Phát huy tinh thần “Kỷ luật và đồng tâm” - linh hồn của văn hóa công nhân mỏ, văn hóa người dân đất mỏ trong sự nghiệp xây dựng tỉnh Quảng Ninh giàu đẹp
Trong quá trình xây dựng, phát triển tỉnh Quảng Ninh và Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, các thế hệ lãnh đạo của tỉnh và tập đoàn luôn khẳng định: “Tỉnh Quảng Ninh với Tập đoàn Công nghiệp Than - khoáng sản Việt Nam là một”, “Trong mối quan hệ giữa tỉnh với các doanh nghiệp trên địa bàn, thì với Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam là khác biệt”, trong đó mối quan hệ văn hóa thợ mỏ “Kỷ luật và đồng tâm” là mối quan hệ máu thịt, truyền thống.
Khẩu hiệu “Kỷ luật và đồng tâm chúng ta nhất định thắng” là ngọn đuốc soi đường, tập hợp đông đảo công nhân vùng mỏ Quảng Ninh đứng lên đấu tranh với chủ mỏ, thực dân Pháp vào tháng 11-1936 và giành thắng lợi vẻ vang. Khi nói và viết về cuộc tổng bãi công của hơn 3 vạn thợ mỏ năm ấy, tất cả đều phải trân trọng nhắc đến cụm từ “Kỷ luật và đồng tâm”, vì nó có ý nghĩa sâu sắc, tác động to lớn đến tâm tư, tình cảm cũng như đời sống xã hội của nhiều thế hệ thợ mỏ cùng nhân dân tỉnh Quảng Ninh cho đến tận ngày hôm nay. Gần 87 năm qua, với bao biến cố thăng trầm của lịch sử, nhưng vượt lên tất cả, tinh thần “kỷ luật và đồng tâm” vẫn lan tỏa sâu rộng trong văn hóa công nhân mỏ Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, trong người dân đất mỏ Quảng Ninh với nhiều ý nghĩa tốt đẹp, tạo nên nét văn hóa “càng khó khăn càng đoàn kết chặt chẽ hơn, yêu thương, giúp đỡ nhau nhiều hơn”.
Truyền thống văn hóa “Kỷ luật và đồng tâm” đã và sẽ mãi là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong sự nghiệp phát triển của ngành than, góp phần xây dựng tỉnh Quảng Ninh trở thành tỉnh kiểu mẫu, ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại. Điều này được khẳng định qua những nội dung cơ bản sau:
Một là, giá trị cốt lõi của văn hóa truyền thống “kỷ luật và đồng tâm’’ là yếu tố quan trọng để ngành than ngày càng phát triển bền vững và luôn vượt qua khó khăn, thử thách.
Đầu những năm 90 của thế kỷ XX còn có “than thổ phỉ” hoành hành bên cạnh xí nghiệp than do chính quyền sở tại quản lý, gây ra nhiều phức tạp về an ninh, trật tự, môi trường. Tình hình này đã làm phân tán, thất thoát tài nguyên quốc gia, hao phí lao động . Trước tình hình trên, ngày 10-10-1994, Tổng Công ty Than Việt Nam được thành lập, gần 2 năm sau, Đảng ủy Than Quảng Ninh ra đời theo Quyết định số 43-QĐ/TU, ngày 13-7-1996, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh. Với hệ thống chính trị dần ổn định, Tổng Công ty Than Việt Nam từng bước tập hợp các lực lượng làm than trên địa bàn Quảng Ninh, “xóa sổ than thổ phỉ”, đưa gần 5 vạn công nhân, viên chức, người lao động của tất cả các đơn vị làm than trên địa bàn vào ngôi nhà chung là Than Việt Nam. Tình hình tiếp tục được cải thiện theo hướng tích cực, ngày 26-12-2005, Chính phủ thành lập Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam. Dù tên gọi, mô hình có thay đổi, nhưng bản chất, giá trị cốt lõi, vai trò và ý nghĩa của văn hóa thợ mỏ “Kỷ luật và đồng tâm” vẫn được bảo tồn. Không những thế, còn được gọt giũa, bồi đắp để hoàn thiện hơn trong cơ chế mới. Đó là cơ sở để có thời điểm, Tập đoàn đã tập hợp tới hơn 12 vạn lao động ở nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác nhau trên mấy chục tỉnh, thành phố trong cả nước.
Truyền thống “Kỷ luật và đồng tâm” góp phần quan trọng để công nhân ngành than bứt phá, vượt qua khó khăn, thách thức. Trong đó, có thể kể đến trận mưa lũ lịch sử cuối tháng 7, đầu tháng 8-2015 làm ngành than thiệt hại hơn một nghìn tỷ đồng, nhưng phát huy cao độ tinh thần “Kỷ luật và đồng tâm”, đội ngũ công nhân ngành than đã cùng nhau đoàn kết, vượt qua khó khăn; tiếp đến là đợt dịch bệnh COVID-19 bùng phát kéo dài từ cuối năm 2019 đến quý I năm 2022, làm ảnh hưởng rất lớn tới đời sống, sinh hoạt của toàn xã hội, trong đó có ngành than, tiếp tục phát huy tinh thần “Kỷ luật và đồng tâm”, đội ngũ công nhân, cán bộ ngành than tích cực, quyết liệt cùng nhau chống dịch, linh hoạt, sáng tạo trong lao động sản xuất. Trong 3 năm (từ năm 2020 đến năm 2022), ngành than đều hoàn thành tốt nhiệm vụ, đặc biệt, năm 2022 là năm thực hiện các chỉ tiêu như doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách, thu nhập của người lao động... tốt nhất từ trước đến nay, qua đó đóng góp một phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ninh. Nhiều năm qua, ngành than luôn tích cực, trách nhiệm tham gia công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội gắn với phát triển đô thị, công tác bảo vệ môi trường sinh thái khu vực nông thôn, thực hiện tốt chính sách phát triển hài hòa cùng với địa phương nơi các doanh nghiệp hoạt động và triển khai thực hiện chính sách kết nghĩa giữa các đơn vị với các xã nghèo, huyện nghèo trong tỉnh Quảng Ninh.
Qua lao động sản xuất, rất nhiều công nhân mỏ được phong Anh hùng Lao động, Anh hùng Lực lượng vũ trang qua các thời kỳ. Hàng nghìn tấm gương “Người thợ mỏ - người chiến sĩ” theo lời Bác Hồ dạy “Ngành sản xuất than cũng như quân đội đánh giặc” được vinh danh tại các đơn vị. Số công nhân được kết nạp Đảng hằng năm luôn đạt tỷ lệ từ 4 - 5% trên tổng số đảng viên của Đảng bộ Than Quảng Ninh, Đảng bộ Tập đoàn, đây chính là nguồn nhân lực “vừa hồng, vừa chuyên” cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngành than - khoáng sản Việt Nam trong thời kỳ đổi mới và hội nhập.
Kết quả sản xuất, kinh doanh của ngành than gần 40 năm đổi mới đã chứng minh văn hóa truyền thống “Kỷ luật và đồng tâm” luôn đồng hành với việc xây dựng, phát triển và trưởng thành. Minh chứng rõ nhất là sau mỗi lần thiên tai, dịch bệnh, tái cơ cấu, tổ chức lại sản xuất, tinh giản và bố trí lại lao động, sản xuất, kinh doanh lại phát triển mạnh mẽ hơn, công nhân, cán bộ phấn khởi hơn, thu nhập và chế độ phúc lợi cho công nhân được tăng lên, được chăm lo tốt hơn cả về vật chất và tinh thần.
Cùng với sự phát triển của ngành than, sự đổi thay từng ngày của vùng mỏ, đời sống của công nhân, thợ mỏ ngành than đã và đang được cải thiện rõ rệt. Thợ mỏ luôn kiên cường trong đấu tranh, sáng tạo trong lao động sản xuất, dám đương đầu với thử thách, vượt khó đi lên. Có thể nói, truyền thống “Kỷ luật và đồng tâm” đã tạo ra một nguồn sức mạnh vô cùng to lớn, là tài sản tinh thần vô giá của đội ngũ thợ mỏ ngành than và người dân đất mỏ Quảng Ninh.
Hai là, giá trị cốt lõi của văn hóa truyền thống “Kỷ luật và đồng tâm’’ của công nhân mỏ không ngừng được lan tỏa, bồi đắp.
Nói đến truyền thống văn hóa công nhân mỏ, ai cũng có thể nói ngay rằng, giá trị cốt lõi nhất, cao quý nhất, làm nên thành công của đội ngũ thợ mỏ trong nhiều thế hệ, từ công cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do cho đến công cuộc tái thiết, xây dựng phát triển ngành than đi lên mạnh mẽ như ngày hôm nay, chính là truyền thống văn hóa “Kỷ luật và đồng tâm” luôn đề cao tính kỷ luật, sự đoàn kết, nhất trí trong nhận thức và hành động, sự chia sẻ, động viên, giúp đỡ nhau khi gian khó, tạo thành một thể thống nhất về vật chất và tinh thần trong đội ngũ. Càng khó khăn lại càng đoàn kết, dù gian khổ đến mấy, những người thợ mỏ vẫn luôn tin tưởng vào tương lai, luôn cất cao lời ca, tiếng hát, luôn ham mê thể thao, văn hóa, nghệ thuật. Nét văn hóa rất riêng đó sẽ còn tiếp tục được nhắc đến trong hiện tại và tương lai, bởi đó là nền tảng tinh thần vững chắc để người thợ mỏ vượt qua muôn vàn khó khăn, thách thức, tiếp tục góp phần xây dựng người Quảng Ninh “Năng động - sáng tạo - hào sảng - lành mạnh - văn minh - thân thiện”, cùng với nhân dân các dân tộc trong tỉnh xây dựng, phát triển tỉnh Quảng Ninh với các đặc trưng “Hành chính minh bạch - Kinh tế phát triển - Văn hóa đặc sắc - Xã hội văn minh - Nhân dân hạnh phúc”. Đặc biệt, từng bước xây dựng Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam phát triển và vươn lên mạnh mẽ như mong muốn của Đảng, Bác Hồ đối với ngành than: “Xây dựng ngành than trở thành ngành kinh tế gương mẫu cho các ngành kinh tế khác”; “Xây dựng ngành than trở thành một ngành kinh tế mạnh, với vị trí là một trong những trụ cột chính bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia…”, khẳng định và lan tỏa văn hóa truyền thống “Kỷ luật và đồng tâm” - đặc trưng của văn hóa công nhân mỏ Việt Nam ở tất cả các vùng, miền Tổ quốc nói chung, tỉnh Quảng Ninh nói riêng.
Ba là, xây dựng đội ngũ công nhân mỏ luôn gắn với xây dựng con người Quảng Ninh.
Trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh hiện nay, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam có trên 77.000 lao động (làm việc trong lò 43.500 người), với khoảng 23.000 đảng viên, cơ bản làm việc tập trung 3 ca sản xuất trên các khai trường, hầm mỏ. Có thể nói, điều kiện làm việc của công nhân ngành than là rất khó khăn và nặng nhọc, đòi hỏi người lao động không chỉ có sức khỏe mà còn phải có sự quyết tâm, lòng yêu nghề, tình yêu đất mỏ và lao động khoa học. Trong đội ngũ thợ mỏ ở tỉnh Quảng Ninh, có nhiều người từ nơi khác đến, nhưng đều có chung một suy nghĩ, một hành động là sản xuất than cho Tổ quốc, làm giàu cho quê hương Quảng Ninh. Người thợ mỏ luôn có tinh thần yêu nước, tinh thần tự cường dân tộc, trong chiến tranh luôn khát vọng được độc lập và tự do, trong thời kỳ xây dựng đất nước thì luôn khát vọng vươn lên thoát khỏi nghèo khó, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc, dù trong khó khăn, vất vả, họ vẫn hăng say phấn đấu vì lợi ích chung. Đội ngũ công nhân mỏ là một tập thể đoàn kết, có lối sống lành mạnh, nếp sống văn minh, cần cù, trung thực, lao động chăm chỉ và sáng tạo, có lương tâm với nghề nghiệp, tích cực học tập, cầu mong tiến bộ, có ý chí vươn lên trong cuộc sống, luôn gương mẫu chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, nêu gương và học tập theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Bốn là, văn hóa truyền thống “Kỷ luật và đồng tâm’’ tạo cơ sở xây dựng môi trường văn hóa, phát triển sự nghiệp văn hóa trong ngành than và tỉnh Quảng Ninh.
Việc tạo ra môi trường văn hóa tốt để phát triển con người là điều rất quan trọng, trong nhiều năm qua, ngành than tăng cường phối hợp với các địa phương, nơi các đơn vị đóng quân để chỉ đạo việc gắn kết giữa các doanh nghiệp với địa phương trong phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư; phối hợp xây dựng các khu phố văn hóa, gia đình văn hóa, tạo sự gắn kết giữa các gia đình thợ mỏ với địa phương, khu phố, bởi đây chính là nơi để hòa nhập cộng đồng thợ mỏ, nơi tổ chức các hoạt động, các phong trào chung, tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển và hoàn thiện nhân cách, đạo đức con người xã hội chủ nghĩa. Hoạt động văn hóa - xã hội luôn được quan tâm đặc biệt, được thể hiện thông qua việc xây dựng các quy chế hoạt động đối với từng lĩnh vực, đồng thời, hằng năm đều tổ chức các phong trào, đầu tư cơ sở vật chất, phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng nhân tài, động viên, tạo điều kiện và hỗ trợ cho các hoạt động của anh chị em văn - nghệ sĩ, vận động viên có năng khiếu, đam mê cống hiến; hệ thống câu lạc bộ văn hóa - thể thao được hình thành đến tận cơ sở và được duy trì, hoạt động một cách thống nhất, có chất lượng và hiệu quả. Qua đó, phần nào đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, nâng cao thể lực, trí lực của người lao động, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong từng doanh nghiệp, tác động tích cực đến việc thúc đẩy phong trào thi đua lao động sản xuất và xây dựng đời sống văn hóa tại cơ sở.
Việc phát triển sự nghiệp văn học - nghệ thuật, thể thao trong công nhân mỏ luôn được xác định là việc làm cần thiết, vì vậy, trong những năm qua, ngành than luôn chú trọng đến việc chăm sóc đời sống văn hóa, tinh thần cho người lao động, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển các phong trào thơ ca, sân khấu, âm nhạc. Đồng thời, chú trọng việc bồi dưỡng, đào tạo các tài năng; tổ chức nhiều hoạt động mang dấu ấn, như chương trình “Sao Mai trên đất mỏ”, đại hội thể dục, thể thao than Việt Nam, hội diễn nghệ thuật quần chúng; ngoài ra còn tổ chức cho đoàn nghệ thuật quần chúng của các đơn vị tham gia các chương trình của ngành, của Trung ương, địa phương, đặc biệt là trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Thông qua hoạt động nghệ thuật quần chúng trong Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam đã xuất hiện nhiều nghệ sĩ nổi tiếng, như nghệ sỹ nhân dân Quang Thọ, nghệ sĩ nhân dân Lê Dung, ca sĩ Hoàng Tùng,...
Năm là, công tác bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa lịch sử góp phần gìn giữ và phát huy văn hóa truyền thống “Kỷ luật và đồng tâm”.
Trong nhiều năm qua, công tác bảo tồn, bảo tàng, giáo dục truyền thống được các cấp lãnh đạo từ Tập đoàn, Đảng ủy Than Quảng Ninh đến các cơ sở quan tâm đúng mức. Nhiều đơn vị đã đầu tư xây dựng nhà truyền thống, lưu giữ nhiều hình ảnh, tư liệu, hiện vật trong quá trình hình thành và phát triển của đơn vị, như các công ty than Mạo Khê, Vàng Danh, Uông Bí, Cọc Sáu, Hà Tu, Hà Lầm, Cao Sơn, Đèo Nai,... Các di tích lịch sử được Nhà nước xếp hạng, như ngã tư đường lên mỏ Đèo Nai (nơi bắt đầu diễn ra cuộc đình công của hơn 3 vạn thợ mỏ Cẩm Phả ngày 12-11-1936); địa điểm lưu niệm Bác Hồ về thăm mỏ Đèo Nai ngày 30-3-1959; trận địa pháo cao xạ nữ tự vệ nhà sàng Cửa Ông, cầu Pooctic số 1 cảng Cửa Ông, tượng đài thợ mỏ tại Quảng trường 12-11, Cẩm Phả; cụm di tích địa điểm khai thác than đầu tiên của Việt Nam tại xã Yên Thọ, huyện Đông Triều;... Thông qua các hoạt động tuyên truyền, giáo dục trong cán bộ, đảng viên, người lao động, tổ chức cho các lớp đảng viên mới, quần chúng ưu tú kết nạp Đảng, tuổi trẻ, điển hình tiên tiến đến thăm, dâng hương các di tích, đã làm nổi bật sự riêng có văn hóa của ngành than, của vùng mỏ Quảng Ninh.
Sáu là, phong trào xây dựng văn hóa doanh nghiệp.
Những năm gần đây, từ Tập đoàn, Đảng ủy Than Quảng Ninh đến các đơn vị cơ sở đã tập trung nghiên cứu, tổ chức xây dựng các nội dung và tiêu chí để phấn đấu trở thành đơn vị đạt danh hiệu “Doanh nghiệp giỏi”, “Doanh nghiệp văn hóa”; quan tâm, mời các giảng viên của các trường, các tổ chức có kinh nghiệm giảng dạy về kỹ năng giao tiếp, chuyên môn, nghiệp vụ, phương pháp quản lý tiên tiến; tăng cường tuyên truyền, vận động công nhân, viên chức gương mẫu thực hiện các quy định của Nhà nước, quy định của cơ quan, của doanh nghiệp. Đến nay, nhiều đơn vị đã áp dụng phương pháp quản lý mới, tiên tiến và hiện đại; hầu hết các đơn vị đều xây dựng nhà làm việc khang trang, phòng ban làm việc sạch sẽ, gọn gàng, ngăn nắp hơn, cán bộ, viên chức có phong cách giao tiếp lịch sự, làm việc khoa học, có chất lượng; cơ quan, đơn vị có quy định về tiếp khách, hội họp, có chính sách thu hút và chăm sóc khách hàng, thu hút và bồi dưỡng nhân tài cùng các quy ước khác, tạo nên nét đẹp văn hóa trong giao tiếp, trong làm việc nơi hầm lò và dưới lòng moong sâu, đó chính là văn hóa người thợ mỏ.
Để tiếp tục phát huy tinh thần “Kỷ luật và đồng tâm” - linh hồn của văn hóa công nhân mỏ, văn hóa người dân đất mỏ trong sự nghiệp xây dựng tỉnh Quảng Ninh giàu đẹp, thời gian tới, ngành than xây dựng, triển khai thực hiện những nhiệm vụ cơ bản, quan trọng sau:
Thứ nhất, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức, trước hết trong lãnh đạo cấp ủy, cơ quan chuyên môn, các tổ chức chính trị - xã hội về ý nghĩa và trách nhiệm đối với việc xây dựng nền văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới tại cơ sở; chú trọng nâng cao nhận thức, bản lĩnh chính trị, ý thức giác ngộ giai cấp, hiểu biết pháp luật, phát huy lòng yêu nước, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc của giai cấp công nhân; học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Đồng thời, làm cho cán bộ, đảng viên và công nhân, viên chức hiểu đầy đủ hơn về trách nhiệm của mình trong việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam bằng những hành động thực tiễn ngay trong đơn vị công tác, địa phương nơi cư trú.
Thứ hai, hằng năm phải xây dựng chương trình cụ thể về hoạt động văn hóa của đơn vị, phối hợp với địa phương đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trong các khu dân cư. Các gia đình có Đảng viên phải phấn đấu đạt gia đình văn hóa hằng năm, nhiều gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa tiêu biểu.
Thứ ba, rà soát, bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách về phát triển văn hóa của ngành, trong đó có những chính sách chung và chính sách đặc thù cho các hạt nhân làm công tác văn hóa tại cơ sở. Xây dựng chiến lược đầu tư cho con người để phát huy tài năng và sức sáng tạo lao động của mỗi cá nhân. Tiếp tục đầu tư xây dựng và nâng cao chất lượng các thiết chế văn hóa, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong từng doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy phong trào thi đua lao động sản xuất, nâng cao đời sống người lao động.
Thứ tư, tập trung xây dựng văn hóa doanh nghiệp tại các cơ sở, đơn vị theo hệ thống tiêu chí chuẩn, có chương trình xây dựng cụ thể để phấn đấu thực hiện. Xác lập các tiêu chí để xây dựng khung kiến thức cơ bản cho mọi người, theo đó, thường xuyên xem xét lại những điểm mạnh, điểm yếu khi đánh giá về văn hóa doanh nghiệp để tuyên truyền, nhắc nhở mọi người về trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi cá nhân trong cộng đồng và trong mỗi doanh nghiệp.
Thứ năm, phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội (công đoàn, đoàn thanh niên, hội cựu chiến binh), đẩy mạnh các phong trào thi đua thiết thực trong công nhân, lao động, phát huy quyền làm chủ, đi đầu trong các phong trào thi đua phát triển kinh tế - xã hội. Luôn đổi mới nội dung và hình thức tổ chức các phong trào thi đua phù hợp với đặc điểm của ngành, cơ quan, đơn vị, hướng phong trào thi đua vào mục tiêu xây dựng đời sống văn hóa tại cơ sở, phát huy tốt tính chủ động và sáng tạo của các tổ chức và động viên mọi cá nhân tham gia vào các hoạt động văn hóa, làm cho đời sống văn hóa của công nhân mỏ ngày càng phong phú, đa dạng, hấp dẫn, tạo động lực thúc đẩy sản xuất, nâng cao đời sống người lao động.
Thứ sáu, triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết số 76-NQ/ĐU, ngày 9-1-2023, của Đảng ủy Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống trong Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, chú trọng bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa, lịch sử truyền thống ngành Than; quan tâm đầu tư lĩnh vực giáo dục truyền thống văn hóa thợ mỏ cho cán bộ, đảng viên, người lao động, nhân dân trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, đặc biệt là thế hệ trẻ; tiếp tục sưu tầm và lưu giữ những tư liệu, hình ảnh, hiện vật của quá trình hình thành và phát triển ngành than - khoáng sản Việt Nam.
Thứ bảy, tiếp tục xây dựng, phát triển đội ngũ công nhân ngành than gắn bó với lịch sử, truyền thống văn hóa các dân tộc tỉnh Quảng Ninh thành một khối đoàn kết, thống nhất, có lối sống lành mạnh, nếp sống văn minh; cần cù và lao động sáng tạo, có ý chí, khát vọng vươn lên xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc; gương mẫu chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, phấn đấu không ngừng để hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam phát triển bền vững, tỉnh Quảng Ninh trở thành tỉnh kiểu mẫu, ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.
Có thể nói, phát huy tinh thần “Kỷ luật và đồng tâm” - di sản và linh hồn của văn hóa công nhân mỏ, văn hóa người dân đất mỏ trong sự nghiệp xây dựng tỉnh Quảng Ninh giàu đẹp sẽ góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội XV của Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh đã đề ra: “Xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện của phía Bắc”. Đồng thời, góp phần khơi dậy khát vọng phát triển đất nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc, phấn đấu đến năm 2045 Việt Nam trở thành nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa có thu nhập cao theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng./.
THAM LUẬN HỘI THẢO: Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số khu vực biên giới tỉnh Quảng Ninh  (30/09/2023)
Thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh: Phát triển văn hóa, du lịch từng bước trở thành thương hiệu, tạo động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội  (30/09/2023)
THAM LUẬN HỘI THẢO: Xây dựng hình ảnh người chiến sĩ Công an Quảng Ninh bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ  (30/09/2023)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên