Làm gì để xử lý nợ xấu
Hỏi: Thưa ông, nên xử lý vấn đề nợ xấu vào thời điểm nào là thích hợp?
Trả lời: Theo các công bố chính thức, con số nợ xấu của nước ta đã lên tới mức khổng lồ, xấp xỉ 11% GDP của năm 2011, ngang với 2 lần mức tăng giá trị GDP của năm 2012. Vì vậy, xử lý nợ xấu trở thành vấn đề cần thiết của đất nước.
Hiện nay là thời điểm rất thích hợp để giải quyết vấn đề này. Vì, lãi suất các khoản vay mới, kể cả các khoản vay cũ đang giảm xuống một cách khách quan theo đà giảm lạm phát, cũng như bởi sức ép từ sự trì trệ của nền kinh tế. Lãi suất cho vay bình quân đã giảm xuống ở mức “8+2,5”%/năm, được giới hạn bởi trần huy động và chi phí hợp lý của hoạt động tín dụng ngân hàng, trong đó trần huy động được hỗ trợ giảm và có xu hướng tiếp tục giảm nhờ tốc độ tăng lạm phát giảm mạnh ở những tháng cuối năm (chỉ ở mức 6,78%). Điều này tạo cơ hội tốt để xử lý nợ xấu bởi nhờ mức lãi suất giảm sẽ kích hoạt hoạt động sản xuất, giảm tồn kho, huy động trái phiếu lãi suất thấp, đánh giá giá trị khoản nợ thấp và thu hút được các nhân tố trong và ngoài nước cùng tham gia thị trường nợ. Do đó, chúng ta cần hết sức tận dụng xu thế lãi suất thấp và chương trình tái cấu trúc tổ chức tín dụng, doanh nghiệp nhà nước để giải quyết mối quan ngại trên.
Hỏi: Quan điểm của ông về việc giải quyết nợ xấu là thế nào?
Trả lời: Việc mà Nhà nước cần làm ngay đối với vấn đề này, theo quan điểm của tôi là, ban hành một bộ quy tắc khung cho cơ chế xử lý nợ xấu theo các nguyên tắc sau:
- Nguyên tắc bao trùm của xử lý nợ xấu là không dùng ngân sách nhà nước cũng như không thể in tiền ra để mua nợ xấu cho con nợ cho dù con nợ đó là thể nhân, pháp nhân hay thành phần kinh tế nào.
- Nguồn để xử lý nợ xấu phải theo nguyên tắc lấy thị trường nuôi thị trường bằng cách tạo ra thị trường nợ thứ cấp để sử dụng đồng bộ các thiết chế quản trị nợ sẵn có, các công cụ tài chính phi tiền tệ, công cụ tiền tệ và cả phương tiện phi vật chất, như: không gian, thời gian, kinh nghiệm và uy tín để tạo nguồn xử lý nợ xấu.
Hỏi: Vậy cần có những giải pháp cụ thể gì để giải quyết nợ xấu, thưa ông?
Trả lời: Về xử lý, phải phân loại để có giải pháp thích ứng với từng loại nợ xấu. Các tổ chức tín dụng cần tiến hành xử lý nợ xấu theo thứ tự các giải pháp từ truyền thống đến sáng tạo mới như sau:
- Hai bên chủ nợ (tổ chức tín dụng) và con nợ trực tiếp đàm phán để giảm lãi, hay giảm cho phần gốc, hoặc kéo dài thêm thời gian, tìm bên bảo lãnh để có thể vay thêm nhằm đáp ứng vòng đời có tính khả thi của sản phẩm;
- Thu hồi qua phát mại tài sản tùy theo của loại tài sản;
- Truy cứu trách nhiệm của khách hàng hay bên “A” của con nợ;
- Xem xét khả năng chuyển nợ của con nợ thành vốn góp của chủ nợ/và hoặc đề xuất cơ chế mua trái phiếu của doanh nghiệp con nợ với sự bảo lãnh của bên thứ 3 bằng chính số nợ để chủ nợ dùng thời gian đòi nợ theo kỳ hạn của trái phiếu;
- Bù đắp hay xóa nợ bằng nguồn dự phòng rủi ro của tổ chức tín dụng nếu con nợ bất khả kháng;
- Một phần nợ khác, nếu có thể thu hồi, tổ chức tín dụng cùng con nợ dàn xếp/tìm bán cho doanh nghiệp cùng ngành nghề để liên doanh và tạo nguồn trả nợ ngân hàng;
- Chủ nợ và con nợ cùng tìm khách hàng được vay tiêu dùng có điều kiện để con nợ đó tiêu thụ được hàng hóa thanh toán qua ngân hàng bằng tín dụng tiêu dùng chỉ định với lãi suất thấp nhằm xử lý nợ;
- Có những món nợ do quá đặc thù, quá lớn và/hoặc đã sử dụng hết các giải pháp nói trên mà chưa thể đòi được (đặc biệt rơi vào con nợ đang “ôm” bất động sản), thì con nợ có thể bán nợ cho công ty mua bán nợ đã có sẵn của tổ chức tín dụng để chứng khoán hóa ngay/hoặc tái cấu trúc lại nợ nhằm phát hành chứng khoán trả nợ theo thời gian. Riêng với những món nợ xấu mà tổ chức tín dụng cho vay theo quan hệ “liên doanh”, quan hệ "sân sau" hay quan hệ “cổ đông lớn”… thì nội bộ tổ chức tín dụng và các nhóm lợi ích phải công khai, tự nêu giải pháp và quy kết trách nhiệm rõ ràng. Nếu món nợ này liên quan đến lợi ích quốc gia, lợi ích người gửi tiền và không còn khả năng trả nợ thì cho phép phá sản. Lúc này hơn lúc nào hết, cần chỉ ra những vi phạm về các quy định nhằm hạn chế sự chi phối, thao túng của cổ đông lớn. Đồng thời, phải quy trách nhiệm và kiên quyết xử lý những cổ đông lớn liên quan đến việc vi phạm các quy định về giới hạn sở hữu cổ phần hoặc giới hạn tín dụng nhằm mục đích “lái” dòng tín dụng và đầu tư của ngân hàng thương mại cổ phần sang các nhóm lợi ích. Tiếp theo, nên giảm số lượng những tổ chức tín dụng yếu, tăng tỷ trọng sở hữu vốn điều lệ cho những tổ chức tín dụng nước ngoài khi tham gia sở hữu ở tổ chức tín dụng trong nước.
Hỏi: Được biết, ở các nước kinh tế thị trường phát triển thường hay thành lập công ty mua bán nợ tư nhân, ông có ý kiến gì xung quanh việc thành lập các công ty kiểu như vậy?
Trả lời: Việc xử lý nợ xấu thông qua công ty mua bán nợ là một cơ chế rất phổ biến trong các nền kinh tế thị trường - nơi mà Nhà nước, tư nhân hay bất kỳ thành phần kinh tế nào khác đều bình đẳng trước pháp luật. Đặc biệt, tài sản/nguồn lực của các thành phần chủ sở hữu đó đều được vốn hóa hoặc luôn được xếp hạng, định giá cập nhật theo giá thị trường (kể cả khi ngân sách nhà nước hay thậm chí ngân hàng trung ương bỏ tiền ra mua nợ rồi thoái vốn cũng hoàn toàn dựa theo cơ chế thị trường). Tuy nhiên, tất cả điều này đều phải được tiên liệu trước (là sẽ hòa vốn hoặc có lãi) và phải được quốc hội phê chuẩn để luật hóa mới được thực hiện.
Ngoài ra, ở các nền kinh tế này luôn có những công ty chuyên mua bán nợ (còn gọi là các công ty “kền kền”), thực chất hoàn toàn là những công ty tư nhân, hoạt động theo cơ chế thị trường. Ở Việt Nam chưa có loại công ty này, và theo tôi cũng chưa nên cho ra đời loại công ty này một cách vội vàng trong bối cảnh hiện nay. Bởi vì, thực tế nội hàm nhiều chính sách thị trường đối với các thành phần kinh tế của chúng ta chưa thật bình đẳng, chưa hoàn hảo, nên việc ra đời loại công ty “kền kền” tư nhân này sẽ rất dễ dẫn đến tình trạng được hợp thức hóa khi nó “thò vòi” vào khu vực các doanh nghiệp nhà nước để săn lùng những “xác chết” bởi khu vực này đang có nợ xấu lớn nhất và cũng là nơi mà giá trị tài sản thế chấp trên sổ sách thường được định giá rất thấp (căn bản chưa bao gồm giá đất, giá thương hiệu, giá nguồn nhân lực giàu kinh nghiệm...).
Theo tôi, trước khi cho ra đời các loại công ty tư nhân độc lập chuyên mua bán nợ ở nước ta thì cần phải hoàn thiện môi trường pháp lý và phải trị giá hóa các nguồn tài lực, trí lực và vật lực của khu vực kinh tế nhà nước, hàng hóa hóa các nguồn lực đó.
Với những giải pháp đồng bộ trên cùng sự hỗ trợ của xu hướng lãi suất và lạm phát giảm, thì lúc đó vấn đề nợ sẽ được xử lý một cách hợp lý./.
Người đảng viên bình dị (04/01/2013)
Người đảng viên bình dị (04/01/2013)
Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 (04/01/2013)
Bế mạc kỳ họp thứ 6 Hội đồng Lý luận Trung ương (04/01/2013)
- Bộ đội Biên phòng với các giải pháp đột phá để xây dựng “thế trận lòng dân” khu vực biên giới trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
- Đổi mới tư duy pháp lý về an ninh mạng trong kỷ nguyên mới
- Thành phố Đà Nẵng phát huy tiềm năng, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, tiên phong, đột phá, phát huy vai trò trung tâm kinh tế vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ
- Sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, giảm tầng nấc trung gian, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, quản lý
- Phát triển nhân lực khoa học, công nghệ Việt Nam trong bối cảnh chuyển đổi số
-
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Cách mạng công nghiệp 4.0 - Cơ hội và thách thức của giai cấp công nhân Việt Nam hiện nay