TCCS - Trong đợt dịch COVID-19 lần thứ tư, ở Hà Nội, nhiều quận huyện trên địa bàn thành phố đã cùng đồng hành và chia sẻ với người dân lao động tự do đang ở tại các khu nhà trọ trên địa bàn mình thông qua nhiều hình thức như vận động các chủ nhà giảm tiền thuê trọ cho người lao động.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Phú Thượng (quận Tây Hồ) Phạm Thị Thùy Linh cho biết, trên địa bàn phường có 61 hộ cho thuê nhà trọ với 1.479 người thuê. Trước diễn biến kéo dài của dịch, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phường và các tổ chức thành viên đã tích cực phối hợp với Ủy ban nhân dân phường kêu gọi các chủ nhà giảm tiền thuê trọ 50-100%. Ông Công Xuân Lập, chủ nhà cho thuê trọ tại tổ 4, cụm 3 phường Phú Thượng, một trong 15 chủ nhà trên địa bàn đã miễn 100% tiền thuê trọ cho biết: “Hưởng ứng lời kêu gọi của địa phương, tôi muốn được chung tay, giúp bà con đang thuê nhà vượt qua giai đoạn khó khăn này”.
Cùng với phường Phú Thượng, 189 chủ nhà trọ tại phường Xuân La (quận Tây Hồ) đã miễn giảm cho người thuê trọ với tổng số tiền 340,5 triệu đồng. Trưởng ban Dân vận Quận ủy Tây Hồ Trần Thị Thu Hường đánh giá, qua công tác dân vận, nhiều chủ nhà trọ không chỉ miễn giảm tiền thuê trọ mà còn ủng hộ gạo, mỳ, nhu yếu phẩm hỗ trợ lao động gặp khó khăn. Tính đến đầu tháng 9-2021, tổng số tiền mà các chủ nhà trọ miễn, giảm cho người thuê trọ đã lên tới 3,5 tỷ đồng. Họ là những lao động ngoại tỉnh, người già neo đơn, người là sinh viên "mắt kẹt" không thể về nhà, người là công nhân bị mất việc... Mỗi người một hoàn cảnh nhưng đều có điểm chung là đang phải đối mặt với những khó khăn do dịch bệnh trong khi phải tuân thủ giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg và cùng trú trên địa bàn phường
Tại quận Ba Đình, Hội Liên hiệp phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh quận… đã có nhiều hoạt động thiện nguyện ấm tình người. Trưởng ban Dân vận Quận ủy Ba Đình Nguyễn Thị Minh Hồng cho biết, với tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”, các cấp Hội Liên hiệp phụ nữ quận đã vận động từ nguồn xã hội hóa được hơn 2.200 suất quà với tổng trị giá hơn 610 triệu đồng chuyển tới tay các hội viên và người dân có hoàn cảnh khó khăn, người đang phải cách ly y tế trên địa bàn. Hàng trăm lượt cán bộ, hội viên thay nhau mỗi sáng đi chợ nấu “Bữa cơm ấm tình người”, “Suất ăn 0 đồng” chuyển tới những trường hợp yếu thế; những y, bác sĩ tại các điểm tiêm chủng, xét nghiệm; lực lượng kiểm soát tại các chốt trực… Dù ai nấy đều tuân thủ nguyên tắc 5K nhưng là những người trực tiếp đi phát cơm, tất cả các tình nguyện viên đều cảm nhận được niềm vui của những người dân còn khốn khó qua khóe mắt cùng những lời cảm ơn chân thành. Vượt qua những khó khăn ấy đều có một niềm vui chung là được phát tận tay những suất ăn ấm nóng có đầy đủ thịt, cá, rau, củ cùng hoa quả tráng miệng.
Là “vùng đỏ” do có nhiều ca nhiễm COVID-19 tại cộng đồng, quận Hoàn Kiếm đã ra quyết định cách ly y tế tạm thời một số địa bàn, như: phường Chương Dương, một phần phường Phúc Tân... Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm Nguyễn Anh Quân, ngay sau quyết định cách ly y tế, hàng nghìn phần quà gồm: Lương thực, thực phẩm, rau, củ, quả tươi đã được quận trao tận tay các gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, lao động tự do... trong khu cách ly. “Được sự quan tâm, chia sẻ của các cấp, ngành từ quận đến cơ sở, chúng tôi yên tâm thực hiện quy định trong thời gian cách ly y tế, ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh”, ông Nguyễn Văn Hà, người dân phường Chương Dương nói.
Nếu như tại các quận, lượng rau, quả tươi và các mặt hàng nông sản cung cấp đến người dân sụt giảm do thành phố thực hiện giãn cách xã hội thì tại các huyện, thị xã việc tiêu thụ nông sản đến kỳ thu hoạch lại gặp nhiều khó khăn. Làm sao để giải quyết bài toán khó này đã được hệ thống chính trị, trong đó có lực lượng làm công tác dân vận vào cuộc. Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Thanh Trì Nguyễn Thị Thu Huyền cho biết, thời điểm từ cuối tháng 7 đến hết tháng 8-2021, toàn huyện có 400ha rau màu đến thời kỳ thu hoạch.
Để hỗ trợ người dân giải quyết nông sản ùn ứ, các cấp, ngành của huyện đã chủ động liên hệ và hướng dẫn các hợp tác xã, hộ sản xuất ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với các đơn vị phân phối. Qua đó đã kết nối tiêu thụ được 80 tấn rau và 100 tấn quả các loại. Đặc biệt, qua hoạt động “Kết nối tiêu thụ nông sản”, huyện Thanh Trì đã xây dựng phong trào tình nghĩa “Quà tặng rau xanh”, vận động các hộ trồng rau gửi tặng 16 tấn rau xanh đến các vùng cách ly y tế trên địa bàn huyện và các quận: Hà Đông, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng. Huyện cũng đã triển khai mô hình “Đi chợ hộ” trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội và nhân rộng tại tất cả các thôn, khu dân cư.
Bà Nguyễn Thị Hoạt, xã Yên Mỹ (huyện Thanh Trì) chia sẻ: “Rau màu đến vụ thu hoạch được tiêu thụ kịp thời với giá hợp lý khiến người dân rất phấn khởi. Chúng tôi cũng đã đóng góp một phần rau, quả để ủng hộ bà con trong khu cách ly và các quận để chia sẻ những khó khăn trong mùa dịch.” Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Thường Tín Tạ Hữu Thọ thông tin, với tinh thần tương thân tương ái, huyện đã trao tặng 15.000 quả trứng gà cho người dân và các lực lượng phòng, chống dịch các quận: Hà Đông, Tây Hồ và Bắc Từ Liêm.
Các hội, đoàn thể xã Duyên Thái (huyện Thường Tín) cũng đã huy động cán bộ, công chức và các nhà hảo tâm ủng hộ lương thực, thực phẩm, kinh phí, ngày công để nấu hơn 900 suất cơm cho lực lượng làm nhiệm vụ và những người đang cách ly y tế tại 2 khu cách ly tập trung của huyện; kịp thời chia sẻ, động viên các lực lượng tuyến đầu hoàn thành tốt nhiệm vụ… “Thông qua các tổ chức ở địa phương, chúng tôi đã đóng góp một phần công sức để hỗ trợ người dân gặp khó khăn sớm vượt qua dịch bệnh”, bà Nguyễn Thị Lan (xã Duyên Thái) chia sẻ.
Đánh giá về vai trò quan trọng của công tác dân vận trong việc đoàn kết, tập hợp nhân dân chung tay phòng, chống dịch COVID-19, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến nhấn mạnh, cùng với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, hơn lúc nào hết, hệ thống dân vận các quận, huyện, thị xã đã tiếp tục hướng về cơ sở, nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Cùng với đó, nỗ lực đổi mới phương pháp tuyên truyền, vận động để người dân đồng lòng, nhất trí cùng với thành phố chung tay phòng, chống dịch và từng bước kiểm soát dịch bệnh. Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn phức tạp, hệ thống dân vận toàn thành phố đã đảm đương một khối lượng công việc lớn, song thực tế hoạt động cũng bộc lộ nhiều khó khăn, bất cập đòi hỏi cán bộ dân vận ở vị trí công tác nào cũng phải không ngừng tự hoàn thiện mình./.
Hà Nội quyết tâm chiến thắng đại dịch COVID-19  (01/09/2021)
Tỉnh Thái Bình thu nội địa 8 tháng năm 2021 tăng 51,6% so với cùng kỳ  (01/09/2021)
Petrovietnam: Gần nửa thế kỷ đi từ “không đến có”  (01/09/2021)
- Kinh nghiệm quản lý thị trường vàng của một số quốc gia và hàm ý chính sách cho Việt Nam
- Thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cho phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ
- Chiến lược triển khai quyền chỉ huy, kiểm soát biển của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và một số tác động
- Một số chính sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên