Tỉnh Quảng Nam tích cực chuẩn bị tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2025 - 2030
TCCS - Bám sát tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị về tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, Tỉnh ủy Quảng Nam ban hành nhiều quyết định, kế hoạch nhằm thực hiện hiệu quả một số nhiệm vụ trọng tâm về tổ chức đại hội đảng bộ các cấp; đồng thời, chỉ đạo đồng bộ các cơ quan, đơn vị, địa phương cụ thể hóa và lãnh đạo tổ chức thực hiện thành công đại hội đảng bộ ở cấp mình, tạo nền tảng quan trọng hướng tới chuẩn bị và tổ chức thật tốt Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2025 - 2030.
Công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức đại hội đảng bộ các cấp nhìn từ đại hội đảng bộ tỉnh Quảng Nam nhiệm kỳ 2020 - 2025
Quảng Nam là tỉnh thuộc vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, phía Bắc giáp thành phố Đà Nẵng, phía Đông giáp Biển Đông với trên 125km bờ biển, phía Tây giáp tỉnh Kon Tum và nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, phía Nam giáp tỉnh Quảng Ngãi. Diện tích tự nhiên của tỉnh là 10.574,86km2. Tính đến năm 2022, dân số của tỉnh là trên 1,5 triệu người theo số liệu của Tổng cục Thống kê (31% dân số sống ở đô thị và 69% dân số sống ở nông thôn). Tính đến tháng 6-2024, Đảng bộ tỉnh Quảng Nam có 22 đảng bộ trực thuộc (bao gồm 18 đảng bộ huyện, thị xã, thành phố và 4 đảng bộ: khối các cơ quan tỉnh, Công an, Quân sự và Bộ đội Biên phòng); với 1.118 tổ chức cơ sở đảng (bao gồm 384 đảng bộ cơ sở và 734 chi bộ cơ sở), với tổng số 72.343 đảng viên. Đảng bộ tỉnh Quảng Nam từ khi thành lập đến nay đã trải qua 22 kỳ Đại hội.
Đảng bộ tỉnh Quảng Nam tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác chuẩn bị và tổ chức đại hội đảng bộ các cấp theo phương châm kế thừa, ổn định, đổi mới sáng tạo và phát triển. Phát huy dân chủ đi đôi với giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ, siết chặt kỷ luật, kỷ cương của Đảng; coi trọng chất lượng, hiệu quả, đề cao trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp, đặc biệt là người đứng đầu. Công tác chuẩn bị văn kiện đại hội được tiến hành bài bản, chu đáo, chú trọng nâng cao chất lượng của văn kiện, bảo đảm tính khoa học và phản ánh đầy đủ thực tiễn phát triển của địa phương trên mọi lĩnh vực, nổi bật là việc thảo luận kỹ lưỡng, làm sâu sắc và hiệu quả hơn quan điểm, mục tiêu, chủ trương, định hướng lớn của văn kiện. Đặc biệt, tỉnh Quảng Nam tổ chức hiệu quả việc lấy ý kiến đóng góp của cán bộ, đảng viên, chuyên gia, nhà khoa học và các tầng lớp nhân dân (hơn 3 nghìn lượt ý kiến góp ý) vào dự thảo văn kiện trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ XXII. Công tác nhân sự được tiến hành bảo đảm nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo trực tiếp, toàn diện công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị. Đội ngũ cán bộ bảo đảm chất lượng, tiêu biểu về bản lĩnh chính trị, trí tuệ, phẩm chất và uy tín; có năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu cao, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ theo tinh thần Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 30-5-2019, của Bộ Chính trị, “Về Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng” và các hướng dẫn của Trung ương.
Thông qua công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thành công đại hội đảng bộ tỉnh Quảng Nam nhiệm kỳ 2020 - 2025, có thể đi đến một số nhận xét sau:
Thứ nhất, sự đoàn kết, thống nhất cao trong nhận thức và hành động của tập thể cấp ủy các cấp, nhất là người đứng đầu là nhân tố quan trọng hàng đầu để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác chuẩn bị và tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp.
Thứ hai, công tác chuẩn bị và tổ chức đại hội đảng bộ các cấp phải đặt dưới sự lãnh đạo tập trung, thống nhất, toàn diện của Trung ương, Tỉnh ủy, mà trực tiếp và thường xuyên là Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy và cấp ủy các cấp.
Thứ ba, thực hiện đúng Điều lệ Đảng, các nguyên tắc của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, các quy định, quy chế của Đảng trong chuẩn bị và tổ chức đại hội.
Thứ tư, văn kiện đại hội phải được xây dựng trên cơ sở quan điểm, tư tưởng của Đảng, phát huy trí tuệ của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Các định hướng phát triển, tầm nhìn dài hạn và khâu đột phá phải tôn trọng quy luật khách quan, phù hợp với thực tiễn; dựa trên tiềm năng, thế mạnh, lợi thế cạnh tranh của địa phương.
Thứ năm, công tác nhân sự đại hội phải được thực hiện đúng nguyên tắc, thẩm quyền, tiêu chuẩn, điều kiện; tiến hành từng bước, từng khâu, thận trọng, kỹ lưỡng; bảo đảm dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch và có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị liên quan.
Tập trung thực hiện hiệu quả một số nhiệm vụ trọng tâm
Quán triệt sâu sắc lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đại hội đảng rất quan hệ đến tương lai cách mạng của Đảng ta và của nhân dân ta. Đại hội sẽ làm cho Đảng ta đã đoàn kết càng đoàn kết hơn nữa, tư tưởng và hành động đã nhất trí, càng nhất trí hơn nữa. Cho nên, toàn thể đồng chí ta phải thảo luận kỹ càng các đề án và đóng góp ý kiến dồi dào, để bảo đảm Đại hội thành công thật tốt đẹp”(1). Theo đó, đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2025 - 2030, hướng tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng là sự kiện chính trị quan trọng, là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong đội ngũ cán bộ, đảng viên trên địa bàn tỉnh. Nhận thức được ý nghĩa, tầm quan trọng đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, đồng bộ, bảo đảm quy định, nghiêm túc, chu đáo nhằm tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2025 - 2030; trong đó, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm:
Thứ nhất, tập trung chỉ đạo quán triệt sâu sắc, nghiêm túc Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 14-6-2024, của Bộ Chính trị “Về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng” (Chỉ thị số 35-CT/TW) và các chỉ thị, kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhằm thực hiện nghiêm túc, chu đáo công tác chuẩn bị và tổ chức đại hội đảng bộ các cấp trên địa bàn tỉnh.
Để tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2025 - 2030; Ban Thường vụ Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy, tổ chức đảng các cấp quán triệt sâu sắc, cụ thể hóa và thực hiện nghiêm Chỉ thị số 35-CT/TW; đồng thời, ban hành Chỉ thị và kế hoạch về tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2025##- 2030. Theo đó, phương hướng tổ chức đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030 của tỉnh Quảng Nam là: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo chuẩn bị và tổ chức đại hội đảng bộ các cấp phải được các cấp ủy thực hiện theo đúng quy định, nguyên tắc của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy đầy đủ thẩm quyền, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng và người đứng đầu cấp ủy các cấp; nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền, sức chiến đấu của tổ chức đảng, đảng viên; củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc và niềm tin của cán bộ, đảng viên, nhân dân đối với vai trò lãnh đạo của Đảng.
Để triển khai thực hiện, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy bước đầu xây dựng, ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, quán triệt, cụ thể hóa quan điểm, mục tiêu, nội dung, quy trình và phương pháp tổ chức đại hội, trọng tâm là xây dựng các văn kiện đại hội và nhân sự đại hội bảo đảm theo tinh thần Chỉ thị số 35-CT/TW và tình hình thực tiễn của tỉnh(2). Trên tinh thần đó, hiện nay, công tác chuẩn bị tổ chức đại hội tổ chức cơ sở đảng và đại hội đảng bộ các cấp đang được tiến hành nghiêm túc, khẩn trương; công tác thông tin, tuyên truyền được thực hiện đi trước một bước góp phần nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cấp ủy, tạo khí thế, quyết tâm và niềm tin mới trong hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân.
Thứ hai, tập trung nâng cao chất lượng xây dựng văn kiện đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030.
Báo cáo chính trị là báo cáo trung tâm, có vai trò định hướng cho các văn kiện khác, quyết định đường lối, nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ. Quá trình xây dựng cần thảo luận thật kỹ lưỡng, sâu sắc, hiệu quả các quan điểm, mục tiêu, chủ trương, định hướng lớn; dự báo được tình hình, xác định rõ thế mạnh, định hướng, trọng tâm phát triển gắn với chiến lược, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội chung của cơ quan, đơn vị, địa phương của tỉnh, khu vực và cả nước. Báo cáo chính trị phải đánh giá trung thực, khách quan, toàn diện tình hình và kết quả thực hiện nghị quyết đại hội nhiệm kỳ 2020##- 2025, nhất là nhiệm vụ trọng tâm, đột phá về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại; chỉ rõ ưu điểm, khuyết điểm, nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan, rút ra bài học kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Đồng thời, xác định rõ phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nhiệm kỳ tới sát với tình hình thực tế và có tính khoa học, khả thi cao để xây dựng Quảng Nam thành tỉnh phát triển khá của cả nước vào năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Báo cáo chính trị của đại hội phải thực sự là kết tinh trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm, sự sáng tạo, tầm nhìn, khát vọng của đảng bộ và định hướng phát triển của cơ quan, đơn vị, địa phương. Báo cáo phải gắn kết nhuần nhuyễn lý luận với thực tiễn, kết hợp chặt chẽ giữa kế thừa và đổi mới; tập trung đánh giá khách quan, toàn diện, cụ thể trên tất cả lĩnh vực, đánh giá sự lãnh đạo, chỉ đạo, việc đổi mới tư duy, tầm nhìn và phương thức tổ chức thực hiện của cấp ủy, tổ chức đảng; chỉ ra hạn chế, yếu kém và nguyên nhân.
Báo cáo kiểm điểm của cấp ủy là kết quả, tấm gương phản chiếu năng lực và phẩm chất, ý chí và hành động, nếp nghĩ và cách làm của cấp ủy trong cả nhiệm kỳ; do đó, quá trình xây dựng báo cáo kiểm điểm cần thực hiện nghiêm túc, khách quan; nêu cao tinh thần tự phê bình và phê bình; đánh giá đúng, toàn diện, trung thực về kết quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện trong nhiệm kỳ 2020 - 2025; kết quả thực hiện các nghị quyết, kết luận Hội nghị Trung ương 4 khóa XI, XII, XIII gắn với việc đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ; Quy định về những điều đảng viên không được làm và các quy định nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu; chỉ rõ nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan của hạn chế, khuyết điểm, yếu kém và xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân; đồng thời, phải đề ra kế hoạch, lộ trình, biện pháp hiệu quả nhằm sửa chữa, khắc phục trong nhiệm kỳ 2025 - 2030. Báo cáo kiểm điểm của cấp ủy phải bám sát quy chế làm việc, kết quả lãnh đạo tổ chức thực hiện nghị quyết của đảng bộ, sự chỉ đạo của cấp ủy cấp trên và tình hình thực tiễn của cơ quan, đơn vị, địa phương.
Quá trình xây dựng dự thảo văn kiện đại hội, cấp ủy các cấp trên địa bàn tỉnh phải phát huy dân chủ, trí tuệ tập thể, dành thời gian hợp lý để tổ chức lấy ý kiến đóng góp của cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc; có hình thức phù hợp, thiết thực để lấy ý kiến cán bộ lão thành, cán bộ nguyên lãnh đạo, giới trí thức, nhà khoa học, chuyên gia và ý kiến tham gia, góp ý, hiến kế của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Có kế hoạch tuyên truyền về dự thảo báo cáo chính trị trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân tham gia thảo luận, đóng góp ý kiến. Các cấp ủy chuẩn bị dự thảo nghị quyết đại hội để đại hội thảo luận, quyết định.
Về phương thức, việc lấy ý kiến thông qua hội nghị, hội thảo, phương tiện thông tin đại chúng và các diễn đàn khác phù hợp với từng đối tượng, nhất là ý kiến của nhà khoa học, chuyên gia, cán bộ lão thành, nhân sĩ, trí thức... Để thực hiện nhiệm vụ này, ngay từ quý I năm 2024, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Quyết định thành lập Tiểu ban Văn kiện; đến nay, Tiểu ban Văn kiện đã thành lập Tổ Biên tập, Tổ giúp việc, xây dựng kế hoạch, Đề cương, thông báo phân công nhiệm vụ các thành viên có liên quan.
Thứ ba, công tác nhân sự cần bảo đảm thận trọng, kỹ lưỡng, dân chủ, minh bạch, đúng quy trình.
Quán triệt, thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Bác “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”(3), “công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”(4). Do đó, công tác nhân sự đại hội phải bảo đảm sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của cấp ủy các cấp; bảo đảm sự kế thừa, đổi mới và phát triển liên tục của đội ngũ cán bộ; coi trọng chất lượng, số lượng và cơ cấu hợp lý. Cấp ủy khóa mới phải tiêu biểu về bản lĩnh chính trị, trí tuệ, phẩm chất đạo đức, lối sống, năng lực, uy tín; thật sự là trung tâm đoàn kết, trong sạch, vững mạnh, có tầm nhìn, tư duy đổi mới, gắn bó mật thiết với nhân dân; có năng lực lãnh đạo, cầm quyền, có sức chiến đấu cao, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn phát triển mới. Kiên quyết sàng lọc, lựa chọn hiệu quả để không bỏ “sót” người thật sự có đức, có tài, dám nghĩ, dám làm; đồng thời, kiên quyết không để “lọt” vào cấp ủy khóa mới người bản lĩnh chính trị không vững vàng; phẩm chất đạo đức, năng lực, uy tín giảm sút, ý thức tổ chức kỷ luật kém; né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm, không dám làm; tham vọng quyền lực, chạy chức, chạy quyền, chạy phiếu bầu, chạy cơ cấu, bè phái, cục bộ, lợi ích nhóm, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, quan liêu, tham nhũng, tiêu cực.
Thực hiện thật tốt việc rà soát, bổ sung đầy đủ thông tin, nắm chắc cán bộ; đảng viên có vấn đề về chính trị phải được cấp có thẩm quyền thẩm tra, kết luận trước khi giới thiệu bầu vào cấp ủy. Phương án nhân sự cấp ủy phải gắn kết chặt chẽ với công tác chuẩn bị nhân sự của các cơ quan nhà nước các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031 và nhân sự lãnh đạo Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XVI của tỉnh.
Việc lựa chọn, giới thiệu nhân sự cấp ủy khóa mới phải quán triệt sâu sắc các nghị quyết của Trung ương(5) và các quy định, quyết định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Ban thường vụ cấp ủy các cấp căn cứ vào yêu cầu, tiêu chuẩn chung để cụ thể hóa cho phù hợp với đặc điểm, tình hình ở cấp mình; trong đó, chú trọng thực hiện một số nội dung trọng tâm: 1- Thời điểm tính độ tuổi tham gia cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; 2- Cơ cấu, số lượng cấp ủy viên, ủy viên thường vụ và phó bí thư cấp ủy; 3- Thực hiện chủ trương bố trí bí thư cấp ủy cấp huyện không là người địa phương gắn với việc sử dụng, bố trí hài hòa nguồn cán bộ tại chỗ trong quy hoạch; hoàn thành 100% ở cấp huyện; khuyến khích thực hiện ở cấp xã và các chức danh khác; 4- Thực hiện nghiêm chủ trương người đứng đầu cấp ủy là thủ trưởng các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp. Đối với các trường đại học, cao đẳng, bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch hội đồng trường. Cơ quan, đơn vị người đứng đầu không tái cử hoặc cấp thẩm quyền chưa kiện toàn thì bầu khuyết bí thư cấp ủy; 5- Thực hiện bảo đảm Quy trình nhân sự cấp ủy và bầu cử trong đại hội.
Để thực hiện nhiệm vụ này, ngay từ quý I năm 2024, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam thành lập Tiểu ban Nhân sự Đại hội; ban hành hệ thống văn bản liên quan để chỉ đạo công tác nhân sự cấp huyện và cơ sở trên địa bàn tỉnh.
Thứ tư, tập trung chỉ đạo thực hiện hiệu quả đại hội điểm và thí điểm bầu bí thư cấp ủy tại đại hội.
Đối với nhiệm vụ này, theo quy định, thời gian tổ chức đại hội điểm cấp cơ sở vào đầu quý I năm 2025; cấp huyện và tương đương vào đầu quý II năm 2025. Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ chọn 1 đảng bộ cấp huyện để tổ chức đại hội điểm và 1 đảng bộ cấp huyện thực hiện thí điểm bầu bí thư cấp ủy tại đại hội; đồng thời, giao ban thường vụ các huyện ủy, thị ủy, thành ủy chọn 1 đảng bộ trực thuộc cấp ủy cấp huyện để đại hội điểm và 1 đảng bộ thực hiện thí điểm bầu bí thư cấp ủy tại đại hội (trừ Đảng bộ Quân đội, Công an thực hiện theo quy định riêng của Bộ Chính trị). Vì thế, để chuẩn bị chu đáo, hiệu quả, bảo đảm quy định, các cấp ủy làm điểm và thí điểm cần nghiên cứu, chuẩn bị kỹ lưỡng, có sự lựa chọn, cân nhắc thận trọng, toàn diện trên tất cả các mặt, nhất là công tác nhân sự. Đơn vị được lựa chọn thực hiện thí điểm bầu bí thư cấp ủy tại đại hội phải có sự đoàn kết, thống nhất trong nội bộ; nhân sự có phẩm chất, năng lực, uy tín, có khả năng đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Ngay sau đại hội điểm và thí điểm, cần tập trung, nghiêm túc để đánh giá bảo đảm tính khách quan, thực chất, không qua loa, đại khái để rút kinh nghiệm và nhân rộng, áp dụng.
Thứ năm, chú trọng làm tốt công tác tư tưởng; công tác thông tin, tuyên truyền trước, trong và sau đại hội đảng bộ các cấp.
Trong quá trình chuẩn bị và tiến hành đại hội phải thường xuyên làm tốt công tác chính trị, tư tưởng, nhất là công tác thông tin, tuyên truyền để mỗi cấp ủy, tổ chức đảng, mỗi cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ nhận thức sâu sắc, đầy đủ ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của công tác đại hội và nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi tổ chức, cá nhân. Thông qua công tác thông tin, tuyên truyền nhằm thống nhất ý chí và hành động; bảo đảm sự đoàn kết, thống nhất cao; lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực, lấy “cái đẹp” dẹp “cái xấu”; coi trọng, tập trung công tác lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh... của cơ quan, đơn vị, địa phương gắn với đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước. Thông tin, tuyên truyền để tập trung xử lý, giải quyết kịp thời, hiệu quả hạn chế, bất cập, yếu kém, vấn đề tồn đọng kéo dài gây bức xúc mà dư luận, cán bộ, đảng viên, nhân dân quan tâm.
Thông qua công tác thông tin, tuyên truyền đại hội đảng bộ các cấp nhằm bồi đắp niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước; cổ vũ, động viên toàn Đảng, toàn dân và toàn quân phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, khơi dậy khát vọng phát triển tỉnh nhà. Vì thế, công tác thông tin, tuyên truyền trước, trong và sau đại hội cần bảo đảm đúng sự chỉ đạo, định hướng chính trị, tư tưởng của cấp ủy, bằng nhiều hình thức phong phú, sinh động, tạo không khí phấn khởi, tin tưởng vào đại hội đảng bộ các cấp; gắn chặt nhiệm vụ này với nhiệm vụ tổ chức lấy ý kiến đóng góp của các tầng lớp nhân dân đối với các dự thảo văn kiện trình đại hội. Bên cạnh đó, chủ động, tích cực thực hiện hiệu quả công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; ngăn chặn, đấu tranh phản bác kịp thời, hiệu quả các hoạt động, âm mưu, thủ đoạn, hành động phá hoại của các thế lực thù địch, phản động, phần tử bất mãn, cơ hội chính trị đối với công tác chuẩn bị và tổ chức đại hội đảng bộ các cấp trên địa bàn tỉnh, nhất là ý kiến góp ý vào các văn kiện và các vấn đề liên quan đến nhân sự đại hội.
Cấp ủy, tổ chức đảng các cấp, đảng viên trên toàn tỉnh Quảng Nam cần quán triệt và nhận thức đầy đủ, sâu sắc về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của đại hội đảng bộ các cấp để thực hiện bảo đảm nguyên tắc, nội dung, tiến độ. Đề cao, phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy bảo đảm tính đồng bộ, toàn diện trong công tác chuẩn bị nội dung các văn kiện, phương án nhân sự, các điều kiện phục vụ đại hội; từ việc giải quyết vấn đề nội bộ đến tập hợp, phát huy sức mạnh của nhân dân. Cần xác định rằng, đại hội là dịp để Đảng bộ quán triệt nguyên tắc, phát huy dân chủ, chỉnh đốn đội ngũ, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm; bản lĩnh, trí tuệ, tinh thần đoàn kết, đổi mới sáng tạo./.
--------------------
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. 12, tr. 545
(2) Quyết định số 1270-QĐ/TU, ngày 6-3-2024, của Tỉnh ủy, “Về thành lập Tiểu ban Văn kiện Đại hội XXIII”; Quyết định số 1271-QĐ/TU, ngày 6-3-2024, của Tỉnh ủy, “Về thành lập Tiểu ban Tổ chức phục vụ Đại hội XXIII”; Quyết định số 1273-QĐ/TU, ngày 6-3-2024, của Tỉnh ủy, “Về thành lập Tiểu ban Nhân sự Đại hội XXIII”; Quyết định số 01-QĐ/TBVK, ngày 14-5-2024, của Tiểu ban Văn kiện, “Về thành lập Tổ Biên tập Văn kiện Đại hội XXIII”; Kế hoạch số 01-KH/TBVK, ngày 14-5-2024, của Tiểu ban Văn kiện, “Về hoạt động và xây dựng các Văn kiện của Tiểu ban Văn kiện Đại hội XXIII”; Thông báo số 01-TB/TBVK, ngày 14-5-2024, của Tiểu ban Văn kiện, “Về phân công nhiệm vụ các thành viên Tiểu ban Văn kiện Đại hội XXIII”; Quy chế làm việc số 01-QC/TBVK, ngày 14-5-2024, của Tiểu ban Văn kiện Đại hội XXIII; Quyết định số 02-QĐ/TBVK, ngày 2-7-2024, của Tiểu ban Văn kiện Đại hội XXIII, “Về thành lập Tổ Giúp việc Tiểu ban Văn kiện Đại hội XXIII”; Đề cương Báo cáo chính trị Đại hội XXIII
(3), (4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 309, 313
(5) Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 19-5-2018, của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII, “Về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”; căn cứ vào tiêu chuẩn cán bộ nêu tại Quy định số 89-QĐ/TW, ngày 4-8-2017, của Bộ Chính trị, “Về khung tiêu chuẩn chức danh, định hướng khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp”; Quy định số 214-QĐ/TW, ngày 2-1-2020, của Bộ Chính trị, “Về khung tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý”
Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng với phương hướng và giải pháp trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội XIV của Đảng  (04/10/2024)
Đảng bộ Quân khu 5 với phương hướng, giải pháp trọng tâm để tổ chức đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ mới, tiến tới Đại hội XIV của Đảng  (18/09/2024)
- Phát huy vai trò trụ cột của đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân trong phối hợp xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, thực hiện hiệu quả mục tiêu đối ngoại của đất nước
- Tăng cường công tác dân vận nhằm thực hiện hiệu quả chính sách xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới
- Kỷ nguyên số - Bối cảnh và cơ hội cho kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Hoàn thiện hệ thống pháp luật đáp ứng mục tiêu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
- Nhận diện những thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức chủ yếu của Việt Nam trong kỷ nguyên phát triển mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
-
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX