Bảo tồn và phát huy Khu di tích Bạch Đằng, tạo đà phát triển du lịch

PGS, TS Đỗ Minh Cương
Viện trưởng Viện Văn hóa kinh doanh, Hiệp hội phát triển văn hóa doanh nghiệp Việt Nam
03:31, ngày 30-09-2023

Khu di tích quốc gia đặc biệt Bạch Đằng được Thủ tướng Chính phủ công nhận tại Quyết định số 1491/QĐ-TTg, ngày 27-9-2012, gồm quần thể 11 điểm di tích nằm trên địa bàn thị xã Quảng Yên và thành phố Uông Bí. Trong bối cảnh hiện nay, việc bảo tồn, phát huy giá trị khu di tích quốc gia đặc biệt cần được xem xét trên nhiều phương diện, mang tính liên tỉnh, liên khu vực, tạo đà phát triển du lịch.

Để bảo tồn, phát huy giá trị khu di tích quốc gia đặc biệt này, thị xã Quảng Yên đã kịp thời ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của ban điều hành dự án di tích cấp thị xã để tổ chức triển khai thực hiện. Trong khi chưa có quy định và văn bản hướng dẫn về bộ máy quản lý đối với 10 điểm di tích quốc gia đặc biệt Bạch Đằng, thị xã giao ủy ban nhân dân các xã, phường nơi có di tích trực tiếp thực hiện công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị. Cụ thể: Ủy ban nhân dân phường Yên Giang quản lý 5 điểm di tích, phường Nam Hòa quản lý 3 điểm di tích, xã Liên Hòa quản lý 1 điểm di tích; thành phố Uông Bí quản lý 2 điểm di tích.

Năm 2012, thị xã Quảng Yên đã phối hợp lập Quy hoạch tổng thể Dự án Bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích lịch sử chiến thắng Bạch Đằng tỉnh Quảng Ninh, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với tổng kinh phí đầu tư dự kiến 800 tỷ đồng. Dự án được phân kỳ đầu tư theo 3 giai đoạn. Dự án được phê duyệt đầu tư các hạng mục: Hệ thống hạ tầng kỹ thuật của khu trung tâm di tích 7,8ha; đường giao thông vào các di tích bãi cọc Đồng Má Ngựa, bãi cọc Đồng Vạn Muối, đình Trung Bản; các công trình kiến trúc và khu tái định cư. Đến nay, dự án được đầu tư và thực hiện đảm bảo theo đúng các quy định của Luật Đầu tư công, đảm bảo tiến độ, thời gian cũng như hiệu quả đầu tư; bước đầu đã tạo được không gian, cảnh quan cho di tích.

Đặc biệt, cùng với việc tu bổ, tôn tạo, phát huy giá trị di tích, Quảng Ninh xúc tiến việc lập hồ sơ đề cử danh hiệu Di sản thế giới để nâng tầm cho khu di tích này, tạo đà phát triển du lịch, mở rộng không gian kết nối du lịch từ di tích Bạch Đằng đến các điểm di tích và các địa phương trong, ngoài tỉnh.

Giá trị lớn của các di tích vật thể và phi vật thể trong quần thể Khu di tích Quốc gia đặc biệt Bạch Đằng có ý nghĩa giáo dục lịch sử, giáo dục truyền thống yêu nước, giữ gìn chủ quyền dân tộc. Dự án Bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích lịch sử Chiến thắng Bạch Đằng (giai đoạn 2) tập trung vào một số hạng mục chính, như: Bảo tồn và phục hồi di sản văn hóa phi vật thể; giải phóng mặt bằng; hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật; xây dựng công trình trưng bày ngầm khu di tích gốc Bãi cọc Yên Giang và biểu tượng, tượng đài Chiến thắng Bạch Đằng... với tổng mức đầu tư dự kiến hơn 794 tỷ đồng.

Với những dấu ấn còn lại, di tích Bạch Đằng vẫn là câu chuyện lịch sử sống động, đầy hấp dẫn với du khách trong nước. Đặc biệt, trở thành di tích gây ấn tượng mạnh với du khách nước ngoài, bởi họ được nghe một câu chuyện thần kỳ về những chiếc cọc trên sông Bạch Đằng, ẩn hiện sau đó là sự dũng cảm, là tài thao lược kết hợp giữa kiến thức quân sự, kiến thức địa lý, kiến thức thủy văn,… của người Việt Nam xưa.

Báo cáo Sơ bộ kết quả thăm dò khảo cổ tại di tích Bạch Đằng cho thấy, các cuộc thăm dò khảo cổ học tại khu vực Bãi cọc Yên Giang, Đồng Vạn Muối, Đồng Má Ngựa,… đã tìm thấy một số đồ gia dụng như mảnh nắp, mảnh nồi, vò, sành thời Trần. Khu vực Đồng Vạn Muối chủ yếu thu được các di vật gốm như: thô, gốm men, sành và các hiện vật thời Pháp thuộc, cùng một số hiện vật cọc gỗ nhỏ, mẩu gỗ vụn có màu nâu đen. Khu vực Đồng Má Ngựa có 1 đĩa tráng men và chưa phát hiện dấu vết cọc gỗ. Câu chuyện đang được các nhà nghiên cứu đặc biệt quan tâm là các phương án để bảo tồn cọc gỗ Bạch Đằng trong môi trường ngập nước. Di tích quốc gia đặc biệt Chiến thắng Bạch Đằng được phát hiện, khai quật lần đầu vào năm 1958 và nhiều lần sau đó vào các năm 1969, 1976, 1984, 1988... Từ đó đến nay, nhiều nhà khoa học đã thường xuyên về nghiên cứu trận Bạch Đằng. Các nhà khảo cổ đã tìm thấy bãi cọc Yên Giang, bãi cọc Đồng Vạn Muối, bãi cọc Đồng Má Ngựa đều liên quan đến trận Bạch Đằng năm 1288. Ngày 27-9-2012, Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Khu di tích lịch sử chiến thắng Bạch Đằng năm 1288 là di tích quốc gia đặc biệt. Năm 2013, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích lịch sử Chiến thắng Bạch Đằng.

Thực tế hiện nay có một số vấn đề cần được lưu tâm, chú ý:

Thứ nhất, phạm vi di tích quá rộng và dàn trải, chưa có những điểm nhấn để gây ấn tượng với du khách.

Thứ hai, là di vật lại rất thưa thớt và khó nhận diện do vẫn bị phụ thuộc vào mực nước tự nhiên. Cách trưng bày vừa bảo quản tốt nhất cọc gỗ Bạch Đằng lâu nay Quảng Yên vẫn làm đó là trưng bày ngay tại vị trí đã phát hiện và khai quật. Việc này không tách cọc gỗ ra khỏi môi trường bùn nước đã chôn vùi giữ gìn nó hàng trăm năm qua.

Thứ ba, một trong những vấn đề được quan tâm hiện nay là công tác bảo tồn, tôn tạo di tích này cần được định hướng phải tạo ra những cảm nhận trực quan cho du khách thông qua những hình ảnh và hiện vật cụ thể. Nếu khách tham quan không cảm nhận được sự oai hùng của Bạch Đằng sẽ dễ bị “hụt hẫng” trước thực trạng đơn điệu như hiện nay của bãi cọc Bạch Đằng.

Thứ tư, khi du khách đến tìm hiểu tham quan cọc gỗ cũng là đang tìm hiểu di tích chiến thắng Bạch Đằng, do vậy ý tưởng sử dụng công nghệ để trình chiếu, ứng dụng mô phỏng để tái hiện, tính biên độ thủy triều, mô phỏng chèo thuyền, chế cọc, đóng cọc, lặn đục thuyền, bắt vịt, chế lửa, đánh hỏa công, bắn cung nỏ và võ dân tộc… sẽ đem đến cho du khách sự thích thú, cảm giác trải nghiệm sẽ gần như có thật.

Tuy nhiên, để tài hiện lịch sử chính xác, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và giới sử học phải vào cuộc để tái hiện chính xác, giới thiệu với du khách về di tích Bạch Đằng. Việc kế tiếp là duy trì tổ chức tốt lễ hội truyền thống Bạch Đằng hằng năm không chỉ mang ý nghĩa ghi nhớ, giáo dục truyền thống mà trong bối cảnh hiện nay còn là tạo nguồn thu cho nhân dân địa phương, thu hút đầu tư và tự tạo nguồn lực trong nhân dân để huy động bảo tồn, gìn giữ di tích và có thêm những nguồn lực tu bổ, phát huy giá trị di tích.

Ý tưởng xây dựng một bảo tàng ngoài trời ở ngay di tích là cần thiết. Muốn vậy, cần mở rộng khai quật nhằm mục đích phục vụ bảo tàng ngoài trời, gắn liền với quan tâm về điều kiện bảo quản, đường dẫn cũng như là không gian, môi trường xung quanh.

Hiện Bảo tàng Bạch Đằng (thị xã Quảng Yên), Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh có trưng bày một số cọc gỗ Bạch Đằng. Đây là những hiện vật khô được trưng bày sau khi ngâm tẩm, xử lý hóa chất bảo quản. Việc trưng bày đó vẫn chưa tập trung và chưa xứng tầm với giá trị di tích. Vì vậy, trong tình hình hiện nay, cần có một bảo tàng riêng biệt và phải được đầu tư cơ sở vật chất hiện đại, quy mô phục vụ trưng bày chuyên đề về đời Trần và trận Bạch Đằng.

Một phương án khác được đề xuất là đào nguyên cả bãi cọc lên, để nguyên khối và trưng trong tủ kính cường lực, sử dụng nước ở vùng bãi cọc cũ để thay.

Chiến thắng Bạch Đằng năm 1288 là một trong những chiến công vĩ đại nhất trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Nghiên cứu, tìm hiểu và làm rõ các giá trị to lớn của chiến thắng Bạch Đằng không chỉ giúp những thế hệ hôm nay hiểu rõ giai đoạn hào hùng trong lịch sử dân tộc mà còn có ý nghĩa to lớn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bối cảnh mới này cũng đặt ra yêu cầu phải có sự đầu tư bài bản, từ bảo đảm các nguồn lực (nguồn lực tài chính, nguồn lực con người, nguồn lực kỹ thuật,…) để công tác bảo tồn đạt hiệu quả. Do đó, cần tập trung vào một số vấn đề:

Thứ nhất, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, giới thiệu về di tích Bạch Đằng và Chiến thắng Bạch Đằng 1288 để nhân dân, du khách trong, ngoài nước hiểu biết thêm về di tích.

Thứ hai, để việc bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử Bạch Đằng 1288 trong thời gian tới đạt hiệu quả, ngoài nỗ lực của địa phương, rất cần có sự quan tâm ưu tiên đầu tư đặc biệt từ ngân sách trung ương, ngân sách tỉnh và huy động nguồn xã hội hóa từ các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong, ngoài nước, để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án ở di tích Bạch Đằng.

Thứ ba, định hướng và huy động cộng đồng dân cư sinh sống trong vùng di tích cùng tham gia công tác bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di tích. Hằng năm tổ chức tốt các lễ hội truyền thống Bạch Đằng, góp phần tăng tính hấp dẫn, thu hút khách du lịch.

Thứ tư, phát huy giá trị của di tích Bạch Đằng, vừa nhằm giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, lan tỏa truyền thống lịch sử, văn hóa, con người, vừa thu hút khách du lịch, mang lại lợi ích cho cộng đồng dân cư, tăng thu nhập, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần, tăng nguồn thu cho di tích, từ đó có nguồn để tái đầu tư.

Trong tổng thể các thế mạnh du lịch của Quảng Ninh, du lịch lịch sử - văn hóa có vai trò đặc biệt quan trọng, cùng với các nguồn tài nguyên di sản văn hóa quý giá khác có thể tạo nên một Quảng Ninh hấp dẫn với các loại hình du lịch văn hóa, lịch sử, du lịch văn hóa - tâm linh, du lịch hội thảo, du lịch trải nghiệm,… Nhiệm kỳ Đại hội 2020 - 2025, Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh chú trọng phát triển du lịch, dịch vụ. Ngoài việc quan tâm đầu tư các công trình trọng điểm về giao thông, đô thị, tỉnh định hướng đầu tư phát triển để trở thành trung tâm du lịch di sản gắn với đô thị thông minh, đô thị xanh./.