Cơ sở lý luận và thực tiễn để xây dựng và thực hiện hệ thống chính sách an sinh xã hội trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế
Hệ thống chính sách ASXH có nội dung rất rộng và ngày càng được hoàn thiện trong quá trình phát triển của nhận thức và thực tiễn xã hội. Đã có nhiều công trình nghiên cứu về hệ thống chính sách ASXH, song nhận thức và quan niệm về ASXH cũng còn rất khác nhau.
Hiện nay, nhiều nước dùng khái niệm ASXH của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO). Nói chung hệ thống chính sách ASXH có 2 chức năng rất cơ bản là: 1- Bảo đảm an toàn cho mọi thành viên trong xã hội ở mức tối thiểu về thu nhập, dịch vụ y tế và xã hội; 2 - Duy trì thu nhập cho các thành viên xã hội đang hoạt động kinh tế hoặc mọi công dân khi về hưu duy trì được mức sống hiện tại trong các trường hợp thất nghiệp, ốm đau, thai sản, tuổi già, tàn tật, mà không có khả năng tạo thu nhập.
Mô hình cấu trúc hệ thống an sinh xã hội trong kinh tế thị trường
Trong điều kiện kinh tế thị trường phát triển như hiện nay, mô hình hệ thống chính sách ASXH được hình thành rõ và phụ thuộc vào các mô hình phát triển của mỗi quốc gia. Tựu trung, có ba mô hình khá điển hình là: mô hình kinh tế thị trường tự do (Mỹ); mô hình kinh tế thị trường xã hội (CHLB Đức) và mô hình nhà nước phúc lợi (Thụy Điển).
Tuy nhiên, xu hướng chung của các nước trên thế giới ngày nay là lựa chọn mô hình hệ thống ASXH hoàn chỉnh và hiệu quả, kết hợp đề cao trách nhiệm của cá nhân, cộng đồng và nhà nước. Đó là một hệ thống chính sách ASXH đa tầng, linh hoạt và có thể hỗ trợ lẫn nhau, bảo đảm phòng ngừa, giảm thiểu và khắc phục được các rủi ro cho mọi người, không một ai bị gạt ra bên lề xã hội.
Theo quan niệm của Liên hợp quốc, hệ thống chính sách ASXH bao gồm các bộ phận cấu thành (các trụ cột) cơ bản sau đây: Hệ thống bảo hiểm xã hội (hưu trí, bảo hiểm y tế, chế độ trợ cấp, BHXH ngắn hạn); hệ thống trợ giúp xã hội (trợ cấp xóa đói, giảm nghèo, hỗ trợ nhóm yếu thế...); hệ thống trợ cấp xã hội chung (trợ cấp gia đình, dịch vụ y tế công cộng, trợ cấp người cao tuổi...); hệ thống trợ cấp tư nhân.
Nguyên tắc cơ bản của hệ thống chính sách ASXH là: Toàn dân (quyền cho mọi người); chia sẻ (gắn bó, đoàn kết, liên kết, tương trợ, bù đắp); công bằng và bền vững (trách nhiệm và quyền lợi, đóng góp và hưởng lợi); tăng cường trách nhiệm các chủ thể (thúc đẩy nỗ lực của các chủ thể).
Ủy ban Kinh tế - xã hội khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Liên hợp quốc (ESCAP) đưa ra một mô hình khái quát về cấu trúc hệ thống chính sách ASXH gồm hai cấp độ: cấp độ cơ bản là BHXH và cấp độ thứ cấp là bảo trợ xã hội. Nhiều nhà khoa học của các nước ASEAN đã đưa ra khái niệm mở rộng về ASXH với hệ thống chính sách ASXH bao gồm: Hệ thống BHXH và tiết kiệm; trợ giúp xã hội và những dịch vụ xã hội (trợ cấp); chính sách thị trường lao động (bao gồm cả thị trường lao động tích cực và thụ động).
Những năm gần đây, quốc tế đưa thêm khái niệm mới - lưới an toàn xã hội (Social Safty Net) vào hệ thống chính sách ASXH. Hệ thống cấu trúc chính sách ASXH với khái niệm này bao gồm: chính sách thị trường lao động và việc làm; chính sách bảo hiểm xã hội (bao gồm cả bảo hiểm thất nghiệp), bảo hiểm y tế; chính sách trợ giúp xã hội; chương trình lưới an toàn xã hội (có tính tạm thời).
Năm 2011, Liên hợp quốc mà nòng cốt là ILO và Tổ chức Y tế thế giới, đã đưa ra sáng kiến “Sàn an sinh xã hội” (Social Protection Floor) và định nghĩa: Sàn ASXH là một tập hợp các chuyển nhượng ASXH cơ bản và dịch vụ cốt lõi trong lĩnh vực y tế, nước sạch và vệ sinh, giáo dục, thực phẩm, nhà ở, thông tin cứu trợ người và tài sản. Sàn ASXH nhấn mạnh đến yêu cầu thực hiện các chính sách ASXH toàn diện, có sự lồng ghép và điều phối để bảo đảm các dịch vụ và chuyển nhượng thu nhập trong suốt chu kỳ đời sống, trong đó đặc biệt chú trọng đến nhóm người dễ bị tổn thương. Vậy nên, mỗi quốc gia có thể lựa chọn một mô hình hệ thống chính sách ASXH phù hợp với đặc điểm, đặc thù của mình, nhưng hệ thống đó cần được đặt trong điều kiện kinh tế thị trường và tính đến yếu tố hội nhập quốc tế trong xu thế toàn cầu hóa.
An sinh xã hội trong các nghị quyết của Đảng và chính sách của Nhà nước
Đối với Việt Nam, thuật ngữ “An sinh xã hội” mới chỉ được chính thức sử dụng những năm gần đây, song Đảng và Nhà nước ta đã có nhận thức rất sớm về chính sách ASXH trong kinh tế thị trường và đặt nó trong tổng thể hệ thống chính sách xã hội hướng vào mục tiêu phát triển con người.
Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (năm 1991) đã khẳng định: “Chính sách xã hội bảo đảm và không ngừng nâng cao đời sống vật chất của mọi thành viên trong xã hội về ăn, ở, đi lại, học tập, nghỉ ngơi, chữa bệnh và nâng cao thể chất... Có chính sách bảo trợ và điều tiết hợp lý thu nhập giữa các bộ phận dân cư, các ngành và các vùng”.
Thuật ngữ ASXH được chính thức sử dụng trong Văn kiện Đại hội IX của Đảng (tháng 4-2001): “Khẩn trương mở rộng hệ thống bảo hiểm xã hội và an sinh xã hội. Sớm xây dựng và thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp”.
Đại hội X của Đảng đã đưa ra tư tưởng chỉ đạo có tính định hướng chiến lược là: “Thực hiện tốt chính sách xã hội trên cơ sơ phát triển kinh tế, gắn quyền lợi với nghĩa vụ, cống hiến với hưởng thụ, tạo động lực mạnh mẽ hơn cho phát triển kinh tế - xã hội” và nêu ra chủ trương lớn: “Xây dựng hệ thống an sinh xã hội đa dạng, phát triển mạnh hệ thống bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân…; đa dạng hóa các loại hình cứu trợ xã hội”. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (khóa X) một lần nữa nhấn mạnh: “Từng bước mở rộng và cải thiện hệ thống an sinh xã hội để đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu đa dạng của mọi tầng lớp nhân dân trong xã hội, nhất là của nhóm đối tượng chính sách, đối tượng nghèo”.
Đến Đại hội XI, nhận thức của Đảng ta về hệ thống chính sách ASXH tiếp tục được hoàn thiện và nâng lên tầm chiến lược về phát triển hệ thống chính sách ASXH trong giai đoạn mới, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN) và chủ động, tích cực hội nhập quốc tế. Nghị quyết Đại hội XI của Đảng chỉ rõ: “Tạo bước tiến rõ rệt về thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, giảm tỷ lệ hộ nghèo; cải thiện điều kiện chăm sóc sức khỏe nhân dân”.
Cho đến nay, tuy Việt Nam chưa có một hệ thống chính sách ASXH hoàn chỉnh, nhưng Nhà nước đã thể chế hóa nghị quyết của Đảng, đã ban hành trên 70 loại chính sách về lĩnh vực ASXH liên quan đến các đối tượng khác nhau, từng bước phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế. Các chính sách này có thể nhóm lại như sau:
Chính sách thị trường lao động, một trong những trụ cột cơ bản của hệ thống ASXH ở Việt Nam, không ngừng được đổi mới và hoàn thiện. Chính sách thị trường lao động được xây dựng và ban hành tương đối đồng bộ, phù hợp với kinh tế thị trường và yêu cầu của hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là khi ra nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Quốc hội đã thông qua Bộ luật Lao động đầu tiên của Việt Nam (có hiệu lực từ ngày 1-1-1995) và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động (năm 2002, 2006 và 2007) đã thể chế hóa những nội dung cơ bản liên quan đến quan hệ lao động, thị trường lao động và việc làm.
Nhiều luật mới chuyên ngành được xây dựng và thực hiện, như Luật Dạy nghề, Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, Luật BHXH (BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện và BH thất nghiệp), Luật Bảo hiểm y tế (BHYT), Luật Bình đẳng giới... nhằm tiếp tục hoàn thiện thể chế, tạo hành lang pháp lý cho các hoạt động trên thị trường lao động. Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ và thúc đẩy tạo việc làm cũng được ban hành và thực hiện. Nhà nước rất coi trọng xây dựng và thực hiện các chương trình mục tiêu để tập trung nguồn lực giải quyết những vấn đề bức xúc nhất về thị trường lao động - việc làm. Các chương trình này hướng vào hỗ trợ người thất nghiệp, người chưa có việc làm, người nghèo và nhóm xã hội yếu thế tự tạo việc làm hoặc tìm việc làm trên thị trường lao động nhằm bảo đảm ASXH cho họ.
Bảo hiểm xã hội, BHYT là trụ cột cơ bản nhất của hệ thống ASXH ở nước ra. Năm 1961, Điều lệ Bảo hiểm xã hội đầu tiên được ban hành kèm theo Nghị định số 218/CP để áp dụng đối với công nhân, viên chức nhà nước và lực lượng vũ trang. Năm 1985, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Nghị định số 236/HĐBT về bảo hiểm xã hội. Năm 1995, Chương XII của Bộ luật Lao động quy định những nguyên tắc chung nhất về BHXH. Năm 2003, Nghị định số 01/2003/NĐ-CP đã sửa đổi, bổ sung một số điều của Điều lệ BHXH, trong đó mở rộng đối tượng tham gia BHXH. Luật BHXH được thông qua năm 2006 (có hiệu lực từ ngày 1-1-2007) đã mở rộng thêm BHXH tự nguyện (ngày 1-1-2008) với 2 chế độ là hưu trí và tử tuất đối với đối tượng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc và bảo hiểm thất nghiệp (áp dụng từ ngày 1-1-2009) đối với đối tượng có hợp đồng lao động từ 12 tháng trở lên.
Từ năm 1992 đến năm 2005, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 299/HĐBT ngày 15-8-1992, Nghị định số 58/1998/NĐ-CP ngày 13-8-1998 và Nghị định số 63/2005/NĐ-CP ngày 16-5-2005 về bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân trên cơ sở đóng góp của cộng đồng. Luật BHYT được Quốc hội phê chuẩn ngày 14-11-2008 (có hiệu lực từ ngày 1-7-2009) hướng tới mục tiêu BHYT toàn dân vào năm 2014.
Có thể nói, đến nay, hệ thống chính sách ASXH ở Việt Nam cơ bản có khả năng bảo vệ, khắc phục rủi ro cho người lao động, người dân trong cơ chế thị trường và rủi ro xã hội khác, được nhân dân đồng thuận, đang đi vào cuộc sống và góp phần quan trọng bảo đảm ASXH cho người dân trong cơ chế kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế.
Một số khuyến nghị
1 - Về quan điểm, phát triển hệ thống chính sách ASXH phải đặt trong tổng thể chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và phù hợp với khả năng của nền kinh tế. Xây dựng hệ thống chính sách ASXH đa tầng, linh hoạt và có thể hỗ trợ lẫn nhau. Bảo đảm quyền và nghĩa vụ cơ bản của mọi người dân, nhưng cần có trọng tâm, trọng điểm, trong đó đặc biệt chú ý đến trẻ em nghèo, người nghèo, người dân tộc thiểu số, vùng nông thôn khó khăn, nhóm xã hội yếu thế, lao động di cư, bộ phận dân cư bị mất sinh kế vì những lý do khác nhau; nâng cao năng lực tự an sinh cho mọi người. Phát triển hệ thống chính sách ASXH là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và của mọi người dân. Trong đó, Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong việc tổ chức thực hiện chính sách; đồng thời mở rộng sự tham gia của các đối tác xã hội thông qua các cơ chế khuyến khích, thu hút sự tham gia của các đối tượng vào cung cấp dịch vụ ASXH. Phát huy vai trò và trách nhiệm của cá nhân, hộ gia đình, người lao động, doanh nghiệp và cộng đồng trong việc thực hiện các mục tiêu ASXH theo tinh thần xã hội hóa với nội dung, cách tiếp cận và chuẩn mực mang tính hội nhập quốc tế.
2 - Mô hình, hệ thống chính sách ASXH của một quốc gia phụ thuộc vào mô hình phát triển và hệ thống kinh tế của quốc gia đó. Song vấn đề quan trọng nhất là mô hình phát triển và hệ thống kinh tế đó phải bảo đảm kết hợp hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế và giải quyết các vấn đề xã hội trên nguyên tắc tiến bộ và công bằng xã hội.
Có thể lựa chọn hệ thống chính sách ASXH theo mô hình ba cấp độ như sau: Cấp độ I - BHXH, gồm BHYT, bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, người lao động nghỉ hưu và người lao động thất nghiệp. Cấp độ II - Chính sách thị trường lao động gồm dạy nghề, đào tạo lại, tạo việc làm cho người lao động thuộc các thành phần kinh tế, các vùng và khu vực, hỗ trợ tạo việc làm (chính sách tín dụng), tìm việc làm (dịch vụ giao dịch, thông tin). Cấp độ III - Trợ giúp xã hội gồm cứu trợ đột xuất tạm thời và trợ cấp xã hội thường xuyên.
Ngoài ra cần hình thành chương trình lưới an toàn xã hội có tính chất tạm thời để khắc phục những rủi ro do thiên tai, biến đổi khí hậu, khủng hoảng kinh tế... để giúp người dân sớm ổn định cuộc sống và tự vươn lên.
3 - Về định hướng cụ thể:
Một là, phát triển thị trường lao động gắn kết cung - cầu lao động, nhiều người có việc làm với thu nhập bảo đảm cuộc sống và giảm thất nghiệp.
Hai là, phát triển mạnh và đa dạng hóa hệ thống BHXH, BHYT, tiến tới BHYT toàn dân.
Ba là, tiếp tục thực hiện chủ trương khuyến khích làm giàu, đồng thời tích cực giảm nghèo bền vững, vươn lên no ấm.
Bốn là, ổn định và từng bước cải thiện đời sống của đối tượng trợ giúp xã hội, tạo điều kiện và cơ hội cho họ hòa nhập tốt hơn vào cộng đồng.
Năm là, hoàn thiện và đổi mới phương thức quản lý, hoạt động của hệ thống sự nghiệp cung cấp dịch vụ ASXH.
Sáu là, nâng cao năng lực quản lý hệ thống chính sách ASXH./.
Chủ tịch nước thăm, làm việc với Hội Người Cao tuổi  (02/07/2012)
Liên đoàn Luật sư ra tuyên bố phản đối Trung Quốc  (02/07/2012)
Liên đoàn Luật sư ra tuyên bố phản đối Trung Quốc  (02/07/2012)
Đoàn cấp cao Bộ Tài nguyên và Môi trường thăm Lào  (02/07/2012)
Australia, Indonesia ký Ghi nhớ hợp tác quốc phòng  (02/07/2012)
Phái đoàn Đảng Cộng sản Việt Nam thăm Mozambique, Angola  (02/07/2012)
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay