TCCSĐT - Nhằm thúc đẩy quan hệ song phương, nhất là sau khi Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), Thủ tướng Anh T. May đã thực hiện chuyến thăm Trung Quốc trong 3 ngày từ 31-01 đến 02-02-2018. Đây là chuyến thăm chính thức đầu tiên đến Trung Quốc của Thủ tướng T. May kể từ khi bà nhậm chức hồi năm 2016.

Định hình lộ trình mới cho quan hệ song phương Anh - Trung Quốc

 
 Thủ tướng Anh T. May và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: China.org

Trong cuộc hội đàm tại Đại Lễ đường Nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường bày tỏ sự ủng hộ mối quan hệ song phương giữa Trung Quốc và Anh, đang được hai nước xem là “giai đoạn vàng son”. Về phần mình, Thủ tướng Anh T. May cam kết sẽ thúc đẩy quan hệ Trung Quốc - Anh sau Brexit, trong đó tính tới mọi cơ hội cho các mối quan hệ thương mại tương lai.

Tại cuộc hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, hai nhà lãnh đạo nhất trí thúc đẩy và thắt chặt mối quan hệ song phương trong kỷ nguyên mới.

Chủ tịch Tập Cận Bình cho rằng, Trung Quốc và Anh cần tuân theo xu thế của thời đại, phù hợp với nhu cầu của từng giai đoạn phát triển và hợp tác song phương, cũng như bổ sung ý nghĩa mới trong mối quan hệ song phương nhằm hướng đến một mối quan hệ của “kỷ nguyên vàng”. Thủ tướng T. May đã bày tỏ tin tưởng chuyến công du Trung Quốc lần này sẽ giúp thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược toàn cầu giữa hai nước.

Trung Quốc và Anh là hai quốc gia đã có mối quan hệ hợp tác từ lâu. Năm 2004, hai nước chính thức thiết lập mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Trong đó, vấn đề hợp tác kinh tế, thương mại là một trong những nội dung quan trọng nhất và là trụ cột chính thức thúc đẩy sự phát triển trong quan hệ hai nước. Đặc biệt, tháng 10-2015, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có chuyến thăm cấp nhà nước tới Vương quốc Anh theo lời mời của Nữ hoàng Elizabeth II. Chuyến thăm không chỉ đánh dấu bước phát triển mới, nâng quan hệ song phương lên mức “quan hệ đối tác chiến lược toàn diện toàn cầu” trong thế kỷ XXI.

Sau thời điểm Anh quyết định rời khỏi EU sau cuộc trưng cầu ý dân, chuyến thăm Trung Quốc của bà T. May được xem là thành công. Bởi lẽ tăng cường quan hệ với Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, luôn được xem là ưu tiên trong chương trình nghị sự của chính phủ Thủ tướng T. May nhằm thúc đẩy kế hoạch “vì một nước Anh toàn cầu”, tiến tới thiết lập những thỏa thuận thương mại và quan hệ đối tác ngoại giao mới trên khắp thế giới.

Anh hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của Trung Quốc trong EU và Trung Quốc cũng là đối tác thương mại ngoài EU lớn thứ hai của Anh. Về đầu tư, hơn 500 doanh nghiệp Trung Quốc đã mở văn phòng tại Anh, với tổng số 21,8 tỷ USD vốn đầu tư vào các dự án. Trung Quốc được cho sẽ là một trong những nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất của Anh vào năm 2020. GS. Kerry Brown - chuyên gia hàng đầu của Anh chuyên nghiên cứu về các vấn đề Trung Quốc, đồng thời là Viện trưởng Viện Lau China tại Trường King's College (London), từng nhận định chủ trương tăng cường kết nối và liên kết chặt chẽ hơn giai đoạn hậu Brexit giữa London và Bắc Kinh có thể mở ra cơ hội mới để quan hệ song phương trở nên vững chắc, hiệu quả và thiết thực hơn. Nếu Brexit diễn ra một cách suôn sẻ, chắc chắn hợp tác Anh và Trung Quốc trong các lĩnh vực thương mại, tài chính, cơ sở hạ tầng, dịch vụ, văn hoá và giao lưu nhân dân sẽ được tăng cường. Khi đó, Anh có thể trở thành đối tác thương mại chiến lược, một điểm đến đầu tư lớn hơn và một đối tác tài chính lớn hơn cho Trung Quốc.

Với những ý nghĩa đó, chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng Anh Theresa May ngoài việc thúc đẩy sự phát triển của giai đoạn vàng trong quan hệ giữa Trung Quốc và Anh còn định hình một lộ trình mới cho mối quan hệ song phương.

Bước tiến quan trọng trong tiến trình hòa giải dân tộc ở Syria

 
 Quang cảnh Đại hội. Ảnh: Reuters

Ngày 30-01, Đặc phái viên của Liên hợp quốc về Syria Staffan de Mistura hoan nghênh kết quả của Đại hội Đối thoại dân tộc Syria do Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran tại thành phố Sochi (Nga), coi đây là một đóng góp quan trọng đối với tiến trình hòa đàm Syria do Liên hợp quốc bảo trợ.

Nhằm đem tới một giải pháp hòa bình và chính trị cuối cùng, Đại hội đối thoại dân tộc Syria, dưới sự bảo trợ của Nga, đã diễn ra với sự tham dự của hơn 1.500 đại biểu gồm đại diện nhiều sắc tộc và các phe nhóm tham chiến ở Syria, các đại diện quốc tế và khu vực như Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Iraq, Trung Quốc, Ai Cập, Anh... cùng đặc phái viên Liên hợp quốc về Syria Staffan de Mistura.

Tại đại hội, các đại biểu đã tập trung trao đổi ý kiến về tình hình hiện tại, các giải pháp thoát khỏi khủng hoảng chính trị ở Syria và cùng tìm kiếm cơ hội lần đầu tiên tiếp xúc trực tiếp không qua trung gian giữa Chính phủ Syria và lực lượng đối lập, hướng tới mục tiêu khởi động đàm phán soạn thảo bản Hiến pháp tương lai cho Syria. Các bên tham dự Đại hội cũng khẳng định Nghị quyết số 2254 của Liên hợp quốc về Syria là văn kiện chính để giải quyết khủng hoảng tại đất nước Trung Đông này. Sau các cuộc thảo luận, Đại hội đã thông qua 3 văn kiện: tuyên bố kết thúc đại hội, thư kêu gọi của các đại biểu tham dự đại hội, cũng như danh sách ứng cử viên tham gia Ủy ban nghiên cứu các vấn đề liên quan đến soạn thảo Hiến pháp.

Đặc phái viên của Liên hợp quốc về Syria Staffan de Mistura nêu rõ, Đại hội Sochi đã giúp tiến trình hòa đàm Syria hoàn thành một mục tiêu là đưa chính phủ và phe đối lập cùng tham gia vào các cuộc đối thoại về vấn đề soạn thảo Hiến pháp mới. Về phần mình, Ngoại trưởng Nga S. Lavrov tuyên bố, Đại hội Đối thoại Dân tộc Syria là bước tiến quan trọng đầu tiên trong việc hòa giải dân tộc ở quốc gia Trung Đông này, và nhìn chung đã thành công.

Trong bối cảnh các vòng hòa đàm về Syria do Liên hợp quốc bảo trợ đã kéo dài suốt 2 năm qua mà chưa có đột phá, Đại hội đối thoại dân tộc Syria tại Sochi được kỳ vọng có thể đem tới một giải pháp hòa bình và chính trị cuối cùng, chấm dứt cuộc xung đột dai dẳng tại quốc gia Trung Đông này. Việc Đại hội Đối thoại dân tộc Syria lần này thống nhất thông qua danh sách ứng cử viên bao gồm cả đại diện của chính phủ Syria cũng như phe đối lập tham gia một ủy ban soạn thảo hiến pháp cải tổ được coi là cơ hội để các phe phái đối địch ở Syria ngồi chung một bàn đàm phán, mà không phải thông qua các cuộc gặp riêng rẽ với Đặc phái viên Liên hợp quốc về Syria như tại các vòng hòa đàm ở Geneva. Tiền đề này sẽ trở thành một hướng đi đúng đắn được dư luận hoan nghênh và thúc đẩy nhằm giúp người dân Syria tự quyết định tương lai của mình theo đúng Nghị quyết số 2254 của Liên hợp quốc. Bên cạnh đó, việc Liên hợp quốc công nhận tính hợp pháp của Đại hội tồn tại song song với các vòng đàm phán hòa bình của tổ chức này, đồng thời quyết định cử Đặc phái viên Liên hợp quốc về Syria S. Mistura tham gia và mong muốn đại hội đóng góp cho tiến trình tìm ra giải pháp hòa bình ở Syria mà Liên hợp quốc đang theo đuổi, là những bằng chứng cho thấy sự cần thiết của việc tổ chức cuộc đối thoại dân tộc Syria tại Sochi, và là động lực giúp cuộc đối thoại đạt kết quả.

“Xây dựng một nước Mỹ an toàn, mạnh mẽ và tự hào”

 
 Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: firenewsfeed.com

Thông điệp Liên bang năm 2018 của Tổng thống Mỹ D. Trump được xem là tâm điểm của đời sống chính trị nước Mỹ đầu năm 2018 và có thể sẽ định hình chương trình nghị sự của chính quyền và đảng Cộng hòa trong thời gian tới.

Tối 30-01 (theo giờ địa phương), Tổng thống Mỹ D. Trump đã đọc Thông điệp Liên bang 2018 trước lưỡng viện Quốc hội và các thành viên chính phủ. Đây là bản thông điệp liên bang đầu tiên của ông D. Trump sau một năm nắm cương vị người đứng đầu Nhà Trắng.

Ngay phần đầu bản thông điệp, Tổng thống D. Trump đã dành phần lớn thời gian để nêu bật những thành tựu mà chính quyền của ông đạt được trong năm cầm quyền đầu tiên. Tổng thống D. Trump đã đề cập đến những “bước tiến đáng kinh ngạc” và “những thành công phi thường” mà nước Mỹ đã đạt được trong năm qua. Mặc dù trong năm qua, nước Mỹ đã phải hứng chịu những khó khăn như những đợt thiên tai khắc nghiệt, hay những vụ xả súng đẫm máu gây ám ảnh và chia rẽ trong lòng nước Mỹ, tuy nhiên, qua đó, Tổng thống D. Trump đã đề cao tinh thần tương trợ lẫn nhau của người Mỹ trong khó khăn, thúc đẩy tình đoàn kết và thống nhất trong người dân, cùng nhau “xây dựng một nước Mỹ an toàn, mạnh mẽ và đầy tự hào”.

Điểm nhấn trong thành tựu mà Tổng thống D. Trump trình bày, đó chính là những thành quả của nền kinh tế Mỹ, một nền kinh tế được đánh giá là một trong những điểm sáng nhất trong kinh tế toàn cầu trong năm 2017. Trong năm 2017, nền kinh tế Mỹ đã tạo ra 2,4 triệu việc làm mới, trong đó có 200.000 việc làm trong lĩnh vực sản xuất. Tiền lương cũng đã tăng sau nhiều năm chững lại, trong khi tỷ lệ thất nghiệp xuống mức thấp nhất trong 45 năm qua. Đề cập tới thương mại, Tổng thống D. Trump nhấn mạnh: “Mỹ đã lật giở trang cũ trong nhiều thập niên các thỏa thuận thương mại không công bằng, vốn hy sinh sự thịnh vượng của chúng ta. Từ bây giờ, chúng ta hy vọng các mối quan hệ thương mại công bằng và quan trọng hơn là có qua có lại”.

Bên cạnh việc nêu bật những thành tựu quan trọng mà nước Mỹ đã đạt được trong năm vừa qua, bài phát biểu của Tổng thống D. Trump còn đề cập đến nhiều vấn đề khác nhau trong chương trình hành động mà vị chủ nhân Nhà Trắng hứa hẹn sẽ thực hiện trong thời gian tới. Một trong vấn đề được cho là quan trọng nhất trong chương trình hành động sắp tới, đó chính là chính sách nhập cư. Theo ông, chính sách nhập cư hiện hành vẫn còn “lỗ hổng”, khi điều mà ông gọi là “biên giới mở” của Mỹ đã cho phép những tay buôn ma túy tràn vào nước này, làm gia tăng số lượng súng đạn, tội phạm băng nhóm và cướp đi sinh mạng của người dân. Ông đề nghị các nghị sĩ lưỡng đảng tại hai viện Quốc hội cùng nhau “lấp lỗ hổng luật pháp”, thông qua các đạo luật mới sửa đổi luật di trú và đưa ra những hỗ trợ khác.

Về vấn đề quốc phòng, Tổng thống D. Trump đề xuất hiện đại hóa và tái xây dựng kho vũ khí hạt nhân nhằm gia tăng sức mạnh răn đe trước bất cứ hành động gây khấn nào. Về chính sách đối ngoại, Tổng thống D. Trump nêu rõ: “Chúng ta đang tái thiết sức mạnh và lòng tin ở trong nước. Song song với đó, chúng ta cũng đang khôi phục sức mạnh và vị thế ở bên ngoài”...

Kết thúc bản Thông điệp liên bang đầu tiên, Tổng thống D. Trump đã nhấn mạnh sự cống hiến của người dân Mỹ đối với thế giới qua việc thúc đẩy các thành tựu về khoa học, khám phá. Ông tin tưởng: “Đó là những người đã xây dựng nên đất nước này. Và đó sẽ là những người sẽ đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại”.

Bản thông điệp Liên bang của Tổng thống D. Trump lần này được đưa ra trong bối cảnh đảng Cộng hòa đang chịu sức ép rất lớn trong cuộc đua giành ghế Quốc hội Mỹ từ các đối thủ thuộc đảng Dân chủ. Nhìn chung, đánh giá về thông điệp liên bang đầu tiên của ông Trump trên cương vị Tổng thống Mỹ, dư luận cho rằng nội dung của nó không thực sự ấn tượng và không nằm ngoài dự đoán của giới truyền thông trước đó. Bài phát biểu này của ông Trump tiếp tục không nhận được sự ủng hộ của phe Dân chủ ở cả Thượng viện và Hạ viện. Ðiều này được nhận định sẽ là một khó khăn lớn đối với ông D. Trump trong việc tìm kiếm sự ủng hộ của phe Dân chủ đối với chương trình nghị sự của mình, đặc biệt trong bối cảnh ông D. Trump sắp phải đối diện với cuộc bầu cử quốc hội giữa kỳ nãm 2018, trong đó, phe Dân chủ đang giành ưu thế trước phe Cộng hòa vốn đang chiếm đa số ở lưỡng viện.

Nấc thang căng thẳng mới trong quan hệ Nga - Mỹ

 
 Ảnh minh họa. Ảnh: sputniknews.com

Bộ Tài chính Mỹ vừa công bố “Báo cáo Kremlin”, bao gồm danh sách các chính trị gia và doanh nhân Nga có thể bị áp dụng biện pháp trừng phạt mới của Washington khiến giới chức Nga cũng như cộng đồng quốc tế kịch liệt lên án và bày tỏ quan ngại. Động thái này của Mỹ cho thấy những căng thẳng ngoại giao giữa Mỹ và Nga đã bị đẩy lên nấc thang mới.

Ngày 30-01, Bộ trưởng Tài chính Mỹ S. Mnuchin cho biết, “Báo cáo Kremlin” mà Bộ Tài chính Mỹ vừa trình lên Quốc hội nước này trong khuôn khổ “Đạo luật chống các đối thủ của Mỹ thông qua cấm vận” (CAATSA). Trong một phiên điều trần trước Ủy ban Ngân hàng thuộc Thượng viện Mỹ, Bộ trưởng S. Mnuchin cho biết tuy Washington chưa áp đặt các biện pháp trừng phạt theo một luật mới được xây dựng nhằm trừng phạt Nga do cáo buộc can thiệp cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016, nhưng nước này coi “Báo cáo Kremlin” là bước đi ban đầu. Ông Mnuchin nhấn mạnh, “sẽ có những biện pháp trừng phạt được áp đặt sau báo cáo này”, đồng thời cho biết các lệnh trừng phạt có thể được công bố ngay trong tháng tới. “Báo cáo Kremlin” nêu tên của 210 cá nhân, trong đó có 114 chính trị gia và 96 doanh nhân, đáng nói là báo cáo gồm tất cả thành viên Chính phủ Nga, đứng đầu là Thủ tướng D. Medvedev.

Giới chức Nga đã kịch liệt lên án “Báo cáo Kremlin” của Mỹ, cho rằng đây là một nỗ lực mới của Washington nhằm áp lực với Moscow và gây tác động đến cuộc bầu cử sắp diễn ra tại nước này, qua đó, Mỹ đã vi phạm trắng trợn những nguyên tắc quan hệ song phương và khiến cho việc hợp tác thêm giữa Mỹ và Nga là bất khả thi. Tổng thống Nga V. Putin cho rằng, việc Mỹ công bố “Báo cáo Kremlin” là một “hành động không thân thiện” và “sẽ gây phức tạp tình hình vốn khó khăn của mối quan hệ Nga - Mỹ và tất nhiên gây phương hại các mối quan hệ quốc tế nói chung”. Tuy nhiên, ông V. Putin cũng nhấn mạnh rằng, Moscow hiện không lên kế hoạch trả đũa vụ việc này. Phó Thủ tướng Nga A. Dvorkovich tuyên bố nước này sẽ theo sát tình hình xung quanh “Báo cáo Kremlin” và sẽ đáp trả nếu cần thiết.

Cộng đồng quốc tế đã bày tỏ quan ngại trước việc Mỹ công bố “Báo cáo Kremlin”. Ông S. Meister, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung và Đông Âu của Quỹ Robert Bosch (Đức), đồng thời là thành viên của Ủy ban Chính sách Đối ngoại Đức, ngày 31-01 cho rằng, đây là một dấu hiệu rõ ràng về sự leo thang căng thẳng giữa Mỹ và Nga. Hiện nay tại Washington, cả quốc hội và chính phủ đều không quan tâm đến việc cải thiện mối quan hệ với Moscow. Đối với Liên minh châu Âu (EU) và Đức, điều này có thể dẫn tới gia tăng bất đồng trong mối quan hệ với Mỹ vì những mâu thuẫn trong chính sách trừng phạt”.

Có thể thấy rõ việc Bộ Tài chính Mỹ đưa vào “Báo cáo Kremlin” danh sách nhiều tỷ phú Nga nhằm làm giảm sự tác động của Chính phủ Nga vào nhiều vấn đề trước khi Moscow tiến hành cuộc bầu cử Tổng thống vào tháng 3 tới. Trong khi đó, những tháng gần đây, Nga đã nhiều lần cảnh báo Mỹ tìm cách can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Nga. Theo một số nguồn tin, số tiền mà Mỹ đã đổ vào các tổ chức dân sự ở Nga trước các kỳ bầu cử tổng thống Nga lên tới hàng tỷ USD. Thông qua sự tài trợ của Mỹ, nhiều cuộc biểu tình của phe đối lập cũng đã nổ ra.

Thậm chí, Bộ Ngoại giao Nga đã ra cảnh báo có thể ban hành lệnh cấm các nhà ngoại giao Mỹ được phép tham gia quan sát cuộc bầu cử Tổng thống Nga sắp tới. Căng thẳng giữa quan hệ Nga - Mỹ dường như sẽ khó hàn gắn và đi ngược lại lời hứa của Tổng thống D. Trump về việc cải thiện quan hệ giữa hai cựu thù thời Chiến tranh Lạnh./.