để tạo nguồn cán bộ cho hệ thống chính trị cơ sở. Đồng thời, nghiên cứu, tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng chương trình, dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội kết hợp với tăng cường quốc phòng, an ninh và quản lý, bảo vệ biên giới. Tiếp tục đổi mới cải cách thủ tục hành chính, làm tốt công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát biên giới, cửa khẩu, bảo đảm thông thoáng, nhanh gọn, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động giao lưu, hợp tác hai bên biên giới./.
Các hoạt động trong ngày của Thủ tướng Chính phủ  (04/12/2018)
Hoạt động của Chủ tịch Quốc hội tại Hàn Quốc  (04/12/2018)
Ngọn lửa nhiệt huyết trong các doanh nghiệp vẫn không ngừng cháy bỏng  (04/12/2018)
Thủ tướng Chính phủ quyết định thi hành kỷ luật hai cán bộ  (04/12/2018)
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bắt đầu thăm chính thức Hàn Quốc  (04/12/2018)
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay