Quyền hành pháp và vai trò của Chính phủ trong thực hiện quyền lực nhà nước
Trong bất cứ nhà nước nào, quyền hành pháp đều được xem như quyền năng trực tiếp trong hoạch định, đệ trình chính sách và thực thi chính sách. So với quyền lập pháp và quyền tư pháp, thì quyền hành pháp có đặc trưng cơ bản: “hành động để đưa pháp luật vào cuộc sống”. Nếu quốc hội có chức năng ban hành pháp luật, các cơ quan tư pháp xét xử các hành vi vi phạm pháp luật, thì “hành động” của chính phủ là đề xuất chính sách, pháp luật để quốc hội phê chuẩn, thông qua, để rồi theo nhiệm vụ, quyền hạn của mình, chính phủ lại thực thi chính sách, pháp luật, truy tố tội phạm và đưa các hành vi vi phạm pháp luật (công tố) để tòa án xét xử. Vì thế, chính phủ luôn là chủ thể chính bảo đảm hiệu quả hoạt động của các nhánh quyền lực trong cơ cấu quyền lực nhà nước.
Như vậy, hành pháp hiểu theo nghĩa rộng không chỉ bó hẹp ở chấp hành pháp luật, mà còn cả ở việc định hướng chính sách và tổ chức thực hiện chính sách. Nếu coi chấp hành pháp luật vừa có chủ thể là đối tượng thi hành (xã hội), vừa có cả việc triển khai thực thi pháp luật, thì không chỉ chính phủ và hệ thống cơ quan hành chính, mà cả các cơ quan xét xử, viện kiểm sát (kiểm sát việc tuân thủ, chấp hành pháp luật) cũng có nhiệm vụ này. Trong điều kiện Việt Nam, có thể hiểu cả hệ thống chính trị là cơ quan chấp hành pháp luật.
Không thể giới hạn hành pháp trong khuôn khổ hành chính. Cần hiểu rằng, hành chính là một phương diện của hành pháp, là hệ quả tất yếu của chính sách vĩ mô khi đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt hoặc ủy quyền phê duyệt (quyết định). Như vậy, nếu hành pháp là hoạch định, đề xuất chính sách và định hướng vĩ mô thì hành chính là triển khai thực hiện chính sách đó (vi mô). Ở một phương diện khác, hành chính cũng chính là đưa pháp luật vào đời sống quản lý. Tuy nhiên, ở đây việc áp dụng pháp luật chỉ dừng lại ở các sự kiện pháp lý nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của các chủ thể quản lý, như tranh chấp về thẩm quyền quản lý giữa các bộ; đưa ra các biện pháp nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân; thậm chí các khiếu nại, tố cáo của người dân gửi đến cơ quan nhà nước đòi hỏi cơ quan quản lý giải quyết... cũng phản ánh việc đưa (áp dụng) pháp luật vào đời sống xã hội.
Cách tiếp cận nêu trên là sự so sánh bước đầu về nội hàm hành pháp, nhưng là cách tiếp cận sát thực nhất với điều kiện nước ta đang xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Xét toàn bộ hệ thống pháp luật nước ta hiện nay, có thể thấy chức năng hành pháp được thể hiện ở các phương diện sau: Hoạch định chính sách vĩ mô, đề xuất đường hướng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; ban hành chính sách, pháp luật theo thẩm quyền hoặc được ủy quyền lập pháp; tổ chức đưa pháp luật vào thực tiễn cuộc sống; kiểm tra, thanh tra việc thực hiện pháp luật; áp dụng pháp luật trong những trường hợp cần thiết.
Các phương diện trên được thể hiện ở nội dung của các bản Hiến pháp Việt Nam năm 1959, 1980 và 1992. Đặc biệt, trong Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001), quyền hành pháp thể hiện tại Chương VII - Chính phủ: “Chính phủ thống nhất quản lý việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của Nhà nước; bảo đảm hiệu lực của bộ máy nhà nước từ Trung ương đến cơ sở, bảo đảm việc tôn trọng và chấp hành Hiến pháp và pháp luật; phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo đảm ổn định và nâng cao đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân” (Điều 109); toàn bộ quyền hạn, nhiệm vụ tại Điều 112; nhiệm vụ, quyền hạn của người đứng đầu Chính phủ - Thủ tướng (Điều 114).
Chủ thể thực hiện quyền hành pháp
Ngay từ Hiến pháp năm 1946, cơ quan thực hiện chức năng hành pháp được khẳng định tại Điều 43 là Chính phủ (gồm có Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước và Nội các. Nội các có Thủ tướng, các bộ trưởng, thứ trưởng); đến Hiến pháp năm 1959, chức năng hành pháp của Chính phủ được thể hiện là cơ quan chấp hành của cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất và là cơ quan hành chính cao nhất của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Theo đó, chế định Chủ tịch nước được tách ra khỏi thành phần của Chính phủ. Quyền hạn của Hội đồng Chính phủ dành cho hành pháp (Chính phủ) chứ không phân định cho Chủ tịch nước với tư cách là người đứng đầu Chính phủ và quyền hành pháp như quy định trong Hiến pháp năm 1946. Trong Hiến pháp năm 1980, chế định “Hội đồng Bộ trưởng” (đề cao vai trò của tập thể Chính phủ) được ghi nhận thay cho “Hội đồng Chính phủ” (vai trò của Thủ tướng và tập thể) trong tương quan đề cao và tập trung quyền lực vào Quốc hội. Chính phủ chỉ là cơ quan chấp hành và hành chính của Quốc hội. Trong Hiến pháp năm 1992, chế định Chính phủ được quy định kết hợp chế độ tập thể lãnh đạo với đề cao vai trò cá nhân người đứng đầu (Thủ tướng). Tuy nhiên, quy định này tại Điều 109 vẫn chưa phản ánh đầy đủ bản chất của quyền hành pháp, do đó Chính phủ vẫn chưa thực sự là cơ quan thực hiện chức năng hành pháp. Sự lệ thuộc và không năng động của Chính phủ do quy định này sẽ làm giảm khả năng thích ứng trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Và, xét về tính độc lập, trong Hiến pháp năm 1992, chế định về Chính phủ vẫn còn ảnh hưởng bởi cơ chế kế hoạch hóa tập trung quan liêu, vẫn là sự lệ thuộc của quyền hành pháp so với lập pháp. Các biểu hiện của chế định này là:
- Khẳng định Chính phủ là cơ quan chấp hành của Quốc hội, cơ quan hành chính nhà nước cao nhất (Điều 109). Quy định này đề cao vai trò hành chính - chính trị của Chính phủ với tư cách là một tập thể do Quốc hội bầu và phê chuẩn, chịu trách nhiệm trước Quốc hội. Với tư cách là tập thể hành pháp, Chính phủ có nhiệm vụ, quyền hạn bao quát tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội (Điều 112). Tuy nhiên, các nhiệm vụ, quyền hành này chỉ dừng lại ở phương diện “hành chính”, điều hành cụ thể các lĩnh vực mang tính vi mô như đã phân tích ở trên.
- Khẳng định Chính phủ bao gồm Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, các Bộ trưởng và các thành viên khác (Điều 110). Đây là một tập thể, nhưng được cấu thành bởi các thành viên do Quốc hội phê chuẩn, Chủ tịch nước bổ nhiệm (trừ chức danh Thủ tướng do Quốc hội bầu). Như vậy, chủ thể của quyền hành pháp là sự kết hợp giữa thẩm quyền tập thể của Chính phủ với từng thành viên Chính phủ. Khác với các cơ quan thực hiện chức năng lập pháp và tư pháp, Chính phủ làm việc theo chế độ kết hợp trách nhiệm tập thể với trách nhiệm cá nhân người đứng đầu và các thành viên. Chủ thể quyền hành pháp được quy định đến từng thành viên là Phó Thủ tướng (Điều 110), các bộ trưởng (Điều 116).
Chính phủ là chủ thể chính chi phối toàn bộ hoạt động chấp hành và điều hành của quản lý nhà nước. Không phải ngẫu nhiên mà người ta khẳng định: hành pháp mạnh tức là chính phủ mạnh. Trong mọi lĩnh vực, vai trò của chính phủ luôn là “lực lượng xuyên suốt, thống lĩnh và quyết định hiệu lực, hiệu quả của một nền hành chính trong nhà nước pháp quyền”(1). Do đó, không thể nói Chính phủ là cơ quan hành chính đơn thuần như quy định trong Hiến pháp năm 1992. Đây là chủ thể chính thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quản lý nhà nước, chi phối hoạt động của Nhà nước trên tất cả các lĩnh vực thuộc quyền hành pháp. Bên cạnh hành pháp tập thể (thẩm quyền tập thể của Chính phủ), các bộ trưởng là thành viên Chính phủ nhân danh chính khách trong từng lĩnh vực quản lý, không chỉ thực hiện quyền hành pháp thông qua tập thể Chính phủ mà còn thông qua hoạch định chính sách vĩ mô, ban hành pháp luật thông qua thẩm quyền cá nhân trên các lĩnh vực quản lý nhà nước được quy định trong Hiến pháp và các đạo luật. Mặt khác, quyền hành pháp không chỉ giới hạn ở tập thể Chính phủ và các thành viên Chính phủ, trên thực tế, quyền hành pháp còn được ủy quyền, phân cấp cho chính quyền địa phương với tinh thần “Thực hiện phân cấp hợp lý cho chính quyền địa phương đi đôi với tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát của Trung ương”(2). Đây là biểu hiện sự sáng tạo, đa dạng của quyền hành pháp trong điều kiện Việt Nam đang xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
Như vậy, ở nước ta, có thể khẳng định, quyền hành pháp được thực hiện thống nhất, tập trung ở Chính phủ và có sự phân công, phân cấp hợp lý giữa Trung ương và chính quyền địa phương.
Vai trò của Chính phủ trong thực hiện quyền lực nhà nước
Có nhiều cách tiếp cận để khẳng định vai trò của Chính phủ trong bộ máy nhà nước, nhưng cách tiếp cận phổ biến là ghi nhận vai trò, vị trí của định chế này trong Hiến pháp.
Chính phủ là cơ quan do nhân dân gián tiếp bầu ra, thông qua Quốc hội. Đây là cơ quan thực hiện quyền hành pháp và là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất. Các điều 84, 103 của Hiến pháp năm 1992 quy định, Quốc hội bầu Thủ tướng Chính phủ theo đề nghị của Chủ tịch nước, phê chuẩn các thành viên Chính phủ do Thủ tướng Chính phủ giới thiệu và các thành viên này được Chủ tịch nước ký quyết định bổ nhiệm.
Thứ nhất, quan hệ của Chính phủ với Quốc hội. Mặc dù Chính phủ, về nguyên tắc do Quốc hội thành lập, nhưng quyền lực thực tế là “hành pháp” tương đối độc lập trong mối quan hệ với lập pháp.
Trong mối quan hệ với Quốc hội, thẩm quyền của Chính phủ được thể hiện ở các phương diện: là cơ quan chấp hành của Quốc hội và là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất.
Với tư cách là cơ quan do Quốc hội thành lập, Chính phủ có 11 nhiệm vụ, quyền hạn trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội; an ninh, quốc phòng, đối ngoại... Các nhiệm vụ này được phản ánh thông qua việc trình các dự án, báo cáo đến Quốc hội xem xét và phê chuẩn hoặc thực hiện theo thẩm quyền được giao thông qua việc ủy quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật; đồng thời, trình bày phương hướng phát triển đất nước hằng năm, 5 năm. Đặc biệt, trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền, việc định hướng chính sách, đệ trình kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các dự án luật, pháp lệnh đến Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội là một hoạt động có ý nghĩa hết sức quan trọng. Bởi lẽ, nếu Quốc hội là cơ quan phê chuẩn chính sách thì Chính phủ là cơ quan hoạch định, đệ trình chính sách. Sau khi chính sách, luật, pháp lệnh được Quốc hội phê chuẩn, Chính phủ lại triển khai các hoạt động điều hành để đưa luật, pháp lệnh vào cuộc sống. Chu trình tất yếu này nâng vị trí pháp lý của Chính phủ lên đúng nghĩa là cơ quan thực hiện quyền hành pháp.
Với tư cách là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất, Chính phủ chỉ đạo xuyên suốt toàn bộ nền hành chính từ cung cấp ngân sách, tài chính, thực hiện mục tiêu tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định chính sách tài chính - tiền tệ và các lĩnh vực kinh tế cụ thể đến quản lý thống nhất nền công vụ và đội ngũ công chức, viên chức, tổ chức lao động xã hội, phân công, phân cấp giữa Trung ương và địa phương...
Tuy nhiên, việc Hiến pháp năm 1992 quy định Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất là chưa phản ánh đúng, đầy đủ chức năng, vị trí của Chính phủ trong cơ chế thực hiện quyền lực nhà nước. Khái niệm hành chính chỉ là các hoạt động điều hành mang tính tác nghiệp, kỹ thuật, mệnh lệnh quyền uy của quản lý nhà nước. Trong khi đó, hành pháp là hoạt động khởi xướng, hoạch định chính sách, tổ chức thực thi pháp luật và điều hành chính sách mang tính chủ động, sáng tạo ở tầm vĩ mô. Hiến pháp năm 1992 mới chỉ đề cập đến vị trí của Chính phủ “là cơ quan hành chính cao nhất”, dẫn đến hệ quả là, trên thực tế, hoạt động của Chính phủ nặng về chỉ đạo, thừa hành cụ thể mà chưa tập trung đúng mức cho hoạt động khởi xướng, hoạch định chính sách, chiến lược phát triển quốc gia cũng như việc soạn thảo, trình các dự án luật, tạo khuôn khổ pháp lý cho hoạt động phát triển đất nước(3). Đây chính là một trong những nội dung cần quan tâm khi sửa đổi Hiến pháp năm 1992 về nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ cũng như mối quan hệ giữa Chính phủ và Quốc hội.
Thứ hai, mối quan hệ của Chính phủ với chế định Chủ tịch nước.
Ở nước ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, công tác cán bộ là công tác của Đảng. Đảng lựa chọn, phân công những đảng viên ưu tú giữ các chức vụ trong bộ máy nhà nước. Sự lãnh đạo, phân công của Đảng cũng xuyên suốt trong quá trình xây dựng, tổ chức bộ máy nhà nước. Về mặt chính thể, Hiến pháp năm 1992 quy định: “Chủ tịch nước là người đứng đầu Nhà nước, thay mặt nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về đối nội và đối ngoại” (Điều 101). Tương tự, các Hiến pháp năm 1959, 1980 cũng đã thể hiện định chế này. Hiến pháp năm 1946 chỉ quy định Chủ tịch nước là thành viên Chính phủ (Điều thứ 44), chứ không phải là người đứng đầu Chính phủ (mặc dù quyền hạn rất lớn). Trên thực tế, Chủ tịch nước là người đứng đầu Nhà nước trong quan hệ đối nội, đối ngoại (hành pháp tượng trưng), còn Chính phủ, bao gồm tập thể Chính phủ và Thủ tướng (hành pháp thực quyền) được thể hiện thông qua trách nhiệm chính trị và thẩm quyền pháp lý như đã trình bày ở trên.
Trong quá trình góp ý cho Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, có ý kiến cho rằng, cần xem lại địa vị pháp lý của Chủ tịch nước theo hướng khẳng định Chủ tịch nước là “Người đứng đầu hành pháp”; phân công lại các lĩnh vực công tác, chuyển một số bộ, như Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng... sang Chủ tịch nước quản lý, điều hành?(4). Tuy nhiên, ý kiến này chưa xác đáng, không phù hợp với tình hình và đặc điểm cụ thể của Việt Nam: một là, như đã phân tích, quyền hành pháp chỉ thuộc về Chính phủ; hai là, nếu hiểu Chủ tịch nước là người đứng đầu Nhà nước (bao gồm lập pháp, hành pháp và tư pháp) thì không chỉ thẩm quyền và phạm vi quản lý của Chính phủ phải “chuyển sang” cho Chủ tịch nước mà cả thẩm quyền, phạm vi hoạt động lập pháp, tư pháp cũng phải thuộc thẩm quyền của Chủ tịch nước. Điều này là không thể và đi ngược lại với lý thuyết pháp quyền xã hội chủ nghĩa; ba là, nước ta là nước xã hội chủ nghĩa, quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công và kiểm soát giữa 3 loại quyền, thì trước hết, quyền lực phải được phân công hợp lý và mang tính thống nhất cao; sau đó, cần có sự kiểm soát quyền lực thì Chủ tịch nước chính là người “nhạc trưởng” trong kiểm soát quyền lực nhà nước. Do đó, để tăng cường quyền hạn của Chủ tịch nước, nên chăng, Hiến pháp sửa đổi lần này cần quy định rõ hơn vai trò của Chủ tịch nước trong cơ cấu kiểm soát quyền lực và đề cao vai trò người đứng đầu Nhà nước trong quan hệ đối nội, đối ngoại của đất nước; bốn là, Chủ tịch nước phải là “cầu nối” trong kiểm soát quyền lực giữa hành pháp, lập pháp và tư pháp theo hướng những đề xuất của Chính phủ đối với Quốc hội mà chưa được chấp nhận thì với thẩm quyền của mình, Chủ tịch nước có thể đình chỉ, yêu cầu xem xét lại hoặc không ký ban hành các đạo luật, pháp luật.
Thứ ba, mối quan hệ của Chính phủ với các cơ quan tư pháp.
Hiện nay, còn nhiều quan điểm khác nhau về khái niệm tư pháp (tư pháp là cơ quan xét xử; tư pháp bao gồm kiểm sát và tòa án; tư pháp là cơ quan điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án (Điều 292 Bộ luật Hình sự năm 1999); tư pháp là tất cả các hoạt động trên và bổ sung công chứng, giám định (Nghị quyết số 49 - NQ/TW, ngày 2-6-2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020). Cho dù dưới góc nhìn nào thì hoạt động tư pháp cũng gắn liền với hành pháp và có ảnh hưởng, tương tác lẫn nhau, tạo cơ sở, tiền đề cho sự phát triển của hai nhánh quyền lực này.
Theo Hiến pháp năm 1992, tư pháp bao gồm tòa án nhân dân và viện kiểm sát nhân dân (Chương X). Tuy nhiên, hoạt động tư pháp, như đã phân tích ở trên, còn bao gồm cả cơ quan điều tra (Bộ Công an), cơ quan thi hành án (Bộ Công an và Bộ Tư pháp).
Là cơ quan thực hiện quyền hành pháp, Chính phủ nắm toàn bộ các hoạt động quản lý nhà nước. Trước đây, Chính phủ quản lý cả tòa án địa phương. Điều này cho thấy, vai trò, vị trí của Chính phủ trong bộ máy nhà nước nói chung và đối với các cơ quan thực hiện quyền tư pháp nói riêng là hết sức quan trọng.
Trong hệ thống văn bản pháp luật trước đây và hiện hành, với tư cách là “hành pháp”, Chính phủ có thẩm quyền rất lớn đối với hoạt động tư pháp, ngoài điều tra, truy tố, thi hành án, quản lý tòa án địa phương..., Chính phủ còn có quyền đề nghị tòa án xem xét lại các quyết định, bản án (án hành chính) có hiệu lực pháp luật và thông báo lại cho cơ quan hành pháp (Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính năm 1996). Mặt khác, các văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan thực hiện quyền hành pháp còn là cơ sở pháp lý cho tòa án xem xét, luận tội các hành vi vi phạm pháp luật và tranh chấp pháp lý ở các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội.
Thứ tư, mối quan hệ của Chính phủ với chính quyền địa phương. Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất, chỉ đạo, quản lý thống nhất nền hành chính quốc gia. Lý luận và thực tiễn đã chỉ ra rằng, nước ta là một quốc gia được cấu trúc theo hình thức nhà nước đơn nhất, toàn bộ quyền hành pháp thuộc về Chính phủ. Chính phủ quyết định các chính sách vĩ mô, chi phối hoạt động hành chính ở địa phương và phát huy vai trò sáng tạo, chủ động của địa phương thông qua việc phân công, phân cấp cho địa phương trên các lĩnh vực, như ngân sách; đầu tư các dự án, quản lý hành chính trên các lĩnh vực thuế, phí, lệ phí, giáo dục, y tế, công chức, viên chức... và chỉ đạo việc tổ chức lại chính quyền cấp huyện, xã. Do đó, có thể nói, chính quyền địa phương là “cánh tay nối dài của hành pháp” nhằm thực hiện có hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước của Chính phủ trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam.
Xác định chính xác và sát thực hơn vai trò của Chính phủ trong thực hiện quyền lực nhà nước
Nền hành pháp là một chỉnh thể thống nhất các hoạt động quản lý nhà nước từ Trung ương đến cơ sở. Do đó, cần nhận thức rõ vị trí, vai trò của Chính phủ trong quá trình sửa đổi Hiến pháp và các đạo luật trên các phương diện:
a- Khẳng định quyền hành pháp trong cơ cấu quyền lực nhà nước với tư cách “Chính phủ là cơ quan thực hiện quyền hành pháp, cơ quan hành chính nhà nước cao nhất” trong mối quan hệ với Quốc hội, tòa án nhân dân, viện kiểm sát nhân dân và chính quyền địa phương. Chính phủ phải có vị trí độc lập tương đối trong bộ máy nhà nước;
b- Trong quyền hành pháp, cần làm rõ nhiệm vụ định hướng hoạch định chính sách vĩ mô và đệ trình các đạo luật, pháp lệnh đến Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo tinh thần Chính phủ chủ động đưa ra các ý tưởng có sức thuyết phục để Quốc hội phê chuẩn và tạo điều kiện để Chính phủ thiết lập cơ chế, phương tiện, tập trung nguồn lực thực hiện các ý tưởng đó;
c- Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất, do đó, cần quy định Chính phủ quản lý thống nhất theo các nguyên tắc tập trung dân chủ; quản lý ngành kết hợp với lĩnh vực, chú ý đến việc tập trung quyền quản lý hành chính từ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và phân công, phân cấp các lĩnh vực thật hợp lý cho các bộ, ngành, địa phương trên cơ sở phát huy tính chủ động, sáng tạo của địa phương theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, đồng thời tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra tạo ra cơ chế trách nhiệm công vụ thực sự hiệu lực, hiệu quả trong hệ thống hành chính nhà nước.
d- Tăng cường sự “kiểm soát” của Chính phủ đối với các cơ quan trong bộ máy nhà nước theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XI của Đảng là “Quyền lực nhà nước là thống nhất; có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”(5). Chúng ta có giám sát của Quốc hội đối với các cơ quan nhà nước, giám sát của các cơ quan tư pháp thông qua xét xử, kiểm sát. Vai trò kiểm soát của Chính phủ cần thể hiện ở những nội dung, như đệ trình các dự án, chính sách đến Quốc hội và có cơ chế bảo đảm quan điểm của mình thông qua các dự án, chính sách đó; xây dựng cơ chế, quy định, theo đó Chính phủ có quyền đề nghị Chủ tịch nước xem xét lại các văn bản pháp luật, dự án, chính sách được Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua khác với phương án đệ trình của Chính phủ; Thủ tướng có thẩm quyền đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp bất thường về những vấn đề cấp bách mà Chính phủ cần triển khai gấp; chuyển việc quản lý tòa án địa phương về Chính phủ (như trước đây đã làm) để bảo đảm nguyên tắc xét xử của tòa án là “độc lập, chỉ tuân theo pháp luật”; nghiên cứu chuyển viện kiểm sát thành viện công tố (thuộc hành pháp) như Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị đã chỉ ra.
đ- Đối với người đứng đầu hành pháp cần khẳng định, Thủ tướng Chính phủ là người định hướng, điều hành hoạt động của Chính phủ; lãnh đạo hệ thống hành chính nhà nước từ Trung ương đến địa phương, bảo đảm tính thống nhất và thông suốt của nền hành chính quốc gia.
Đồng thời, tăng cường vai trò, vị trí của các bộ trưởng nhằm đề cao trách nhiệm tập thể cũng như trách nhiệm cá nhân của từng bộ trưởng trong quản lý ngành, lĩnh vực do mình phụ trách.
e- Tiếp tục đổi mới tổ chức, hoạt động của Chính phủ theo hướng xây dựng nền hành chính thống nhất, thông suốt, trong sạch, vững mạnh, tổ chức tinh gọn, hợp lý; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách chế độ công vụ, công chức phù hợp với yêu cầu của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế sâu rộng trong giai đoạn hiện nay./.
------------------------------------------
(1) Xã hội dân sự ở châu Âu, Nxb. Pháp lý phổ thông, Hà Nội, 1998, tr. 125
(2) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 53
(3) Xem: Trần Anh Tuấn: “Một số ý kiến về hoàn thiện chế định Chính phủ trong sửa đổi Hiến pháp 1992”. Kỷ yếu Hội thảo về chế định Chính phủ và chính quyền địa phương trong Hiến pháp, Hà Nội, ngày 8-3-2013
(4) Xem: Hiến pháp - Những vấn đề lý luận và thực tiễn, Đại học Quốc gia Hà Nội, năm 2011, tr. 108
(5) Văn kiện Đại hội XI đã dẫn, tr. 85
Thực hiện tốt Pháp lệnh dân số là thiết thực góp phần phát triển bền vững đất nước  (25/09/2013)
Quảng Ngãi khởi công xây cột cờ hướng ra Hoàng Sa  (25/09/2013)
Tặng bằng khen 100 nữ cán bộ công đoàn tiêu biểu  (25/09/2013)
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp các lãnh đạo Pháp  (25/09/2013)
Tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm ước đạt 5,14%  (25/09/2013)
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Kinh tế di sản trong bối cảnh hội nhập quốc tế của Việt Nam hiện nay
- Giải quyết mối quan hệ giữa bảo tồn và phát huy giá trị kinh tế di sản từ góc nhìn quản trị vùng và địa phương
- Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về thúc đẩy động lực tăng trưởng mới - góc nhìn từ thực tiễn phát triển kinh tế di sản của tỉnh Quảng Ninh
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay