Thường xuyên theo dõi tình hình thi hành pháp luật

Theo Dangcongsan.vn
06:51, ngày 24-07-2012
Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm theo dõi tình hình thi hành pháp luật trên cơ sở xem xét, đánh giá về tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành văn bản quy phạm pháp luật; tình hình bảo đảm các điều kiện cho thi hành pháp luật và tình hình tuân thủ pháp luật.

Đó là một trong những nội dung tại Nghị định 59/2012/NĐ-CP về theo dõi tình hình thi hành pháp luật vừa được Chính phủ ban hành. Theo đó, Bộ Tư pháp có trách nhiệm theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong phạm vi cả nước.

Bộ, cơ quan ngang bộ sẽ theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của bộ, cơ quan ngang bộ. Cơ quan thuộc Chính phủ sẽ theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực được phân công.

Ủy ban nhân dân các cấp theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong phạm vi quản lý ở địa phương.

Ngoài ra, các tổ chức, cá nhân cũng có quyền tham gia hoạt động theo dõi tình hình thi hành pháp luật. Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm tạo điều kiện và khuyến khích sự tham gia của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động theo dõi tình hình thi hành pháp luật.

Nghị định quy định rõ về tình hình ban hành văn bản quy phạm chi tiết thi hành văn bản quy phạm pháp luật, các bộ, ngành, địa phương cần phải xem xét, đánh giá tính kịp thời, đầy đủ của việc ban hành văn bản quy phạm chi tiết; tính thống nhất, đồng bộ của văn bản cũng như tính khả thi của văn bản.

Về tình hình bảo đảm các điều kiện cho thi hành pháp luật thì cần phải xem xét, đánh giá tính kịp thời, đầy đủ, phù hợp và hiệu quả của hoạt động tập huấn, phổ biến pháp luật; tính phù hợp của tổ chức bộ máy, mức độ đáp ứng về nguồn nhân lực cho thi hành pháp luật và mức độ đáp ứng về kinh phí, cơ sở vật chất bảo đảm cho thi hành pháp luật.

Tính kịp thời, đầy đủ trong thi hành pháp luật của cơ quan nhà nước và người có thẩm quyền là một trong những nội dung đánh giá tình hình tuân thủ pháp luật. Ngoài ra, còn phải xem xét, đánh giá về tính chính xác, thống nhất trong hướng dẫn áp dụng pháp luật và trong áp dụng pháp luật của cơ quan nhà nước và người có thẩm quyền; mức độ tuân thủ pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Việc theo dõi tình hình thi hành pháp luật nhằm xem xét, đánh giá thực trạng thi hành pháp luật, kiến nghị thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật./.