Hoàn thiện hệ thống chính sách hỗ trợ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo đối với doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội

Nguyễn Thu Hương - PGS, TS Đỗ Anh Đức - TS Hà Diệu Linh
Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội - Trường Đại học Kinh tế Quốc dân
16:42, ngày 03-11-2024

TCCS - Chính sách hỗ trợ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo được xem là một trong những quyết sách quan trọng để xây dựng một nền kinh tế thịnh vượng, bền vững, có tính thích ứng cao. Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về xây dựng chính sách hỗ trợ đổi mới sáng tạo đối với các doanh nghiệp là bài học quan trọng góp phần đề xuất giải pháp hoàn thiện hệ thống chính sách hỗ trợ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo tại các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Gian trưng bày, giới thiệu các sản phẩm hỗ trợ ngành cơ khí chế tạo đến từ Nhật Bản tại Hội chợ triển lãm Công nghiệp hỗ trợ Hà Nội 2024_Ảnh: TTXVN

Chính sách hỗ trợ, thúc đẩy đổi mới sáng đối với các doanh nghiệp ở Việt Nam và tại thành phố Hà Nội

Đổi mới sáng tạo được xem là chìa khóa cho sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia trong bối cảnh quá trình toàn cầu hóa và cạnh tranh gay gắt(1). Tại Việt Nam, chính sách hỗ trợ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo đã, đang và sẽ luôn được xem là một trong những quyết sách quan trọng giúp Việt Nam vượt qua thách thức “bẫy” thu nhập trung bình và xây dựng một nền kinh tế thịnh vượng, bền vững, có tính thích ứng cao(2). Trong những năm qua, Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo (ĐMST) đối với doanh nghiệp. Theo Báo cáo Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2023, Việt Nam có sự cải thiện khi tăng 2 hạng, từ vị trí 48 lên 46/132 quốc gia, nền kinh tế về đổi mới sáng tạo toàn cầu, đồng thời, đứng thứ 4 trong khu vực ASEAN và nằm trong top dẫn đầu của các nền kinh tế đang phát triển(3). Với thứ hạng trên, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) đã ghi nhận Việt Nam là 1 trong 7 quốc gia thu nhập trung bình đạt được nhiều tiến bộ nhất về ĐMST trong thập niên qua, đồng thời, là 1 trong 3 quốc gia giữ thành tích vượt trội so với mức độ phát triển trong 13 năm liên tiếp.

Trải qua các kỳ đại hội của Đảng, nội hàm của khái niệm “đổi mới sáng tạo” được Đảng và Nhà nước ngày càng xác định rõ ràng và đầy đủ hơn. Đặc biệt, tại Đại hội XIII của Đảng, tinh thần ĐMST được thể hiện xuyên suốt, thống nhất, cụ thể trong Văn kiện, từ mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể đến định hướng phát triển của đất nước… Các quan điểm này cho thấy sự kế thừa tư duy đổi mới và tầm nhìn của Đảng ta trước yêu cầu xây dựng và phát triển đất nước trong tình hình mới; đồng thời thể hiện quyết tâm cao trong việc thực hiện các mục tiêu về ĐMST và hoàn thiện các yếu tố, đặc biệt là yếu tố thể chế, chính sách nhằm thúc đẩy ĐMST ở doanh nghiệp, tạo động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững kinh tế - xã hội đất nước giai đoạn 2021 - 2030.

Trên cơ sở quan điểm, đường lối của Đảng, trong những năm gần đây, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, các chiến lược, chương trình, kế hoạch tổng thể nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý và tạo điều kiện thuận lợi cho thúc đẩy ĐMST trong doanh nghiệp. Bên cạnh hệ thống chính sách, pháp luật của Nhà nước, bộ máy quản lý và cơ chế vận hành đóng vai trò quan trọng nhằm thúc đẩy ĐMST trong nền kinh tế nói chung và tại các doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian qua. Trong bối cảnh môi trường kinh doanh không ngừng biến đổi, việc thúc đẩy và hỗ trợ ĐMST là một nhiệm vụ cấp bách, không chỉ của các cấp Trung ương mà còn của các cấp chính quyền địa phương, trong đó có thành phố Hà Nội(4). Với vai trò là một trong những trung tâm kinh tế đầu tàu của cả nước, Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020 - 2025) Đảng bộ thành phố Hà Nội đã xác định, một trong những định hướng lớn và nhiệm vụ trọng tâm đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn phát triển của Thủ đô đến năm 2025 đó là: Tận dụng hiệu quả cơ hội từ hội nhập quốc tế, thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế dựa trên ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo… Tại Quyết định số 222/QĐ-TTg, ngày 22-2-2012, của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đề ra mục tiêu, đến năm 2050 trở thành “Trung tâm sáng tạo hàng đầu của cả nước với nhiều lĩnh vực đạt trình độ quốc tế: văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc; khoa học - công nghệ tiên tiến, hiệu quả cao; giáo dục, đào tạo tiên tiến, hiện đại; y tế chuyên sâu chất lượng cao hàng đầu cả nước và có uy tín trong khu vực”(5).

Nhìn chung, thành phố Hà Nội thể hiện sự quan tâm và quyết tâm lớn đối với việc thực hiện mục tiêu đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế dựa trên ứng dụng khoa học, công nghệ và ĐMST thông qua việc hoạch định và ban hành nhiều cơ chế, chính sách mang tính đột phá nhằm hỗ trợ, phát triển hoạt động phát triển KH&CN nói chung, ĐMST tại các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố. Theo đánh giá của Bộ Khoa học và Công nghệ, thành phố Hà Nội là một trong những địa phương có nhiều điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh ĐMST(6).

Những năm qua, cùng với các cơ chế, chính sách chung của cả nước, thành phố Hà Nội ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật khác để thúc đẩy phát triển KH&CN nói chung, ĐMST nói riêng tại các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố(7). Cụ thể là Luật Thủ đô (sửa đổi) đã bổ sung những cơ chế, chính sách ưu đãi đặc thù, nhằm hỗ trợ Hà Nội phát triển các khu công nghệ cao, trung tâm ĐMST và các mô hình kinh doanh công nghệ tiên tiến. Điều này giúp tháo gỡ những vướng mắc trong cơ chế quản lý khoa học và thúc đẩy hoạt động ĐMST trong viện nghiên cứu, trường đại học và các doanh nghiệp. Ngoài ra, Đề án 4889 “Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2019 - 2025” (theo Quyết định số 4889/QĐ-UBND, ngày 9-9-2019, của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội) đã đạt được kết quả mong đợi. Theo đó, thành phố đã tổ chức các khóa đào tạo chuyên sâu về khởi nghiệp sáng tạo cho 180 doanh nghiệp, cá nhân, dự án khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn thành phố; các khóa đào tạo cho huấn luyện viên, cố vấn khởi nghiệp sáng tạo từ các cơ sở giáo dục, cơ sở ươm tạo, tổ chức thúc đẩy kinh doanh, các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp và hỗ trợ doanh nghiệp. Đến nay, thành phố Hà Nội được đánh giá là có nhiều trung tâm nghiên cứu, có số lượng các nhà khoa học nhiều nhất, đóng góp tỷ lệ cao nhất trong tiềm lực KH&CN quốc gia. Thành phố Hà Nội cũng dành sự ưu tiên đầu tư đối với lĩnh vực KH&CN và ĐMST, là thành phố dẫn đầu cả nước về sản phẩm đầu ra của nghiên cứu KH&CN.

Bên cạnh đó, việc thúc đẩy phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và ĐMST, trong đó có phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST là một trong những khâu đột phá được xác định theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII. Sau 3 năm triển khai, thành phố Hà Nội nhận định, hoạt động phát triển thị trường KH&CN và ĐMST được đẩy mạnh. Sản phẩm của các công trình nghiên cứu khoa học đã góp phần thúc đẩy ĐMST, nâng cao năng suất chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế Thủ đô, đồng thời nâng cao năng lực quản lý của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn. Đặc biệt, Khu Công nghệ cao Hòa Lạc hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp, ĐMST, triển khai xây dựng nền tảng dữ liệu não người Việt tại Hệ tri thức Việt số hóa…, tạo tiền đề quan trọng để Hà Nội trở thành trung tâm ĐMST của cả nước và khu vực.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, công tác hoạch định và thực thi chính sách hỗ trợ ĐMST của các cơ quan quản lý nhà nước nói chung, của thành phố Hà Nội nói riêng vẫn còn một số thách thức, hạn chế. Thách thức lớn nhất hiện nay là việc ươm tạo các ý tưởng, dự án khởi nghiệp thành doanh nghiệp khởi nghiệp. Nguyên nhân là do nguồn vốn tài trợ cho hoạt động ươm tạo công nghệ còn hạn chế. Trong khi nguồn tài trợ cho các cơ sở ươm tạo hiện nay chủ yếu từ ngân sách nhà nước, tập trung vào mặt bằng và cơ sở nhà xưởng. Điều này chủ yếu do khung pháp lý chậm được ban hành, các quỹ hỗ trợ trực tiếp đến nay chưa thể hoạt động ở nhiều nơi, chưa có văn bản pháp lý liên quan đến hoạt động các quỹ đầu tư mạo hiểm… Do đó, việc nhận thức được những thách thức, đồng thời tham khảo kinh nghiệm về xây dựng chính sách và thực thi khuôn khổ pháp lý để thúc đẩy ĐMST của một số quốc gia trên thế giới là cần thiết để hoàn thiện chính sách hỗ trợ ĐMST tại Việt Nam nói chung, thành phố Hà Nội nói riêng.

Kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới về chính sách hỗ trợ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo và bài học rút ra cho Việt Nam

Kinh nghiệm của nước Đức

Đức là một trong những quốc gia hàng đầu châu Âu chú trọng phát triển ĐMST, nhờ đó đóng góp thành công vào sự tăng trưởng của nền kinh tế. Để khuyến khích ĐMST của quốc gia, ngoài đạo luật cơ bản, Chính phủ Đức đã ban hành một số văn bản pháp lý, như Đạo luật về lợi ích thuế cho nghiên cứu và phát triển, có hiệu lực từ năm 2020(8). Văn bản này giúp các doanh nghiệp có được khoản tài trợ 5,6 tỷ euro trong vòng 5 năm, qua đó góp phần khuyến khích, thúc đẩy nghiên cứu và đổi mới ở khu vực tư nhân. Ngoài ra, Chính phủ Đức ban hành Chiến lược Công nghệ cao vào năm 2006, tập trung vào việc thay đổi chính sách công nghệ theo 4 hướng chính, gồm: (i) Xác định các mục tiêu cho 17 lĩnh vực công nghệ có ảnh hưởng lớn đến vấn đề việc làm và sự thịnh vượng của nền kinh tế Đức trong tương lai; (ii) Đặt mục tiêu khai thác các khả năng đổi mới ở cả khu vực khoa học và tư nhân trong chiến lược công nghệ cao; (iii) Đưa các kết quả nghiên cứu nhanh chóng ứng dụng vào các sản phẩm, dịch vụ và quy trình đổi mới sáng tạo; (iv) Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ cùng các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Năm 2005, Chính phủ liên bang và 16 bang của Đức đã thông qua Sáng kiến chung cho nghiên cứu và đổi mới. Từ năm 2006 đến nay, hầu hết các viện nghiên cứu lớn, như Hiệp hội Hermann von Helmholtz, Max Planck, Fraunhofer, Hiệp hội Khoa học Leibniz và Quỹ Nghiên cứu Đức đã nhận nhiều hỗ trợ tài chính từ Chính phủ. Điều này góp phần vào tăng cường hiệu suất làm việc của các hiệp hội nghiên cứu, tạo điều kiện cho sự hợp tác mạnh mẽ và sâu rộng giữa các cơ sở nghiên cứu cũng như thúc đẩy sự phát triển của các nhà nghiên cứu trên toàn nước Đức.

Kinh nghiệm của nước Mỹ

Để xây dựng một đất nước sáng tạo hơn, Mỹ đã đầu tư vào nhiều khía cạnh(9) nhằm bảo đảm các thành quả của nền kinh tế đổi mới được chia sẻ rộng rãi. Mỹ chú trọng đến việc tăng cường tính đa dạng trong hệ sinh thái ĐMST. Điều này không chỉ tạo điều kiện cho các nhóm khác nhau trong xã hội tham gia vào quá trình đổi mới, mà còn khuyến khích sự tham gia từ các vùng địa lý khác nhau trên toàn nước Mỹ. Ngoài ra, Mỹ còn thực hiện các biện pháp để hỗ trợ và phát triển hệ sinh thái ĐMST ở các khu vực khác nhau, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp và nhà sáng tạo ở trong nước và các khu vực khác. Bên cạnh đó, Mỹ đã đầu tư vào việc nâng cao kỹ năng cho người dân thông qua các phương pháp đào tạo tiên tiến, như học trực tuyến, công nghệ đào tạo hiện đại và đánh giá dựa trên năng lực. Điều này giúp đào tạo được lực lượng lao động linh hoạt, có khả năng thích ứng với những thay đổi nhanh chóng của nền kinh tế đổi mới.

Ngành sản xuất tiên tiến có vai trò quan trọng trong hệ sinh thái ĐMST của quốc gia này. Sau một thập niên bị suy giảm, ngành này đang trải qua sự hồi phục mạnh mẽ với các công ty quay lại sản xuất ở Mỹ và mở các nhà máy mới. Sự hợp tác giữa các trường đại học, công ty lớn và trung tâm nghiên cứu kỹ thuật tạo thành “cộng đồng công nghiệp” mạnh mẽ, giúp đưa những ý tưởng và sáng chế thành các sản phẩm chất lượng cao, có sức cạnh tranh trên thị trường. Điều này không chỉ tạo ra các cơ hội việc làm, mà còn đóng góp vào sự phát triển của các ngành công nghiệp quan trọng, như công nghệ sinh học, dược phẩm và năng lượng sạch.

Kinh nghiệm tại Hàn Quốc

Theo Viện Chính sách Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc, các yếu tố chính của hệ thống ĐMST là kiến thức, tài chính và con người. Các hoạt động chính của ĐMST là việc tạo ra kiến thức, chuyển giao và sử dụng chúng trên thị trường. Hai cơ quan chính tư vấn và phối hợp điều hành về chính sách STI là Hội đồng Khoa học và Công nghệ quốc gia Hàn Quốc và Hội đồng tư vấn của Tổng thống về KH&CN. Chiến lược STI của Hàn Quốc bao gồm những định hướng, như: (1) Hướng hệ thống ĐMST quốc gia sang ĐMST do tư nhân lãnh đạo; (2) cải thiện hiệu quả đầu tư hoạt động nghiên cứu và phát triển quốc gia; (3) liên kết các hệ thống nghiên cứu và phát triển với các tiêu chuẩn toàn cầu; (4) đáp ứng những thách thức và cơ hội do các công nghệ mới mang lại.

Kinh nghiệm tại Singapore

Singapore tuy không thành lập Bộ Khoa học và Công nghệ, nhưng các chức năng thuộc nhiệm vụ hỗ trợ hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới (STI) gắn với một số cơ quan chính phủ như Bộ Công thương, Bộ Thông tin, Truyền thông và Nghệ thuật. Dưới Bộ Công thương có một số cơ quan chuyên trách về thực thi chính sách STI, như Hội đồng Phát triển kinh tế (EDB), Cơ quan Thúc đẩy khoa học (A*STAR) và Cơ quan Hỗ trợ đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp vừa và nhỏ (SPRING). Năm 2006, một tổ chức được thành lập là Hội đồng Nghiên cứu, Đổi mới và Doanh nghiệp (RIEC) do Thủ tướng Chính phủ làm chủ tịch, nhằm kết nối các vấn đề chính sách liên ngành để thực thi chiến lược về nghiên cứu, đổi mới và hỗ trợ doanh nghiệp. Chính phủ Singapore đã dành 5 tỷ SGD trong 5 năm cho Quỹ Nghiên cứu quốc gia (NRF) để hỗ trợ RIEC nhằm nâng cao năng lực của hệ thống ĐMST quốc gia.

Bài học rút ra cho Thành phố Hà Nội

Như vậy, thành phố Hà Nội có thể học hỏi nhiều bài học quý giá từ các mô hình đổi mới sáng tạo của các quốc gia phát triển trên thế giới. Đó là cần đầu tư mạnh mẽ vào R&D, tăng cường hợp tác công - tư, phát triển hệ thống giáo dục và đào tạo, khuyến khích khởi nghiệp và đổi mới, xây dựng môi trường chính sách thuận lợi, đặc biệt là tập trung vào đổi mới xanh và bền vững. Đó là những yếu tố quan trọng giúp thúc đẩy hệ thống ĐMST của Việt Nam nói chung và thành phố Hà Nội nói riêng. Việc áp dụng những bài học này sẽ giúp thành phố Hà Nội nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững trong bối cảnh toàn cầu hóa và công nghệ phát triển nhanh chóng.

Các sản phẩm thiết bị, công nghệ mới về lĩnh vực thang máy được Công ty cổ phần Dụng cụ cơ khí xuất khẩu giới thiệu ra thị trường_Ảnh: TTXVN

Một số giải pháp nhằm hoàn thiện chính sách hỗ trợ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo đối với các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội 

Để hoàn thiện chính sách hỗ trợ, thúc đẩy ĐMST đối với các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội, cần chú ý một số giải pháp sau:

Thứ nhất, chính quyền thành phố cần tập trung xây dựng và triển khai hiệu quả Chiến lược phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo quốc gia giai đoạn 2021 - 2030 và những phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ giai đoạn 2021 - 2025. Tập trung triển khai các giải pháp đồng bộ, đặc biệt ưu tiêu việc hoàn thiện khung pháp lý, cơ chế, chính sách về KHCN và đổi mới sáng tạo.

Thứ hai, đầu tư đáng kể về kết cấu hạ tầng tương ứng để bảo đảm tính bền vững của hạ tầng KH&CN và ĐMST. Đặc biệt, các cơ quan quản lý tại địa phương cần đẩy mạnh phát triển hạ tầng số, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu kết nối và xử lý dữ liệu, các chức năng giám sát mạng lưới đến từng nút mạng và bảo đảm an toàn, an ninh mạng được tích hợp sẵn ngay từ khi thiết kế, xây dựng. Bên cạnh đó, các dự án đầu tư và hoạt động tại khu công nghệ cao của thành phố cần được áp dụng các cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư cao nhất theo quy định của pháp luật. Thành phố cần có những quy định cơ chế, chính sách, biện pháp ưu đãi, hỗ trợ để thu hút nguồn nhân lực công nghệ cao làm việc tại khu công nghệ cao và thúc đẩy hoạt động ĐMST tại khu công nghệ cao; phát triển nhà ở cho người làm việc trong khu công nghệ cao...

Thứ ba, phát triển đồng bộ các thành tố cấu thành hệ sinh thái ĐMST, từ vườn ươm, các không gian làm việc chung, chương trình huấn luyện khởi nghiệp, mạng lưới các nhà đầu tư đến việc cải thiện môi trường pháp lý… Đẩy mạnh hoạt động của các tổ chức trung gian hỗ trợ R&D và ĐMST, các khu công nghệ cao, các vườn ươm công nghệ, trung tâm hỗ trợ và thúc đẩy khởi nghiệp ĐMST, các sàn giao dịch công nghệ của quốc gia, vùng và địa phương. Có chính sách ưu đãi để thu hút các doanh nghiệp lớn của nước ngoài chuyển giao công nghệ, xây dựng các trung tâm nghiên cứu và phát triển tại Việt Nam. Tạo điều kiện cho các cơ quan nghiên cứu, đào tạo và doanh nghiệp trong nước cùng liên kết để phát triển nhanh các lĩnh vực công nghệ then chốt.

Thứ tư, thực hiện đồng bộ các giải pháp lấy doanh nghiệp làm trung tâm nghiên cứu, phát triển, ứng dụng và chuyển giao công nghệ. Tiếp tục khuyến khích doanh nghiệp hình thành và phát triển các quỹ phát triển KH&CN tại doanh nghiệp để thúc đẩy mạnh việc đổi mới, hấp thụ và làm chủ công nghệ. Thành lập các trung tâm nghiên cứu và phát triển, viện nghiên cứu, doanh nghiệp KH&CN và doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Sửa đổi, bổ sung quy định về quản lý, vận hành quỹ phát triển KH&CN tại doanh nghiệp theo hướng thông thoáng nhất.

Thứ năm, xây dựng chương trình giúp các doanh nghiệp trên địa bàn tiếp cận các nguồn lực tài chính, công nghệ và nhân lực, thúc đẩy đưa sản phẩm ra thị trường trong nước và quốc tế. Thành phố cũng cần quan tâm hỗ trợ việc nhập khẩu và giải mã công nghệ cao từ các nước phát triển, đặc biệt trong các ngành công nghiệp mũi nhọn, như công nghiệp điện tử, cơ khí, công nghệ sạch... Đặc biệt, cần nghiên cứu xây dựng cơ chế, giải pháp đặc thù giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ nâng cao năng lực chuyển đổi số, trong đó có cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) ở một số lĩnh vực, nhất là những công nghệ mới./.

-----------------------

(1) Xem: Do, A.D., Pham, T.B.C., Le, T.D., Trinh, D.U. “Open Innovation in Hanoi-Based Enterprises.”. (Tạm dịch: Đổi mới sáng tạo mở trong các doanh nghiệp tại Hà Nội), ngày 27-2-2024. https://link.springer.com/book/10.1007/978-981-99-7301-9; Truong, H. T., Le, T. P., Pham, H. T. T., Do, D. A., & Pham, T. T. “A mixed approach to understanding sustainable entrepreneurial intention”. (Tạm dịch: Phương pháp tiếp cận hỗn hợp để hiểu ý định kinh doanh bền vững), Tạp chí quốc tế về quản lý giáo dục), tháng 12-2022,  https://www.sciencedirect.com/science/article/abs/pii/S1472811722001331
(2) Xem: Vu, T.T.H., Do, A.D. “Innovation of enterprises in Hanoi city”. (Tạm dịch: Đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội), Tạp chí Kinh tế & Phát triển, ngày 4-12-2023, https://js.ktpt.edu.vn/index.php/jed/article/view/1320
(3) Báo cáo Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2023, truy cập ngày 5-8-2024, https://www.wipo.int/global_innovation_index/en/2023/
(4) Nguyễn Thị Tố Uyên: “Khuyến khích và bảo vệ cán bộ đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung”, Tạp chí Mặt trận, ngày 15-11-2023, https://tapchimattran.vn/nghien-cuu/khuyen-khich-va-bao-ve-can-bo-doi-moi-sang-tao-dam-nghi-dam-lam-dam-chiu-trach-nhiem-vi-loi-ich-chung-55523.html
(5) Xem: https://vanban.chinhphu.vn/default.aspx?pageid=27160&docid=155452
(6) Đỗ Anh Đức. “Phát triển mạng lưới đầu tư thiên thần đối với khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong bối cảnh công nghiệp 4.0”, năm 2022, Kỷ yếu hội thảo khoa học quốc gia: Kết nối mạng lưới nghiên cứu chính sách hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, 551-559
(7) Như: (i) Kế hoạch số 49/KH-UBND, ngày 28-2-2020, của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ, với mục tiêu đến năm 2025 Hà Nội có ít nhất 200 doanh nghiệp khoa học và công nghệ được chứng nhận; (ii) Quyết định số 579/QĐ-UBND, ngày 30-12-2019, của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, về kế hoạch triển khai Quyết định số 461/QĐ-TTg, phấn đấu đến năm 2020 có trên 30 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp; (iii) Quyết định số 4098/QĐ-UBND, ngày 6-9-2021, của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số thành phố Hà Nội đến năm 2025, định hướng đến năm 2030
(8) Xem: Wirtschaftsmotor Mittelstand: “Financing start-ups and growth: Overview of funding instruments” (Tạm dịch: Hỗ trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp và tăng trưởng: Tổng quan về các quỹ hỗ trợ), ngày 25-3-2022, https://www.bmwi.de/Redaktion/EN/Downloads/financing-start-ups-and-growth-overview-of-funding-instruments.pdf?__blob=publicationFile&v=9; Alexander Eickelpasch: “Innovation policy in Germany. Strategies and programmes at the federal and the regional level Report” (Tạm dịch: Chính sách đổi mới sáng tạo của Đức. Các chiến lược và chương trình ở cấp liên bang và khu vực), truy cập ngày 1-4-2022, www.signo-deutschland.de;Gtai.de: “Innovation in Germany - Research and Development” (Tạm dịch: Đổi mới sáng tạo ở Đức - Nghiên cứu và phát triển), https://www.gtai.de/en/invest/business-location-germany/innovation-in-germany
(9) Báo cáo Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2023, truy cập ngày 5-8-2024, https://www.wipo.int/global_innovation_index/en/2023/. X. Cirera, W.F. Maloney. “The Innovation Paradox: Developing Country Capabilities and the Unrealized Promise of Technological Catch-Up”. (Tạm dịch:  Nghịch lý đổi mới sáng tạo: Năng lực của các quốc gia đang phát triển và lời hứa chưa thành hiện thực về việc bắt kịp công nghệ), World Bank Group, tháng 8-2018, https://jscires.org/sites/default/files/JScientometRes-7-2-127_0.pdfFoster, C., & Heeks, R. “Analyzing policy for inclusive innovation: the mobile sector and base-of-the-pyramid markets in Kenya” (Tạm dịch: Phân tích chính sách đổi mới toàn diện: lĩnh vực di động và thị trường cơ sở kim tự tháp ở Kenya), ngày 25-3-2013, https://www.tandfonline.com/doi/abs/10.1080/2157930X.2013.764628