WEF ASEAN 2018: Thành công của Việt Nam

BTV/TTXVN
22:26, ngày 15-09-2018

TCCSĐT - Từ ngày 11 đến 13-9-2018, Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN năm 2018 (WEF ASEAN 2018) với chủ đề “ASEAN 4.0: Tinh thần doanh nghiệp và Cách mạng công nghiệp lần thứ 4” đã được tổ chức tại Hà Nội và được đánh giá là hội nghị khu vực thành công nhất.

WEF ASEAN 2018 quy tụ 9 nguyên thủ của các quốc gia ASEAN, lãnh đạo cấp cao của các nước đối tác và khoảng 1.000 đại diện các tập đoàn đa quốc gia, các doanh nghiệp ASEAN và quốc tế, cùng với khoảng 800 doanh nghiệp trong nước tham dự, với 60 phiên họp.

Lần đầu tiên trong lịch sử WEF, lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đã đến tham dự phiên khai mạc, cùng với các vị lãnh đạo của Việt Nam. Thành viên của Chính phủ, bao gồm Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, 7 bộ trưởng, đã tham gia rất tích cực vào các phiên thảo luận khác nhau, đóng góp, chia sẻ kinh nghiệm của Việt Nam, học hỏi kinh nghiệm của các nước.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và GS. Klaus Schwab - người sáng lập và là Chủ tịch điều hành WEF đồng chủ trì Hội nghị WEF ASEAN 2018.

Hội nghị tập trung thảo luận, đề xuất ý tưởng, định hướng, chính sách khơi dậy tiềm năng, sức sáng tạo và sự năng động của doanh nghiệp và người dân, hướng tới xây dựng Cộng đồng ASEAN vì người dân, năng động, vững mạnh, thịnh vượng.

Khơi dậy tiềm năng, sức sáng tạo và sự năng động của doanh nghiệp và người dân

Chủ tịch WEF - Klaus Schwab nhấn mạnh, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 sẽ thay đổi mô hình kinh doanh, tính kinh tế, xã hội một cách cơ bản và mang tính đột phá. Sự cạnh tranh toàn cầu được xác định bởi năng lực cạnh tranh chứ không còn bởi giá thành. Để có thể định hướng thành công trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đòi hỏi chính phủ các nước ASEAN cần tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty khởi nghiệp cũng như các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Sự cộng tác giữa chính phủ và doanh nghiệp là rất quan trọng. Ông Klaus Schwab tin tưởng, các quốc gia ASEAN với tầm nhìn phù hợp, với chính sách tối ưu, dân số trẻ và tinh thần kinh doanh cao sẽ là những người đi đầu trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phân tích những cơ hội mà cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại cho các nước ASEAN. Đó là sự đột phá về năng suất trên 5 ngành công nghiệp lớn: điện tử, hóa chất và dầu khí, hàng tiêu dùng, thực phẩm và dược phẩm; tạo ra kết nối và chia sẻ các giá trị và sự sáng tạo mới…. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ rõ những thách thức mà ASEAN phải đối mặt như: nguy cơ mất việc làm khi áp dụng tự động hóa, sự gia tăng khoảng cách thu nhập…

Trước những cơ hội và thách thức, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề xuất các nước ASEAN cần đặt ra những ưu tiên bao gồm: Một là, kết nối số, chia sẻ dữ liệu; hai là, hài hòa môi trường kinh doanh, các hạ tầng kết nối về tài chính, ngân hàng, thị trường, truyền thông, logistics… cần phải hoạt động ở quy mô khu vực; ba là, thúc đẩy hình thành và kết nối các vườn ươm sáng tạo; bốn là, tìm kiếm phát huy tài năng; năm là, hình thành mạng lưới giáo dục ASEAN và hệ thống học tập suốt đời.

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch ASEAN 2018, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long nhận định, các quốc gia thành viên ASEAN đang ở một vị trí tốt để tận dụng những cơ hội mới mà cách mạng công nghiệp 4.0 có thể mang lại. ASEAN sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ tư trên thế giới vào năm 2020, chỉ sau Hoa Kỳ, Trung Quốc và Liên minh châu Âu.

Để bảo đảm toàn bộ khu vực có khả năng phát triển và tăng trưởng, Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith cho rằng, ASEAN cần duy trì tính trung tâm, thống nhất của mình và trao quyền nhiều hơn nữa cho doanh nghiệp. Cần có những cơ chế phù hợp để các doanh nghiệp có khả năng tự thích ứng trong điều kiện cạnh tranh mới.

Theo Thủ tướng Campuchia Samdech Hun Sen, ASEAN cần tiếp tục cải tiến cơ sở hạ tầng, gia tăng kết nối với các khu vực, cần có sự chuẩn bị để ứng phó tốt hơn với các nguy cơ. Đặc biệt, cần tập trung vào giáo dục và đào tạo kỹ năng để giải quyết các tổn thất công việc và bất bình đẳng về kinh tế và xã hội...

Bàn luận về những vấn đề “nóng”

Tại Hội nghị WEF ASEAN 2018, nhiều nội dung thiết thực đã được trao đổi, bàn luận sâu sắc:

Thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là việc tạo ra, ứng dụng công nghệ - kỹ thuật, vào sản xuất, quản lý nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, giái trị gia tăng của sản phẩm, hàng hóa.

WEF ASEAN là nơi khởi nguồn của nhiều ý tưởng mới và sáng tạo mang tầm chiến lược toàn cầu. Hội nghị WEF ASEAN 2018 đã đưa ra nhiều ý tưởng về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; bao gồm khuyến nghị về các hướng trang bị cho người dân, nhất là thế hệ trẻ về các kỹ năng, đặc biệt là kỹ năng số để làm chủ công nghệ mới và đáp ứng các yêu cầu của việc làm mới.

Tại phiên bế mạc Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh, chính phủ và doanh nghiệp các nước ASEAN cần tiếp tục phát huy nội lực, tạo môi trường thuận lợi cho sáng tạo, cho cái mới nảy nở và lan tỏa; tạo nên động lực tăng trưởng mới cho phát triển thịnh vượng trong thế giới đang chuyển động nhanh bởi công nghệ mới. Chính phủ Việt Nam luôn sẵn sàng và đang “kiến tạo” môi trường thuận lợi cho phát triển. Cùng với đó, khuyến khích mạnh mẽ doanh nghiệp, người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ phát huy năng lực sáng tạo, tinh thần khởi nghiệp, đóng góp vào sự phát triển năng động của quốc gia.

Việc làm ASEAN trong thời 4.0. Theo Báo cáo nghiên cứu “Công nghệ và Tương lai việc làm ASEAN”, ASEAN có 630 triệu dân; 90% trong số này có tiếp cận với internet. Đến năm 2020 - 2022, khu vực này sẽ có những đổi mới, sáng tạo, đột phá về công nghệ dựa trên trí tuệ nhân tạo, từ đó sẽ có những việc làm mới được tạo ra. Mặt khác, những công nghệ dựa trên trí tuệ nhân tạo cũng sẽ khiến kỹ năng lao động phổ thông trở nên dư thừa trong tương lai. Lĩnh vực dễ bị tổn thương nhất là ngành dịch vụ, nông nghiệp. Trong số 28 triệu việc làm bị ảnh hưởng trong vòng 10 năm tới, có 6,6 triệu việc làm cần được đào tạo thêm các kỹ năng mới, đáp ứng được thị trường lao động phát triển không ngừng.

Tại phiên thảo luận về vấn đề này, các đại biểu cho rằng, các quốc gia cần có chương trình giáo dục phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân đào tạo lại kỹ năng. Các bên liên quan gồm: doanh nghiệp, chính phủ và cơ sở giáo dục cần hợp tác nhằm đảm bảo nâng cao kỹ năng của lực lượng lao động hiện tại và tương lai.

Cơ hội, thách thức cũng như hướng đi mới của hệ thống y tế ASEAN. Số liệu đưa ra tại phiên thảo luận Y tế ASEAN cho thấy, trong thời gian tới, khu vực này sẽ chịu nhiều thách thức liên quan đến vấn đề y tế như: hệ thống dân số già hóa, chi phí chăm sóc y tế tăng cao trong khi hệ thống chăm sóc sức khỏe quá tải…

Tuy nhiên, với sự phát triển của khoa học - công nghệ, đặc biệt là sự chung tay tham gia của các nền kinh tế sẽ góp phần tạo nên nhiều đột phá, sáng tạo trong lĩnh vực này. Sự phát triển như vũ bão của khoa học dược, công nghệ tế bào gốc... sẽ giúp thay đổi cơ bản chi phí mua thuốc, tạo thuận lợi cho bệnh nhân; việc hình thành dữ liệu điện tử đối với hệ thống chăm sóc sức khỏe sẽ giúp nắm rõ hơn các biện pháp can thiệp đối với bệnh nhân, hiệu quả điều trị... Thêm vào đó, với trí tuệ nhân tạo, bác sỹ sẽ được hỗ trợ quá trình giám sát từ xa, giúp cho công tác chăm sóc người bệnh không chỉ ở trong bệnh viện, mà còn ngay tại nhà; từ đó cải thiện hiệu quả can thiệp, nâng cao chất lượng chăm sóc.

Hướng tới an toàn giao thông đường bộ. Thảo luận về vấn đề này, các đại biểu đã thống nhất cho rằng, vấn đề gây khó khăn trong bảo đảm an toàn giao thông đường bộ đó là sự đa dạng của các phương tiện tham gia giao thông. Tuy nhiên, vấn đề nổi cộm nhất đó là yếu tố con người, hành vi của những người tham gia giao thông, người lái xe.

Ông Sun Chanthol, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Campuchia, Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia chia sẻ, trong ASEAN, thiệt hại gây ra bởi tai nạn đường bộ là 3% GDP. Điều này là gánh nặng cho kinh tế các nước ASEAN. Do đó, các quốc gia ASEAN cần phải hành động cùng nhau và cần một chương trình hành động để giảm đi một nửa các tai nạn đường bộ vào năm 2020. Trong đó, biện pháp giáo dục, nâng cao nhận thức của người dân là hết sức quan trọng; cùng với đó, việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát và có chế tài phù hợp cũng là yếu tố rất cần thiết.

Một số đại biểu cũng cho rằng, trong cuộc cách mạng công nghệ và cách mạng về áp dụng công nghệ cho xe hơi, hành vi của người sử dụng cũng cần phải được đưa vào các nghiên cứu áp dụng công nghệ để tạo ra một mối quan hệ hài hòa giữa người sử dụng và phương tiện có áp dụng công nghệ cao. Bởi việc hợp pháp hóa sử dụng công nghệ trong xe không có nghĩa là người lái xe có quyền xao nhãng trong khi điều khiển.

Khai thác nguồn lực ngoại kiều của ASEAN. Trong thời đại 4.0, việc khai thác nguồn lực ngoại kiều trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, các đại biểu cũng cũng cho rằng chính phủ các nước cần có động thái tích cực hơn nữa để khuyến khích ngoại kiều đang mong muốn trở về nước. Những chính sách thuận lợi, môi trường làm việc và đầu tư tốt, hệ thống an sinh xã hội được bảo đảm, sẽ là những bước khởi đầu để thu hút ngoại kiều.

Đồng thời, việc quảng bá hình ảnh đất nước, về chính sách thuận lợi, điều kiện làm việc và đầu tư hay rộng hơn là hình ảnh một xã hội đa văn hóa, đa dân tộc hài hòa sẽ là chiến lược đúng đắn của Chính phủ để kêu gọi sự đóng góp của cộng đồng này...

Dấu ấn Việt Nam

Đánh giá về kết quả Hội nghị WEF ASEAN 2018, Chủ tịch WEF Klaus Schwab cho biết, đây là hội nghị thành công nhất trong 27 năm tổ chức Hội nghị của WEF về khu vực ASEAN và Đông Á. Hội nghị thành công nhất trên nhiều khía cạnh, từ nội dung đến công tác lễ tân, an ninh, y tế, hậu cần, thông tin…

Riêng về vấn đề thông tin, đã có 7.890 bài viết đưa tin về Hội nghị WEF ASEAN 2018 (Hội nghị WEF tổ chức năm 2017 chỉ có hơn 2.000 bài viết). Cùng với đó, 7 triệu lượt người đã tham gia tương tác trên mạng xã hội đối với WEF ASEAN 2018; khoảng 13 nghìn lượt bài viết, comment trên facebook; 90 nghìn lượt người xem trực tuyến tại các phiên thảo luận khác nhau về WEF ASEAN 2018.

Thành công của Hội nghị WEF ASEAN 2018 đã tạo nên dấu ấn quan trọng cho Việt Nam, khẳng định vai trò, uy tín và vị thế của Việt Nam trong ASEAN, khu vực và thế giới ngày càng được nâng cao; thể hiện sức hấp dẫn và niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư quốc tế về triển vọng phát triển của Việt Nam; đồng thời khẳng định thế và lực mới của Việt Nam sau hơn 30 năm Đổi mới; thể hiện sự chủ động và tầm vóc của Việt Nam trong hội nhập quốc tế./.