Thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh: Phát triển văn hóa, du lịch từng bước trở thành thương hiệu, tạo động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội
Đông Triều, mảnh đất và con người đã gắn liền với chiều dài lịch sử của dân tộc Việt Nam, là vùng đất cổ địa linh nhân kiệt, có tầm quan trọng về địa chính trị, địa kinh tế, địa lịch sử, địa văn hóa, được sử sách ghi nhận là quê gốc nhà Trần - một trong những triều đại phong kiến hưng thịnh bậc nhất trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc.
Địa danh Đông Triều xuất hiện vào nửa sau của thế kỷ XIV, cách đây hơn 700 năm, do vị vua thứ 7 triều Trần là vua Trần Dụ Tông đổi Yên Sinh làm đất Đông Triều, tên Đông Triều có bắt đầu từ đây. Tháng 12-1946, huyện Đông Triều tách khỏi tỉnh Hải Dương để trực thuộc tỉnh Quảng Yên; tháng 3-1947 trực thuộc Liên tỉnh Quảng Hồng. Năm 1959, huyện Đông Triều lại chuyển về tỉnh Hải Dương. Tháng 10-1961, huyện Đông Triều trở về thuộc Đặc khu Hồng Quảng. Ngày 30-10-1963, huyện Đông Triều chính thức trở thành một đơn vị hành chính cấp huyện của tỉnh Quảng Ninh.
Vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, núi non, sông ngòi, sản vật, thành trì, di tích, các tổng xã của Đông Triều đã hình thành nên vùng đất có bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa, với các địa danh cổ như am - tháp - chùa Ngọa Vân, lăng mộ, chùa, miếu nhà Trần, chùa Quỳnh Lâm, Hồ Thiên, Ngọa Vân, quán Ngọc Thanh, bến sông Đông Triều, vườn Thiên Long Uyển, núi Ngọa Ngưu,... Ngoài ra, còn lưu giữ tên nhiều địa danh làng, xã cổ, như xã Xuân Quang, Mạo Khê, Đông Sơn, Linh Tràng, Kim Sen, Vĩnh Tuy, Nhuệ Hổ, Thọ Tràng, Yên Lãng, Hổ Lao, Vân Quế tổng Yên Lãng; Mỹ Cụ, La Dương, Hà Lôi tổng Mễ Sơn; Bác Mã, Đông Triều, Bàng Sơn, Đông Khê, Đoàn Xá, Đạm Thủy, Vị Thủy, An Biên tổng Đạm Thủy; Chí Linh, Đức Sơn, Đồn Sơn, Dương Đê, Yên Khánh tổng Yên Khánh; Trung Lương, Lâm Xá, Quế Lạt, Nội Hoàng, Thượng Thông, Hoành Mô, Yên Dưỡng tổng Nội Hoàng... Than đá ở xã Yên Lãng để nấu luyện chì, xã Hương Lạt tổng Nội Hoàng có diêm điền (muối), xã Hổ Lao, xã Mạo Khê, xã Đông Khê có đất sét trắng để sản xuất đồ sành, sứ, xã Chí Linh có đất vàng để làm nồi chõ và đồ gốm khác... Người dân Đông Triều thì chất phác, chân chất, ít văn hoa.
Từ nửa sau của thế kỷ XIV đến trước năm 1930, huyện Đông Triều được thu gọn lại còn 5 tổng và 56 xã, hiện nay, để phù hợp với xu hướng phát triển chung về kinh tế - xã hội, Đông Triều tiếp tục thu gọn lại còn 21 địa danh hành chính. Tuy nhiên, tên gọi các làng, xã vẫn gắn với tên gọi cũ và vẫn giữ nguyên được giá trị văn hóa truyền thống thông qua hệ thống đình, chùa, nghè, miếu, lễ hội truyền thống, lễ hội dân gian..., qua những câu ca, làn điệu chèo, địa chí cổ, văn bia, hoành phi, câu đối, thần tích, thần sắc, hương ước, tục lệ, địa bạ, thơ phú... Đây là những tư liệu thành văn phản ánh đầy đủ các mặt của đời sống xã hội Đông Triều thời phong kiến và để hiểu về cội nguồn ông cha, bản sắc dân tộc, đồng thời là cơ sở để tiếp tục kế thừa, phát huy những giá trị lịch sử, văn hóa.
Hiện nay, địa giới Đông Triều có thu hẹp nhiều so với thời trước, nhưng tên gọi Đông Triều hầu như không thay đổi và từ lâu đã đi vào lịch sử đất nước, là một địa bàn có tầm chiến lược quan trọng cả về chính trị, kinh tế và quân sự. Với địa thế là thị xã trẻ ở cửa ngõ phía tây của tỉnh Quảng Ninh, là cửa ngõ nối tỉnh Quảng Ninh với thủ đô Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, với hệ thống giao thông thuận lợi cả về đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa. Đặc biệt, nơi đây còn là miền trầm tích văn hóa, gắn liền với cội nguồn nhà Trần - một trong những triều đại vang danh bậc nhất trong lịch sử dựng nước, giữ nước hàng nghìn năm của dân tộc Việt Nam. Với nhà Trần, Đông Triều không chỉ là quê gốc mà còn là “trung tâm văn hóa tâm linh tiêu biểu và đặc sắc”, với một quần thể di tích kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng linh thiêng. Đây cũng là nơi vua Minh Mạng đã ban chỉ dụ khai thác than đầu tiên tại núi Yên Lãng (thuộc xã Yên Thọ ngày nay) cách đây 178 năm, đánh dấu sự ra đời của ngành công nghiệp khai thác than tại Việt Nam, gắn với giai cấp công nhân vùng mỏ; nơi ra đời Đệ tứ Chiến khu Trần Hưng Đạo - Chiến khu Đông Triều oai hùng trong thời kỳ tiền khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám năm 1945. Đông Triều còn là nơi thành lập chi bộ đảng đầu tiên của khu mỏ (ngày 23-2-1930).
Cũng như nhiều huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Quảng Ninh, thị xã Đông Triều có yêu cầu bức thiết về bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị các di tích, di sản văn hóa trong cuộc sống hiện tại, đặc biệt là làm thế nào để thế hệ trẻ có cơ hội, điều kiện tiếp nhận những giá trị truyền thống tốt đẹp. Để bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa lịch sử truyền thống gắn với việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII “Về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”; Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 khóa XI “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, thời gian qua, thị xã Đông Triều phối hợp với các chuyên gia Hán Nôm tích cực sưu tầm địa chí cổ, thần tích, thần sắc, thơ văn và công bố các tư liệu cổ về Đông Triều, đồng thời sưu tầm tên làng, tên xã, địa danh cổ, danh nhân, nhân vật lịch sử, tên di tích để lập ngân hàng dữ liệu tên đường, phố trên địa bàn thị xã, làm cơ sở để lựa chọn đặt tên đường, tên phố ở 6 phường của thị xã.
Với 120 di tích và danh thắng, trong đó có 24 di tích đã được xếp hạng (1 khu di tích quốc gia đặc biệt, 7 di tích cấp quốc gia, 16 di tích cấp tỉnh), 96 di tích đã được kiểm kê, phân loại và đưa vào danh mục quản lý, thị xã Đông Triều đã xây dựng Đề án quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích, danh thắng trên địa bàn, đồng thời có kế hoạch triển khai xây dựng Đề án tổng thể các lễ hội trên địa bàn. Cùng với lễ hội, các loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian mang đậm bản sắc của các dân tộc trên địa bàn thị xã cũng được duy trì và phát triển, như hát chèo, hát Then, đàn tính và soọng cô..., tiêu biểu nhất là hát Then (xã Tràng Lương). Các phong tục tập quán (lễ cấp sắc ma chay, cưới hỏi của dân tộc Dao Thanh Y ở phường Xuân Sơn; tiếng nói, chữ viết của dân tộc Dao Thanh phán, Dao Thanh y và dân tộc Tày ở xã Tràng Lương, nghề thủ công truyền thống Vĩnh Hồng - Mạo Khê, Trạo Hà - Đức Chính làm gốm, đồ sành, sứ từ đất sét...).
Những giá trị đặc sắc, tiêu biểu về lịch sử, văn hóa, con người và điều kiện tự nhiên đã mở ra cho thị xã Đông Triều một thời vận mới về phát triển kinh tế - văn hóa và tạo nên sự biến động mạnh mẽ về mọi mặt. Trên cơ sở bám sát Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị các di tích trên địa bàn, thị xã xác định các di tích trọng điểm quan trọng để tập trung huy động nguồn lực đầu tư tu bổ, tôn tạo, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống; đồng thời, tăng cường phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước (Cục Di sản, Sở Văn hóa và Thể thao), cơ quan nghiên cứu, đơn vị tư vấn (Trung tâm Nghiên cứu kinh thành, Viện Khảo cổ học, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn…) thực hiện tốt công tác chuẩn bị đầu tư, lập hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng đối với các di tích.
Thị xã chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá bằng nhiều hình thức: kết nối với các cơ quan truyền thông ở trong và ngoài tỉnh; tăng cường tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh cơ sở, trong đó xây dựng và nâng cao chất lượng các chuyên trang, chuyên mục về du lịch, di tích; chỉ đạo biên tập, phát hành các tờ rơi, tờ gấp, bản đồ, sơ đồ tuyến, điểm du lịch, sách giới thiệu về di tích, du lịch; thành lập các website dulichdongtrieu.vn, nhatranodongtrieu.vn; fanpage DDCI Đông Triều; tuyên truyền thông qua các trang mạng xã hội như: zalo, facebook… Tập trung tuyên truyền, biên tập, đưa tin trên Đài Truyền thanh thị xã; phối hợp với các đài phát thanh - truyền hình tỉnh, đài truyền hình ở Trung ương (VTV1, VTV2, VTV5, VTC10…) phát hành các phóng sự, bộ phim giới thiệu về các di tích của thị xã, đặc biệt là khu di tích nhà Trần ở Đông Triều. Phối hợp, ký kết với Báo Quảng Ninh (báo điện tử Quảng Ninh online) có trang tin thường xuyên về thị xã Đông Triều, trong đó giới thiệu, quảng bá hệ thống các di sản văn hóa trên địa bàn thị xã. Đặc biệt, năm 2017, chỉ đạo tổ chức thành công Cuộc thi sáng tác biểu trưng (logo) thị xã Đông Triều, với 111 tác phẩm của 55 tác giả đến từ các tỉnh, thành phố trong cả nước. Thông qua cuộc thi đã lựa chọn được biểu trưng (logo) của thị xã. Năm 2018, chỉ đạo tổ chức Hội thi “Người giới thiệu hay nhất về Đông Triều” lần thứ I. Đầu tháng 5-2019, chỉ đạo tổ chức Hội thi đọc sách, giới thiệu về lịch sử quê hương Đông Triều để tuyên truyền, quảng bá hình ảnh, thương hiệu du lịch, di tích của thị xã Đông Triều. Tháng 9-2022, tổ chức Giải đua xe đạp Đông Triều mở rộng “Hành trình về miền di sản”.
Cùng với công tác tuyên truyền, quảng bá, thị xã còn tích cực huy động sự tham gia của các doanh nghiệp, tổ chức và nhân dân phát tâm công đức trùng tu, tôn tạo, bảo tồn các lễ hội truyền thống như: chùa Ngọa Vân, Thái Miếu, chùa Quỳnh Lâm, chùa Trung Tiết, chùa Kim Sen, đình - chùa Hoàng Xá, chùa Quết Lạt, đền An Biên, khu di tích Mỏ Mạo Khê (Non Đông), điểm khai thác than đầu tiên ở Việt Nam tại núi Yên Lãng, cụm di tích danh thắng Yên Đức... Mở tuyến đường lên di tích Ngoạ Vân; tuyến cáp treo lên chùa Ngọa Vân; hoàn thành lập Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020, tầm nhìn năm 2030. Thường xuyên chỉ đạo đẩy mạnh và tăng cường công tác quản lý, khai thác, phát huy giá trị các di tích trên địa bàn trên cơ sở các quy hoạch đã được phê duyệt và bảo vệ nguyên trạng di tích.
Bên cạnh công tác kêu gọi xã hội hóa vào công tác trùng tu, tôn tạo các di tích trên địa bàn, thị xã Đông Triều cũng ban hành nghị quyết về phát triển du lịch thị xã giai đoạn 2016 - 2020 với mục tiêu xây dựng thị xã Đông Triều trở thành một trung tâm du lịch tâm linh, sinh thái, trải nghiệm, có hệ thống cơ sở vật chất đồng bộ; sản phẩm du lịch đa dạng, đặc sắc, mang đậm bản sắc văn hóa vùng đất địa linh nhân kiệt, có năng lực cạnh tranh với các địa phương trong tỉnh và cả nước cũng như trong khu vực và quốc tế; thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, là động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội của thị xã phát triển nhanh, bền vững và bảo đảm quốc phòng, an ninh. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc nền kinh tế và chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”. Trong đó, xác định phát triển văn hóa - du lịch là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội với 3 định hướng là: du lịch văn hóa tâm linh, du lịch làng nghề truyền thống và du lịch sinh thái đồng quê, trải nghiệm. Trên cơ sở đó, thị xã đã chỉ đạo, kết nối hình thành các điểm du lịch tâm linh trong các tuyến du lịch (trên địa bàn thị xã hiện có 4 tuyến, 15 điểm du lịch đang từng bước được quản lý, khai thác và phát huy hiệu quả).
Song song với công tác tu bổ, tôn tạo di sản văn hóa vật thể, thị xã triển khai nhiều giải pháp nhằm khôi phục, gìn giữ, bảo tồn và phát huy nghệ thuật hát Then, đàn tính, hát chèo, những loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống đang được lưu giữ trên địa bàn thị xã; từng bước đưa loại hình nghệ thuật hát Then, đàn tính vào các chương trình lễ hội, hoạt động xúc tiến du lịch, tạo nên nét độc đáo riêng có của thị xã Đông Triều. Thực hiện tốt Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 khóa XI “Về xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Phát triển phong trào văn hóa nghệ thuật quần chúng và khôi phục, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của nhân dân các dân tộc trên địa bàn, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số.
Trong thời gian tới, để tiếp tục phát huy những giá trị truyền thống về văn hóa, lịch sử, tự nhiên và con người Đông Triều để phát triển văn hóa, du lịch, từng bước trở thành thương hiệu và làm động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn thị xã, cần tập trung thực hiện có hiệu quả một số giải pháp cơ bản như sau:
Một là, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, nhân dân và mọi du khách tham gia công tác quản lý, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị của các di tích trên địa bàn. Gắn trách nhiệm của chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội địa phương trong thực hiện nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức của cộng đồng về giá trị di sản văn hóa; về ý thức, trách nhiệm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong cộng đồng.
Hai là, phục dựng, nâng cấp một số lễ hội truyền thống tiêu biểu của thị xã (phát triển lễ hội đền An Sinh theo mô hình lễ hội đầu thế kỷ XX, kết nối lễ hội đền An Sinh với lễ hội đền Kiếp Bạc); phát triển lễ hội chùa Quỳnh Lâm trở thành lễ hội vùng, kết nối lễ hội Quỳnh Lâm trong hệ thống hội xuân Yên Tử.
Ba là, khôi phục và duy trì các hoạt động biểu diễn văn nghệ, trò chơi diễn xướng dân gian trong lễ hội; định kỳ tổ chức các cuộc liên hoan, hội thi, hội diễn, giao lưu văn hóa, văn nghệ truyền thống, các cuộc thi đấu thể dục, thể thao và trò chơi dân gian; tổ chức hội chợ, hội thi, triển lãm nhằm hỗ trợ quảng bá sản phẩm của các làng nghề truyền thống.
Bốn là, thực hiện tốt công tác điều tra, sưu tầm, nghiên cứu làm cơ sở cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa. Điều tra, sưu tầm, tư liệu hóa và xây dựng cơ sở dữ liệu về di sản văn hóa của thị xã. Đẩy mạnh xã hội hóa công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa; khuyến khích tổ chức, cá nhân ở trong nước và nước ngoài đóng góp, tài trợ cho công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Khai thác kinh nghiệm, các tập tục cổ truyền tốt đẹp, kiến thức về tổ chức lễ hội, làng nghề, nghệ thuật trình diễn dân gian từ cộng đồng góp phần làm phong phú thêm giá trị di sản văn hóa của thị xã.
Năm là, nâng cao nhận thức và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, trọng tâm là nghiên cứu, đổi mới phương thức lãnh đạo, tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra và quản lý của cấp ủy, chính quyền các cấp trong bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích; xác định đây là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm hàng đầu ở địa phương. Cùng với đó, nâng cao năng lực cán bộ quản lý nhà nước; bổ sung nhân lực và các điều kiện vật chất - kỹ thuật phục vụ công tác quản lý nhà nước về di tích./.
THAM LUẬN HỘI THẢO: Xây dựng hình ảnh người chiến sĩ Công an Quảng Ninh bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ  (30/09/2023)
THAM LUẬN HỘI THẢO: Phát huy mô hình tòa soạn hội tụ trong quảng bá vùng đất, con người Quảng Ninh  (30/09/2023)
THAM LUẬN HỘI THẢO: Đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh hiện nay  (30/09/2023)
- Một số giải pháp đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng hiện nay
- Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Thành phố Hồ Chí Minh qua gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng
- Hoàn thiện hệ thống chính sách hỗ trợ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo đối với doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội
- Một số vấn đề cơ bản về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước trong xây dựng nhà nước pháp quyền
- Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thúc đẩy đối ngoại quốc phòng, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng các biện pháp hòa bình
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG
Những vấn đề môi trường cấp bách hiện nay: Thực trạng và giải pháp