Kết quả ấn tượng từ những cuộc vận động hợp ý Đảng, lòng dân

Quảng Ninh - miền đất địa đầu vùng Đông bắc của Tổ quốc mang trong mình những giá trị riêng biệt; là nơi có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, độc đáo; nơi lưu giữ các giá trị nổi bật toàn cầu của di sản, kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long; nơi phát tích của thiền phái Trúc Lâm, cùng hàng trăm di tích lịch sử, văn hóa đặc sắc; là “cái nôi” của giai cấp công nhân Việt Nam, có truyền thống cách mạng của Công nhân vùng mỏ với di sản tinh thần vô giá “Kỷ luật và đồng tâm”. Con người nơi đây hội tụ, giao thoa trong sự thống nhất, đa dạng của nền văn minh sông Hồng. Văn hóa Quảng Ninh là sự kết hợp hài hòa giữa những tinh hoa văn hóa truyền thống được chắt lọc từ nhiều vùng miền trong cả nước và văn hóa hiện đại ra đời trong cuộc sống công nghiệp. Suốt chiều dài lịch sử, các thế hệ người dân Quảng Ninh đã đồng lòng, chung sức vượt khó khăn, gian khổ tập hợp, đoàn kết, chia sẻ, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau làm xoay chuyển tình hình, giải quyết được những mục tiêu đột phá.

Trong những năm qua, kế thừa và phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp, những thành quả của các thế hệ đi trước, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã tích cực xây dựng, phát triển văn hóa con người Quảng Ninh, đạt được những kết quả quan trọng, góp phần tạo động lực và nguồn lực quan trọng cho phát triển nhanh, bền vững.

Nhận thức sâu sắc các nội dung của Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết nông thôn mới, đô thị văn minhgắn với triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong những năm qua bằng nhiều hoạt động phong phú, sáng tạo, với nhiều mô hình khác nhau, phù hợp với đặc điểm từng vùng, từng khu dân cư, Cuộc vận động đã mang lại hiệu quả thiết thực, tăng cường đoàn kết phát huy nội lực và tinh thần tự quản của Nhân dân để phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo; nâng cao dân trí, bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, xây dựng nếp sống văn hoá, thực hiện chính sách “Đền ơn đáp nghĩa”, giúp đỡ đồng bào các vùng bị thiên tai, lũ lụt; thực hiện quy chế dân chủ, giữ vững an ninh, trật tự ở cơ sở; ngăn ngừa và đấu tranh phòng chống các loại tội phạm, tệ nạn xã hội; góp phần xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh. Nhiều chương trình kinh tế - xã hội của Nhà nước, của tỉnh có liên quan trực tiếp đến đời sống của các tầng lớp nhân dân được hướng dẫn và triển khai đến cơ sở, khu dân cư và lồng ghép vào các nội dung của Cuộc vận động, làm tăng tính thiết thực và hiệu quả của Cuộc vận động, góp phần tập hợp, đoàn kết nhân dân. Qua thực hiện cuộc vận động đã phát huy tinh thần tự quản của cộng đồng dân cư, thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ kính yêu “Lấy sức dân để xây dựng cuộc sống cho dân”.

Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” gắn với triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới đã được cả hệ thống chính trị của tỉnh Quảng Ninh tập trung vào cuộc bằng nhiều hoạt động hiệu quả. Toàn tỉnh đã phát triển rộng khắp các mô hình tự quản, vườn mẫu, thôn, khu dân cư, xã nông thôn mới kiểu mẫu; vận động nhân dân tự nguyện đóng góp hàng trăm tỷ đồng, hiến hàng trăm nghìn mét vuông đất... Tỷ lệ các khu dân cư đạt danh hiệu “Khu dân cư tiên tiến”, “Khu dân cư văn hoá”, “gia đình văn hóa” hàng năm đều tăng và khẳng định tính toàn dân, toàn diện và tính bền vững của cuộc vận động. Qua thực hiện cuộc vận động đã xuất hiện nhiều tấm gương, điển hình tốt có sức lan toả cao, đặc biệt là đã phát huy tốt tinh thần tự quản của cộng đồng dân cư.

Đến nay, tỉnh Quảng Ninh có 98/98 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 100%); 56/98 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, chiếm 57,1% (cả nước có 937 xã đạt bằng 11,4%); 26/98 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, chiếm 26,5% (cả nước 110 xã đạt 1,34%). 13/13 địa phương cấp huyện đạt chuẩn các chỉ tiêu tiêu chí nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, trong đó: có 9/13 địa phương đã được công nhận; 2 địa phương (TP Hạ Long và huyện Vân Đồn) đã hoàn thiện và nộp hồ sơ về Hội đồng thẩm định Trung ương và 02 địa phương (huyện Ba Chẽ và Bình Liêu) dự kiến nộp hồ sơ trong đầu quý II năm 2023. Có 2 huyện (Tiên Yên và Đầm Hà) đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (dự kiến nộp hồ sơ đề nghị xét, công nhận trong đầu quý II năm 2023). Tỉnh Quảng Ninh đã cơ bản đạt các nội dung theo bộ tiêu chí quốc gia tỉnh, thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, đang tập trung hoàn thiện hồ sơ trình Hội đồng thẩm định trung ương theo quy định (phấn đấu hoàn thiện và  nộp hồ sơ đề nghị xét, công nhận trong tháng 6 năm 2023).

 Bên cạnh đó, hàng năm việc tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc vào dịp kỷ niệm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11) được tổ chức thành nền nếp, trở thành ngày sinh hoạt truyền thống của toàn dân. Hằng năm, 100% thôn, khu trên địa bàn tỉnh đều tổ chức được ngày hội đại đoàn kết (trong đó có hơn 85% thôn, khu tổ chức cả phần lễ và hội, có trên 50% thôn, khu tổ chức bữa cơm đại đoàn kết), thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân trên địa bàn dân cư tham gia. Ngày hội đã khơi dậy và phát huy truyền thống đoàn kết ở cộng đồng dân cư, gắn bó giữa cán bộ với Nhân dân, thực sự trở thành ngày hội của Nhân dân.

 Phong trào “ vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” đã được tỉnh phát động, các địa phương hưởng ứng và triển khai thi đua quyết liệt, phấn đấu giảm nghèo nhanh, bền vững với nhiều chính sách đặc thù của địa phương; Công tác truyền thông, thông tin về giảm nghèo được quan tâm, tổ chức dưới nhiều hình thức phong phú, hiệu quả, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững. Tỉnh Quảng Ninh tập trung huy động nguồn lực triển khai Chương trình. Tỉnh đã tập trung thực hiện lồng ghép các Chương trình mục tiêu quốc gia, ban hành các giải pháp và cơ chế chính sách huy động phù hợp thực tiễn tại địa phương, đa dạng hóa hình thức huy động (huy động trực tiếp đầu tư, đóng góp cho xây dựng nông thôn mới từ các tổ chức cá nhân, huy động lồng ghép với các chương trình, đề án, dự án...) để thu hút nguồn lực đầu tư.

Về bố trí nguồn lực: Từ năm 2021 đến năm 2023 ngân sách tỉnh đã bố trí đầu tư hỗ trợ cho các Chương trình mục tiêu quốc gia là 2.849,2 tỷ đồng thực hiện Chương trình (năm 2021 là 403,6 tỷ đồng; năm 2022 là 1.398,4 tỷ đồng; năm 2023 là 1.047,2 tỷ đồng). Trong đó: (1) Chương trình phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi 1.563,5 tỷ đồng; (2) Chương trình xây dựng nông thôn mới 1.276,7 tỷ đồng; (3) Chương trình giảm nghèo bền vững là 9,0 tỷ đồng.

Giai đoạn 2021 - 2022: Sau 2 năm thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 0,41% (năm 2021) xuống còn 0,067% (năm 2022). Đến tháng 11/2022, tỉnh còn 258 hộ nghèo. HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết hỗ trợ cho các hộ diện bảo trợ xã hội là hộ nghèo bằng với tiêu chí trung ương qui định về thu nhập, do đó  đến nay, tỉnh cơ bản đã hoàn thành các chỉ tiêu Chương trình giảm nghèo của tỉnh giai đoạn 2021- 2025 đã đề ra. Trong đó có 04 địa phương không còn hộ nghèo. Kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021- 2025, tỷ lệ nghèo đa chiều tỉnh Quảng Ninh thấp, đứng thứ 4/63 tỉnh, thành.

Tính đến hết năm 2022, tỉnh Quảng Ninh đã hoàn thành trước 03 năm Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, chuyển sang thực hiện theo chuẩn nghèo đa chiều mới của Tỉnh cao hơn mức chuẩn nghèo chung của Trung ương quy định. Riêng đối với chương trình phát triển KT-XH vùng dân tộc, tỉnh Quảng Ninh không còn xã, thôn thuộc diện đặc biệt khó khăn; Thu nhập bình quân đầu người đến hết năm 2022 tại các xã vùng nông thôn là 54,4 triệu đồng/người/năm.

Năm 2023, với mục tiêu của tỉnh “Nâng cao đời sống nhân dân theo tiêu chí hạnh phúc” trong đó mục tiêu thu nhập đầu người tại các xã vùng nông thôn năm 2023 là 56,2 triệu đồng/người/năm. Tỉnh lấy tiêu chí xây dựng nông thôn mới làm cơ sở nền tảng để lồng ghép các nguồn lực, tập trung công tác chỉ đạo, tập trung nguồn lực, giải pháp để thực hiện các mục tiêu của cả 3 Chương trình mục tiêu quốc gia trên cùng một địa bàn huyện, xã, thôn không tách rời riêng biệt: (1) Có thêm 3 huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao: Vân Đồn, Cô Tô, Hải Hà; (2) Có thêm 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; (3) Có thêm 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu so với năm 2022; (4) Có tối thiểu 80% số hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế; (5) Thu nhập bình quân của người dân nông thôn tăng ít nhất 2,0 lần so với năm 2020 (tương đương 92,2 triệu đồng/người/năm); (6) Tập trung thực hiện giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, không để tái nghèo, phát sinh hộ nghèo: xây dựng Kế hoạch, các giải pháp để hỗ trợ các hộ nghèo theo chuẩn nghèo của Tỉnh giai đoạn 2023-2025 thoát nghèo bền vững; thực hiện đầy đủ kịp thời các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, của Tỉnh nhất là chính sách đối tượng bảo trợ xã hội thuộc hộ nghèo không có khả năng lao động và các giải pháp hỗ trợ tiếp cận các dịch vụ xã hội giúp các hộ nghèo thoát nghèo bền vững, không để tái nghèo, phát sinh hộ nghèo. Nâng chuẩn hộ nghèo riêng của tỉnh về tiêu chí thu nhập.

Bài học và kinh nghiệm rút ra

Có thể khẳng định những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện có hiệu quả 5 nội dung cuộc vận động; từ các vấn đề kinh tế, văn hóa, xã hội đến an ninh quốc phòng, thực hiện dân chủ ở cơ sở, xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, đồng thời kế thừa phát huy những kinh nghiệm được rút ra từ thực tiễn ở khu dân cư. Những nội dung của cuộc vận động đã đáp ứng được yêu cầu “Hợp với ý Đảng, thuận với lòng dân” do đó đã được đông đảo Nhân dân trên địa bàn các khu dân cư đồng tình hưởng ứng và tự giác tham gia; Công tác triển khai thực hiện Cuộc vận động đã không ngừng được đổi mới, mở rộng và ngày càng nâng cao về chất lượng và hiệu quả, ngày càng xuất hiện nhiều tập thể khu dân cư điển hình tiên tiến. Từ kết quả đó khẳng định Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” đã đạt được kết quả to lớn và toàn diện trên phạm vi toàn tỉnh.

Thực tế triển khai thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” gắn với triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và Phong trào “Vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” ở tỉnh Quảng Ninh, có thể rút ra một số kinh nghiệm sau:

Thứ nhất, phải quán triệt sâu sắc, tổ chức thực hiện nhất quán, kịp thời các chỉ thị, nghị quyết, các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” gắn với triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới đến các cấp các ngành và đông đảo quần chúng nhân dân. Có sự phối hợp chặt chẽ giữa MTTQ với chính quyền, các đoàn thể và các tổ chức thành viên trong triển khai thực hiện Cuộc vận động.

Thứ hai, luôn thực hiện và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, tạo được sự đồng thuận cao trong nhận thức và hành động, phát huy sức mạnh của khối đoàn kết toàn dân từ mỗi khu dân cư trong thực hiện Quy chế dân chủ ở xã, phường, thị trấn.

Thứ ba, tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra  đôn đốc công tác thực hiện Cuộc vận động từ khu dân cư. Thường xuyên coi trọng công tác xây dựng mô hình mới, điển hình tiên tiến; kịp thời tổng kết, nhân rộng các mô hình, cách làm mới có hiệu quả trong công đồng dân cư.

Thứ tư, thường xuyên củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy cán bộ làm công tác Mặt trận ở các cấp; chú trọng lựa chọn đội ngũ Trưởng ban công tác Mặt trận khu dân cư thực sự uy tín, thực sự là trung tâm phối hợp, thống nhất hành động với các tổ chức thành viên trong vận động nhân dân thực hiện các nhiệm vụ chung của khu dân cư.

Thứ năm, quan tâm dành nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế-xã hội, nhất là cho khu vực nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, biên giới, hải đảo.

Để đạt được các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, tỉnh Quảng Ninh sẽ tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện tốt một số giải pháp trọng tâm sau:

Một là, tập trung triển khai 3 khâu đột phá chiến lược trong phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới hải đảo: (1) Phát triển, hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, bảo đảm liên thông, tổng thể, thúc đẩy liên kết vùng và nội vùng, nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển các mô hình sản xuất, hợp tác xã, doanh nghiệp trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo. (2) Phát triển giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập ổn định cho lao động, nhất là lao động trẻ trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo. (3) Phát triển du lịch cộng đồng bền vững và thương mại biên giới ở những nơi có điều kiện.

Hai là, triển khai Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, với 03 trụ cột: (1) Chính quyền số ở nông thôn; (2) Kinh tế số ở nông thôn; (3) Xã hội số cho cộng đồng dân cư ở nông thôn.

Ba là, tập trung rà soát hoàn thiện cơ chế chính sách để đầu tư, hỗ trợ phát triển sản xuất để nâng cao thu nhập và mức sống của người dân, góp phần giảm nghèo bền vững; huy động tối đa các nguồn lực để tạo khâu đột phá trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.

Bốn là, tập trung hoàn thiện, tổ chức triển khai thực hiện Đề án cấp nước sạch nông thôn tập trung trên địa bàn tỉnh trong đó ưu tiên các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo để nâng tỷ lệ cấp nước sạch từ công trình cấp nước nông thôn tập trung tối thiểu đạt 80% vào năm 2025. Xây dựng nông thôn mới gắn với khai thác du lịch sinh thái tại 33 tuyến, 88 điểm du lịch và 02 khu du lịch cấp tỉnh đã được công nhận.

Năm là, tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, hướng dẫn và triển khai thực hiện phong trào “Quảng Ninh chung sức xây dựng nông thôn mới” để tạo động lực cho các xã, thôn và các hộ gia đình trong việc thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu./.