Thủ tướng làm việc với các địa phương về tình trạng hải sản chết bất thường
Theo báo cáo do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, ngay sau khi nhận được thông tin, Thủ tướng Chính phủ đã khẩn trương, quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu xác định nguyên nhân và thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và một số Bộ trưởng đã đến làm việc, kiểm tra trực tiếp vùng bị ảnh hưởng.
Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ đã có 8 văn bản chỉ đạo, giao nhiệm vụ, trong đó có 17 đầu việc chính tập trung vào 4 nhóm vấn đề: Xác minh, làm rõ nguyên nhân; hỗ trợ, khắc phục hậu quả, ổn định đời sống; khôi phục, ổn định sản xuất; giữ gìn trật tự an ninh xã hội và công tác bảo vệ môi trường.
Tại cuộc làm việc, các địa phương báo cáo về những biện pháp, hành động đã triển khai với tinh thần “bám sát địa bàn, kịp thời giải đáp, tháo gỡ khó khăn cho người dân”, đồng thời mong muốn sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, nhất là sớm có trả lời cho các câu hỏi, mối băn khoăn hiện nay của người dân như: nguyên nhân của hiện tượng này là gì, chất lượng nước biển ra sao, hải sản đánh bắt được có an toàn hay không…
Lãnh đạo các địa phương cho biết có hiện tượng một số đối tượng lợi dụng, lôi kéo, kích động người dân tụ tập biểu tình, gây rối, làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn; thông tin suy diễn, thiếu chính xác trên mạng xã hội, khiến người dân hoang mang.
Phát biểu tại cuộc làm việc, các Bộ trưởng đã công bố một số kết quả kiểm tra, giám sát.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, đến nay, Bộ đã đặt các công cụ quan trắc tại Vũng Áng và hoàn toàn có thể kiểm soát mức độ ô nhiễm của vùng biển này. Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định, chất lượng môi trường nước biển ở các tỉnh miền Trung hoàn toàn an toàn.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thông tin: “Tại Quảng Bình và Hà Tĩnh, Bộ Y tế đã lấy mẫu nhiều loại hải sản tươi sống do ngư dân đánh bắt về như: tôm, cá, ốc, sò, mực, một số loại rau để phân tích thì các chỉ số đều an toàn đối với sức khỏe con người. Thông tin rất quan trọng là hải sản tươi sống đều an toàn. Riêng các mẫu hải sản ở Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế ngày mai (02-5) sẽ có kết quả”.
Trả lời câu hỏi đối với các vùng nuôi trồng thuỷ, hải sản có lấy nước biển vào nuôi được không, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, qua phân tích cho thấy những chỉ tiêu cơ bản thì bảo đảm an toàn, tuy nhiên cũng cần chú ý theo dõi chặt để đề phòng các diễn biến bất thường.
Về vấn đề ngư dân quan tâm là có thể đánh bắt hải sản ở khu vực nào, theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, trước hết là vùng biển khơi, cách bờ từ 20-30 hải lý trở lên.
Về xác định nguyên nhân của hiện tượng hải sản chết hàng loạt, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh cho biết Bộ đã huy động các nhà khoa học hàng đầu trên cả nước để cùng vào cuộc, làm việc với tinh thần trách nhiệm cao nhất. Các nhà khoa học cần được tạo điều kiện thực sự khách quan, công tâm, không bị sức ép nào về tiến độ, để có thể đưa ra những kết luận chính xác, khách quan nhất. Bộ cũng đã thành lập các tổ công tác thường trực tại địa phương.
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, đây là sự cố nghiêm trọng về môi trường ở 4 tỉnh miền Trung, ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân ven biển. Tuy nhiên, đến nay, nhờ sự chỉ đạo toàn diện, liên tục, chúng ta cơ bản giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội, biển đã an toàn hơn.
Tuy nhiên, Thủ tướng đã chỉ ra một số bất cập như một số địa phương còn chậm trễ trong đề xuất giải pháp xử lý. Công tác quản lý môi trường còn nhiều bất cập; chưa có sự phối hợp tốt giữa các bộ, ngành; chưa kịp thời quan trắc nước thải ở một số nhà máy liên quan. Một số đối tượng kích động, lôi kéo quần chúng gây rối, làm phức tạp tình hình.
Cho rằng các bộ, ngành chưa kịp thời xác định, công bố nguyên nhân, Thủ tướng nhìn nhận, đây là sự việc bất thường, lần đầu tiên xảy ra tại nước ta trên vùng biển rộng, nên cần thận trọng, chắc chắn.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các ngành, địa phương không để sự cố môi trường tương tự xảy ra. Các ngành, địa phương phải đảm bảo đời sống của người dân, không để người dân đói, rơi vào tình cảnh quá khó khăn, bảo đảm cho ngư dân ra khơi đánh bắt bình thường.
Thời gian tới, Thủ tướng tiếp tục yêu cầu các bộ, ngành thực hiện các nhiệm vụ cụ thể như Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và các ngành chức năng, kể cả mời các nhà khoa học nước ngoài để kết luận, làm rõ nguyên nhân. “Xác định đến cùng thủ phạm chính là gì trên tinh thần khách quan, trung thực, thận trọng và khẩn trương”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Bộ Công an khẩn trương thu thập toàn bộ chứng cứ, nếu phát hiện vi phạm có dấu hiệu hình sự thì kiên quyết xử lý theo quy định của pháp luật, không phân biệt tổ chức, cơ quan hay cá nhân nào.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường và các địa phương, theo quy định pháp luật, tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất gần biển, không để xảy ra tình trạng xả chất thải vi phạm tiêu chuẩn môi trường. Bộ cần có biện pháp quan trắc chủ động, hiện đại hơn để giám sát môi trường. Bộ phải báo cáo kiểm điểm đặt đường ống xả thải của Formusa đúng hay sai, báo cáo đánh giá tác động môi trường của việc xả thải này.
Thủ tướng giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan sớm kết luận xem cá và các loại thuỷ, hải sản khác có độc tố hay không, tác động đến sức khỏe con người ra sao để khuyến cáo người dân sử dụng thực phẩm bảo đảm an toàn.
Bộ Công Thương tiếp tục triển khai đồng loạt các giải pháp huy động doanh nghiệp chế biến trong hệ thống, tiêu thụ kịp thời thu mua hải sản đánh bắt xa bờ; đồng thời phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hình thành khu hỗ trợ cho việc lưu trữ và tiêu thụ hải sản của bà con ngư dân tại tất cả các địa phương trong vùng.
Và đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành điều tra, làm rõ và xử lý nghiêm các đối tượng kích động, lôi kéo người dân tụ tập, gây rối làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, gây thiệt hại về kinh tế, bất ổn xã hội, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân và môi trường đầu tư.
Về một số đề xuất của bộ, ngành, địa phương về các biện pháp hỗ trợ người dân, Thủ tướng đồng ý cấp 4.500 tấn gạo cho ngư dân đánh bắt xa bờ với mức 15 kg/người trong 1,5 tháng; miễn lãi suất 6 tháng đối với ngư dân vay vốn đóng tàu đánh bắt xa bờ theo Nghị định 67.
Các ngành chức năng, các địa phương cần cảnh giác, đảm bảo an ninh an toàn, không để xảy ra mất an ninh trật tự, không để bị động, bất ngờ./.
Thủ tướng Nhật Bản sẽ thăm Nga vào tuần tới  (01/05/2016)
WB phê duyệt dự án 500 triệu USD hỗ trợ giao thông và kiểm soát lũ  (01/05/2016)
Các hoạt động thiết thực nhân ngày Quốc tế Lao động  (01/05/2016)
Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khảo sát hạn mặn tại Trà Vinh  (01/05/2016)
Đức tổ chức cuộc gặp mới để giải quyết bất đồng Nga-Ukraine  (01/05/2016)
Các chương trình văn hóa nghệ thuật khai mạc mùa du lịch biển  (01/05/2016)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên