Hà Nội: Giải pháp toàn diện chăm sóc người già

Tin: Hồng Ngọc Ảnh: Minh Huệ
21:49, ngày 16-09-2018
TCCSĐT - Theo kết quả điều tra sơ bộ của Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Hà Nội tại 30 quận, huyện, thị xã năm 2016, thành phố Hà Nội có gần 960 nghìn người từ 60 tuổi trở lên (chiếm 12,7% dân số), trong đó số người từ 80 tuổi trở lên khoảng 180 nghìn cụ. Tuổi thọ ngày càng tăng nhưng kèm theo đó, gánh nặng bệnh tật lại đè nặng lên người cao tuổi.

Để nâng cao chất lượng cuộc sống cho người cao tuổi, thành phố Hà Nội đang triển khai đề án “Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi trên địa bàn thành phố giai đoạn 2017-2025”. Đề án nhằm mục tiêu nâng cao nhận thức và tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, đáp ứng ngày càng đầy đủ nhu cầu chăm sóc sức khỏe dài hạn của người cao tuổi tại gia đình, cộng đồng và trong cơ sở chăm sóc sức khỏe tập trung, cơ sở bảo trợ xã hội.

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết, nhu cầu chăm sóc sức khỏe người cao tuổi ở Hà Nội hiện nay vẫn chưa được đáp ứng đầy đủ, rất ít bệnh viện tuyến thành phố có khoa lão. Trong cộng đồng có một số mô hình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi nhưng còn manh mún, vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu. Thu nhập của người cao tuổi còn thấp, tỷ lệ người cao tuổi cần trợ giúp trong các sinh hoạt hàng ngày cao.

Việc xây dựng và triển khai đề án “Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi trên địa bàn thành phố giai đoạn 2017-2025” là hết sức cần thiết nhằm đa dạng các dịch vụ chăm sóc người cao tuổi đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng. Với hai giai đoạn triển khai, trong đó giai đoạn I (2017-2020) và giai đoạn II (2021-2025), thành phố sẽ tập trung vào việc xây dựng bệnh viện lão khoa, mở khoa lão tại các bệnh viện, đào tạo các bác sĩ chuyên về lão khoa. Cùng với đó thành phố xây dựng thí điểm các mô hình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại cộng đồng.

Để thực hiện đề án, hiện, thành phố đã ra kế hoạch thành lập Bệnh viện Lão khoa thành phố Hà Nội trên cơ sở điều chỉnh chức năng và phát triển từ Bệnh viện Đống Đa hiện nay. Với các bệnh viện của thành phố và khu vực gồm Thanh Nhàn, Xanh Pôn, Hà Đông, Bắc Thăng Long, Vân Đình, Sơn Tây…, thành phố yêu cầu phải thành lập một khoa Lão khoa ở mỗi bệnh viện để chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Tất cả các bệnh viện tuyến huyện còn lại của thành phố sẽ phải dành một tỷ trọng nhất định số giường bệnh để điều trị riêng cho người cao tuổi.

Trong khuôn khổ đề án, Hà Nội còn xây dựng ít nhất 1 trung tâm dịch vụ chăm sóc sức khỏe người cao tuổi thành phố Hà Nội theo hình thức xã hội hóa; triển khai mô hình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại Trung tâm Tư vấn dịch vụ Dân số - Kế hoạch hóa gia đình thành phố; phát triển mô hình Trung tâm chăm sóc sức khỏe người cao tuổi ban ngày tại các quận, huyện, thị xã (theo hình thức xã hội hóa), ít nhất mỗi quận, huyện, thị xã có 1 trung tâm.

Bên cạnh đó đáp ứng ngày càng đầy đủ nhu cầu chăm sóc sức khỏe dài hạn của người cao tuổi tại gia đình, cộng đồng và trong cơ sở chăm sóc sức khỏe tập trung.

Đảm bảo 100% xã, phường, thị trấn triển khai các hoạt động hỗ trợ người cao tuổi được chăm sóc sức khỏe, tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao và nâng cao sức khỏe tinh thần tại cộng đồng…

Thành phố Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2025 có ít nhất 95% số người cao tuổi khi bị bệnh được tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Ngoài ra, thành phố có 85% số người cao tuổi được khám sức khỏe thông thường định kỳ ít nhất một lần trở lên/năm; được tầm soát ung thư đại trực tràng và một số loại ung thư thường gặp ở người cao tuổi, được lập hồ sơ quản lý sức khỏe tại trạm y tế tuyến xã. Mục tiêu chung được đề ra là đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu chăm sóc sức khỏe dài hạn của người cao tuổi.

Làm thế nào để có thể thích ứng với già hóa dân số, nhất là trong lĩnh vực đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe người cao tuổi ngày càng cao như hiện nay đang được thành phố Hà Nội đặc biệt quan tâm và có giải pháp toàn diện để tập trung thực hiện trong những năm tới. Theo ông Tạ Quang Huy, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Hà Nội, đây là những việc cần làm ngay, làm sớm chứ không thể chủ quan, cho rằng đó là “việc của ngày mai”. Tuy nhiên để đề án chăm sóc sức khỏe người cao tuổi phát huy được hiệu quả, các giải pháp cần được tính toán triển khai phù hợp để mọi đối tượng người cao tuổi đều có thể tiếp cận, thụ hưởng nâng cao sức khỏe và tinh thần, kéo dài tuổi thọ./.