Ngọn lửa nhiệt huyết trong các doanh nghiệp vẫn không ngừng cháy bỏng
Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên - VBF 2018 với chủ đề “Chia sẻ cơ hội trong xu thế chuyển dịch thương mại toàn cầu” đã diễn ra sáng 04-12 tại Hà Nội, thu hút sự tham gia của các nhà quản lý, các đối tác nước ngoài của Việt Nam, cùng đông đảo các doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đến dự, trao đổi và có bài phát biểu quan trọng tại Diễn đàn.
Sau phiên khai mạc, VBF 2018 gồm có 3 phiên: Phiên 1: Nguồn lực đầu tư cho cơ sở hạ tầng; Phiên 2: Nâng cao kiến thức phục vụ ngành công nghiệp hiện đại; Phiên 3: Khắc phục những trở ngại đối với doanh nghiệp. Tại tất cả các phiên, sau khi nghe ý kiến của các nhóm công tác của VBF, đại diện cơ quan Chính phủ đều đã trao đổi phản hồi.
Hai điểm sáng của cải cách
Các đơn vị tổ chức sự kiện này đã tập hợp được 70 nhóm kiến nghị gửi tới Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương. Các phiên làm việc của Diễn đàn ghi nhận nhiều ý kiến của đại diện các Hiệp hội, doanh nghiệp thương mại quốc tế, ý kiến của các nhóm công tác. Theo TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao nỗ lực cải cách của Chính phủ trong năm qua, đặc biệt là ở 2 điểm sáng: Chương trình cải cách hành chính, cắt giảm 50% điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính kiểm tra chuyên ngành cùng những nỗ lực bước đầu trong việc xây dựng Chính phủ điện tử và nền kinh tế số.
Tuy vậy, theo TS. Vũ Tiến Lộc, kết quả vẫn chưa được như kỳ vọng. Tính đến tháng 9-2018, vẫn có tới 58% doanh nghiệp (theo khảo sát của VCCI) vẫn phải “xin” các loại giấy phép kinh doanh có điều kiện và 42% doanh nghiệp trong số đó cho biết họ gặp khó khăn khi xin giấy phép và chỉ có 13% thủ tục đăng ký kinh doanh được tiến hành trực tuyến, 68 thủ tục kiểm tra chuyên ngành có thể thực hiện được trên cổng thông tin một cửa quốc gia… Công tác thanh, kiểm tra có chuyển biến tích cực, nhưng tỷ lệ doanh nghiệp bị thanh, kiểm tra từ 2 lần trở lên trong năm vẫn còn tới 40%, tỷ lệ doanh nghiệp cho biết có sự trùng lặp về nội dung giữa các cuộc thanh kiểm tra còn 14%.
Trên cơ sở đó, Chủ tịch VCCI đề nghị, cần có sự thống nhất về tiêu chí cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh và kiểm tra chuyên ngành. Về cải cách thủ tục hành chính: Nên quy định doanh nghiệp chỉ cần nộp hồ sơ tại một cơ quan nhà nước và những thông tin về doanh nghiệp sẽ trao đổi tự động giữa các các cơ quan khác khi có yêu cầu mà không cần doanh nghiệp phải trình mỗi nơi một bộ hồ sơ. Tăng cường cơ chế giám sát, theo dõi, đánh giá cán bộ tiếp nhận và xử lý thủ tục hành chính của người dân và doanh nghiệp để tạo áp lực nâng cao trách nhiệm và tính chuyên nghiệp của họ.
Cùng với đó, các bộ, ngành và địa phương cần tăng cường công khai minh bạch thông tin trên website cơ quan chính quyền, đặc biệt là việc đăng tải đầy đủ các thông tin như các quy hoạch, kế hoạch phát triển, các dự án đầu tư công, đấu thầu, các dự án kêu gọi đầu tư, các dự án đối tác công tư...
Kênh đối thoại quan trọng giữa Chính phủ và doanh nghiệp
Phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng vui mừng chứng kiến “ngọn lửa nhiệt huyết trong các doanh nghiệp vẫn không ngừng cháy bỏng”; đồng thời khẳng định Diễn đàn là kênh đối thoại chính sách quan trọng giữa Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp.
Thủ tướng cho rằng, chính tinh thần doanh nhân và khí thế của cộng đồng doanh nghiệp là liều thuốc tinh thần động viên Chính phủ phải hành động mạnh mẽ hơn, đổi mới hơn và nhanh hơn nữa”.
Cho biết đã lắng nghe, ghi chép tất cả ý kiến mang tính xây dựng lẫn phê bình tại Diễn đàn, Thủ tướng nhận xét: Bao trùm lên tất cả là những tâm huyết, trăn trở và khát vọng lớn lao muốn đóng góp cho sự phát triển hùng cường của Việt Nam.
Phân tích những tác động mạnh mẽ từ những vấn đề chung của bối cảnh thương mại thế giới, Thủ tướng khẳng định: “chúng ta vẫn luôn tìm thấy các cơ hội hợp tác rộng mở với dòng chảy chính vẫn là hòa bình, hợp tác và toàn cầu hóa”.
Điểm lại những thành tích quan trọng của kinh tế Việt Nam, Thủ tướng nêu rõ, nền kinh tế quốc gia vẫn tiếp tục đạt mức tăng trưởng ấn tượng trong năm 2018, ước đạt khoảng 7%, cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực, là mức tăng trưởng cao nhất trong 10 năm qua.
Cùng với thành tựu đó, Việt Nam đã trở thành một “công xưởng lớn” của thế giới và là một điểm tựa cho nhiều tập đoàn lớn xuyên quốc gia cung ứng sản phẩm, dịch vụ cạnh tranh tại khu vực và trên toàn cầu. Sự hiện diện của nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới ở Việt Nam như Samsung, Intel, Canon, Fujitsu, Toyota, Honda, Nike, Vinacapital và hàng nghìn doanh nghiệp FDI khác là bảo chứng cho chất lượng môi trường đầu tư và triển vọng tăng trưởng của Việt Nam.
Doanh nghiệp Việt đang “giong buồm ra đại dương”
Thủ tướng khẳng định, sự lớn mạnh của nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân của Việt Nam đã cho thấy môi trường kinh doanh của Việt Nam hoàn toàn có thể ươm mầm nên những doanh nghiệp lớn, có tầm cỡ và khả năng cạnh tranh, là đối tác xứng tầm của các tập đoàn quốc tế.
Rất nhiều doanh nghiệp của Việt Nam giờ đây không còn chơi trên sân nhà nữa mà đã “giong buồm ra đại dương”, đang khẳng định vị thế cũng như năng lực cạnh tranh quốc tế của doanh nghiệp Việt Nam, Thủ tướng nói và viện dẫn có ngày càng nhiều sản phẩm của Việt Nam xuất hiện trên bản đồ xuất khẩu của thế giới. Việt Nam hiện có hơn 20 mặt hàng xuất khẩu có giá trị trên 1 tỷ USD với tiềm năng tăng trưởng giá trị của chuỗi cung ứng là rất lớn. Nhiều mặt hàng nông sản giữ vị trí top đầu trên thế giới như lúa gạo, hồ tiêu, cà phê, cá basa… Nhiều chuỗi cung ứng hoa quả, trái cây như thanh long, xoài, nhãn, vải, chôm chôm, bưởi,… thực hành theo quy trình nông nghiệp sạch, thông minh được xuất khẩu đi nhiều quốc gia, khu vực có tiêu chuẩn nhập khẩu nghiêm ngặt như Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia… "Mỏ vàng nông nghiệp" tiềm năng chưa được khai thác hết sẽ là tiềm năng thu hút đầu tư và hợp tác rất lớn mà Việt Nam trông đợi, Thủ tướng nhìn nhận.
Dịch chuyển “dòng hải lưu thương mại”
Đánh giá về chủ đề của Diễn đàn lần này: “sự dịch chuyển của thương mại toàn cầu”, Thủ tướng cho rằng chúng ta cần xem đây như là sự dịch chuyển tự nhiên của những dòng hải lưu. “Có những dòng hải lưu lạnh và cũng có những dòng hải lưu nóng, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể tận dụng những dòng “hải lưu thương mại” này để đẩy con thuyền của chúng ta đi nhanh hơn đến đích”.
Đi sâu hơn vào những dịch chuyển này, Thủ tướng liên hệ với thực tiễn 3 thập niên đổi mới của Việt Nam. Đến nay, có 16 hiệp định FTA đã và đang ký kết hoặc đang đàm phán cho thấy sự nhất quán trong đường lối tự do hóa và hội nhập kinh tế của Việt Nam. Các hiệp định này đang mở rộng cánh cửa của hơn 60 nền kinh tế, trong đó có 15/20 nước G20, là cơ hội được kết nối và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị và mạng lưới sản xuất toàn cầu.
“Có thể nói, giờ đây khi đứng ở Việt Nam, các doanh nghiệp có thể nhìn thấy hầu hết các thị trường lớn của thế giới. Việt Nam đóng vai trò như một cửa ngõ quan trọng bậc nhất”, Thủ tướng nói.
Gợi ý các doanh nghiệp cần nhìn nhận, phát huy lợi thế so sánh của mình để nâng cao sức cạnh tranh và để thành công, Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp Việt Nam nỗ lực nhiều hơn nữa, phát huy lợi thế so sánh; xóa bỏ tâm lý trông chờ sự hỗ trợ của Chính phủ, chủ động nắm bắt các cơ hội và xu hướng lớn đang mở ra, “phải học hỏi và sáng tạo không ngừng để trưởng thành và thành công hơn nữa”.
Cùng với đó, Thủ tướng cũng mong muốn các tập đoàn quốc tế, các doanh nghiệp FDI cởi mở hơn trong chính sách cung ứng của mình; tạo cơ hội nhiều hơn và hỗ trợ cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị; đặt niềm tin nhiều hơn vào năng lực của các doanh nghiệp Việt Nam.
Chính phủ nỗ lực khơi thông điểm nghẽn
Thủ tướng khẳng định, Chính phủ quyết tâm giữ vững sự ổn định chính trị, xã hội và nền tảng kinh tế vĩ mô. “Chính phủ cam kết sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa các cải cách về cơ cấu, nâng cao chất lượng thể chế và năng lực quản trị nhà nước (cả cấp trung ương và địa phương), cải cách doanh nghiệp Nhà nước, hệ thống tài chính, xử lý nợ xấu, quản lý nợ công,… Nỗ lực khơi thông các điểm nghẽn cho phát triển nhanh và bền vững hơn”.
Cùng với đó, Chính phủ tiếp tục tăng tốc cải thiện chất lượng môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Cho biết vừa qua Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 139 về Chương trình hành động cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương ưu tiên đưa các quan tâm của doanh nghiệp vào trong các chương trình nghị sự của mình, “phải đưa vấn đề của doanh nghiệp lên trang đầu trong quyển sổ tay điều hành của lãnh đạo”.
VBF là một cơ chế đối thoại liên tục và chặt chẽ giữa Chính phủ Việt Nam với cộng đồng các doanh nghiệp trong nước và quốc tế, nhằm cải thiện các điều kiện kinh doanh cần thiết để thúc đẩy sự phát triển của khối doanh nghiệp tư nhân, thuận lợi hóa môi trường đầu tư, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế bền vững của Việt Nam.
VBF có đồng hành và hợp tác chặt chẽ của Ngân hàng Thế giới, Tổ chức Tài chính quốc tế, các bộ, ngành, cơ quan liên quan, Liên minh Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam, các Nhóm công tác thuộc Diễn đàn, các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế, nhà tài trợ, hiệp hội doanh nghiệp, các cơ quan thông tấn, báo chí trong nước./.
Thủ tướng Chính phủ quyết định thi hành kỷ luật hai cán bộ  (04/12/2018)
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bắt đầu thăm chính thức Hàn Quốc  (04/12/2018)
Phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác tốt đẹp Việt Nam - Campuchia  (04/12/2018)
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lên đường thăm Hàn Quốc  (04/12/2018)
Thông báo kết quả thẩm tra Ban cán sự đảng Bộ Tài nguyên và Môi trường  (04/12/2018)
Thành phố Hồ Chí Minh: Tập trung giải quyết những bức xúc trong xã hội  (04/12/2018)
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay