Đối ngoại đa phương kênh Đảng khu vực châu Á - Thái Bình Dương
Một đặc điểm nổi bật của thế giới hiện đại là "sân khấu" chính trị quốc tế không còn là sân chơi độc diễn của các chủ thể nhà nước mà đã thu hút sự tham gia ngày càng rộng rãi của các "diễn viên" vốn trước đây được coi là "không chuyên" như các tổ chức phi chính phủ, phong trào nhân dân, tổ chức tình nguyện, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, các hiệp hội, các nhóm vận động,... Tất cả các lực lượng được coi là "mới nổi" này đều có sự ảnh hưởng nhất định trên trường quốc tế. Trong đó, đáng chú ý hơn cả là các đảng chính trị của các nước tham gia ngày càng tích cực và từng bước thể hiện vai trò rõ nét của mình trên vũ đài chính trị thế giới qua việc thiết lập kênh giao tiếp quốc tế đa phương ngày càng mở rộng.
Xác định lại vai trò quốc tế của các chính đảng
Sự hiện diện nhiều tầng nấc và đa dạng về thành phần của các chủ thể trên "sân khấu" chính trị quốc tế, một mặt, làm tăng tính phức tạp của quan hệ quốc tế hiện đại; mặt khác, thể hiện sức thẩm thấu mạnh mẽ của toàn cầu hóa đến các nền chính trị các quốc gia, khiến cho các chủ thể trước đây vốn chỉ hoạt động chủ yếu trong phạm vi khuôn khổ quốc gia đã bắt đầu nắm lấy vận hội mới từ toàn cầu hóa để vươn ra khẳng định vai trò của mình trên chính trường quốc tế. Các đảng chính trị là thực thể quan trọng quyết định đường hướng và chính sách phát triển của mỗi quốc gia nhưng vai trò của nó trên trường quốc tế cho đến gần đây vẫn ít được biết đến.
Chính vì lẽ đó, xu thế khẳng định vai trò quốc tế của các đảng chính trị đang bắt đầu được định hình. Một số đảng lớn trong khu vực có sáng kiến tổ chức các hội nghị quốc tế, hội thảo bàn về vấn đề này. Hội nghị quốc tế có chủ đề "Vai trò của các chính đảng đối với sự thịnh vượng và dân chủ hóa ở các nước ASEAN" do Đảng Gôn-ka (In-đô-nê-xi-a) tổ chức vào tháng 11-2005 đã bước đầu nhận được những phản ứng tích cực với sự tham gia của 9 đảng lớn trong ASEAN và 4 đảng ngoài khu vực là Đảng Cộng sản Trung Quốc, Đảng Dân chủ tự do (LDP) của Nhật Bản, Đảng U-rin của Hàn Quốc, và Đảng Đại hội dân tộc Phi (ANC) của Nam Phi. Hội nghị này xác định: "Vai trò của các chính đảng là người đại diện cho nhân dân trong việc tăng cường hoạt động của quốc hội, các thể chế liên quan và đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết những thách thức mà các quốc gia đang gặp phải'(1). Có thể nói, vai trò của các đảng chính trị trong việc thúc đẩy giải quyết các vấn đề quốc tế đang ngày càng được thừa nhận rộng rãi.
Thể chế hóa kênh đối ngoại đa phương của các chính đảng
Các đảng chính trị hiện đang bước đầu thử nghiệm, phát triển và thể chế hóa một số cơ chế nhằm phát huy vai trò và tầm ảnh hưởng to lớn của mình vượt ra ngoài biên giới quốc gia, tham gia tích cực vào công việc quốc tế. Trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, có hai mô hình tổ chức của các đảng chính trị có thể nghiên cứu và rút ra một số đặc điểm quan trọng, đó là Hội nghị các đảng chính trị châu Á (ICAPP) và Quốc tế Dân chủ Trung dung - châu Á - Thái Bình Dương (CDI-AP).
Hội nghị các đảng chính trị châu Á (ICAPP) là một tập hợp rộng rãi của chính đảng trong khu vực, được thành lập vào tháng 9-2000 với mục tiêu tăng cường hợp tác và giao lưu, sự hiểu biết và niềm tin giữa các đảng chính trị châu Á, thúc đẩy hợp tác khu vực thông qua các đảng chính trị, chú trọng tới đối thoại để thảo luận các vấn đề và thách thức chung và xác định một chiến lược chung cho châu Á. Cho đến nay ICAPP đã tổ chức được 4 hội nghị toàn thể: ICAPP 1 (9-2000) tại Ma-ni-la (Phi-líp-pin), có 46 đảng từ 26 nước tham gia; ICAPP 2 (11-2002) tại Băng-cốc (Thái Lan), có 77 đảng từ 35 nước; ICAPP 3 (9-2004) tại Bắc Kinh (Trung Quốc), có 81 đảng từ 35 nước; ICAPP 4 (9-2006) tại Xơ-un (Hàn Quốc) có 90 đảng đến từ 36 nước. ICAPP 5 được tổ chức tại I-xlam-ma-bát (Pa-ki-xtan) vào tháng 10-2008.
Mặc dù có tên gọi là "Hội nghị" nhưng ICAPP đã được thể chế hóa và mang tính tổ chức ngày càng chặt chẽ. ICAPP đã có một Hiến chương quy định về cơ cấu, tổ chức và thành viên, bầu ra một Ủy ban Thường trực và Ban Thư ký. Ủy ban Thường trực, họp ít nhất một lần trong một năm, có nhiệm vụ quyết định về địa điểm, chủ đề, chương trình làm việc của Hội nghị toàn thể và của các cuộc họp các tiểu ban chuyên đề và về bất kỳ vấn đề nào khác theo quy định tại Hiến chương ICAPP. Cho đến nay, Ủy ban Thường trực ICAPP đã tổ chức 8 cuộc họp và ICAPP trở thành thực thể tập hợp rộng rãi nhất các đảng chính trị trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương và có cơ cấu tổ chức chặt chẽ hơn cả.
Quốc tế Dân chủ Trung dung - châu Á - Thái Bình Dương (CDI-AP), được thành lập vào tháng 1-2006 tại Ma-ni-la (Phi-líp-pin), với tư cách là nhánh châu Á - Thái Bình Dương (tổ chức khu vực) của Quốc tế Dân chủ Trung dung (CDI), một tổ chức tập hợp khoảng 110 chính đảng trên toàn cầu, chủ yếu ở châu Âu và khu vực Mỹ La-tinh. Lịch sử hiện đại ghi nhận nhiều mô hình "Quốc tế” của các trường phái tư tưởng chính trị khác nhau, như Quốc tế Cộng sản (Comintern) là tập hợp các đảng cộng sản và công nhân ở các nước; Quốc tế Xã hội (SI) hiện là tổ chức tập hợp số lượng đảng phái lớn nhất thế giới; Quốc tế Tự do (LI) và Liên minh Dân chủ Quốc tế (IDU). Nằm trong khuôn khổ của mô hình "Quốc tế" này, CDI-AP bước đầu cũng tập hợp được một số đảng chính trị nhất định trong khu vực (17 đảng) và có một số quan sát viên. CDI-AP là một tổ chức gồm các đảng chính trị theo đường lối trung dung, ôn hòa, đang cầm quyền hoặc có thế lực trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương (Lakas-CMD của Phi-líp-pin, UMNO của Ma-lai-xi-a, Gôn-ka của In-đô-nê-xi-a, Đảng Quốc đại của Ấn Độ, CPP của Cam-pu-chia, Liên đoàn Hồi giáo Pa-ki-xtan (PML-Q),..).
Chương trình nghị sự đa phương của các chính đảng
Tham gia vũ đài chính trị quốc tế với tư cách là các thực thể độc lập, các đảng chính trị đã cố gắng tạo cho mình nét khác biệt riêng so với các thực thể khác, đặc biệt là các chính phủ, trong kênh hợp tác đa phương thông qua việc tận dụng các thế mạnh riêng vốn có của mình. Tuy nhiên, mục tiêu của kênh hợp tác đa phương giữa các chính đảng không phải là tạo ra một hình thức hoàn toàn độc lập với các nhiệm vụ tự thân, mà để trở thành một kênh hỗ trợ, bổ sung đắc lực cho các kênh ngoại giao truyền thống giữa các chính phủ. Chính vì vậy, những vấn đề được đưa ra tại diễn đàn chung của các đảng chính trị cũng là các vấn đề mà các quốc gia quan tâm, là các vấn đề cấp bách mà dân chúng tại các quốc gia đều gặp phải, phấn đấu vì một khu vực hòa bình, thống nhất, phồn vinh và phát triển.
Tại các diễn đàn đa phương của các đảng chính trị, chương trình nghị sự cũng bàn đến các vấn đề mà chính phủ và quốc hội các nước trong khu vực đang quan tâm, thảo luận như thúc đẩy xu hướng tiến đến một cộng đồng châu Á nói chung và cộng đồng ASEAN nói riêng. ICAPP xác định mục đích chung là hướng đến một khuôn khổ hợp tác trong các lĩnh vực phát triển, quản lý dân chủ và hòa bình; đề xuất sáng kiến về cải cách chính trị như phòng chống tham nhũng, tăng cường minh bạch và đối phó với những vấn đề toàn cầu; thảo luận những đề nghị về sự hiểu biết, đối thoại và hợp tác giữa các tôn giáo, tín ngưỡng và các nền văn minh khác nhau, thăm dò khả năng về một nghị viện châu Á và một đồng tiền chung, chuẩn bị cho sự nhất thể hóa châu Á về kinh tế và chính trị theo hình mẫu châu Âu; gia tăng sự hỗ trợ của nhà nước đối với các chính đảng, đưa ra sáng kiến đối thoại đa tín ngưỡng, chống đói nghèo và tài chính vi mô hỗ trợ khu vực nông thôn, vấn đề khí hậu trái đất, và sự tham gia của phụ nữ vào các hoạt động xã hội.
CDI-AP nhấn mạnh các nguyên tắc và giá trị cơ bản như dân chủ, bình đẳng, tự do, trách nhiệm và công bằng. Đặc biệt coi trọng nguyên tắc đoàn kết, CDI-AP cho rằng: chính trị - kinh tế phải gắn chặt với chính trị - xã hội, những người thiệt thòi, yếu đuối nhất phải được quyền bình đẳng về cơ hội, trách nhiệm chung đối với những người bị gạt ra ngoài lề sự phát triển xã hội phải được nêu cao. CDI-AP lên án chủ nghĩa khủng bố, chống các loại tội phạm xuyên quốc gia, ủng hộ và khuyến khích các tiến trình hòa bình trong khu vực, hướng đến xây dựng một nền hòa bình lâu dài cho châu Á - Thái Bình Dương, đối thoại giữa các tôn giáo và tín ngưỡng khác nhau, quan tâm đến các vấn đề giáo dục, môi trường,...
Nhìn chung, các diễn đàn đa phương của các đảng chính trị đều hướng tới mục tiêu đóng góp vào sự phát triển và thịnh vượng của xã hội, bởi lẽ các chính phủ không độc quyền về chức năng này và cũng không thể một mình đảm đương được mà cần có sự tham gia của nhiều lực lượng khác nhau. Các đảng chính trị muốn thể hiện một tiếng nói thống nhất và mạnh mẽ trong lĩnh vực này. Các mục tiêu tự thân của các đảng chính trị về hiện đại hóa và xây dựng đảng cũng xuất hiện trong chương trình nghị sự này, nhưng cũng là phương tiện để đạt được những mục tiêu lớn hơn về sự phát triển xã hội và khu vực. Ví dụ như, vấn đề “sự hỗ trợ của nhà nước đối với các đảng chính trị” được quan tâm thảo luận bởi lẽ đây được coi là một biện pháp quan trọng giảm thiểu tình trạng tham nhũng chính trị và giảm ảnh hưởng của những nhóm tài phiệt đối với nền chính trị.
Hiệu quả hoạt động và triển vọng phát triển của các diễn đàn đa phương kênh chính đảng
Trong bối cảnh xuất hiện vô số các diễn đàn đa phương ở nhiều cấp độ khác nhau giữa các chính phủ, các tổ chức nhân dân, riêng sự ra đời của một số diễn đàn đa phương kênh chính đảng đã là một sự phát triển đáng chú ý. Các diễn đàn này đánh dấu sự tham gia tích cực của một lực lượng có vai trò quan trọng trong sự phát triển xã hội của mỗi quốc gia, hòa chung dòng chảy của trào lưu quốc tế cùng tham gia giải quyết các vấn đề quốc tế và khu vực. Các đảng chính trị "đang chứng tỏ mình là kênh hiệu quả nhất trong việc thể hiện nguyện vọng của quần chúng và là công cụ tốt nhất để truyền đạt những nhu cầu của nhân dân tới các chính phủ"(2). Nhận định này xuất phát từ thực tế các thành viên của các chính phủ cũng như quốc hội đều là những nhân vật chủ chốt của các đảng chính trị, những người xây dựng đường hướng, cương lĩnh và chính sách phát triển cho các quốc gia. Xét theo ý nghĩa này, các đảng chính trị là lực lượng có tác động mạnh nhất, quyết định con đường và chính sách phát triển của các nước, do đó, kênh đối ngoại đa phương của các đảng chính trị được mở ra sẽ tạo cơ hội cho các đảng cùng ngồi lại và hợp lực chung thúc đẩy giải quyết hiệu quả các vấn đề khu vực và toàn cầu mà nhân loại đang phải đối mặt.
Trong mối quan hệ tác động qua lại một cách biện chứng, hoạt động của các đảng chính trị xoay quanh quyền lực nhà nước nên các chính phủ có ảnh hưởng to lớn đối với các hoạt động của các đảng chính trị. Đứng đằng sau các diễn đàn này là các chính phủ của các quốc gia. Nếu không có sự hậu thuẫn và nguồn lực của các chính phủ, các diễn đàn đa phương của các đảng chính trị khó có thể hoạt động được. Có thể thấy hoạt động của các diễn đàn như ICAPP hay CDI-AP cho đến nay đều gắn chặt với các chính phủ. Trong tương lai, mối quan hệ khăng khít này vẫn là đặc điểm nổi trội và chi phối tiến trình phát triển của các diễn đàn này. Chương trình nghị sự của các chính phủ đề ra sẽ vẫn chi phối chương trình nghị sự tại các diễn đàn đa phương kênh đảng bởi lẽ đối ngoại đa phương kênh đảng vẫn xác định sứ mệnh của mình là một kênh bổ sung có hiệu quả cho kênh chính thức.
Mặc dù còn một số ý kiến phê phán cho rằng, giống như nhiều diễn đàn đa phương khác, đối ngoại đa phương kênh đảng vẫn nặng về hình thức, không có nội dung thực chất hay đi vào giải quyết vấn đề gì cụ thể, mà chủ yếu chỉ là nơi các đảng đến để bàn chuyện (talk shop), tuy nhiên kênh đối ngoại này đã thu được một số kết quả nhất định, chứng tỏ vị thế của mình và bắt đầu được thừa nhận rộng rãi. Đây là một kênh giao tiếp có nhiều lợi thế riêng biệt và có "đất" để phát huy tác dụng.
Ở góc độ là một kênh bổ sung cho kênh chính thức giữa các nhà nước, các tổ chức đa phương này đã tạo "sân" cho một số hoạt động mà ở kênh chính thức chưa làm hoặc khó làm được. Ví dụ như, trong khuôn khổ ICAPP 3 được tổ chức tại Bắc Kinh (năm 2004), Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã có sáng kiến mời đại diện một số đảng chính trị ở Đài Loan tham dự và trao đổi quan điểm nhằm giảm căng thẳng xung quanh vấn đề eo biển Đài Loan; trong khuôn khổ ICAPP 4 ở Xơ-un (2006) cũng như ICAPP 5 tại I-xla-ma-bát (2008), các đảng chính trị tại nước chủ nhà dù là đối lập hay cầm quyền đều chung sức và thống nhất cùng đứng ra làm đồng tổ chức, thể hiện sự đoàn kết vì mục tiêu phát triển chung. Thông qua các cuộc gặp và thảo luận ở diễn đàn đa phương kênh đảng, các nhà lãnh đạo chính trị hiểu biết về lập trường của nhau hơn và thúc đẩy giải quyết được một số vấn đề nhạy cảm, khó khăn đối với kênh chính thức.
Một trong những thành tích đáng ghi nhận của các diễn đàn đa phương kênh đảng là góp một tiếng nói có trọng lượng vào thúc đẩy giải quyết vấn đề nghèo đói và hỗ trợ cho việc thực hiện các mục tiêu Thiên niên kỷ (MDG) của Liên hợp quốc. Theo mục tiêu Thiên niên kỷ, đến năm 2015, mức nghèo đói toàn cầu phải được giảm còn một nửa, tuy nhiên cho đến nay mục tiêu đó rất khó đạt được, vấn đề nghèo đói ở nhiều quốc gia châu Á vẫn còn trầm trọng, các nước nghèo bị gánh nặng nợ nần quá mức chịu đựng. Thông qua ICAPP, một số nước đã đưa ra sáng kiến "chuyển nợ thành cổ phần" để giúp tài trợ cho việc thực hiện các mục tiêu Thiên niên kỷ. Sáng kiến này đang được trình lên Tổng Thư ký Liên hợp quốc, Nhóm G8, và Câu lạc bộ Pa-ri.
Theo sáng kiến này, trong một giai đoạn nhất định, các nước chủ nợ sẽ đầu tư lại một nửa số tiền trả nợ của các nước nghèo vào các dự án như trồng rừng, nước sạch, lương thực, nhà ở, y tế, giáo dục... ở các nước nghèo. Các nước chủ nợ sẽ được giữ cổ phần tại các dự án này(3). Ngoài ra, các đảng chính trị cũng thúc đẩy các sáng kiến thành lập cơ chế và quỹ phòng chống thảm họa cho các nước châu Á; thúc đẩy tiến trình thành lập cộng đồng ASEAN, tiến tới cộng đồng châu Á và châu Á - Thái Bình Dương, thúc đẩy việc chuyển đổi Tổ chức liên minh nghị viện ASEAN (AIPO) thành Hội đồng liên nghị viện ASEAN (AIPA), Hiệp hội Nghị viện châu Á vì hòa bình (AAPP) thành Nghị viện châu Á (APA), hình thành Quỹ Tiền tệ châu Á và Quỹ Giảm nghèo châu Á.
Một đặc điểm đáng lưu ý là các tổ chức đa phương của các đảng chính trị trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương có mối liên hệ với các tổ chức chính trị tại châu Âu mà đại diện nổi bật là Quỹ KAS (Konrad Adenauer) và Quỹ Han-nơ Sây-đen (Hanns Seidel) của Đức. Mối liên hệ này xuất phát từ sáng kiến thành lập hai tổ chức đa phương của các đảng chính trị tại khu vực là ICAPP và CDI-AP đều bắt nguồn từ Phi-lip-pin và người khởi xướng là ông Giô-sê đơ Vê-nê-xi-a, cựu Chủ tịch Hạ viện, cựu Chủ tịch Đảng Lakas-CMD của Phi-lip-pin. Giới tinh hoa chính trị Phi-lip-pin chịu ảnh hưởng chính trị của nhà thờ Thiên chúa giáo và có mối liên hệ mật thiết với các xu hướng chính trị ở châu Âu. Khi đưa ra ý tưởng hình thành các diễn đàn đa phương này, những người khởi xướng đã nhấn mạnh đặc biệt vào đối thoại đa tín ngưỡng giữa các tôn giáo khác nhau, không phân biệt xu hướng chính trị, ý thức hệ và tôn giáo, cùng hướng đến mục tiêu chung là hòa bình và phát triển.
Xu hướng chính trị và các giá trị của châu Âu có sức ảnh hưởng nhất định đối với các tổ chức đa phương của các đảng chính trị tại châu Á - Thái Bình Dương thông qua hoạt động tích cực của các quỹ dưới hình thức tài trợ tài chính, hậu cần và hỗ trợ kỹ thuật, tổ chức. Ở đây tồn tại một xu hướng giao thoa giá trị và ảnh hưởng lẫn nhau giữa các tổ chức chính trị châu Âu và các đảng chính trị châu Á - Thái Bình Dương. Đây là xu hướng hai chiều, thẩm thấu lẫn nhau, phục vụ lợi ích của cả hai phía, và sẽ còn tiếp tục phát triển trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu sắc hơn giữa châu Âu với châu Á.
Một sự xuyên tạc xấu xa  (13/02/2009)
Cần có sự chỉ đạo quyết liệt trong công tác xóa đói, giảm nghèo  (13/02/2009)
Coi trọng kích cầu tiêu dùng  (13/02/2009)
Sự phát triển quan hệ hợp tác giữa ASEAN với các bên đối thoại  (13/02/2009)
Quan hệ Mỹ - I-ran: Hy vọng mới  (13/02/2009)
Hòa bình Trung Đông vẫn mong manh  (13/02/2009)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên