Vị thế, vai trò phụ nữ Quảng Ninh trong thời kỳ mới

TS Trần Thị Thanh Mai
Học viện Chính trị khu vực I
03:13, ngày 30-09-2023

Lịch sử Quảng Ninh đã ghi nhận những hình ảnh phụ nữ tiên phong, từ công cuộc bảo vệ quê hương, đến phát triển kinh tế, bảo tồn gìn giữ bản sắc dân tộc, giữ gìn mái ấm gia đình, và ngày nay là đóng góp vào quá trình tham mưu, hoạch định, thực thi các chính sách phát triển cho tỉnh.

Lịch sử Quảng Ninh đã ghi nhận những hình ảnh phụ nữ tiên phong, từ công cuộc bảo vệ quê hương, đến phát triển kinh tế, bảo tồn gìn giữ bản sắc dân tộc, giữ gìn mái ấm gia đình, và ngày nay là đóng góp vào quá trình tham mưu, hoạch định, thực thi các chính sách phát triển cho tỉnh.

Ngay từ buổi đầu dựng nước của Hai Bà Trưng, vùng đất Quảng Ninh đã có những tấm gương phụ nữ sáng ngời làm rạng danh - đó là nữ tướng Lê Chân quê ở Đông Triều. Trong những năm Quảng Ninh bị thực dân Pháp xâm chiếm, khai thác mỏ than, phụ nữ Quảng Ninh chưa bao giờ thiếu vắng trong các phong trào đấu tranh chống áp bức, bóc lột, bãi công, tham gia kháng chiến, kiến quốc. Trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ và bảo vệ biên giới phía Bắc, phụ nữ Quảng Ninh vừa lao động sản xuất, vừa dũng cảm cầm súng chiến đấu, vừa là hậu phương, vừa là tiền tuyến. Nhiều gương phụ nữ đã anh dũng hy sinh, hiến dâng tuổi trẻ, máu xương cho Tổ quốc. Ngày nay, Quảng Ninh đã và đang trên đường đổi mới, phát triển, trở thành một trong các trọng điểm kinh tế, nằm trong top tỉnh dẫn đầu cả nước về thu ngân sách nhà nước. Quảng Ninh được coi là tỉnh tiên phong trong nhiều lĩnh vực như cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, xây dựng nông thôn mới, phát triển dịch vụ du lịch, đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông… Kết quả ấy có đóng góp quan trọng của các thế hệ phụ nữ trong tỉnh.

Vượt qua rào cản, định kiến giới, với khoảng 49,3% dân số toàn tỉnh, 47,5% lực lượng lao động, phụ nữ Quảng Ninh đã tham gia trên tất cả các ngành, lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội và ngày càng khẳng định vai trò.

Vai trò, vị thế của phụ nữ trong quá trình tham mưu, xây dựng chính sách

Tỉnh đã và đang dành nhiều sự quan tâm trong thực hiện các mục tiêu vì bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ. Với nhiều chính sách hỗ trợ hiệu quả, cùng với sự nỗ lực, vươn lên không ngừng, phụ nữ Quảng Ninh ngày càng khẳng định là một trong những nhân tố điển hình, tích cực tham gia nhiều hoat động chính trị, kinh tế, xã hội; tạo đà cho phụ nữ trong quá trình hội nhập và phát triển.

Trong những năm qua, tỉnh Quảng Ninh luôn quan tâm, đề cao công tác cán bộ nói chung và công tác cán bộ nữ nói riêng. Những chiến lược, chương trình của tỉnh về thực hiện bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ được triển khai phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương. Nhờ đó đội ngũ cán bộ nữ ngày càng trưởng thành, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Công tác cán bộ nữ là nội dung quan trọng trong chiến lược cán bộ của Đảng. Điều đó đã được thể hiện rất rõ trong các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng như: Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị (khoá X) về “Công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa- hiện đại hóa đất nước”, Nghị quyết số 04-NQ/TW của Bộ Chính trị (khoá XI) cũng đặt vấn đề “Xây dựng đội ngũ cán bộ nữ thành nhiệm vụ chiến lược trong toàn bộ công tác cán bộ của Đảng và Nhà nước”, Chiến lược quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ giai đoạn 2011 - 2020...

Thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, trong nhiều năm qua, tỉnh Quảng Ninh luôn quan tâm đến công tác cán bộ nữ. Tỉnh đã ban hành các văn bản, chỉ đạo công tác cán bộ nữ gắn liền với mục tiêu bình đẳng giới cho phù hợp với tình hình thực tiễn của tỉnh, tạo điều kiện để phụ nữ phát triển tham gia quản lý nhà nước và lãnh đạo quản lý các địa phương, đơn vị các cấp, các ngành có điều kiện cống hiến, trưởng thành. Tỉnh luôn ưu tiên đầu tư và dành nhiều nguồn lực cho công tác đào tạo, bồi dưỡng và trợ cấp cho cán bộ nữ. Công tác quy hoạch đội ngũ cán bộ nữ chủ chốt ở các cấp, ngành được các cấp ủy đặc biệt quan tâm, coi trọng, vì thế cán bộ nữ dự nguồn quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý các cấp luôn đạt tỷ lệ cao: Giai đoạn 2010 - 2015 đạt gần 17%; giai đoạn 2015 - 2020 đạt gần 30%. Công tác luân chuyển, điều động cán bộ đã góp phần đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng có hiệu quả đội ngũ cán bộ trong quy hoạch ở các cấp, tạo điều kiện để cán bộ rèn luyện và trưởng thành, nhất là cán bộ trẻ, cán bộ nữ có triển vọng

Ở Quảng Ninh, phụ nữ giữ vị trí lãnh đạo tại các cơ quan của tỉnh chiếm tỷ lệ khá cao. Tại các đơn vị sự nghiệp, các cơ quan nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tỷ lệ nữ có học hàm tiến sĩ, chuyên khoa ngày càng cao và giữ các chức vụ quan trọng. Quảng Ninh có tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy, đại biểu HĐND khá cao. Trong đó, nữ cấp ủy nhiệm kỳ 2015 - 2020 ở cấp cơ sở chiếm 25,2%, cấp huyện chiếm 19,08%, cấp tỉnh chiếm 17%; nhiệm kỳ 2020 - 2025, nữ cấp ủy cấp cơ sở chiếm 29,3%, cấp huyện chiếm 22%, cấp tỉnh là 17%. Nữ đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh nhiệm kỳ 2016 - 2021 ở cấp cơ sở chiếm 33,43%, cấp huyện chiếm 31,33%, cấp tỉnh chiếm 36%; nhiệm kỳ 2021 - 2026, cấp cơ sở là 36%, cấp huyện là 34%, cấp tỉnh là 40,9%... Các chỉ số khác như trình độ đại học, trên đại học, trình độ lý luận chính trị, tuổi dưới 40, cấp ủy viên nữ là người dân tộc thiểu số… đều tăng so với nhiệm kỳ 2015 - 2020. Giai đoạn 2016-2020, nữ tham gia lãnh đạo quản lý tại các cơ quan thuộc UBND tỉnh chiếm 15,65%; nữ lãnh đạo UBND cấp huyện chiếm 8,7%; nữ lãnh đạo cấp phòng của sở, ngành, huyện chiếm 28,32%; nữ lãnh đạo UBND cấp xã chiếm 16,32%. Năm 2020, có 8/12 cơ quan của Đảng, chính quyền, tổ chức chính trị – xã hội ở cấp tỉnh có lãnh đạo chủ chốt là nữ, chiếm 66,66%; 100% cấp huyện có lãnh đạo chủ chốt là nữ.

Tiếp nối truyền thống, trong xu thế hội nhập và phát triển của đất nước, phụ nữ Quảng Ninh tiếp tục vượt qua mọi thử thách, vươn lên đóng góp tích cực vào các hoạt động xã hội, duy trì ảnh hưởng của mình trên nhiều lĩnh vực, như: Quản lý nhà nước, giảm nghèo, xây dựng gia đình no ấm hạnh phúc, phòng chống tệ nạn xã hội, đối ngoại… Ngày càng có nhiều chị em trở thành chính trị gia, nhà khoa học nổi tiếng, nhà quản lý năng động, những lĩnh vực trước đây chỉ dành cho nam giới, nay phụ nữ cũng làm rất tốt.

Phụ nữ Quảng Ninh ngày càng khẳng định vai trò, vị thế, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của tỉnh. Thực tế ấy đã chứng minh và đây cũng là sự kế thừa truyền thống lịch sử của phụ nữ Vùng mỏ anh hùng. Thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phụ nữ Quảng Ninh tiếp tục phát huy vai trò, vị trí của mình trong gia đình và xã hội; không ngừng học hỏi, bồi dưỡng trí tuệ, tích lũy tri thức; nỗ lực phấn đấu học tập, lao động, sản xuất, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của tỉnh, của đất nước.

Vai trò, vị thế của phụ nữ trong quá trình phát triển kinh tế

Tỉnh đã và đang dành nhiều sự quan tâm trong thực hiện các mục tiêu vì bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ. Với nhiều chính sách hỗ trợ hiệu quả, cùng với sự nỗ lực, vươn lên không ngừng, phụ nữ Quảng Ninh ngày càng khẳng định là một trong những nhân tố điển hình, tích cực tham gia nhiều hoat động kinh tế.

Năm nay, kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Hội LHPN Việt Nam, 34 nữ doanh nhân, nữ chủ hộ kinh doanh tiêu biểu của tỉnh có thành tích xuất sắc trong thi đua phát triển kinh tế và phong trào phụ nữ giai đoạn 2016 – 2020 được tôn vinh.

Thời gian qua, Quảng Ninh đã dành nhiều sự quan tâm trong thực hiện các mục tiêu bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ. Với nhiều chính sách hỗ trợ hiệu quả, cùng sự nỗ lực, vươn lên không ngừng, phụ nữ Quảng Ninh ngày càng khẳng định là một trong những nhân tố điển hình, tích cực tham gia vào nhiều hoạt động chính trị, kinh tế, xã hội; tạo đà cho phụ nữ trong quá trình hội nhập và phát triển. Phụ nữ Quảng Ninh ngày càng tham gia nhiều hơn vào công tác xã hội, chiếm tỷ lệ cao trong lực lượng lao động. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, doanh nhân nữ phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng. Với chủ trương sản xuất nông nghiệp của tỉnh theo hướng phát triển nông nghiệp sạch, hữu cơ, công nghệ cao, sản xuất tập trung, quy mô lớn, sản xuất sản phẩm OCOP, nhiều phụ nữ đã nhanh chóng tiếp cận và làm chủ quy trình sản xuất công nghệ cao, sản xuất theo chuỗi giá trị, hàng hóa mang đặc trưng vùng miền đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng, đưa hàng chế biến nông, lâm, thủy sản ra thị trường trong nước và quốc tế. Chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng đa dạng mô hình, ngành nghề, nâng cao giá trị sản phẩm có hiệu quả kinh tế cao, góp phần tích cực trong xây dựng nông thôn mới. Thông qua các phong trào “Phụ nữ làm kinh tế giỏi”,  “Giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ”, các cấp hội phụ nữ tỉnh đã tập trung nguồn lực hỗ trợ phụ nữ nghèo phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững; vận động, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế theo hướng hình thành chuỗi sản phẩm gắn với chương trình OCOP. Đồng thời, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, xây dựng, hiện thực hóa ý tưởng, vốn khởi sự kinh doanh; tuyên truyền vận động chị em tham gia các lớp tập huấn về đào tạo kỹ năng quản trị doanh nghiệp, kỹ năng khởi nghiệp…

Năm 2023, Hội Nữ doanh nhân tỉnh đã được thành lập, cho thấy sự phát triển, lớn mạnh của đội ngũ doanh nhân nữ trong tỉnh. Nhiệm kỳ 2023 - 2026, Hội Nữ doanh nhân tỉnh phấn đấu 100% hội viên được tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước và tỉnh; tổ chức ít nhất 3-4 hoạt động nâng cao năng lực phát triển sản xuất cho nữ doanh nhân, nữ chủ hộ kinh doanh của tỉnh hằng năm; tỷ lệ thu hút hội viên đạt từ 20%/năm trở lên; tổ chức ít nhất 2 hoạt động từ thiện, nhân đạo, vì cộng đồng mỗi năm.

Vai trò, vị thế của phụ nữ trong công tác xã hội, giải quyết các vấn đề xã hội

Thời gian qua, Quảng Ninh đã dành nhiều sự quan tâm trong thực hiện các mục tiêu bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ. Với nhiều chính sách hỗ trợ hiệu quả, cùng sự nỗ lực, vươn lên không ngừng, phụ nữ Quảng Ninh ngày càng khẳng định là một trong những nhân tố điển hình, tích cực tham gia vào nhiều hoạt động chính trị, kinh tế, xã hội; tạo đà cho phụ nữ trong quá trình hội nhập và phát triển. Phụ nữ Quảng Ninh ngày càng tham gia nhiều hơn vào công tác xã hội, chiếm tỷ lệ cao trong lực lượng lao động.

Phát huy truyền thống yêu nước của phụ nữ Vùng mỏ, các tầng lớp phụ nữ trong tỉnh đã tích cực hưởng ứng phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”; cuộc vận động “Phụ nữ Quảng Ninh chung tay bảo vệ môi trường và thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm” gắn với các phong trào thi đua yêu nước. Chiếm khoảng 49,3% dân số toàn tỉnh, 47,5% lực lượng lao động, phụ nữ Quảng Ninh đã tham gia và ngày càng khẳng định vai trò trên tất cả các ngành, lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội. Hội LHPN TP Cẩm Phả phát động triển khai cuộc vận động “Tuyến đường, khu phố không rác, góp phần xây dựng thành phố xanh – sạch – đẹp – văn minh”.

Các cơ chế, chính sách trong lĩnh vực lao động, việc làm có liên quan trực tiếp đến phụ nữ được tích cực triển khai. Qua đó, đã giúp tạo thêm việc làm cho 92.734 lao động (đạt 100,6% kế hoạch); tỷ lệ lao động nữ được tạo việc làm hằng năm đạt từ 48,66-52%, tăng 6,55% so với giai đoạn trước. Các hoạt động hỗ trợ phụ nữ nghèo vay vốn ưu đãi được quan tâm triển khai. Tỉnh đã hỗ trợ trên 32.000 lượt hộ phụ nữ nghèo vay vốn ưu đãi; trong đó hộ phụ nữ nghèo ở nông thôn là trên 19.000 lượt, hộ phụ nữ nghèo thuộc vùng dân tộc, miền núi gần 13.000 lượt.

Vai trò, vị thế của phụ nữ trong bảo tồn di sản văn hóa

Quảng Ninh là tỉnh có nhiều di sản, di tích văn hóa, việc chung tay tham gia các hoạt động bảo tồn, gìn giữ, phashuy, phát triển giá trị các di sản có ý nghĩa thực tiễn lớn. Những năm qua, các cấp Hội LHPN tỉnh Quảng Ninh luôn tích cực tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên và nhân dân về những giá trị của văn hóa truyền thống; phát hiện và nhân rộng các mô hình, CLB của phụ nữ về bảo tồn các di sản văn hóa, từ đó góp phần quan trọng vào công tác bảo tồn, phát huy và giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống trên địa bàn tỉnh. Ngay trong đồng bào các dân tộc thiểu số, việc tạo điều kiện cho phụ nữ gìn giữ các giá trị truyền thống thông qua sản xuất ra các sản phẩm truyền thống được coi là nhiệm vụ chủ yếu, quan tọng trong mục tiêu bảo tồn các giá trị truyền thống địa phương. Khá quen thuộc khi chúng ta nhìn thấy những phụ nữ Dao Thanh Y xã Vô Ngại (huyện Bình Liêu) thêu trang phục truyền thống, các phụ nữ dù đã đứng tuổi vẫn tham gia các hoạt động văn hóa địa phương. Xã Quảng Lâm (huyện Đầm Hà) có trên 98% là đồng bào DTTS sinh sống, đã thành lập và ra mắt các mô hình, câu lạc bộ  giữ gìn bản sắc nghề thêu dân tộc Dao tại thôn Tài Lý Sáy và thôn Lý Khoái, qua đó tập hợp, thu hút những người yêu thích và có tâm huyết tham gia truyền dạy kỹ năng về thêu trang phục dân tộc. Câu lạc bộ Giữ gìn bản sắc nghề thêu dân tộc Dao ở bản Tài Lý Sáy hiện có 20 thành viên. Tại đây, các bà, các mẹ, các chị người Dao luôn say sưa truyền dạy từng đường kim mũi chỉ, họa tiết trên bộ trang phục và truyền lửa đam mê cho lớp trẻ để giữ nghề thêu truyền thống của dân tộc mình. Học sinh trên địa bàn xã Quảng Lâm (huyện Đầm Hà) còn sớm được học kỹ thuật thêu hoa văn trên trang phục truyền thống. Hội LHPN huyện Bình Liêu là đơn vị tích cực tham gia các hoạt động khôi phục các lễ hội đặc sắc, như lễ hội đình Lục Nà của dân tộc Tày, hội Soóng cọ của dân tộc Sán Chay, hội kiêng gió của dân tộc Dao...; bảo tồn tiếng nói, chữ viết, trang phục dân tộc. Đặc biệt, từ khi nghi lễ hát then, đàn tính của người Tày được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể đã tiếp thêm động lực cho phụ nữ của huyện tham gia công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Huyện Bình Liêu hiện đã xây dựng được 7 câu lạc bộ văn nghệ cấp xã và 8 câu lạc bộ cấp thôn, khu, đây là những đội tuyên truyền lưu động thường xuyên biểu diễn hát then, đàn tính tại các thôn, bản, với lực lượng chính là hội viên phụ nữ và học sinh. Phong trào gìn giữ, bảo tồn, phát huy các nét đẹp của văn hóa truyền thống trong toàn tỉnh được lồng ghép vào các phong trào, cuộc vận động: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”; “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”; “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch”... gắn với thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh, xóa bỏ các phong tục, tập quán lạc hậu. Cùng với đó là nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế, du lịch gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa trong gia đình, cộng đồng ở các lĩnh vực: Nghề truyền thống, ẩm thực dân gian, văn hóa, văn nghệ... thu hút đông đảo hội viên phụ nữ tham gia.

Vai trò phụ nữ trong xây dựng gia đình hạnh phúc

Đổi mới, nâng cao hiệu quả các phong trào thi đua, các cấp hội đã không ngừng nỗ lực để mọi phong trào đi vào chiều sâu, thực chất. Điển hình đó là phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” đang ngày càng được khẳng định rõ nét, trở thành thương hiệu, riêng có của tổ chức. Sự linh hoạt trong việc huy động nguồn lực của các cấp hội để hỗ trợ thực hiện tiêu chí “5 không, 3 sạch”  theo hướng tạo động lực giúp các hộ gia đình nỗ lực đảm bảo tính bền vững trong kết quả của hoạt động phong trào. Phương châm “Lời nói phải đi đôi với việc làm” đã được cán bộ, hội viên phụ nữ quán triệt, triển khai. Nhiều việc làm cụ thể, có ý nghĩa thiết thực được triển khai, như chương trình, hoạt động có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng như: “Mẹ đỡ đầu - kết nối yêu thương”, “Biến rác thải thành tiền”; hỗ trợ xây “Mái ấm tình thương”, “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”... đều hướng về phụ nữ và trẻ em nghèo trên toàn tỉnh.

Hòa chung không khí phong trào thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập tỉnh (30/10/1963 - 30/10/2023), ngay từ cuối năm 2022, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Quảng Ninh đã phát động đợt thi đua đặc biệt trong cán bộ, hội viên phụ nữ với chủ đề “Khát vọng xây dựng một Quảng Ninh kiểu mẫu, giàu đẹp, văn minh, hiện đại”. Mỗi công trình, phần việc ý nghĩa đều được thực hiện sôi nổi, mang lại hiệu quả cao, góp phần tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, hội viên và nhân dân hiểu rõ hơn về giá trị lịch sử, văn hóa, con người Quảng Ninh. Một trong những điểm nổi bật là 100% cơ sở hội đã tham gia và đăng ký các công trình, tuyến đường xanh, sạch, đẹp do hội viên phụ nữ đảm nhận. Nhiều tuyến đường trên các địa phương đã được chỉnh trang, trồng hoa, cây cảnh, đảm bảo mỹ quan, chất lượng. Công trình “Cô Tô xanh” trở thành điểm nhấn trong phong trào. Công trình được thực hiện từ 3.000 chiếc chai nhựa đã qua sử dụng. Với ý tưởng tận dụng những chai nhựa đã sử dụng, tái chế thành công trình xanh, mang thông điệp giảm thiểu rác thải nhựa để bảo vệ môi trường. Công trình được bố trí ngay tại khu vực Cảng tàu Cô Tô đã trở thành điểm nhấn, địa điểm thu hút du khách chụp ảnh khi tới Cô Tô, góp phần quảng bá hình ảnh cho du lịch của huyện đảo.

Phụ nữ toàn huyện cũng tích cực tham gia các công trình theo tiêu chí thiết thực, phù hợp. Làm đẹp, “xanh hóa” các tuyến đường, phụ nữ Cô Tô đã chung tay dọn dẹp, vệ sinh tuyến đường dài 500m qua thôn Hải Tiến (xã Đồng Tiến), chăm sóc, cắt tỉa tuyến đường dài 450m ở khu 3B, thị trấn Cô Tô...

Hướng đến chào mừng 60 năm Ngày thành lập tỉnh (30-10-1963 - 30-10-2023), Hội LHPN tỉnh Quảng Ninh đã xây dựng nội dung hoạt động với 3 công trình. Công trình 1 đặt mục tiêu đăng ký 60 tuyến đường do phụ nữ đảm nhận xanh, sạch, đẹp, đồng loạt gắn biển chào mừng 60 năm thành lập tỉnh; Công trình 2 phấn đấu nhận đỡ đầu 60 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh thông qua chương trình “Mẹ đỡ đầu”; Công trình 3, phấn đấu có 60 hộ gia đình hội viên, phụ nữ nghèo, cận nghèo được hội phụ nữ giúp thoát nghèo. Hưởng ứng chương trình nói trên, các cơ sở Hội trong toàn tỉnh đã tham gia và đăng ký các công trình, phần việc. Trong đó, thiết thực, gần gũi với cuộc sống là hoạt động chung tay dọn vệ sinh, chỉnh trang các tuyến đường sạch, đẹp. Tính chung trên địa bàn toàn tỉnh, đến giữa tháng 10-2023, các cấp Hội đã hoàn thành hơn 80 tuyến đường, vượt chỉ tiêu đề ra. Trong đó, có 5 địa phương hoàn thành vượt chỉ tiêu là các huyện: Đầm Hà, Tiên Yên và các thành phố: Hạ Long, Cẩm Phả, Móng Cái. Các nội dung nhận đỡ đầu trẻ em có hoàn cảnh khó khăn và hỗ trợ hộ gia đình hội viên, phụ nữ nghèo, cận nghèo đều đạt và vượt chỉ tiêu đã xác định. Các cấp hội phụ nữ trong tỉnh đã chú trọng tập trung nguồn lực hỗ trợ phụ nữ, trẻ em khu vực đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo phát triển kinh tế gia đình, chủ động giảm nghèo bền vững. Hội LHPN các địa phương đã phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện rà soát các hộ nghèo, hộ cận nghèo để lên phương án giúp đỡ các hộ thoát nghèo. Đồng thời, thường xuyên duy trì hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế thông qua các câu lạc bộ phụ nữ làm kinh tế giỏi; vận động, hướng dẫn hộ gia đình hội viên đăng ký thực hiện mô hình kinh tế gắn với đặc trưng lợi thế của địa phương. Hiện, toàn tỉnh Quảng Ninh đã có 187 mô hình thuộc lĩnh vực phát triển kinh tế tại các khu vực tập trung đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo.

Với phương châm “Hướng về cơ sở”, “Đồng hành với phụ nữ và trẻ em”, Hội LHPN các cấp tập trung vận động, thu hút nguồn lực để hỗ trợ hoạt động Hội, chăm lo, bảo vệ phụ nữ, trẻ em, nhất là phụ nữ yếu thế, phụ nữ đặc thù và trẻ em vùng biên giới, biển đảo khó khăn. Hội LHPN tỉnh đã chủ trì tổ chức chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” tại 02 xã biên giới Quảng Đức và Quảng Sơn, huyện Hải Hà, tại đây, Hội đã trao hỗ trợ khánh thành 2 ngôi nhà an toàn (trị giá 35 triệu đồng/nhà); trao 02 mô hình kinh tế nuôi lợn nái (trị giá 20 triệu đồng) cho các gia đình hội viên phụ nữ đặc biệt khó khăn, gia đình thuộc diện hộ nghèo của xã Quảng Sơn. Ngoài ra, đoàn công tác đã tổ chức chương trình giao lưu văn hóa, văn nghệ, chia sẻ kinh nghiệm về hoạt động bảo vệ môi trường, tổ chức tái chế dây đai gạch thành sản phẩm nhựa hữu ích; trao tặng 30 màn tuyn cho gia đình phụ nữ thực hiện mô hình “3 sạch”; tặng 5 góc học tập cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, 55 bộ áo dài truyền thống cho BCH phụ nữ 2 xã, 1 mô hình kinh tế cho cán bộ chi hội có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và 35 thùng quà (gồm đồ dùng học tập, sách vở; quần áo, giày dép...) trị giá gần 60 triệu đồng. Cùng với các hoạt động hướng về cơ sở, các hoạt động gặp mặt, giao lưu cán bộ Hội tiêu biểu, nữ doanh nghiệp thuộc câu lạc bộ doanh nhân nữ của tỉnh và các địa phương cũng được thực hiện trong thời gian qua.

Một số giải pháp thời gian tới

Để nâng cao chất lượng cán bộ nữ ngang tầm thời đại, với vai trò đại diện cho giới, Hội LHPN tỉnh đã triển khai thực hiện, tham mưu với tỉnh về công tác cán bộ nữ. Theo đó, Hội LHPN tỉnh đã tập trung vào công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Hội đủ năng lực, trình độ, kỹ năng công tác để giới thiệu cho Đảng xem xét, luân chuyển bố trí vào các vị trí phù hợp; xây dựng hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ của từng bộ phận trong tổ chức Hội; cụ thể hoá các chức danh đối với cán bộ Hội cấp tỉnh, huyện, cán bộ chủ chốt cấp xã để xác định các nội dung cần đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ theo từng vị trí. Đồng thời chỉ đạo các cấp Hội tiến hành thống kê, thực trạng trình độ chuyên môn của cán bộ Hội ngay từ đầu nhiệm kỳ, khảo sát nhu cầu đào tạo bồi dưỡng của cán bộ Hội. Cũng như quan tâm tạo điều kiện về thời gian và hỗ trợ kinh phí và thực hiện đầy đủ mọi chính sách hỗ trợ cán bộ đi học theo đúng quy định của tỉnh. Mặt khác, xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án: “Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Hội LHPN các cấp giai đoạn 2013  - 2017; xây dựng kế hoạch đào tạo cán bộ Hội LHPN tỉnh cho giai đoạn 2015 - 2020. Trong đó, đề ra chỉ tiêu cụ thể: 45% cán bộ quản lý đương chức và cán bộ trong quy hoạch lãnh đạo có trình độ sau đại học; 70% cán bộ quản lý và quy hoạch chức danh quản lý các ban chuyên môn có trình độ lý luận chính trị hành chính từ trung cấp trở lên; 70% cán bộ lãnh đạo, quản lý đương chức và cán bộ quy hoạch lãnh đạo quản lý được tham dự các lớp bồi dưỡng chuyên đề. Bên cạnh đó, hàng năm, Hội LHPN tỉnh đã mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Hội cho đội ngũ cán bộ Hội Phụ nữ cơ sở, Chi hội Phụ nữ; thực hiện công tác quy hoạch cán bộ nữ theo từng giai đoạn, rà soát bổ sung quy hoạch cán bộ nữ theo từng năm, đặc biệt quan tâm đến quy hoạch cán bộ nữ trẻ.

Hội LHPN tỉnh cũng đã chủ động tham mưu, đề xuất đưa nội dung giám sát Luật Bình đẳng giới vào chương trình giám sát của HĐND tỉnh và đã được thực hiện có hiệu quả. Trên cơ sở kết quả giám sát, HĐND tỉnh đã ra Nghị quyết số 94/2013/NQ-HĐND ngày 19-7-2013 trong đó có chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có tỷ lệ nữ từ 30% trở lên, nhất thiết phải có cán bộ lãnh đạo chủ chốt là nữ. Đây là điều kiện rất thuận lợi, tạo cơ hội để cán bộ nữ rèn luyện, phấn đấu để phát triển.

Đồng thời, Hội LHPN tỉnh cũng đã chủ động phát hiện và giới thiệu cho cấp ủy, chính quyền các cấp xem xét quy hoạch, sử dụng và đề bạt cán bộ nữ vào các chức danh lãnh đạo, quản lý. Cụ thể, tỷ lệ cán bộ nữ dự nguồn quy hoạch các cấp ủy Đảng nhiệm kỳ 2015-2020 đạt 25%; tỷ lệ nữ đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 đạt trên 30%. Theo thống kê của Hội LHPN tỉnh, tỷ lệ cán bộ nữ tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015-2020 đạt 17,9%. Vừa qua, Hội LHPN tỉnh cũng đã lựa chọn, giới thiệu 5 nữ cán bộ tiêu biểu, ứng cử viên đại biểu Quốc hội khoá XIV, nhiệm kỳ 2016-2021.

Có thể nhận thấy rằng, công tác cán bộ nữ của tỉnh thời gian qua đã được quan tâm hơn; số lượng, chất lượng cán bộ nữ tham gia tại các cơ quan, sở, ban, ngành trong toàn tỉnh được nâng cao, từng bước được trẻ hoá. Tỷ lệ phụ nữ giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý chủ chốt trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị từ tỉnh đến cơ sở ngày càng tăng. Các cán bộ nữ có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức trong sáng, tinh thần trách nhiệm cao, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, thể hiện tốt vai trò là người lãnh đạo, quản lý... Đây là một trong những điểm nhấn quan trọng, khẳng định sự chủ động, nỗ lực vươn lên của phụ nữ làm chủ tri thức, tham gia các hoạt động xã hội, góp phần xây dựng tỉnh Quảng Ninh ngày càng phát triển.

Phát huy vai trò của phụ nữ trong gia đình và xã hội, các cấp hội phụ nữ đã tập trung đổi mới, sáng tạo, linh hoạt trong các hoạt động tuyên truyền gắn với tổ chức các hoạt động tại cơ sở hội. Chi hội phụ nữ thôn 9, xã Hạ Long (huyện Vân Đồn) tích cực thực hiện hiệu quả mô hình “Biến rác thành tiền”.

Các cấp hội đã tập trung đổi mới, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, tăng tính tương tác. Đặc biệt, chú trọng sử dụng nhiều phương pháp mới phù hợp hơn với điều kiện thực tế, phát huy hiệu quả hình thức tuyên truyền miệng trực tiếp của cán bộ hội. Nét nổi bật trong công tác thông tin, tuyên truyền là các cấp hội đã tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong triển khai các văn bản chỉ đạo, cũng như nội dung tuyên truyền, đảm bảo việc thông tin nhanh, chính xác, kịp thời; cải cách hành chính và giảm tải chi phí hành chính thông qua việc sử dụng email, các trang mạng xã hội.

100% cơ sở hội duy trì, khai thác hiệu quả phần mềm quản lý văn bản trong hoạt động hội; sử dụng chữ ký số, hòm thư công vụ trong điều hành các hoạt động hội; ứng dụng triệt để công nghệ thông tin để triển khai họp trực tuyến, quét mã QR cung cấp tài liệu trong các hội nghị, chương trình tập huấn...

Đội ngũ cán bộ hội, nhất là cán bộ hội cơ sở đã tích cực sử dụng các phương tiện công nghệ thông tin, mạng xã hội để trao đổi, chia sẻ thông tin, học tập kinh nghiệm về những mô hình hay, việc làm sáng tạo, nêu gương điển hình để áp dụng cho cơ sở của mình thực hiện mang lại hiệu quả trong các hoạt động.

Ngoài ra cán bộ hội đã phối hợp rất tốt và phát huy vai trò, uy tín của già làng, trưởng bản, đội ngũ bí thư chi bộ, trưởng thôn, khu tại các địa bàn dân cư trong việc tuyên truyền, vận động. Nhờ đó, các nội dung tuyên truyền về phong trào phụ nữ và công tác hội, những hoạt động hỗ trợ cho phụ nữ được lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng, thu hút sự quan tâm và tham gia của cả nam giới, các thành phần trong xã hội. Nhiều mô hình, điển hình phụ nữ tiêu biểu được phát hiện, giới thiệu, tôn vinh kịp thời, tạo hiệu ứng tốt trong xã hội./.