Là một tổ chức khu vực phát triển năng động, ASEAN từ lâu đã rất chú trọng đến việc thúc đẩy quan hệ hợp tác với các đối tác ngoài khu vực, đặc biệt là với các nước lớn. Trên tinh thần hợp tác cùng có lợi, các mối quan hệ này không ngừng phát triển và đạt được một số thành quả nhất định.

Hiệp hội các quốc gia Đông - Nam Á (ASEAN), trải qua chặng đường hơn 40 năm (1967 - 2008) đã phát triển từ ASEAN-5 lên ASEAN-10. Đây không đơn giản là sự mở rộng số lượng thành viên, mà còn là quá trình hiện thực hóa nhu cầu và nguyện vọng xích lại gần nhau, hướng tới sự hài hòa lợi ích của những quốc gia có chế độ chính trị - xã hội khác nhau, vốn từng đối đầu với nhau trong nhiều thập niên của cuộc "Chiến tranh lạnh". Trong những năm đầu, hợp tác của ASEAN chỉ bó hẹp trong khuôn khổ 5 nước thành viên sáng lập. Nhưng từ những năm 70 - 80 của thế kỷ XX, ASEAN đã chủ trương mở rộng quan hệ hợp tác với các nước bên ngoài hiệp hội. Ngoài quan hệ song phương, ASEAN tiến tới thực hiện các cơ chế hợp tác như: ASEAN +1 (với từng đối tác), ASEAN +10 (với 10 đối tác), ASEAN + 3 (với 3 nước Đông - Bắc Á: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc). Bên cạnh đó là các diễn đàn đa phương mà ASEAN là hạt nhân: Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC); Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF); Diễn đàn hợp tác Á - Âu (ASEM)...

Trong số các bên đối thoại của ASEAN, cho tới nay một số cường quốc đang dần có vị trí, vai trò nổi trội trong tiến trình hợp tác theo cơ chế ASEAN như Nga, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ...

Quan hệ ASEAN - Mỹ

Mặc dù không phải là nước có quan hệ với ASEAN sớm nhất, song hiện Mỹ đang là đối tác đối thoại rất quan trọng của ASEAN. Hợp tác giữa Mỹ và các nước ASEAN đã được triển khai trên tất cả các lĩnh vực: kinh tế, chính trị, an ninh, quân sự, văn hóa - xã hội. Về kinh tế, kim ngạch thương mại Mỹ - ASEAN suốt từ năm 2001 đến nay tăng liên tục, vượt quá ngưỡng 100 tỉ USD (năm 2005 gần 150 tỉ USD; năm 2006: 168 tỉ USD; năm 2007: 170 tỉ USD). Nhằm thúc đẩy quan hệ kinh tế giữa hai bên, ngày 25-8-2006, Hiệp định khung về thương mại và đầu tư giữa Mỹ và ASEAN (TIFA) đã được ký kết. Đây được coi là sự khởi đầu tích cực để hai bên tiến tới ký kết Hiệp định thương mại tự do đầy đủ (FTA). Ngoài ra, do coi trọng các quan hệ song phương, nên Mỹ đã có các hiệp định kinh tế dạng thức khác nhau với từng nước ASEAN, chẳng hạn đã ký FTA với Xin-ga-po; TIFA với một số nước ASEAN.

Về chính trị, ASEAN và Mỹ nhất trí đưa ra Tuyên bố tầm nhìn chung về quan hệ đối tác tăng cường ASEAN - Mỹ (tháng 11-2005); theo đó, thống nhất thông qua Kế hoạch hành động thực hiện quan hệ đối tác tăng cường ASEAN - Mỹ (tháng 7-2006). Nhân dịp kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ đối thoại với ASEAN, ngày 12-6-2007, Quốc hội Mỹ đã phê chuẩn Nghị quyết đề cao 30 năm quan hệ Mỹ - ASEAN; tháng 9-2007 lần đầu tiên hai bên tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh ASEAN - Mỹ tại Xin-ga-po. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, cho tới nay Mỹ vẫn chưa ký Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác Đông - Nam Á (TAC)- một văn kiện được ASEAN coi là quan trọng nhất đối với hòa bình và ổn định của khu vực.

ASEAN đã đi đến thống nhất quy định rằng, các nước ngoài khối muốn trở thành thành viên của Hội nghị thượng đỉnh Đông Á (EAS) phải đáp ứng 3 điều kiện, đó là: 1. Là đối tác đối thoại của ASEAN; 2. Đã ký TAC với ASEAN; 3. Có quan hệ thương mại tích cực và thực chất với ASEAN.
 
Cho đến nay mới chỉ có 6 nước sau được tham gia EAS: Ấn Độ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Niu Di-lân và Ô-xtrây-li-a.

Về an ninh, sau "sự kiện ngày 11-9-2001", Mỹ điều chỉnh chính sách đối ngoại, đặt nhiệm vụ chống khủng bố thành ưu tiên đối ngoại hàng đầu. Trong bối cảnh ở một số nước ASEAN có các tổ chức khủng bố hoạt động mạnh, tháng 8-2002, Mỹ và ASEAN đã ký Tuyên bố chung về hợp tác chống khủng bố. Mỹ đã thiết lập mạng lưới an ninh song phương với Phi-líp-pin, Ma-lai-xi-a, In-đô-nê-xi-a, Thái Lan, Xin-ga-po và Bru-nây; riêng các nước Thái Lan, Phi-líp-pin, Xin-ga-po còn được hưởng quy chế "đồng minh ngoài NATO" của Mỹ. Trong khuôn khổ những cơ chế này, hằng năm Mỹ thực hiện các cuộc tập trận chung đồng thời với những hoạt động quân sự- an ninh khác.

Quan hệ ASEAN - Trung Quốc

Trung Quốc là nước láng giềng của các nước Đông - Nam Á, do vậy, từ lâu đã có quan hệ với những nước này. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, tới năm 1991, Trung Quốc mới chính thức thiết lập quan hệ với ASEAN; năm 1996 trở thành đối tác đối thoại đầy đủ của ASEAN. Trong vòng một thập niên trở lại đây, cùng với sự "trỗi dậy mạnh mẽ" của mình, Trung Quốc ngày càng coi trọng và đề cao vai trò của ASEAN như là một tổ chức khu vực, khẳng định lợi ích của mình trong mối quan hệ này. Hiện nay, Trung Quốc có quan hệ khá chặt chẽ với ASEAN thông qua cơ chế ASEAN +1 và ASEAN +3 cũng như các diễn đàn đa phương của khu vực, quan hệ song phương với từng nước ASEAN.

Trong lĩnh vực kinh tế - thương mại, năm 2002, Trung Quốc - ASEAN đã ký Hiệp định khung về hợp tác kinh tế toàn diện, mở đường cho việc thiết lập Khu vực mậu dịch tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA) vào năm 2010. Sự phát triển năng động và mạnh mẽ giữa ASEAN và Trung Quốc đã đưa đến kết quả là năm 2003, hai bên đã ký Tuyên bố chung về quan hệ đối tác chiến lược vì hòa bình và thịnh vượng; và cũng ngay trong năm đó, Trung Quốc đã ký TAC với ASEAN.

Trung Quốc cũng là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của ASEAN, với kim ngạch thương mại hai chiều năm 2006 là 160,8 tỉ USD, năm 2007 gần 170 tỉ USD(1). Tuy nhiên, theo một số nhà phân tích, mặc dù những chiến lược và chính sách đối với ASEAN của Trung Quốc ngày càng được tăng cường, đáp ứng lợi ích trước mắt của ASEAN và lợi ích lâu dài của Trung Quốc, song đây là mối quan hệ mang tính chất phi đối xứng giữa một nước khổng lồ với "những người bạn nhỏ" Đông - Nam Á(2).

Quan hệ ASEAN - Nhật Bản

Nhật Bản là quốc gia có quan hệ từ rất sớm với ASEAN. Có thể nói, Nhật Bản là một trong số không nhiều các đối tác lớn có quan hệ tích cực và thực chất với ASEAN. Sự phát triển của ASEAN trong nhiều thập niên gắn bó khá chặt chẽ với Nhật Bản, đặc biệt là các quan hệ kinh tế - thương mại.

Hiện nay, quan hệ hai bên ngày càng phát triển tích cực. Nhật Bản tham gia tất cả các cơ chế, diễn đàn đa phương của ASEAN; tích cực triển khai các hoạt động liên kết như: chuyển giao công nghệ tiên tiến, kinh nghiệm quản lý hiện đại, giáo dục - đào tạo nhân lực, xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, phòng chống dịch bệnh, hỗ trợ khắc phục thiên tai, giao lưu văn hóa... Ngay từ năm 2003, nhân dịp kỷ niệm 30 năm quan hệ Nhật Bản - ASEAN, Hội nghị thượng đỉnh ASEAN - Nhật Bản đã được tổ chức tại Tô-ky-ô. Đây là lần đầu tiên ASEAN tổ chức hội nghị thượng đỉnh ngoài khu vực, và cũng tại đây, hai bên đã ký những văn kiện quan trọng, trong đó có Tuyên bố Tô-ky-ô về quan hệ đối tác năng động và bền vững ASEAN- Nhật Bản trong thế kỷ XXI. Những văn kiện được ký kết này không chỉ nêu ra những định hướng lớn cho tương lai, mà còn đề ra những biện pháp toàn diện và cụ thể nhằm đưa quan hệ hợp tác hai bên ổn định và bền vững hơn. Tháng 4-2008, hai bên đã ký Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện ASEAN - Nhật Bản (AJCEP) - một văn kiện pháp lý quan trọng, tạo cơ sở xúc tiến quan hệ kinh tế giữa hai bên sâu rộng hơn, hiệu quả hơn, đánh dấu mốc quan trọng nâng tầm quan hệ hợp tác toàn diện cùng có lợi. Những năm gần đây, kim ngạch thương mại hai chiều ASEAN - Nhật Bản cũng đạt mức cao (khoảng 150 tỉ USD mỗi năm).

Quan hệ ASEAN - Nga

Liên bang Nga là một trong những đối tác hàng đầu mà các nước ASEAN muốn thiết lập quan hệ hợp tác hữu nghị và hợp tác trên mọi bình diện. Với tư cách là một cường quốc thế giới, Nga nắm trong tay nhiều nguồn lực quan trọng, có nhiều lợi thế so sánh về đất đai, tài nguyên, sức mạnh quân sự, tiềm lực khoa học, vị thế địa - chính trị. Trong quan hệ với ASEAN, hai bên không có xung đột quân sự, biên giới, không có tranh chấp hải đảo hay đất liền. Nga cũng không tạo ra những căng thẳng về các vấn đề dân chủ, nhân quyền, không có những mâu thuẫn về tôn giáo với các nước ASEAN. Xét một cách tổng thể, Nga thực sự có nhiều lợi thế hơn so với các đối tác khác của ASEAN.

Hợp tác giữa Nga và ASEAN trên lĩnh vực chính trị - an ninh được hình thành khá sớm. Ngay từ Hội nghị ARF lần thứ nhất (tháng 7-1994), Nga đã tham gia với tư cách thành viên chính thức của diễn đàn, đưa ra sáng kiến xây dựng Cộng đồng an ninh; với Hội nghị ARF lần thứ 2 (tháng 7-1995), dự thảo về Nguyên tắc an ninh và ổn định ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng đã được Nga đề xuất. Đặc biệt từ sau khi Nga trở thành một bên đối tác, đối thoại đầy đủ của ASEAN (tháng 7-1996), quan hệ Nga - ASEAN bước sang một giai đoạn mới, tạo tiền đề cho những thay đổi về chất trong quan hệ hợp tác giữa hai bên. Cũng từ đó, cơ cấu đối thoại ASEAN - Nga được định hình, bao gồm 4 thiết chế: Ủy ban hợp tác hỗn hợp ASEAN - Nga; Ủy ban quản lý hỗn hợp ASEAN - Nga của Quỹ hợp tác ASEAN - Nga; Hội đồng kinh doanh ASEAN - Nga; và ủy ban ASEAN tại Mát-xcơ-va. Trên cơ sở những thiết chế này, ASEAN và Nga tích cực tổ chức các cuộc gặp gỡ tham vấn, trao đổi đểđi đến thỏa thuận và ký kết các văn kiện hợp tác.

Năm 2003, Nga và ASEAN đã ký Tuyên bố chung giữa các bộ trưởng ngoại giao về quan hệ đối tác vì hòa bình, an ninh, thịnh vượng và phát triển; năm 2004 ký Tuyên bố chung ASEAN - Nga về phòng chống tội phạm quốc tế, đồng thời ký TAC. Đặc biệt, Hội nghị thượng đỉnh ASEAN - Nga lần đầu tiên được tổ chức tại Ma-lai-xi-a (tháng 12-2005) đã chứng tỏ một bước tiến quan trọng trong quan hệ giữa hai bên. Tại Hội nghị này, Nga và ASEAN đã ký kết một số văn kiện quan trọng: Tuyên bố chung về quan hệ đối tác toàn diện và tiến bộ; Hiệp định hợp tác kinh tế và phát triển Liên bang Nga - ASEAN 2005 - 2015. Những văn kiện này đề cập khá chi tiết về những phương hướng, nội dung hợp tác trọng yếu trong vòng 10 năm trên hầu hết các lĩnh vực, nhằm đưa quan hệ này đi vào thực chất, hiệu quả, có lợi cho cả đôi bên.

Một trong những điểm nhấn quan trọng trong hợp tác ASEAN - Nga là lĩnh vực quân sự - quốc phòng. Nga vốn là nước có thế mạnh về quân sự - quốc phòng, giá cả trao đổi lại phải chăng, do vậy, ASEAN là khách hàng khá lớn của Nga về các trang thiết bị kỹ thuật quân sự.

Khác với những tiến triển tích cực trên lĩnh vực chính trị - an ninh, quan hệ kinh tế - thương mại Nga - ASEAN chưa thực sự ngang tầm, còn thua kém so với quan hệ của ASEAN với các đối tác lớn khác. Mặc dù những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng thương mại Nga - ASEAN cao, song kim ngạch thương mại hai chiều hằng năm chỉ dừng ở mức 6 tỉ - 7 tỉ USD, chiếm 0,4% tổng thương mại của ASEAN; còn ASEAN chỉ chiếm 1,2% tổng kim ngạch ngoại thương của Nga, trong khi các nước Đông - Bắc Á chiếm 10,7%, EU - 25 chiếm 52,1%(3). Đầu tư của Nga vào các nước ASEAN và ngược lại không đáng kể. Hơn nữa, những ưu tiên mang tính chiến lược của Nga với khu vực này chưa thật rõ ràng, nếu có thì cũng chưa thể hiện sống động trên thực tế. Nga chưa phát huy được những lợi thế, thuận lợi vốn có trong quan hệ với ASEAN. Cũng vì vậy, năm 2005, trong khi Nga muốn tham gia Hội nghị thượng đỉnh Đông Á (EAS), một số nước ASEAN đã không nhất trí vì cho rằng quan hệ kinh tế của Nga với ASEAN chưa tích cực và thực chất. Cho đến nay, Nga vẫn chưa phải là thành viên tham dự của cả ASEM lẫn EAS.

Quan hệ ASEAN - Ấn Độ

Ấn Độ là nước có quan hệ đối thoại từng lĩnh vực với ASEAN khá sớm (từ năm 1980), trở thành đối tác đầy đủ của ASEAN năm 1995, ký TAC với ASEAN vào năm 2003. Cùng với tiến trình phát triển khá nhanh và "chính sách hướng Đông" của Ấn Độ được triển khai tích cực trong những năm qua, quan hệ Ấn Độ - ASEAN ngày càng được cải thiện. Từ nhiều năm nay, Ấn Độ và ASEAN tổ chức thường xuyên các cuộc gặp thượng đỉnh, đối thoại, làm việc với các nhóm công tác, các quan chức chính phủ... của hai bên. Ấn Độ đặc biệt quan tâm đến việc tham gia các dự án thuộc tiểu vùng sông Mê Công như: Dự án nối sông Hằng với sông Mê Công, Sáng kiến vịnh Ben-gan về hợp tác trong lĩnh vực kinh tế và công nghiệp. Tháng 11-2004, Ấn Độ và ASEAN đã ký văn kiện Đối tác Ấn Độ - ASEAN vì hòa bình, tiến bộ, cùng chia sẻ thịnh vượng.

Kim ngạch thương mại của Ấn Độ với ASEAN chiếm khoảng 30% tổng ngoại thương của Ấn Độ. Tháng 8-2008, Ấn Độ và ASEAN đã hoàn tất đàm phán về Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Ấn Độ. Nhìn chung, đây là mối quan hệ cùng có lợi, không mang tính áp đặt kiểu nước lớn với các nước nhỏ. Cũng vì có quan hệ tích cực và thực chất với ASEAN, đáp ứng điều kiện tham gia EAS, Ấn Độ đã được mời tham dự Hội nghị cấp cao Đông Á ngay từ lần thứ nhất (năm 2005).

Như vậy, nếu không tính EU thì Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ đang là những đối tác lớn và quan trọng đối với ASEAN xét trên nhiều bình diện. Cơ chế hợp tác của ASEAN với các bên đối tác, đối thoại không những mang lại nhiều lợi ích ở các mức độ khác nhau cho cả ASEAN và từng bên đối tác, mà còn góp phần không nhỏ cho hòa bình, ổn định của khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng như trên thế giới./.
 

(1) Bộ Khoa học và Công nghệ, Trung tâm Thông tin khoa học và Công nghệ quốc gia: ASEAN - 40 năm phát triển khoa học công nghệ, Hà Nội, 2007, tr 132
(2) GS, TS. Nguyễn Thiết Sơn - "Tại sao Liên bang Nga cần mở rộng quan hệ với ASEAN?", trong sách: Hướng tới quan hệ hợp tác toàn diện Nga - ASEAN trong những thập niên đầu thế kỷ XXI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007, tr 123
(3) Thống kê của ASEAN, www.aseansec.org. ngày 15-3-2007