Ngày 4-10, Diễn đàn ASEM về tăng trưởng xanh với chủ đề: “Cùng hành động hướng tới các nền kinh tế xanh” đã bế mạc tại Hà Nội. 

Sau hai ngày làm việc tích cực, khẩn trương với ba phiên họp toàn thể, Diễn đàn đã đưa ra một bức tranh tương đối đầy đủ, toàn diện về tăng trưởng xanh ở hai châu lục Á - Âu. Những nội dung được trình bày tại diễn đàn tập trung vào những mô hình tăng trưởng xanh đang được triển khai áp dụng tại các nước thành viên ASEM; những kinh nghiệm và bài học thực tiễn về tăng trưởng xanh: từ xây dựng các thể chế, chính sách cấp toàn cầu, khu vực, đến các biện pháp tăng cường tăng trưởng xanh cụ thể ở từng nước thành viên ASEM. 

Các diễn giả cũng tập trung phân tích những thuận lợi, khó khăn của các quốc gia có trình độ phát triển và tiềm lực khác nhau khi theo đuổi mục tiêu phát triển nền kinh tế xanh, tăng trưởng xanh. Các tham luận tại diễn đàn rất đa dạng, phong phú về hình thức và nội dung nhưng đều thống nhất về nội hàm cơ bản của tăng trưởng xanh, đó là công nghệ sạch, năng lượng sạch, phát thải khí nhà kính thấp, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, giảm ô nhiễm môi trường. 

Phát biểu bế mạc diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đề xuất một chương trình hành động, trong đó, ưu tiên trước hết là thúc đẩy việc xây dựng và hình thành các thể chế, chính sách toàn cầu và khu vực, các cơ chế tăng cường hợp tác đa phương, song phương liên quan đến tăng trưởng xanh như quỹ khí hậu xanh, cơ chế phát triển sạch... Vai trò của Chính phủ các nước thành viên cũng cần được tăng cường hơn nữa trong việc xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách về tăng trưởng xanh phù hợp với xu thế chung và các thể chế toàn cầu; khuyến khích sự tham gia của các tổ chức phi chính phủ, các cộng đồng doanh nghiệp. Theo Thứ trưởng, các rào cản trong việc phổ biến, chuyển giao và tiếp nhận các loại công nghệ xanh, sạch giữa các nước thành viên ASEM cũng như với phần còn lại của thế giới cần được loại bỏ. Ngoài ra, các nước phát triển trong ASEM, đặc biệt là các nước có tiềm lực khoa học, công nghệ ở châu Âu cần tăng cường việc hỗ trợ đào tạo, phát triển nguồn nhân lực về nền kinh tế xanh, tăng trưởng xanh cho các nước có trình độ phát triển thấp hơn để cùng thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, nhằm mục tiêu cùng hành động để xanh hóa ASEM, làm hạt nhân cho quá trình xanh hóa nền kinh tế toàn cầu./.